TGH Gioan Phaolô II – BÀI 81: GIÁO DÂN THÔNG DỰ VÀO CHỨC TƯ TẾ CỦA CHÚA KITÔ

0
1353

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

BÀI 81: GIÁO DÂN THÔNG DỰ VÀO CHỨC TƯ TẾ CỦA CHÚA KITÔ

Sự tham gia của các giáo dân vào chức tư tế của Chúa Kitô là chủ đề của bài giáo lý ngày 15 tháng 12. Trích dẫn lời của thánh Phêrô tông đồ viết trong Thư thứ nhất, Đức Thánh Cha tuyên bố rằng các tín hữu được mời gọi dâng hiến “những hy sinh thiêng thánh được Thiên Chúa chấp nhận qua Chúa Giêsu Kitô”, đặc biệt là khi tham dự Thánh lễ Chúa nhật.

1. Trong các bài giáo lý trước đây về giáo dân, chúng tôi đã nhiều lần nhắc đến nghĩa vụ ca ngợi Thiên Chúa và những bổn phận phụng tự khác của các giáo dân. Hôm nay, chúng tôi muốn triển khai chủ đề này trực tiếp hơn, khởi đầu từ các bản văn của Công đồng Vaticanô II như sau: “Chúa Giêsu Kitô, Thượng tế vĩnh cửu, vì cũng muốn giáo dân tiếp tục chứng tá và tác vụ của Người, nên đã nhờ Thánh Linh ban cho họ sức sống và không ngừng thôi thúc họ thực hiện những công việc tốt lành và trọn hảo” (LG 34). Dưới sự thúc đẩy ấy của Thánh Linh, các giáo dân được chia sẻ chức tư tế của Chúa Kitô, dưới hình thức mà trước đây chúng ta định nghĩa là phổ quát, chung cho toàn thể Giáo hội, trong đó mọi người, bao gồm cả các giáo dân, được mời gọi tiến dâng sự phụng thờ thiêng liêng[1] lên Thiên Chúa. “Những kẻ đã được (Đức Kitô) cho tham dự cách mật thiết vào sự sống và sứ mệnh của Người, thì Người cũng dành cho họ được dự phần vào chức vụ tư tế để họ thực hành việc phụng thờ thần linh hầu tôn vinh Thiên Chúa và cứu độ loài người. Bởi vậy, vì các giáo dân đã được hiến dâng cho Chúa Kitô và được Thánh Linh thánh hiến, nên họ được mời gọi và huấn luyện cách lạ lùng để làm triển nở các hoa trái của Thánh Linh” (LG 34).

Nhờ bí tích Thánh tẩy, chúng ta được tham dự vào chức tư tế của Chúa Kitô

2. Chúng tôi lưu ý rằng Công đồng không chỉ mô tả các giáo dân như là những người được chia sẻ “chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương đế của Chúa Kitô” (LG 31), mà còn chỉ rõ rằng chính Chúa Kitô tiếp tục thi hành chức tư tế của Người trong đời sống của họ. Do vậy, sự tham gia của giáo dân vào chức tư tế phổ quát của Giáo hội được thể hiện do sự ủy thác và tác động của Chúa Kitô, Vị Thượng Tế duy nhất và vĩnh cửu.

Hơn nữa, tác động tư tế này của Chúa Kitô nơi các giáo dân được thể hiện nhờ Thánh Linh. Chúa Kitô “nhờ Thánh Linh ban cho họ sức sống”: đây là điều mà Chúa Giêsu đã hứa khi Người nói về việc Thần Khí là nguyên lý ban sự sống (x. Ga 6,63). Đấng đã được phái cử đến vào ngày lễ Ngũ tuần để thành lập Giáo hội, thì vẫn mang sứ vụ trường cửu làm triển nở chức vụ và hoạt động tư tế của Chúa Kitô trong Giáo hội, bao gồm cả các giáo dân, là những thành phần chính danh của Thân Thể Chúa Kitô nhờ Bí tích Rửa tội. Thực vậy, với Bí tích Rửa tội, sự hiện diện và hoạt động tư tế của Chúa Kitô được khởi đi trong mọi thành phần của Thân Thể Người, trong đó Thánh Linh đổ tràn ân sủng và ghi ấn tích, ban cho người tín hữu khả năng thông dự cách sống động vào việc thờ phượng mà Đức Kitô dâng lên Chúa Cha trong Giáo hội. Nơi Bí tích Thêm Sức, Thánh Linh ban cho khả năng thực hiện dấn thân cho đức tin như người trưởng thành, và tích cực tham gia vào sứ vụ của Giáo hội làm chứng tá và loan truyền Tin Mừng[2].

