Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh
BÀI 79: GIÁO DÂN ĐƯỢC MỜI GỌI NÊN THÁNH
Tại buổi tiếp kiến chung vào Thứ Tư, ngày 24 tháng 11, Đức Thánh Cha tiếp tục bài giáo lý về sự tham gia của giáo dân vào ơn gọi nên thánh của Giáo hội. Sự thánh thiện Kitô giáo bắt nguồn từ việc vâng theo Chúa Kitô qua Bí tích Rửa tội. Tất cả những người theo Chúa Kitô, kể cả các giáo dân, được thánh hóa qua Bí tích Rửa tội, nên cố gắng hướng đến sự thánh thiện, mặc dù họ vẫn phải chịu những cám dỗ do yếu đuối của bản tính con người. Mặt khác, tuy dù ơn gọi nên thánh là một, nhưng các phương thế đáp trả thì nhiều và khác nhau.
1. Giáo hội là thánh và tất cả mọi chi thể của Giáo hội được mời gọi nên thánh. Các giáo dân dự phần vào sự thánh thiện của Giáo hội như những thành phần có đầy đủ phẩm cách trong cộng đoàn Kitô hữu. Sự tham dự vào sự thánh thiện bản thể của Hội thánh được diễn tả thành một cuộc cam kết bản thân nên thánh về luân lý. Tất cả các phần tử của Giáo hội đều bình đẳng với nhau trong khả năng và ơn gọi nên thánh này (x. Gl 3,28).
Mức độ thánh thiện cá nhân không phụ thuộc vào địa vị đảm trách trong xã hội hoặc trong Giáo hội, mà chỉ phụ thuộc vào mức độ sống đức mến (x. 1 Cr 13). Một người giáo dân hào hiệp đón nhận đức mến thần linh vào con tim và cuộc đời của mình thì còn thánh thiện hơn một linh mục hay giám mục chỉ đón nhận đức mến cách nửa vời.
2. Sự thánh thiện Kitô giáo bắt nguồn từ việc gắn bó với Chúa Kitô nhờ đức tin và Bí tích Rửa tội. Bí tích này là nguồn mạch của sự hiệp thông của Giáo hội trong sự thánh thiện, như đã thấy rõ trong lời của thánh Phaolô: “Chỉ có một Thiên Chúa, một niềm tin, một phép Rửa” (Ep 4,5). Công đồng Vaticanô II đã trích dẫn đoạn văn này, và từ đó khẳng định về mối dây liên kết chung của mọi tín hữu với Chúa Kitô và trong Giáo hội (x. LG 32). Việc thông dự vào đời sống của Chúa Kitô nhờ Bí tích Rửa tội là nền tảng cho sự thánh thiện về bản thể, về Giáo hội và luân lý của tất cả mọi tín hữu, dù là giáo sĩ hay giáo dân.
Công đồng khẳng định: “Được Thiên Chúa kêu gọi và trở nên công chính trong Đức Giêsu Kitô, không phải nhờ công trạng riêng nhưng do ý định và ân sủng riêng của Ngài, trong ơn Thánh tẩy nhờ đức tin, các môn đệ của Đức Kitô đã thật sự trở thành con cái Thiên Chúa và được thông phần vào thần tính, vì thế họ thực sự là các thánh“ (LG 40). Thánh thiện có nghĩa là thuộc về Thiên Chúa. Sự thuộc về này được hiện thực hóa trong Bí tích Rửa tội, để một khi con người được Chúa Kitô chiếm hữu, họ “thông dự bản tính thần linh” (x. 2 Pr 1,4) ở nơi Người nhờ ơn Nhập Thể (x. Summa theologiae, III, q. 7, a. 13; q. 8, a. 5). Do đó, như đã nói, Chúa Kitô thực sự trở thành, “sự sống của linh hồn”. Ấn tín bí tích ghi dấu trên con người nhờ phép Rửa là dấu chỉ và mối ràng buộc của việc hiến dâng cho Thiên Chúa. Đây là lý do tại sao thánh Phaolô gọi những người đã được nhận bí tích thanh tẩy là “các thánh” (x. Rm 1,7; 1 Cr 1,2; 2 Cr 1,1, v.v.).
