BÀI 1: ĐỨC KITÔ THIẾT LẬP HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
Trong Kinh Tin Kính, chúng ta diễn tả đức tin qua 4 “danh hiệu” của Hội Thánh: Hội Thánh của Đức Giêsu Kitô là duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền.
Đức thánh cha đã hoàn tất các bài giáo lý về Chúa Thánh Thần trong các buổi Tiếp kiến chung Thứ Tư hàng tuần, và bây giờ, ngài tập trung vào niềm tin Công giáo về Hội Thánh. Bài nói chuyện vào ngày 10 tháng Bảy mở đầu loạt bài về Hội Thánh. Bài này trình bày bốn “danh hiệu” được tuyên xưng trong Kinh Tin Kính: duy nhất, thánh thiện, công giáo và Tông truyền. Đức thánh cha đã nói bằng tiếng Ý.
1. Hôm nay, chúng ta bắt đầu loạt bài giáo lý nói về Hội Thánh, về điều mà Kinh Tin Kính Nicea – Constatinopolis tuyên xưng: “Tôi tin Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và Tông truyền”. Như Kinh Tin Kính của Các thánh Tông đồ trước đây, Kinh Tin Kính này nối dài, gắn kết niềm tin về Hội Thánh với niềm tin vào Chúa Thánh Thần: “Tôi tin Chúa Thánh Thần, Hội Thánh công giáo”. Việc đi từ Chúa Thánh Thần đến Hội Thánh có một logic riêng của nó, mà thánh Tôma đã diễn giải ở đầu bài giáo lý của ngài về Hội Thánh rằng: “Như chúng ta biết, nơi con người, có một thân thể và một linh hồn, mà thân thể lại có nhiều bộ phận, cũng vậy, Hội Thánh Công giáo là một thân thể nhưng lại có nhiều chi thể. Linh hồn đem lại sự sống cho thân thể ấy chính là Thánh Thần. Vì lý do đó, sau khi trình bày niềm tin vào Thánh Thần, chúng ta buộc phải tin vào Hội Thánh Công giáo.” (x. Giải thích Tín biểu Các Tông đồ, art 9, Edit. taur. n. 971)
2. Kinh Tin Kính Nicea – Constatinopolis tuyên xưng Hội Thánh là “duy nhất, thánh thiện, công giáo và Tông truyền”. Đây là những “danh hiệu” của Hội Thánh, vốn cần đến một lời giải thích mang tính dẫn nhập nào đó, cả khi chúng ta sẽ nói lại ý nghĩa của chúng trong các bài giáo lý sau.
Chúng ta hãy lắng nghe hai Công đồng gần đây nói về đề tài này.
Công đồng Vatican I đã trình bày tính duy nhất của Hội Thánh bằng các thuật ngữ mang tính mô tả: “Vị Mục Tử hằng sống … quyết định thiết lập Hội Thánh của Người; trong đó, những kẻ tin sẽ được hiệp nhất với nhau như trong gia đình của Thiên Chúa hằng sống, bởi mối dây liên kết của cùng một đức tin và đức ái”. (x.DS 3050)
Công đồng Vatican II tuyên bố: “Đức Kitô, Đấng Trung Gian duy nhất, đã thiết lập và không ngừng nâng đỡ Hội Thánh của Người nơi trần gian, một cộng đoàn đầy niềm tin, niềm hy vọng và lòng mến, như một cơ cấu hữu hình”. Công đồng còn nói thêm: “…Hội Thánh tại thế đồng thời cũng là Hội Thánh dư tràn của cải trên trời … làm nên một thực tại đa phức, được kết thành từ yếu tố nhân loại và thần linh… Đây là một Hội Thánh duy nhất của Đức Kitô mà chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính” (Lumen Gentium, số 8). Công đồng dạy chúng ta rằng, Hội Thánh “trong Đức Kitô là trong bản tính của bí tích, nghĩa là dấu chỉ và là khí cụ hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa và hợp nhất mọi người” (Lumen Gentium, số 1).
