TGH Gioan Phaolô II – BÀI 80: LINH ĐẠO GIÁO DÂN: SỐNG ĐỨC TIN

0
534

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

BÀI 80: LINH ĐẠO GIÁO DÂN: SỐNG ĐỨC TIN

Sự kết hợp với Chúa Giêsu Kitô là nền tảng cho đời sống tâm linh của giáo dân: đây là chủ đề của bài giáo lý của Đức Thánh Cha tại buổi tiếp kiến chung vào Thứ Tư, ngày 01 tháng 12. Nhờ sự kết hợp với Chúa Kitô, mọi người có thể khám phá ý nghĩa đích thực của các hoạt động trần thế của họ và nhận thức rõ hơn về kế hoạch của Thiên Chúa trong đời sống.

1. Vai trò đặc trưng của người giáo dân trong Giáo hội đòi buộc họ phải có một đời sống tâm linh sâu sắc. Để giúp họ hiểu và sống điều này, nhiều tác phẩm thần học và mục vụ về linh đạo giáo dân đã được phát hành, dựa trên giả định rằng mọi người đã rửa tội đều được mời gọi nên thánh. Cách thức thực hiện lời mời gọi này thì tùy theo các yếu tố khác nhau như: ơn gọi đặc thù, điều kiện sinh sống và làm việc, khả năng và khuynh hướng, những sở thích cá nhân về một linh đạo hay đường hướng tông đồ, hoặc một đấng sáng lập cụ thể của một Dòng hoặc Tu hội. Điều này đã và vẫn diễn ra trong tất cả các nhóm họp thành Hội thánh cầu nguyện và lao động, trên hành trình tiến về thiên quốc. Chính Công đồng Vaticanô II đã phác thảo một linh đạo đặc thù cho giáo dân, trong bối cảnh của một đạo lý sinh hoạt chung cho mọi người trong Giáo hội.

Chúa Kitô ở trong chúng ta… Chúng ta ở trong Chúa Kitô

2. Tất cả linh đạo Kitô giáo phải dựa trên những điều Chúa Giêsu đã nói về sự cần thiết kết hợp nghĩa thiết với Người: “Hãy ở lại trong Thầy… Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái” (Ga 15,4-5 ). Sự khác biệt giữa hai khía cạnh của sự kết hợp mà bản văn đề cập rất có ý nghĩa: sự hiện diện của Chúa Kitô trong chúng ta, mà chúng ta phải đón tiếp, nhìn nhận và ngày càng khát mong, và hoan hỉ nếu đôi khi chúng ta được ơn cảm nghiệm sự hiện diện đó cách mãnh liệt; và sự hiện diện của chúng ta trong Chúa Kitô là điều mà chúng ta được mời gọi đạt đến nhờ đức tin và lòng mến của mình.

Sự kết hợp này với Chúa Kitô là một ân huệ của Thánh Linh, Đấng đổ tràn ân huệ ấy vào linh hồn nào biết đón nhận và nuôi dưỡng, hoặc nhờ việc suy niệm các mầu nhiệm thần linh, hoặc nhờ hoạt động tông đồ tìm cách truyền đạt ánh sáng ấy, hoặc nhờ hành động trên bình diện cá nhân và xã hội[1]. Các giáo dân được mời gọi cảm nghiệm sự hiệp thông này cũng như bất cứ thành phần nào khác trong Dân Chúa. Công đồng nhắc lại điều này và nhắn nhủ rằng: “Đang khi chu toàn các nhiệm vụ trần thế của mình trong các hoàn cảnh thông thường của cuộc sống, giáo dân đừng tách ly đời sống ra khỏi sự kết hợp với Chúa Kitô” (AA 4).