Sự thánh thiện không phải là đặc ân của một ít người
3. Nhưng, như chúng ta đã nói, từ sự thánh thiện “bản thể” này phát sinh sự cam kết nên thánh về “luân lý”[1]. Như Công đồng tuyên bố, tất cả mọi người phải “gìn giữ và hoàn tất trong đời sống, sự thánh thiện mà họ đã nhận lãnh” (LG 40). Tất cả phải nỗ lực hướng đến sự thánh thiện, bởi vì họ đã mang trong mình hạt giống thánh. Họ phải nuôi dưỡng sự thánh thiện đã được trao ban. Mọi người phải sống “xứng đang với các thánh” (Ep 5,3), và mặc lấy, “như những người được Thiên Chúa tuyển chọn, hiến thánh và yêu thương, những tâm tình thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và kiên nhẫn” (Cl 3,12). Sự thánh thiện mà họ sở hữu không che chở họ khỏi những cám dỗ hay lỗi lầm, bởi vì sự yếu đuối của bản tính con người vẫn tồn tại nơi những người đã được rửa tội còn sống ở đời này. Về vấn đề này, Công đồng Trentô đã dạy rằng, không ai có thể tránh được phạm tội, dù là tội nhẹ, trong suốt cuộc đời nếu không nhờ một hồng ân đặc biệt từ Thiên Chúa, như Giáo hội tin nhận rằng Ngài đã ban cho Đức Trinh Nữ (x. DS 1573). Điều này đưa đến việc cầu xin Chúa ban một ân sủng luôn luôn mới, đó là kiên trì trong điều lành và tha thứ tội lỗi: “Xin tha các nợ của chúng con” (Mt 6,12).
4. Theo Công đồng, tất cả các môn đệ Chúa Kitô, kể cả các giáo dân, đều được mời gọi tiến đến đức mến trọn hảo (LG 40). Việc nỗ lực đạt đến sự trọn lành không phải là đặc quyền của riêng ai, nhưng là một nghĩa vụ đối với tất cả các thành phần của Giáo hội. Việc dấn thân đạt đến sự trọn lành Kitô giáo có nghĩa là kiên trì trên con đường nên thánh. Như Công đồng đã tuyên bố: “Chúa Giêsu, thầy dạy và mẫu mực thần linh của mọi sự trọn lành, đã rao giảng cho tất cả và mỗi người môn đệ, bất luận thuộc địa vị nào, về một đời sống thánh thiện mà chính Người vừa là Đấng khởi xướng và vừa là Đấng hoàn tất: ‘Vậy, anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện’ (Mt 5,48)“ (LG 40). Do đó, “tất cả mọi Kitô hữu thuộc bất kỳ hàng ngũ hay địa vị nào, đều được kêu gọi đạt đến sự viên mãn trong đời sống Kitô giáo và sự hoàn trọn của đức mến” (LG 40). Chính nhờ sự thánh thiện của mỗi người mà sự trọn lành của con người mới được du nhập vào xã hội trần thế, theo lời của người Tôi Tớ Chúa Elizabeth Leseur, “Mỗi tâm hồn được nâng cao thì sẽ nâng cả thế giới lên cùng với mình”. Công đồng dạy rằng “ngay trong xã hội trần thế, sự thánh thiện này cũng giúp người ta sống nhân bản hơn” (LG 40).
5. Đến đây, ta cần phải nhận ra sự phong phú vô tận của ân sủng Đức Kitô mà nhân loại được thông phần, đã được diễn tả thành muôn vàn ân huệ nhờ đó mỗi người có thể phục vụ và làm lợi cho tha nhân trong thân thể duy nhất của Giáo hội. Khi kêu mời các Kitô hữu khắp vùng Tiểu Á hướng đến sự thánh thiện, thánh Phêrô viết như sau: “Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em hãy dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy, anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa” (1 Pr 4,10).
