TGH Gioan Phaolô II: Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh – Bài 10

0
832

BÀI 10: LỄ NGŨ TUẦN NGÀY KHAI SINH HỘI THÁNH

Vào ngày lễ Ngũ Tuần, Thánh Thần ngự xuống trên các Tông đồ, và Hội Thánh được tỏ bày công khai cho thế giới như là cộng đồng của ơn cứu độ.

Đức thánh cha tiếp tục bài giáo lý về Hội Thánh vào buổi tiếp kiến chung thứ Tư, ngày 2 tháng Mười. Trong bài nói chuyện tuần này, Đức thánh cha nói rằng, biến cố Chúa Thánh Thần ngự xuống trong ngày lễ Ngũ Tuần khởi đầu “thời của Hội Thánh”, thời mà chúng ta đang sống đây. Dưới đây là bài nói chuyện của Đức thánh cha.

1. Trong các bài giáo lý trước đây, nhiều lần chúng ta đã đề cập đến sự can thiệp của Chúa Thánh Thần vào cội nguồn của Hội Thánh. Hôm nay, chúng ta dành một bài giáo lý đặc biệt cho chủ đề tuyệt vời và quan trọng này.

Chính Đức Giêsu, trước khi về trời, đã nói với các Tông đồ: “Phần Thầy, Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống” (Lc 24,29). Đức Giêsu muốn chuẩn bị trực tiếp cho các Tông đồ để thực hiện “điều Chúa Cha đã hứa”. Thánh sử Luca cũng lặp lại lời động viên này của Thầy Giêsu trong những câu đầu tiên của sách Công vụ Tông đồ: “Một hôm, đang khi dùng bữa với các Tông đồ, Đức Giêsu truyền cho các ông không được rời khỏi Giêrusalem, nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa” (Cv 1,4).

Trong mọi hoạt động thiên sai của mình, Đức Giêsu đã loan báo về Nước Thiên Chúa và chuẩn bị cho “thời của Hội Thánh” sẽ khởi đầu sau khi Người ra đi. Đến gần giờ ra đi, Người tuyên bố rằng, ngày đó đang gần kề và thời đó sắp bắt đầu (x. Cv 1,5), tức là, ngày Chúa Thánh Thần ngự xuống. Hướng về tương lai, Người nói thêm: “Nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ, anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).

2. Vào ngày lễ Ngũ Tuần, đang khi các Tông đồ đang tụ tập và cầu nguyện với Thân Mẫu của Chúa, họ đã thấy bằng chứng rằng, Đức Giêsu Kitô thực hiện điều Người đã tuyên bố: đó là, “điều Chúa Cha đã hứa” nay được thực hiện. Vị Tông đồ trưởng, Simon Phêrô, đã tuyên bố điều này khi nói chuyện với hội đồng (Do Thái). Hồi tưởng lại cái chết trên thâp tự, Phêrô đã nói, và ông làm chứng cho sự phục sinh và việc tuôn đổ Thánh Thần: “Chính Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng. Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người lên, trao cho Người Thánh Thần đã hứa, để Người đổ xuống” (Cv 2,32-33).

Từ ngày đầu, Phêrô đã khẳng định rằng, “điều Chúa Cha hứa” đã được thực hiện như là hoa trái của cuộc phục sinh, bởi vì nhờ vào thập giá và sự sống lại, Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng được nâng lên “ngự bên hữu Thiên Chúa, đã gửi Thần Khí đến như lời Người đã nói trước cuộc khổ nạn, trong bữa tiệc ly ở Phòng Trên.

3. Vì thế, Thánh Thần đã khởi đầu sứ vụ của Hội Thánh đã được thiết lập cho muôn dân. Nhưng, chúng ta không thể quên điều này, Chúa Thánh Thần hoạt động như một “Vị Thần Vô Danh” (x. Cv 17,23) ngay cả trước lễ Ngũ Tuần. Người đã hoạt động cách đặc biệt trong giao ước cũ, soi sáng và dẫn dắt dân được tuyển chọn trên hành trình từ lịch sử cổ đại đến thời Đấng Mêsia. Người đã hoạt động nơi các sứ điệp của các ngôn sứ, nơi các bản văn của các tác giả được linh hứng. Đặc biệt, Người hoạt động trong việc Nhập Thể, như đã đọc thấy trong Tin Mừng về biến cố truyền tin, và những biến cố tiếp theo liên quan đến việc Ngôi Lời Nhập Thể đảm nhận lấy bản tính nhân loại và đi vào thế giới. Chúa Thánh Thần hoạt động nơi Đấng Mêsia và ở bên Người từ khi Đức Giêsu bắt đầu thi hành sứ vụ thiên sai trong dân Israel, như đã thấy trong các đoạn văn Tin Mừng nói về cuộc thần hiện lúc Người lãnh phép rửa tại sông Giođan, và trong lời tuyên bố của Người tại hội đường Nadarét. Nhưng từ lúc đó và trong suốt cuộc đời của Đức Giêsu, niềm hy vọng dâng cao, và các lời hứa được tái lập cho tương lai khi Thánh Thần ngự đến. Gioan Tẩy Giả đã liên kết sứ vụ của Đấng Mêsia với phép rửa mới “trong Thánh Thần”. Đức Giêsu đã hứa ban “mạch nước hằng sống” cho những ai tin vào Người. Tin Mừng theo thánh Gioan đề cập đến lời hứa này và diễn tả như sau: “Đức Giêsu muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận. Thật thế, bấy giờ họ chưa nhận được Thần Khí, vì Đức Giêsu chưa được tôn vinh” (Ga 7,39). Vào ngày lễ Ngũ Tuần, Đức Kitô, Đấng giờ đây đã được tôn vinh sau khi hoàn tất sứ vụ của mình, làm vọt lên “mạch nước hằng sống” từ nơi mình và tuôn đổ đầy tràn Thần Khí trên các Tông đồ và tất cả những kẻ tin vào sự sống thần linh. Bởi đó, họ đã được “dìm trong Thần Khí” (x. Cr 12,13). Đây là điểm khởi đầu của Hội Thánh.