Cầu nguyện là điều không thể nào thiếu trong đường nên thánh

3. Bởi vì là một ân huệ của Thánh Linh, nên sự kết hợp với Chúa Kitô cần được khẩn nài qua lời cầu nguyện. Dĩ nhiên, chu toàn công việc theo thánh ý Thiên Chúa đã là thực hiện điều làm đẹp lòng Người, và đấy là một hình thức cầu nguyện. Như thế, ngay cả những hành động dù đơn giản nhất cũng trở thành một của lễ ca ngợi Thiên Chúa, và điều này làm Người vui thỏa. Nhưng nói thế vẫn chưa đủ: cần dành ra những khoảnh khắc cụ thể để cầu nguyện, theo gương Chúa Giêsu –là Đấng ngay cả khi đứng giữa hoạt động ngôn sứ hăng say nhất, vẫn rút lui vào nơi cô tịch để cầu nguyện (Lc 5,16).

Điều này có giá trị đối với mọi người, kể cả với các giáo dân. Những “trạm dừng” dành cho cầu nguyện có thể mang nhiều hình thức khác nhau, nhưng dù thế nào đi nữa, nguyên tắc là việc cầu nguyện rất cần thiết đối với mọi người, cả đời sống cá nhân lẫn hoạt động tông đồ. Chỉ nhờ một đời sống cầu nguyện mãnh liệt, các giáo dân mới có thể tìm thấy hứng khởi, năng lực, can đảm để đối diện với khó khăn và thử thách, sự quân bình, khả năng khởi xướng, duy trì và phục hồi.

Thánh Thể

4. Đời sống cầu nguyện của mọi tín hữu, kể cả giáo dân, không thể thiếu việc tham dự vào phụng vụ, lãnh bí tích Hòa giải, và nhất là cử hành Bí tích Thánh Thể, là nơi mà sự hiệp thông bí tích với Chúa Kitô trở nên nguồn mạch sự hòa hợp nối kết giữa linh hồn với Chúa Kitô, như chính Người đã tuyên bố: “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,56). Bàn tiệc Thánh Thể đảm bảo việc nuôi dưỡng tinh thần giúp cho việc trổ sinh hoa trái dồi dào. Vì thế các Kitô hữu Giáo dân cũng được mời gọi họ sống đời Thánh Thể cách mãnh liệt. Việc tham dự Thánh lễ Chúa nhật cần phải trở thành nguồn mạch của đời sống thiêng liêng cũng như hoạt động tông đồ của họ. Ngoài việc tham dự Thánh lễ và hiệp lễ Chúa nhật, thật là hạnh phúc cho những ai cảm thấy mình được thúc giục lãnh nhận Thánh Thể thường xuyên hơn, giống như nhiều vị thánh đã khuyến khích, đặc biệt là vào thời nay khi việc tông đồ giáo dân đang phát triển lớn mạnh.

Ý nghĩa của mọi sự việc dưới ánh sáng đức tin

5. Công đồng muốn nhắc nhở các giáo dân rằng việc kết hợp với Chúa Kitô có thể và phải hòa quyện vào mọi khía cạnh của cuộc sống trần thế: “Những việc trong gia đình cũng như việc ngoài xã hội, không được tách rời khỏi linh đạo của cuộc đời họ, theo lời thánh Tông đồ, ‘Bất kể anh em có làm gì, nói gì thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giêsu Kitô, và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha’ (Cl 3,17)” (AA 4). Trong Chúa Kitô, tất cả mọi hoạt động của con người mang một ý nghĩa cao cả hơn. Điều này đã mở ra một viễn cảnh rộng lớn và rõ ràng về giá trị của các thực tại trần thế. Thần học nhấn mạnh đến bản chất tích cực của mọi thứ hiện hữu và hoạt động nhờ sự tham gia của chúng vào hữu thể, chân lý, vẻ đẹp và sự tốt lành của Thiên Chúa, “Đấng tạo hóa và Chúa tể trời đất”, nghĩa là của toàn thể vũ trụ và mỗi thực thể dù bé nhỏ hoặc vĩ đại làm thành phần của vũ trụ. Đây là một trong những luận điểm cơ bản trong quan điểm thánh Tôma về vũ trụ[2], dựa trên sách Sáng Thế và nhiều bản văn Kinh thánh khác, và được khoa học xác nhận bởi những kết quả tuyệt vời của việc nghiên cứu về thế giới vi mô và thế giới vĩ mô: mọi vật đều có bản thể riêng của chúng; mọi vật đều chuyển động theo khả năng riêng, nhưng mọi vật cũng biểu lộ các giới hạn của chính nó, sự lệ thuộc và tính hướng đích nội tại của nó.

