TGH Gioan Phaolô II – BÀI 84: SỰ KHÁC BIỆT TRONG CÁC TÁC VỤ

0
466

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

BÀI 84: SỰ KHÁC BIỆT TRONG CÁC TÁC VỤ

Tại Buổi tiếp kiến chung ngày 02 tháng 03, Đức Thánh Cha tiếp tục bàn về sự thông dự vào chức vụ vương đế của Chúa Kitô, được diễn tả qua những hình thức hoạt động tông đồ khác nhau.

1. Việc tham dự của các giáo dân vào sự phát triển của Vương quốc Chúa Kitô là một thực tại lịch sử trong mọi thời đại: kể từ các buổi hội họp thời các tông đồ, các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, các nhóm, phong trào, đoàn thể, hiệp hội và hội đoàn thời trung cổ và hiện đại, cho đến các hoạt động của các cá nhân và tổ chức, trong thế kỷ XIX và XX, đã trợ giúp các mục tử của Giáo hội trong việc bảo vệ đức tin và giá trị đạo đức trong gia đình, trong môi trường xã hội và giai cấp, đôi khi những chứng tá này đã phải trả giá bằng chính máu của họ. Các hoạt động này, thường do các vị thánh thúc đẩy và được các giám mục ủng hộ trong hai thế kỷ XIX và XX, không những đã gây ra một nhận thức sâu xa hơn về sứ vụ của giáo dân, mà còn vạch ra một quan niệm rõ ràng và cụ thể hơn về sứ vụ ấy như là “hoạt động tông đồ” đích thật và đặc thù.

Đức Giáo Hoàng Piô XI đã nói về “sự cộng tác của giáo dân trong hoạt động tông đồ của hàng giáo phẩm” khi đề cập đến phong trào “Công giáo Tiến hành”. Đây là một thời điểm quan trọng trong đời sống Giáo hội, từ đó dẫn đến một sự phát triển theo hai chiều hướng: một chiều hướng nghiêng về cơ cấu tổ chức, cụ thể là phong trào Công giáo Tiến hành, và chiều hướng suy tư học thuyết, mà đỉnh cao là giáo huấn của Công đồng Vaticanô II, trình bày hoạt động tông đồ của giáo dân như là sự “tham gia vào công cuộc cứu độ của chính Giáo hội” (LG 33).

Hoạt động tông đồ của giáo dân bắt nguồn từ Bí tích Thánh Tẩy

2. Có thể nói được là Công đồng đã phát biểu thành đạo lý một kinh nghiệm Giáo hội khởi đi từ Lễ Ngũ Tuần, lúc mà những ai đã lãnh nhận Thánh Linh đều cảm thấy được trao ban một sứ vụ để loan báo Tin Mừng, thiết lập và phát triển Giáo hội. Trong các thế kỷ kế tiếp, thần học về các bí tích đã cho thấy rằng, tất cả những ai trở thành phần tử của Giáo hội nhờ Bí tích Rửa tội, với sự trợ giúp của Thánh Linh, đều có nghĩa vụ làm chứng cho đức tin và truyền bá vương quốc Chúa Kitô. Như Công đồng đã nói, nghĩa vụ này được củng cố bởi bí tích Thêm Sức, nhờ đó, các tín hữu “có bổn phận khẩn thiết hơn phải loan truyền và bảo vệ đức tin, bằng cả lời nói và việc làm, như những chứng nhân đích thực của Chúa Kitô” (LG 11). Trong thời gian gần đây, những tiến triển trong Giáo hội học đã phát triển nhận thức về sự tham gia của giáo dân, không chỉ liên quan đến hai bí tích khai tâm Kitô giáo, mà còn như là biểu hiện của việc tham gia có ý thức hơn vào mầu nhiệm Giáo hội theo tinh thần của ngày Lễ Ngũ Tuần. Đây là một nền tảng nữa cho thần học giáo dân.