Rõ ràng, tính duy nhất của Hội Thánh mà chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính phù hợp với Hội Thánh hoàn vũ, và các Hội Thánh thành phần (hay địa phương) trong mức độ chúng chia sẻ tính duy nhất này. Tính duy nhất đã được công nhận và rao giảng như là một đặc tính của Hội Thánh ngay từ buổi đầu, tức là từ ngày lễ Ngũ Tuần. Vì thế, đây là một thực tại có nguồn gốc và gắn liền với bản tính của Hội Thánh, chứ không đơn thuần là một lý tưởng chúng ta mong đạt đến trong tương lai mù mờ. Niềm hy vọng và tìm kiếm này có thể có giá trị trong nỗ lực về mặt lịch sử để tái hợp nhất những người tin vào Đức Kitô, nhưng người ta không thể hủy bỏ chân lý đã được nêu trong thư gửi tín hữu Êphêsô: “một thân thể và một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng” (Ep 4,3-4). Đây là chân lý của buổi khai nguyên của Hội Thánh mà chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính: “Tôn tin kính một … Hội Thánh”.
3. Tuy nhiên, ngay từ đầu, lịch sử Hội Thánh đã mở ra giữa những căng thẳng và áp lực gây nguy hại cho sự hợp nhất, đến độ các Tông đồ, đặc biệt là thánh Phaolô, đưa ra những lời kêu gọi và quở trách rằng: “Chẳng lẽ Đức Kitô bị chia năm xẻ bảy rồi ư?” (1Cr 1,13). Đó đã là và luôn là dấu hiệu cho thấy khuynh hướng chống lại nhau nơi con người. Như thể, người ta phải, hoặc muốn, đóng góp phần mình trong việc phân tán nhân loại, như đã được mô tả trong câu chuyện tháp Babel.
Nhưng các giáo phụ và các vị mục tử của Hội Thánh luôn kêu gọi sự hiệp nhất, khẩn cầu ánh sáng của ngày lễ Ngũ Tuần đối lại với tháp Babel. Công đồng Vatican II nhận định rằng: “Chúa Thánh Thần, Đấng ngự trong các tín hữu, cũng là Đấng làm sung mãn và hướng dẫn toàn thể Hội Thánh, chính Người thực hiện sự thông hiệp kỳ diệu ấy nơi các tín hữu, và liên kết tất cả trong Đức Kitô cách mật thiết đến nỗi Người trở thành nguyên lý hợp nhất của Hội Thánh” (Unitatis redintegratio, số 2). Và đó phải là nguồn mạch của niềm vui, niềm hy vọng và là lời cầu nguyện cho Hội Thánh biết nhận ra rằng, tất cả những nỗ lực nhằm vượt trên mọi sự chia rẽ và nhắm đến việc tái hợp nhất các Kitô hữu đều đến từ Chúa Thánh Thần (phong trào đại kết).
4. Trong lời tuyên xưng đức tin trong Kinh Tin Kính, Hội Thánh cũng được gọi là “thánh”. Cần phải xác định ngay rằng, Hội Thánh là thánh vì nguồn gốc và thể chế thần linh của mình. Đức Kitô, Đấng thiết lập Hội Thánh, là thánh; Người đã hiến mình vì Hội Thánh bằng hy tế thập giá; Người đã trao ban ơn huệ Thánh Thần – Nguồn mạch vô tận của sự thánh thiện cho Hội Thánh, là nguyên lý và là nền tảng của sự hiệp nhất trong Hội Thánh. Hội Thánh là thánh vì mục đích của Hội Thánh là vinh quang của Thiên Chúa và ơn cứu độ cho nhân loại; Hội Thánh là thánh vì có những phương tiện để đạt được mục đích ấy; những phương tiện này mang trong mình sự thánh thiện của Đức Kitô và Chúa Thánh Thần. Các phương tiện ấy là: lời giảng của Đức Kitô, được tóm kết trong mạc khải tình yêu của Thiên Chúa cho chúng ta và trong lệnh truyền kép của đức ái; bảy bí tích và phụng vụ, đặc biệt là bí tích Thánh Thể; đời sống cầu nguyện. Tất cả đều là kế hoạch thần linh của sự sống, trong đó, Chúa Thánh Thần hoạt động thông qua ân sủng được thông truyền và nuôi dưỡng các tín hữu và làm cho các đặc sủng thêm phong phú bội phần vì lợi ích của toàn thể Hội Thánh.
