TGH Gioan Phaolô II – BÀI 85: GIÁO DÂN VÀ CÁC ĐẶC SỦNG

0
798

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

BÀI 85: GIÁO DÂN VÀ CÁC ĐẶC SỦNG

Trong bài giáo lý ngày 09 tháng 03, Đức Thánh Cha bàn đến một nguồn gốc các của hoạt động tông đồ, đó là các đặc sủng mà Thánh Linh phân phát. Người nhận lãnh đặc sủng cò quyền lợi và nghĩa vụ sử dụng để phục vụ Dân Chúa.

1. Trong các bài giáo lý trước, chúng tôi đã nêu bật nền tảng bí tích của các tác vụ và chức năng của các giáo dân trong Giáo hội: Bí tích Rửa tội, Thêm Sức, và đối với nhiều người, bí tích Hôn phối. Đó là một điểm cốt yếu trong thần học về các giáo dân. Tuy nhiên, giờ đây, chúng ta phải nói thêm rằng, Thánh Linh, Đấng ban phát muôn ân huệ và nguyên lý khởi nguyên của sức sự sống Giáo hội, không chỉ hoạt động qua các bí tích mà thôi. Theo thánh Phaolô, Thánh Linh phân phát các ân huệ cho mỗi người mỗi cách tùy theo ý muốn (x. 1Cr 12,11), tuôn đổ trên Dân Chúa muôn vàn ân sủng để cầu nguyện, chiêm niệm và hoạt động. Đó là những đặc sủng[1], và các giáo dân cũng được thừa hưởng, cách riêng nhắm đến sứ vụ của họ trong Giáo hội và xã hội. Công đồng Vaticanô II đã tuyên bố điều này, dựa theo thánh Phaolô: “Thần Khí…ban phát các ân sủng đặc biệt cho mọi cấp bậc của các tín hữu. Nhờ những ân sủng này, người lãnh nhận có đủ khả năng và sẵn sàng đảm nhận các công việc và nhiệm vụ khác nhau hầu mưu ích cho việc canh tân, xây dựng Giáo hội như lời thánh tông đồ đã chép: ‘Thánh Linh hiển hiện trong mỗi người hầu mang lại lợi ích’ ( 1 Cr 12,7)” (LG 12).

2. Thánh Phaolô đã nêu bật tính đa dạng và phong phú của các đặc sủng trong Giáo hội tiên khởi: một vài đặc sủng có tính khác thưởng, chẳng hạn như việc chữa lành, ơn ngôn sứ hoặc nói tiếng lạ. Một số đặc củng khác thì giản dị hơn, được trao ban để chu toàn các nhiệm vụ thường nhật được phấn phối trong cộng đoàn (x. 1 Cr 12,7-10).

Thánh Linh tuôn đổ những ân huệ dư tràn trên các giáo dân

Dựa theo bản văn của thánh Phaolô, các đặc sủng thường được hiểu là những ân huệ khác thường, cách riêng là những ơn đặc trưng của thời buổi khởi đầu của đời sống Giáo hội. Công đồng Vaticanô II đã muốn nêu bật rằng các đặc sủng là những ân huệ thuộc về đời sống thường nhật của Giáo hội và không nhất thiết phải có đặc tính phi thường hay ngoạn mục. Tông huấn Christifideles Laici cũng nói về các đặc sủng như những ân huệ có thể là “khác thường hoặc giản dị và khiêm tốn” (số 24). Ngoài ra, nên nhớ rằng mục đích ưu tiên hay chính yếu của nhiều đặc sủng không phải là sự thánh hóa cá nhân của những người lãnh nhận cho bằng sự phục vụ tha nhân và lợi ích của Giáo hội. Chắc chắn, những ân huệ này cũng nhằm phục vụ cho việc triển nở sự thánh thiện cá nhân, nhưng trong một khung cảnh trọng yếu là hướng đến tha nhân và cộng đoàn, và áp dụng vào chiều kích hữu cơ của Giáo hội, nó liên hệ đến sự tăng trưởng của Thân Thể Mầu Nhiệm Chúa Kitô.