3. Nguyên tắc thần học, theo đó “việc tông đồ của giáo dân, bởi vì được phát sinh từ ơn gọi làm Kitô hữu, cho nên không thể nào thiếu trong Giáo hội” (AA 1), đã làm rõ ràng và minh bạch hơn yêu sách về việc cộng tác của giáo dân trong thời đại chúng ta. Sự cần thiết này trở nên cấp bách hơn do các bối cảnh đặc trưng của thời buổi hiện tại. Chẳng hạn như, sự gia tăng dân số ở các thành phố nơi mà số lượng linh mục luôn thiếu hụt; hiện tượng di dân vì công việc làm ăn, học hành, tiêu khiển, v.v., như một đặc trưng của xã hội hiện đại; sự tự chủ trong nhiều lĩnh vực xã hội khiến hoàn cảnh đạo đức và tôn giáo gặp khó khăn hơn và vì thế hành động từ nội tâm càng khẩn thiết hơn; sự xa lạ của các linh mục đối với lĩnh vực văn hóa và nghề nghiệp. Vì những lý do nói trên và nhiều lý do khác nữa đòi hỏi một hoạt động mới về việc loan báo Tin mừng về phía các giáo dân cần phải có. Mặt khác, sự phát triển của các cơ chế và chính tâm thức dân chủ đã khiến cho các giáo dân trở nên nhạy cảm hơn với các đòi hỏi dấn thân trong Giáo hội. Sự phổ biến và nâng cao trình độ văn hóa phổ thông giúp cho nhiều người có năng lực hơn trong hoạt động vì lợi ích của xã hội và Giáo hội.

4. Vì thế, dưới nhãn giới lịch sử, không có gì ngạc nhiên trước các hình thức mới của hoạt động giáo dân. Hơn nữa, dưới sự thúc đẩy của các điều kiện văn hóa xã hội hiện đại, người ta đã chú ý nhiều hơn đến một nguyên tắc trong Giáo hội, mà trước đây phần nào bị lãng quên, đó là: sự đa dạng các tác vụ trong Giáo hội là một nhu cầu sống còn của Thân Thể Mầu Nhiệm. Giáo hội cần đến mọi chi thể để có thể phát triển, và đòi hỏi sự cộng tác của mọi người tùy theo khả năng tương thích riêng biệt. “Toàn thân được tăng trưởng và mỗi chi thể hoạt động theo đúng chức năng của mình … hầu được xây dựng trong tình bác ái” (Ep 4,16). Việc “được xây dựng” tùy thuộc vào Chúa Kitô, Đấng là Đầu của Thân Thể, nhưng cũng đòi hỏi sự cộng tác của mỗi chi thể. Do đó, trong cùng một sứ vụ duy nhất, Giáo hội có sự đa dạng về các tác vụ (x. AA 2). Sự đa dạng không làm tổn hại cho sự duy nhất nhưng còn làm cho nó nên phong phú hơn.

5. Như tôi đã có dịp giải thích trong các bài giáo lý về chức tư tế, có một sự khác biệt quan trọng giữa các tác viên có chức thánh và các tác viên không có chức thánh. Công đồng dạy rằng, chức tư tế phổ quát của các tín hữu và chức tư tế theo chức vụ hay phẩm trật khác nhau về bản chất chứ không chỉ theo cấp độ mà thôi (x. LG 10). Tông huấn Christifideles Laici lưu ý rằng, các tác vụ có chức thánh được thi hành do công hiệu của Bí tích Truyền Chức Thánh; còn các tác vụ không có chức thánh, các nhiệm vụ và chức năng của các giáo dân “đặt nền tảng trong Bí tích Rửa tội, Thêm sức và, đối với nhiều người, trong Bí tích Hôn phối nữa” (CL 23). Khẳng định cuối cùng này rất quý báu, cách riêng đối với những cặp vợ chồng và cha mẹ, là những người được mời gọi thực hiện một hoạt động tông đồ Kitô giáo cụ thể giữa lòng gia đình (x. GLCG 902).