Đây cũng là chân lý nền tảng được tuyên tín trong Kinh Tin Kính và được viết trong Thư gửi tín hữu Êphêsô; trong đó, thánh Phaolô giải thích lý do của sự thánh thiện của Hội Thánh:“Đức Kitô yêu thương và hiến mình vì Hội Thánh để thánh hoá Hội Thánh” (Ep 5,25-26). Người làm cho Hội Thánh là thánh bằng cách trao ban Thánh Thần, như công đồng Vatican II dạy: “Chúa Thánh Thần được ban vào ngày lễ Ngũ Tuần để Người tiếp tục thánh hóa Hội Thánh” (LG, 4). Đây là nền tảng thực thể luận cho niềm tin vào sự thánh thiện của Hội Thánh. Có vô vàn cách thức bày tỏ sự thánh thiện này trong đời sống của các Kitô hữu và trong dòng chảy của các sự kiện lịch sử mang tính tôn giáo và xã hội, mà những cách thức đó không ngừng xác nhận chân lý này trong Kinh Tin Kính. Lịch sử là phương pháp thực nghiệm để khám phá chân lý đó và, một cách nào đó, để biết chắc điều chúng ta tin là có thật. Thật vậy, chúng ta thấy nhiều thành viên của Hội Thánh là thánh. Ít ra, nhiều người có có được sự thánh thiện thông thường phát xuất từ tình trạng sống trong ơn thánh hóa. Nhưng ngày càng có nhiều người cho thấy dấu chỉ của sự thánh thiện anh hùng. Hội Thánh vô cùng hạnh phúc vì có thể nhận ra và tán dương sự thánh thiện này nơi các tôi tớ Thiên Chúa đã trung tín cho đến chết. Đây giống như là một đối trọng mang tính xã hội học so với sự có mặt của các tội nhân bất hạnh, và là lời mời gọi họ – cũng như chúng ta – đi trên con đường của các thánh.
Tuy vậy, thật đúng khi cho rằng, sự thánh thiện thuộc về Hội Thánh nhờ sự thiết lập thần thiêng, và nhờ Thánh Thần tuôn đổ trào tràn các ân điển trên những kẻ tin và trên toàn thể “thân mình Đức Kitô” từ ngày lễ Ngũ Tuần. Theo công đồng Vatican II, điều này không miễn thứ cho mỗi người nhiệm vụ đạt đến sự thánh thiện bằng cách bước theo Đức Kitô. (x. LG, 40).
5. Một danh hiệu khác của Hội Thánh mà chúng ta tuyên tín là “công giáo”. Hội Thánh là “công giáo” nhờ vào sự thiết lập thần thiêng của mình, tức là “phổ quát” (katholikos trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là tính toàn thể). Thánh Inhaxiô thành Antiôkia dùng thuật ngữ này đầu tiên trong bức thư gửi tín hữu ở Smyrna: “Nơi nào có Đức Kitô, nơi đó có Hội Thánh công giáo” (Ad Smyn, 8). Toàn bộ truyền thống giáo phụ và các tiến sĩ Hội Thánh tiếp tục lặp lại cái định nghĩa lấy từ Tin Mừng này, cho đến tận Công đồng Vatican II. Công đồng dạy: “Đặc tính phổ quát này như một trang sức tăng thêm nét đẹp cho Dân Thiên Chúa, là tặng phẩm chính Chúa ban, nhờ đó Hội Thánh Công giáo luôn nỗ lực cách hữu hiệu để cho toàn thể nhân loại .. suy phục dưới quyền Đức Kitô Thủ lãnh, trong sự hợp nhất với Thần Khí của Người” (LG, 13).