3. Như thánh Phaolô đã nói với chúng ta và Công đồng lặp lại, những đặc sủng này là hoa trái của việc lựa chọn tự do và trao tặng của Thánh Linh, và chúng chia sẻ đặc tính của chính Thánh Linh là sự trao tặng giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Theo một cách thức đặc biệt, Thiên Chúa Tam Vị thể hiện sức mạnh tối thượng của mình trong các ân huệ, không bị chi phối bởi bất kỳ quy tắc tiền lệ nào, bất kỳ luật lệ cụ thể nào, hoặc một kế hoạch can thiệp nào đã được ấn định một lần cho mãi mãi. Theo thánh Phaolô, Thiên Chúa phân phát ân huệ cho mỗi người “theo ý của Ngài“ (1 Cr 12,11). Đó là một ý muốn vĩnh cửu của tình yêu, mà Ân huệ Thánh Linh đã biểu lộ bằng tính tự do và ban không trong nhiệm cục cứu chuộc. Qua tính cách tự do và ban không tuyệt đối này, các đặc sủng cũng được ban tặng cho giáo dân, như lịch sử của Giáo hội đã cho thấy (x. CL 24).

Chúng ta phải ngưỡng mộ sự phong phú của những ân huệ Thánh Linh ban tặng cho các giáo dân như là chi thể của Giáo hội, ngay cả trong thời đại chúng ta. Mỗi người trong số đó đã có khả năng cần thiết để đảm trách các chức năng được kêu gọi nhằm thiện ích của đoàn dân Kitô giáo và ơn cứu độ thế giới, nếu họ biết cởi mở, ngoan ngoãn và trung thành với tác động của Thánh Linh.

4. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải quan tâm đến một khía cạnh khác trong giáo huấn của thánh Phaolô và của Giáo hội,có giá trị áp dụng cho mọi tác vụ và các đặc sủng: sự đa dạng và phong phú của chúng không thể gây thiệt hại cho tính hợp nhất. “Có nhiều đặc sủng khác nhau nhưng chỉ có một Thần Khí; có nhiều việc phục vụ khác nhau nhưng chỉ có một Chúa” (1 Cr 12,4-5). Thánh Phaolô yêu cầu phải tôn trọng những sự khác biệt này, bởi vì không thể nào tất cả mọi người đều thì hành cùng một chức năng, vì như thế là trái ngược với kế hoạch của Thiên Chúa và ân huệ của Thánh Linh, cũng như trái với những luật lệ căn bản nhất của mọi cấu trúc xã hội. Tuy nhiên, thánh Tông đồ cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết của hiệp nhất, đây cũng là một điều đáp ứng với những đòi hỏi của xã hội học, nhưng nhất là vì, trong cộng đoàn Kitô hữu, nó còn phải phản chiếu việc hiệp nhất của Thiên Chúa. Duy một Thần Khí, duy một Đức Chúa. Vì thế, duy một Giáo hội mà thôi!

5. Vào đầu kỷ nguyên Kitô giáo, những điều phi thường đã được thực hiện dưới tác động của các đặc sủng, dù là phi hoặc những đặc sủng nói được là đơn sơ, khiêm tốn của đời thường. Điều này luôn diễn ra trong Giáo hội và trong thời đại của chúng ta cũng thế, thường là cách âm thầm nhưng đôi khi cũng theo một cách nổi trội, khi nào Thiên Chúa muốn vì lợi ích của Giáo hội. Trong thời đại của chúng ta, cũng như trong quá khứ, nhiều giáo dân đã đóng góp cho sự tăng trưởng tâm linh và mục vụ của Giáo hội. Có thể nói rằng, kể cả vào thời nay, nhờ các đặc sủng, có nhiều người giáo dân đang hoạt động như những chứng nhân tốt lành và chân chính cho đức tin và đức mến.