Những cộng sự viên vào công cuộc cứu chuộc

3. Nhờ việc chia sẻ này vào chức tư tế của mình, Chúa Kitô ban cho tất cả các phần tử, gồm cả các giáo dân (x. LG 34), khả năng dâng hiến đời sống của họ như sự thờ phượng mà chính Người gọi là “phụng thờ Chúa Cha trong Thần Khí và sự thật” (Ga 4,23). Nhờ việc thi hành việc thờ phượng này, người tín hữu, được linh hoạt bởi Thánh Linh, thông dự vào hy lễ của Ngôi Lời nhập thể và vào sứ mạng của Người – là Thượng tế và Đấng Cứu Chuộc muôn loài.

Theo Công đồng, chính trong thực tại tư tế siêu việt của mầu nhiệm Chúa Kitô mà các giáo dân được mời gọi hiến dâng toàn thể cuộc đời của họ làm hiến lễ thiêng liêng, nhờ đó, họ cộng tác với toàn thể Giáo hội vào việc thánh hiến hiến thế gian mà Đấng Cứu chuộc liên lỉ thi hành. Đây là sứ vụ cao cả của các giáo dân: “Nếu được chu toàn trong Thánh Linh, thì mọi hoạt động, kinh nguyện và công tác tông đồ, đời sống hôn nhân và gia đình, công ăn việc làm thường ngày, việc nghỉ ngơi về thể chất và tinh thần, và ngay cả việc kiên nhẫn chấp nhận những ngang trái của cuộc sống, tất cả những điều này sẽ trở nên ‘hiến lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô.’ Trong khi cử hành Thánh Lễ, họ được dâng hiến mình Chúa Cha cùng với hiến lễ của Mình Thánh Chúa. Như vậy, như những người thờ lạy tích cực ở mọi nơi, các giáo dân dâng hiến chính thế gian cho Thiên Chúa“ (x. LG 34; GLCG 901) .

Thánh Lễ, trung tâm của ơn cứu độ

4. Sự phụng thờ thiêng liêng bao hàm việc tham dự của giáo dân vào cử hành Thánh Thể, là trọng tâm của toàn bộ mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người trong Giáo hội. Theo nghĩa này, “các tín hữu giáo dân [cũng] chia sẻ vào chức vụ tư tế, mà chính Chúa Giêsu đã trao hiến bản thân trên thập giá và tiếp tục hiến mình trong Thánh Lễ, nhằm tôn vinh Thiên Chúa và cứu độ nhân loại” (CL 14). Trong việc cử hành Thánh Thể, giáo dân tham dự tích cực bằng việc dâng hiến bản thân liên kết với Đức Kitô – vừa là Tư tế và vừa là tế phẩm. Nhờ ấn tích thánh tẩy khiến cho họ có khả năng tiến dâng phụng tự công của Kitô giáo, hiến lễ của họ dâng lên Chúa Cha cùng với Đức Kitô trong Hội thánh, mang giá trị của Giáo hội[3]. Việc tham dự vào bí tích của bàn tiệc Thánh Thể thúc đẩy và kiện toàn việc dâng hiến của họ, và thông ban cho họ ân sủng bí tích để giúp họ sống và hành động phù hợp với những đòi hỏi của hiến lễ được dâng với Chúa Kitô và Giáo hội.

5. Đến đây, chúng ta phải nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tham dự Thánh lễ ngày Chúa nhật do Giáo hội quy định. Đối với mọi tín hữu, đó là hành động thờ phượng cao cấp nhất của việc thi hành chức tư tế phổ quát, tương tự như việc dâng Thánh lễ đối với các tư tế trong việc thi hành chức tư tế thừa tác. Đối với tất cả mọi tín hữu, việc tham dự bàn tiệc Thánh Thể là điều kiện để kết hợp mật thiết với Chúa Kitô, như chính Người đã nói: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu của Con Người, các ông không có sự sống nơi mình” (Ga 6,53). Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo nhắc nhở tất cả tín hữu về tầm quan trọng của việc tham dự Thánh lễ Chúa nhật (x. GLCG 2181-2182). Ở đây tôi muốn kết luận với những lời trong Thư thứ nhất của thánh Phêrô, đúc nặn lên hình ảnh của các giáo dân thông dự vào mầu nhiệm Thánh Thể và Hội thánh: “Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng, và hãy để Thiên Chúa đặt anh em làm hàng tư tế thánh, dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Người, nhờ Đức Giêsu Kitô.” (1 Pr 2,5).

[1] Chú thích của người dịch. “Việc thờ phương thiêng liêng” Cultus spiritualis: 1 Pr 2,5) cũng có thể dịch là “trong tinh thần”, hoặc “trong thần khí”.

[2] Summa theologiae, III, q. 63, a. 3; q. 72, aa. 5-6.

[3] X. Summa theologiae, III, a. 63, a. 3.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here