Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh
BÀI 99: GIÁO HỘI VỚI CÁC THIẾU NHI
Trong những bài giáo lý cuối cùng về tông đồ giáo dân, Đức Thánh Cha liên tiếp bàn về con đường nên thánh qua các lứa tuổi, khởi đầu từ các thiếu nhi.
1. Chúng ta không thể bỏ qua vai trò của các thiếu nhi trong Giáo hội. Chúng ta nói đến các em với tất cả tấm lòng yêu mến. Các em là niềm vui của thiên đàng được ký thác cho trần thế. Các em là những viên ngọc quý của gia đình và xã hội. Các em là niềm vui của Giáo hội. Chác em giống như “hoa huệ ngoài đồng”, mà Chúa Giêsu đã nói, “ngay cả vua Salômôn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy” (Mt 6,28-29). Các em là những kẻ được Chúa Giêsu thương yêu đặc biệt, và Giáo hội, Đức Giáo hoàng, không thể không nghe thấy tiếng đập trong tim mình những tâm tình yêu thương được dành cho chúng trong trái tim Chúa Kitô.
Thật ra, chúng ta đã thấy trong Cựu Ước các dấu chỉ về sự quan tâm đặc biệt đối với trẻ em. Sách Samuen quyển thứ nhất (từ chương 1-3) kể lại ơn kêu gọi của một thiếu nhi mà Thiên Chúa đã trao phó một sứ điệp và sứ vụ để giúp dân tộc. Các thiếu nhi tham gia vào việc thờ phượng và cầu nguyện của cộng đoàn dân thánh. Như chúng ta đã đọc trong sách ngôn sứ Giôen (2,16): “Hãy tụ họp đám thiếu nhi cũng như trẻ thơ còn đang bú”. Trong Sách Giuđitha (4,10f.) chúng ta thấy lời khẩn nguyện sám hối được tất cả mọi người “ cùng với vợ con” xướng lên. Trong cuộc Xuất hành, Thiên Chúa đã bày tỏ một tình yêu đặc biệt dành cho trẻ mồ côi, được đặt dưới sự che chở của Người (Xh 22,21-22; x. Tv 68,6).
Đức Giêsu biểu lộ tình yêu lớn lao với trẻ em
Trong thánh vịnh 131, trẻ thơ là hình ảnh về sự phó thác hoàn toàn cho tình yêu Thiên Chúa: “Hồn con con vẫn trước sau, giữ cho thinh lặng giữ sao thanh bình. Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con hồn lặng lẽ an vui” (câu 2). Thật có ý nghĩa khi mà, trong lịch sử cứu độ, tiếng nói mạnh mẽ của ngôn sứ Isaia (7,14f.; 9,1-6) loan báo việc hoàn tất niềm hy vọng về vị thiên sai nơi sự ra đời của Đấng Emmanuel, một hài nhi được tuyển chọn để tái lập vương quốc nhà Đavít.
2. Và này, Tin Mừng cho chúng ta biết rằng, Hài nhi được sinh ra bởi Đức Maria chính là Đấng Emmanuel đã được tiên báo (x. Mt 1,22-23; Is 7,14). Sau đó, Hài nhi này được thánh hiến cho Thiên Chúa trong lúc dâng tiến trong đền thờ (x. Lc 2,22), được ông Simêôn chúc phúc (x. Lc 2,28-35) và được nữ ngôn sứ Anna chào đón; bà ca ngợi Thiên Chúa và “nói về Hài nhi cho hết những ai đang mong chờ ơn cứu chuộc ở Giêrusalem” (Lc 2,38).