Ước mong rằng tất cả mọi người ý thức về giá trị siêu việt của đời sống vĩnh cửu đã tiềm tàng trong việc làm của họ, mỗi khi chúng được thực hiện trong sự trung thành với ơn gọi và với sự hướng dẫn của Thánh Linh đang sống và hoạt động trong tâm hồn của họ. Ý tưởng này phải trở thành sự khuyến khích, hỗ trợ và an ủi, đặc biệt đối với những người vì lòng trung thành với ơn gọi nên thánh, đã tham gia vào việc phục vụ lợi ích chung, việc xây dựng công lý, cải thiện điều kiện sống của những người nghèo khổ và đói kém, chăm sóc người tàn tật, đón nhận người tị nạn, thực hiện hòa bình trên toàn thế giới.

6. Như các nghị phục của Thượng Hội đồng năm 1987 đã nhắc nhớ, trong đời sống cộng đoàn và thực hành mục vụ của Giáo hội, cần phải đón nhận các đặc sủng nhưng cũng cần biết phân định (x. CL 24). Chắc chắn, Thánh Linh “thổi nơi Ngài muốn”; đừng bao giờ đòi áp đặt các quy tắc và điều kiện cho Ngài. Tuy nhiên, cộng đoàn Kitô hữu có quyền được các mục tử của mình thông tri về tính chân thật của các đặc sủng và độ tin cậy của những người khẳng định đã lãnh nhận đặc sủng. Công đồng nhắc đến tính thận trọng cần thiết trọng trong lĩnh vực này, đặc biệt khi đề cập đến các đặc sủng ngoại thường (x. LG 12).

Tông huấn Christifideles Laici cũng nêu bật rằng “không đặc sủng nào được tự miễn chuẩn khỏi trình bào và phục tùng các chủ chăn của Giáo Hội” (CL 24). Đây là những tiêu chuẩn khôn ngoan dễ hiểu, và áp dụng cho cả giáo sĩ lẫn giáo dân.

Quyền lợi và nghĩa vụ sử dụng đặc sủng vì công ích Giáo hội

7. Sau khi đã nói như vậy rồi, chúng tôi muốn nhắc lại với Công đồng và tông huấn đã trích dẫn ở trên rằng “Các đặc sủng cần được đón nhận với lòng biết ơn, về phía những ai đã lãnh nhận mà về phía toàn thể Giáo Hội nữa” ( CL 24). Từ những đặc sủng này phát sinh “quyền lợi và nghĩa vụ sử dụng chúng nhắm mưu ích cho nhân loại và xây dựng Giáo hội” (AA 3). Quyền lợi này dựa trên ân huệ của Thánh Linh và sự chứng thực của Giáo hội. Đó là một nghĩa vụ xuất phát từ chính ân huệ đã lãnh nhận, tạo ra một trách nhiệm và đòi hỏi một sự dấn thân.

Lịch sử của Giáo hội cho thấy rằng khi nào các đặc sủng là chân thật thì sớm hay muộn chúng đều được chứng thực và có thể thi hành chức năng hợp nhất và xây dựng. Đó là một chức năng, xin nhắc lại một lần nữa, mà phần lớn các chi thể của Giáo hội, giáo sĩ và giáo dân, nhờ các đặc sủng âm thầm, đã chu toàn bổn phận mỗi ngày cách hữu hiệu vì lợi ích của mọi người chúng ta.

[1] Chú thích của người dịch: charisma có thể dịch sang tiếng Việt là “đoàn sủng” hay “đặc sủng” tùy theo mạch văn. “Đặc sủng” được hiểu như là ơn đặc biệt ban cho một vài người chứ không ban cho tất cả. “Đoàn sủng” được hiểu như là ơn ban nhằm phục vụ cộng đoàn.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here