Đặc tính công giáo đặt nền sâu xa trên sức mạnh phục sinh của Đức Kitô (x.Mt 18,18) và trên hoạt động mang tầm phổ quát của Chúa Thánh Thần (Kn 1,7). Chính sự thiết lập thần thiêng chuyển thông đặc tính này cho Hội Thánh. Thật vậy, Hội Thánh thực sự mang tính phổ quát ngay từ ngày đầu tiên hình thành trong lịch sử, vào buổi sáng ngày lễ Ngũ Tuần. “Tính phổ quát” của Hội Thánh có nghĩa là mở ra cho toàn thể nhân loại, cho hết thảy mọi người và cho mọi nền văn hóa, vượt qua mọi giới hạn chật hẹp của không gian, văn hóa và tôn giáo mà một số thành viên của Hội Thánh có thể bị trói chặt (những người được gọi là Judaizer [các Kitô hữu thời đầu chủ trương giữ luật Môsê và văn hóa, tập tục của người Do Thái]). Đức Giêsu đã trao cho các Tông đồ mệnh lệnh tối thượng: “Hãy đi … và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,29); và Người còn nói và hứa rằng: “anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8). Cũng ở đây, chúng ta đối diện với một yếu tố thiết định cho sứ vụ của Hội Thánh, chứ không phải với sự kiện thực tế là Hội Thánh được mở rộng giữa các dân tộc của mọi quốc gia và mọi người. Tính phổ quát là một đặc tính mà Hội Thánh có được do sự thiết lập thần thiêng của mình. Hội Thánh có được yếu tố thiết định này ngay từ đầu, giống như tính duy nhất và thánh thiện. Đặc tính này không được hiểu như là kết quả của một “phép cộng” các Hội Thánh thành phần. Do chiều kích này có nguồn gốc thần linh, Hội Thánh là đối tượng của niềm tin mà chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính.
6. Vì cùng một đức tin, chúng ta cũng tuyên xưng Hội Thánh của Đức Kitô là “Tông truyền”, tức là được xây dựng dựa trên các Tông đồ; từ các ngài, Hội Thánh nhận được chân lý thần linh được mạc khải bởi Đức Kitô và trong Đức Kitô. Hội Thánh là Tông truyền, vì Hội Thánh gìn giữ truyền thống của các Tông đồ và bảo vệ truyền thống ấy như gia sản thánh thiêng.
Những người có thẩm quyền bảo vệ, gìn giữ gia sản đó là những người kế vị các Tông đồ và được Chúa Thánh Thần trợ giúp. Nhưng, hẳn nhiên, mọi tín hữu hiệp thông với các vị mục tử hợp pháp, và do đó, với toàn thể Hội Thánh, thì chia sẻ tính Tông truyền của Hội Thánh, tức là liên kết với các Tông đồ, và nhờ các ngài mà liên kết với Đức Kitô. Vì lý do này, Hội Thánh không thể bị giảm thiểu thành hệ thống giáo quyền. Thứ đến, không nghi ngờ gì về nền tảng thể chế của Hội Thánh. Nhưng tất cả mọi thành viên của Hội Thánh – các mục tử và các tín hữu – thuộc về Hội Thánh và được mời gọi giữ vai trò chủ động trong Dân Chúa, là những người đã được đón nhận hồng ân liên kết với các Tông đồ, với Đức Kitô, trong Thánh Thần. Như chúng ta đã đọc trong thư gửi tín hữu Êphêsô: “Anh em đã được xây dựng trên nền móng là các Tông đồ và ngôn sứ, còn đá tảng góc tường là chính Đức Kitô Giêsu… Anh em được xây dựng thành đền thờ, thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí” (Ep 2,20-22).