Trong sứ vụ công khai, Chúa Giêsu đã tỏ bày lòng âu yếm đối với các trẻ em. Thánh sử Máccô đã ghi nhận là: “Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng” (10,16). Đó là một “tình yêu tinh tế và quảng đại” (CL 47), nhờ thế Người đã thu hút trẻ em cũng như cha mẹ của chúng, những người đưa chúng đến với Đức Giêsu, để Người đặt tay trên chúng” (Mc 10,13). Trong Tông huấn Kitô hữu Giáo dân Christifideles Laici, tôi nhớ lại rằng các trẻ nhỏ “là biểu tượng hùng hồn, và là hình ảnh sáng chói về những điều kiện luân lý và tinh thần cần thiết để vào Nước Trời, và sống trong tâm tình phó thác hoàn toàn nơi Thiên Chúa” (số 47). Những điều kiện này là sự đơn sơ, chân thành và khiêm tốn đón nhận.
Các môn đệ được mời gọi trở nên giống trẻ thơ, bởi vì “những kẻ bé mọn” đã đón nhận mặc khải như một quà tặng của thánh ý nhân hậu của Chúa Cha (x. Mt 11,25f.). Vì lý do này, các trẻ thơ cũng cần được đón nhập như chính Chúa Giêsu: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy” (Mt 18,5).
Về phần mình, Chúa Giêsu cũng đã dành sự tôn trọng sâu xa đối với trẻ hơ và cảnh báo: “Anh em hãy cẩn thận, đừng khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên sứ của chúng ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy trên trời” (Mt 18,10). Khi các thiếu nhi reo hò trong đền thờ để tung hô Người: “Hoan hô Con vua Đavít”, Chúa Giêsu trân trọng và bênh vực cho thái độ của chúng như là lời ngợi khen Thiên Chúa vậy (x. Mt 21,15-16). Lòng tôn kính của các thiếu nhi tương phản với sự cúng lòng sự hoài nghi của các đối thủ.
3. Lòng yêu mến và quý trọng của Chúa Giêsu đối với các thiếu nhi là một nguồn sáng để cho Giáo hội noi theo. Giáo hội không thể nào không đón tiếp các em như Đấng Sáng Lập đã đón tiếp.
Cần lưu ý rằng, sự đón tiếp này đã được thể hiện trong Bí tích Thánh Tẩy dành cho thiếu nhi, dù chỉ mới sinh ra. Nhờ bí tích này, chúng trở nên chi thể của Giáo hội. Ngay từ buổi đầu của việc tăng trưởng nhân bản, Bí tích Thánh Tẩy đã thúc đẩy sự tăng trưởng của chúng trong đời sống ân sủng. Tác động của Thánh Linh hướng dẫn những tâm tình nội tại của chúng, dù cả lúc chúng chưa có khả năng thực hiện một hành vi đức tin có ý thức; về sau chúng sẽ thực hiện điều đó như một sự xác nhận tác dụng vào thuở ban đầu ấy.
Từ đó, chúng ta thấy tầm quan trọng của Bí tích Thánh tẩy cho trẻ sơ sinh: nó giải thoát chúng khỏi tội nguyên tổ, khiến chúng thành con cái Thiên Chúa trong Đức Kitô và cho chúng dự phần vào khung cảnh ân sủng của cộng đồng Kitô hữu.
4. Sự hiện diện của các thiếu nhi trong Giáo hội cũng là một món quà cho người lớn chúng ta: nó làm chúng ta hiểu rõ hơn rằng, tiên vàn, đời sống Kitô hữu là một món quả ban-không của Thiên Chúa: “Các thiếu nhi nhắc nhở chúng ta rằng sự tăng trưởng trong việc truyền giáo của Giáo Hội bắt nguồn sống không phải từ các phương tiện hay công lao của con người, nhưng nhờ vào món quà ban-không của Thiên Chúa“ (CL 47).
Ngoài ra, các thiếu nhi là một gương mẫu về sự trong trắng, giúp chúng ta tái khám phá vẻ đơn sơ của sự thánh thiện. Các em sống sự thánh thiện tương ứng với lứa tuổi và do đó, góp phần xây dựng Giáo hội.