6. Một linh đạo dựa trên quan điểm xác thực về sự vật này, thì mở ngỏ cùng Thiên Chúa vô hạn và vĩnh cửu, Đấng được tìm kiếm, yêu thương và phục vụ suốt đời, được khám phá và nhận diện như một nguồn sáng giải thích các diễn tiến của thế giới và lịch sử. Đức tin thiết lập và kiện toàn tinh thần chân lý và khôn ngoan này, và cho phép chúng ta nhìn thấy sự hiện diện của Chúa Kitô trong mọi sự, ngay cả trong những thực tại được gọi là “thế tạm”, nơi mà đức tin và đức cao minh cho thấy mối tương quan của chúng với Thiên Chúa, là Đấng trong đó chúng ta “sinh sống, hoạt động và hiện hữu” (Cv 17,28; x. AA 4). Với đức tin, chúng ta có thể nhận ra sự thể hiện kế hoạch của tình yêu cứu chuộc của Thiên Chúa ngay cả trong trật tự thế tạm, và nhận ra sự chăm sóc liên lỉ của Chúa Cha trong sự diễn tiến của đời sống cá nhân của mình, nghĩa là những sự can thiệp của Đáng Quan phòng đáp ứng các lời cầu xin và nhu cầu của con người (x. Mt 6,25-34). Trong điều kiện đời sống giáo dân, cái nhìn của đức tin như vậy sẽ chiếu dọi ánh sáng vào mọi thứ thực tại thường nhật, trong điều lành và điều dữ, trong niềm vui và nỗi buồn, trong lao nhọc và nghỉ ngơi, trong suy tư và hành động.

7. Nếu đức tin đưa ra một viễn cảnh mới mẻ, thì đức hy vọng mang lại năng lực mới cho việc tham gia vào các vấn đề thế tạm (x. AA 4). Do đó, người giáo dân có thể chứng tỏ rằng linh đạo và hoạt động tông đồ không làm suy yếu cuộc dấn thân vào việc kiện toàn trận tự thế tạm; đồng thời, họ cho thấy sự cao cả của những mục tiêu mà họ đang khao khát và của niềm hy vọng nung nấu họ và họ mong muốn chia sẻ cho người khác. Đây là một niềm hy vọng không loại trừ những thử thách, đau khổ, nhưng nó không thể gây ra thất vọng, bởi vì dựa trên mầu nhiệm vượt qua, mầu nhiệm thập giá và phục sinh của Chúa Kitô. Các giáo dân biết và làm chứng ​rằng việc chia sẻ vào sự hy sinh của thập giá dẫn họ đến việc chia sẻ niềm vui được truyền đạt bởi Đức Kitô hiển vinh. Do đó, đang khi nhìn vào những điều thiện ích thế tạm bên ngoài, tuy vẫn tôn trọng mục tiêu riêng của chúng, người tín hữu xác tín trong thâm tâm rằng chúng là phương tiện và con đường dẫn đến sự hoàn thiện của đời sống vĩnh cửu. Tất cả điều này xảy ra được là đức mến mà Thánh Linh tuôn đổ vào linh hồn (x. Rm 5,5), để giúp nó thông dự vào đời sống của Thiên Chua, ngay từ đời này.

[1] X. S. Thomas Aq. , Summa theologiae, II-II, q. 45, a. 4.

[2] Summa theologiae I, q. 6, a. 4; q. 16, a. 6; q. 18, a. 4; q. 103, aa. 5-6; q. 105, a. 5, etc.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here