Tông huấn cũng lưu ý rằng, “Các vị mục tử phải nhận biết và cổ võ các tác vụ, chức năng và vai trò của người tín hữu giáo dân” (CL 23). Một mục tử của các linh hồn không thể gánh vác hết tất cả mọi việc trong cộng đoàn được ủy thác cho mình. Ngài phải lượng định khả năng hoạt động của các giáo dân, với niềm trân trọng về chuyên môn và lòng nhiệt thành của họ. Thật là đúng khi nói rằng một giáo dân không thể thay thế mục tử trong các sứ vụ đòi hỏi năng quyền được trao do Bí tích Truyền chức, nhưng cũng thật là đúng khi nói rằng mục tử không thể thay thế các giáo dân trong những lãnh vực mà họ chuyên môn hơn ngài. Vì thế, ngài phải thăng tiến vai trò của giáo dân và khuyến khích họ tham gia vào sứ vụ của Giáo hội.

6. Về vấn đề này, cũng nên nhớ đến quy định của Bộ Giáo luật, theo đó, “nơi nào nhu cầu Giáo hội đòi hỏi”, có thể úy thác cho các giáo dân một số việc bổ sung cho giáo sĩ (Bộ Giáo luật số 230, triệt 3); tuy rằng, như chúng ta đã đọc trong Tông huấn Christifideles Laici, “Việc thực thi những nhiệm vụ này không biến giáo dân thành một mục tử”. Công việc này nhận được “tính cách hợp thức từ sự ủy nhiệm chính thức của các mục tử, và phải thi hành dưới sự hướng dẫn của quyền bính Giáo hội” (CL 23).

Giáo dân có vai trò trong chức vụ ngôn sứ của Chúa Kitô

Dù sao, cần phải nói thêm rằng, hoạt động của giáo dân không bị giới hạn vào “những trường hợp khẩn cấp và thường xuyên cần thiết”. Có nhiều lãnh vực của đời sống Giáo hội, luôn cần đến sự tham gia tích cực của giáo dân, bên cạnh những công tác chuyên biệt của hàng giáo phẩm. Trước tiên là lãnh vực của cộng đoàn Phụng vụ. Chắc chắn, việc cử hành Thánh Thể đòi hỏi hành vi của linh mục, người có năng quyền đón nhận từ bí tích Truyền chức để dâng hiến lễ nhân danh Chúa Kitô Tư tế. Tuy nhiên, theo Tông huấn Christifideles Laici, việc cử hành phụng vụ “là một hành vi thánh thiêng không chỉ của các giáo sĩ, mà là của toàn thể cộng đoàn”. Đó là một hành vi mang tính cách cộng đoàn. “Do vậy, tự bản chất, các nhiệm vụ nào không phải là riêng của tác viên có chức thánh thì phải để cho các tín hữu giáo dân thi hành” (CL 23). Có biết bao tín hữu, trẻ em và người lớn, già và trẻ, chu toàn các nhiệm vụ này rất chu đáo trong các thánh đường, bằng các lời nguyện, các bài đọc, thánh ca và các công tác khác nhau bên trong và ở ngoài đền thờ! Chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa vì thực tại này trong thời đại chúng ta, và cần cầu xin Người cho nó không ngừng gia tăng về lượng cũng như về phẩm.

7. Ngoài lãnh vực phụng vụ, các giáo dân có bổn phận riêng để loan báo Lời Chúa, bởi vì họ được thông phần vào chức vụ ngôn sứ của Chúa Kitô, cho nên cũng có trách nhiệm trong việc loan báo Tin mừng. Vì thế, các giáo dân có thể được trao những công tác đặc thù và thậm chí là các ủy nhiệm thường trực, chẳng hạn trong việc dạy giáo lý, giáo dục, việc quản trị và điều hành các báo chí tôn giáo, trong việc xuất bản sách Công giáo, các phương tiện truyền thông đại chúng, trong các dự án và công cuộc khác nhau mà Giáo hội thúc đẩy nhằm truyền bá đức tin (x. GLCG 906).

Trong mọi trường hợp, chúng ta đang nói về một sự tham dự vào sứ vụ của Giáo hội, trong từng Lễ Ngũ Tuần mới, nhằm mang lại cho toàn thế giới ân sủng của Thánh Linh đã được ban trong phòng Tiệc ly ở Giêrusalem, nhờ đó những kỳ công tuyệt diệu của Thiên Chúa có thể được loan báo cho muôn dân tộc.”

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here