Tất cả mọi giáo dân đều phải cam kết nên thánh
Công đồng Vaticanô II cũng tuyên bố: “Hàng ngũ và bổn phận trong đời sống thì đa dạng, nhưng sự thánh thiện chỉ là một – sự thánh thiện được vun đắp bởi tất cả những ai được thức đẩy bởi Thần khí Thiên Chúa” (LG 41). Như thế Công đồng nhắc đến con đường nên thánh dành cho các Giám mục, Linh mục, Phó tế và các ứng sinh đang chuẩn bị trở thành thừa tác viên của Chúa Kitô, và các giáo dân “được các Giám mục mời gọi để dấn thân trọn vẹn vào công tác tông đồ” (LG 41). Công đồng cũng bàn đến con đường nên thánh của các Kitô hữu đã cam kết vào đời sống hôn nhân: “Các đôi vợ chồng và cha mẹ Kitô giáo nên theo đuổi lối sống riêng của mình (hướng đến sự thánh thiện) bằng cách nâng đỡ nhau trong ân sủng trong suốt cuộc đời, dạy dỗ đạo lý Kitô giáo và các nhân đức Phúc Âm cho các con cái mà họ đã âu yếm đón nhận từ Thiên Chúa. Nhờ thế, họ nên chứng nhân cho mọi người về tình yêu quảng đại và không mỏi mệt, họ xây dựng tình huynh đệ bác ái, làm nhân chứng và cộng tác vào việc sinh sản của Mẹ Giáo hội, và trở thành dấu chỉ và sự thông phần vào tình yêu mà Chúa Kitô dành cho Hiền Thê của mình và đã hiến mạng sống cho Hiền Thê.” (LG 41).
Đề tài này còn có thể và phải được mở ra đến hoàn cảnh của những người sống đơn thân, do tự ý chọn lựa hoặc do các sự kiện và hoàn cảnh đặc biệt, chẳng hạn như người nam và người nữ chưa lập gia đình, góa chồng hay góa vợ, những người ly thân hoặc sống xa cách gia đình. Lời Chúa mời gọi nên thánh cũng hướng đến tất cả mọi người, và được thực hiện dưới hình thức đức mến. Đề tài cũng có thể và phải nới rộng, như tại Thượng Hội đồng năm 1987 (x. CL 17) đến những người, qua đời sống thường nhật và công việc nghề nghiệp, đang hoạt động vì lợi ích của anh chị em và sự tiến bộ của xã hội, theo gương Chúa Giêsu lao động. Cuối cùng, đề tài này có thể và phải được mở rộng đến tất cả những người, như Công đồng đã nói, “đang bị đè nặng bởi nghèo đói, bệnh tật và đau yếu, cũng như những người phải chịu thử thách hay chịu bách hại vì công lý: họ được kết hợp đặc biệt với Đức Kitô đau khổ để cứu độ thế gian” (LG 41).
6. Do đó, có nhiều khía cạnh và hình thức của sự thánh thiện Kitô giáo được mở ra cho giáo dân trong những hoàn cảnh khác nhau của cuộc đời họ. Họ được kêu gọi noi gương Chúa Kitô, và họ có thể đón nhận bởi Người ân sủng cần thiết để chu toàn sứ vụ của mình trên trần gian. Thật vậy, tất cả tín hữu đều được Thiên Chúa mời gọi để bước đi trên con đường thánh thiện, để lôi cuốn vào con đường này những người bạn đồng hành trong đời sống và các đông nghiệp trong các công tác sinh hoạt trần thế.
[1] Chú thích của người dịch. Thần học phân biệt hai khía cạnh của sự thánh thiện: “bản thể” và “luân lý”. Xét về “bản thể” chúng ta đã được thánh hóa nhờ bí tích Thanh Tẩy; nhưng chúng ta cần sống phù hợp với bản thể ấy, qua đời sống “luân lý”, thực hành các nhân đức.