4. Công đồng Vatican II dạy: “Đức Kitô đã cử Thánh Thần từ Chúa Cha đến để thực hiện công trình cứu độ trong các tâm hồn và làm cho Hội Thánh tăng triển thêm mãi. Chắc chắn, Thánh Thần đã hoạt động nơi trần gian trước khi Đức Kitô được tôn vinh, nhưng trong ngày lễ Ngũ Tuần, Người đã ngự xuống trên các Tông đồ để ở lại với họ luôn mãi; ngày đó Hội Thánh công khai xuất hiện trước dân chúng, Tin Mừng bắt đầu được loan truyền giữa muôn dân nhờ lời giảng dạy, và sau cùng sự hợp nhất các dân tộc trong đức tin công giáo cũng đã được tiên báo, nhờ Hội Thánh của giao ước mới, một cộng đoàn có khả năng nói mọi thứ tiếng, thấu hiểu và tiếp nhận mọi ngôn ngữ trong tình bác ái, và như thế đã xóa bỏ tình trạng phân tán từ tháp Babel” (Ad gentes, số 4).

Bản văn trên của công đồng cho thấy việc Thánh Thần làm trong Hội Thánh, từ ngày lễ Ngũ Tuần. Đó là công trình cứu độ nội tại, nhưng cũng được diễn tả ra bên ngoài trong ngày khai sinh một cộng đoàn và một thể chế của ơn cứu độ. Cộng đoàn này – cộng đoàn của các môn đệ đầu tiên – thấm đẫm tình yêu để vượt qua mọi sự khác biệt và chia rẽ của bản tính thế gian. Điều này được diễn tả trong biến cố Ngũ Tuần: mọi người đều có thể hiểu và diễn tả niềm tin vào Thiên Chúa, dù ngôn ngữ khác biệt. Sách Công vụ Tông đồ chứng thực rằng, trong lần đầu tiên Hội Thánh công khai xuất hiện, các sắc dân đang tụ tập chung quanh các Tông đồ ngạc nhiên nói: “Chẳng phải các người đang nói đây là người Galilêa sao? Làm thế nào mỗi người trong chúng ta lại nghe thấy họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta?” (Cv 2,7-8).

5. Hội Thánh đã được khai sinh bằng cách này trong ngày lễ Ngũ Tuần nhờ vào hoạt động của Thánh Thần, và ngay lập tức, được tỏ bày cho thế giới. Đây không phải là một cộng đoàn khép kín, nhưng mở ra cho mọi dân tộc, “cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8). Nhờ Thánh Thần chân lý, những ai gia nhập cộng đoàn này qua Phép Rửa sẽ trở nên chứng nhân của Phúc Âm và sẵn sàng rao truyền Phúc Âm cho tha nhân. Vì thế, đây là cộng đoàn năng động và mang tính tông đồ: Hội Thánh “trong tình trạng truyền giáo/sứ vụ”.

Thánh Thần “làm chứng” trước hết cho Đức Kitô (x. Ga 15,26) và lời chứng này đổ tràn con tim và tâm hồn những ai đang hiện diện trong lễ Ngũ Tuần. Và đến lượt mình, họ cũng trở thành những chứng nhân và những người rao giảng. Hình ảnh “lưỡi lửa” (Cv 2,3) xuất hiện trên đầu những người đang hiện diện là dấu chỉ bề ngoài của lòng nhiệt thành mà Thánh Thần đốt lên trong lòng họ. Các Tông đồ đã lan tỏa lòng nhiệt thành ấy đến những ai nghe họ, như đã xảy ra sau bài giảng của thánh Phêrô: “khoảng ba ngàn người theo đạo” (Cv 2,41).

6. Toàn bộ sách Công vụ Tông đồ diễn tả hoạt động của Thánh Thần trong buổi khai nguyên của Hội Thánh, như chúng ta đọc thấy rằng: “Hội Thánh được xây dựng vững chắc và sống trong niềm kính sợ Chúa, và ngày một thêm đông, nhờ Thánh Thần nâng đỡ” (Cv 9,31). Chúng ta biết rằng, dù có những khó khăn nội tại và các cuộc bắt bớ, và có những vị tử đạo đầu tiên, nhưng các Tông đồ tin chắc Thánh Thần luôn ở bên và hướng dẫn họ. Ý thức này, cách nào đó, chính thức được quả quyết trong lời mở đầu các quyết nghị của công đồn Giêrusalem: “Đây là quyết định của Thánh Thần, và của chúng tôi…” (Cv 15,28). Bằng cách này, công đồng chứng tỏ mình được tác động bởi Thánh Thần.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here