Tình trạng của các thiếu nhi đau khổ về tinh thần và thể xác
Thật chẳng may, có nhiều thiếu nhi đang chịu đau khổ: những đau khổ về thể xác như đói ăn, túng cực, đau ốm, tật nguyền; những đau khổ về tinh thần do sự ngược đãi của cha mẹ, bất hòa trong gia đình, sự bóc lột phát sinh từ tính ích kỷ cay độc của người lớn. Làm sao mà trái tim chúng ta không khỏi se lại trước những cảnh huống đau đớn khôn tả, lôi cuốn theo những sinh linh vô tội không có khả năng tự vệ ? Làm sao mà chúng ta lại không phản đối thay cho chúng, dùng tiếng nói của mình để nói thay cho những ai không thể nào lên tiếng đòi hỏi quyền lợi cho mình? Niềm an ủi duy nhất trong sự tồi tệ lớn lao này là tiếng nói của đức tin, đảm bảo với ta rằng ân sủng của Thiên Chúa sẽ biến những đau khổ này thành cơ hội kết hợp nhiệm mầu với hy tế của Con Chiên vô tội. Nhờ thế, các đau khổ ấy góp phần vào việc tôn trọng cuộc sống của chính các thiếu nhi và vào sự thăng tiến tâm linh của nhân loại (x. CL 47).
Việc giáo dục tâm linh cho các thiếu nhi
5. Giáo hội cảm thấy cần phải dấn thân vào việc đào luyện Kitô giáo cho các thiếu nhi, một lãnh vực còn nhiều thiếu sót. Đó là huấn luyện các em về đức tin bằng cách dạy giáo lý Kitô giáo, huấn luyện về lòng yêu thương đối với mọi người, huấn luyện về cầu nguyện, theo truyền thống đẹp nhất của các gia đình Kitô giáo, những kinh mà nhiều người trong chúng ta vẫn không quên được và thật là may phúc!
Dưới khía cạnh tâm lý và sư phạm, các em bé sẽ dễ dàng và sẵn sàng cầu nguyện khi chúng được khuyến khích thực hiện; điều này được chứng thực bởi kinh nghiệm của rất nhiều phụ huynh, nhà giáo dục, giáo lý viên và bạn bè. Về điểm này, trách nhiệm của các gia đình và nhà trướng cần được thường xuyên nhắc nhỏ.
Giáo hội khuyến khích các bậc cha mẹ và các nhà giáo dục hãy quan tâm đến việc đào tạo các thiếu nhi về trong đời sống bí tích, đặc biệt làn bí tích Giao hòa và tham gia vào việc cử hành Bí tích Thánh Thể. Giáo hội khuyến khích tất cả các linh mục và những cộng sự viên hãy nỗ lực nhằm thích nghi với các khả năng của trẻ em. Đặc biệt, các buổi cử hành phụng vụ dành riêng cho các thiếu nhi cần tìm cách thích nghi, theo như đã được dự trù trong các quy tắc phụng vụ cố gắng thích nghi trẻ em phải được lên kế hoạch xa nhất có thể. Nếu biết sử dụng cách khôn khéo, những sự thích nghi này sẽ mang lại nhiều hiệu quả đáng kể.
6. Tôi xin khép lại bài giáo lý hôm nay dành cho “hoạt động tông đồ giáo dân” bằng một ý tưởng thâm thúy của thánh Giáo hoàng Piô X -Vị tiền nhiệm của tôi. Khi giải thích lý do vì sao hạ thấp tuổi cho các thiếu nhi được rước lễ lần đầu, ngài nói: “Sẽ có những vị thánh trong các thiếu nhi”. Và thực sự, đã có những thiếu nhi nên thánh. Nhưng hôm nay chúng ta có thể thêm: “Sẽ có những tông đồ giữa các thiếu nhi”.
Chúng ta cùng cầu nguyện cho lời dự đoán và ước nguyện này trở thành hiện thực, cũng giống như lời của thánh Giáo hoàng Piô X đã thành hiện thực.”