Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh
BÀI 76: CĂN TÍNH CỦA CÁC GIÁO DÂN TRONG GIÁO HỘI
Người giáo dân hoàn toàn thuộc về Dân Chúa và là thành phần của Thân Thể Mầu Nhiệm của Chúa Kitô nhờ bí tích Rửa Tội, tham gia vào đời sống và sự tăng trưởng của Giáo Hội.
Sau khi kết thúc việc suy tư về các chức vụ của Giáo hội trong bài giáo lý trước đó, Đức Thánh Cha đã chuyển sang các giáo dân, bắt đầu từ buổi tiếp kiến chung vào Thứ Tư, ngày 27 tháng 10 năm 1993.
1. Xuyên suốt loạt bài Giáo lý về Giáo hội học, chúng ta đã suy tư về Giáo hội như là Dân Thiên Chúa, như là cộng đoàn tư tế và bí tích , kế đó chúng ta dừng lại ở các nhiệm vụ và tác vụ khác nhau trong Giáo hội. Chúng ta khởi đi từ các Tông đồ, là những người được Chúa Kitô chọn lựa và sai đi, rồi đến các Giám mục kế vị các tông đồ, các Linh mục cộng sự viên của các giám mục, rồi các Phó tế. Thật hợp lý khi giờ đây chúng ta chú ý đến vị thế và vai trò của Giáo dân, là thành phần đại đa số của Dân Thiên Chúa. Chúng tôi sẽ trình bày đề tài này dựa theo đường hướng của Công đồng Vaticanô II, nhưng đồng thời cũng thâu thập các chỉ thị và hướng dẫn của Tông huấn “Người Kitô hữu Giáo dân” (Christifideles Laici), được công bố vào ngày 30 tháng 12 năm l988, như là kết quả của Thượng Hội đồng Giám mục 1987.
Từ ngữ “giáo dân”
2. Về tầm nguyên, hạn từ “giáo dân” (laicus tiếng Latinh, lay tiềng Anh, laic tiếng Pháp) bắt nguồn từ thuật ngữ Hy Lạp laikos, gốc bởi danh từ laos – dân. Như vậy, hạn từ “giáo dân” có nghĩa là “thuộc về dân”. Như vậy ý nghĩa của hạn từ thật là đẹp, nhưng tiếc rằng, với sự biến chuyển lịch sử lâu dài, những từ ngữ vừa nói (laicus, lay, laic) , trong ngôn ngữ thông thường và cách riêng trong ngôn ngữ chính trị, mang một ý nghĩa đối lập với tôn giáo và cách riêng là đối lập với Giáo hội, và được hiểu như là thái độ tách biệt, hay khước từ, hoặc ít ra là lãnh đạm. Dĩ nhiên, hiểu như vậy là không đúng[1].
Tuy nhiên, trong ngôn ngữ Kitô giáo, hạn từ “giáo dân” được hiểu là những người thuộc về Đoàn Dân của Thiên Chúa, và đặc biệt hơn nữa, những người không thuộc thành phần giáo sĩ, bởi vì không giữ những chức vụ và sứ vụ liên quan đến các bí tích truyền chức thánh, dựa theo sự phân biệt cổ truyền giữa “giáo sĩ” và “giáo dân” [Bộ giáo luật đ. 207, § 1]. Giáo sĩ là các tác viên thánh, tức là Đức Giáo Hoàng, các Giám mục, các Linh mục và các Phó tế; còn giáo dân là những Kitô hữu còn lại; cùng với các vị chủ chăn và các thừa tác viên, họ làm thành Dân Thiên Chúa.
Sau khi đưa ra sự phân biệt này, Bộ Giáo Luật còn thêm rằng từ cả hai nhóm – giáo sĩ và giáo dân – có những tín hữu được thánh hiến cho Thiên Chúa theo một cách thế đặc biệt, được giáo luật công nhận, qua việc tuyên khấn các lời khuyên Phúc Âm [Bộ giáo luật đ. 207 § 2]. Dựa theo sự phân biệt trên đây, một số “tu sĩ” hoặc “người tận hiến” bằng lời khấn nhưng không lãnh chức thánh thì cũng được coi như là giáo dân.
Tuy nhiên, vì thuộc về hàng ngũ thánh hiến, họ giữ một vị thế đặc biệt trong Giáo hội và do đó, họ được phân biệt với các giáo dân khác. Mặt khác, Công đồng đã muốn bàn riêng về các giáo dân, nghĩa là những người không phải là giáo sĩ hay tu sĩ (x. LG 31). Sự phân biệt này không nhằm làm cho vấn đề thêm phức tạp hay rắc rối về đạo lý, nhưng là để giúp cho việc thảo luận về các hàng ngũ cũng như các loại hình khác nhau trong tổ chức của Giáo hội được rõ rệt hơn.
Ở đây, chúng tôi chấp nhận sự phân biệt ba hàng ngũ, trong đó người giáo dân là thành phần của Dân Chúa nhưng không thuộc về hàng ngũ giáo sĩ và hàng ngũ những tu sĩ hoặc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm [CL 9 và GLCG số 897]. Sau khi nói về bậc sống và vai trò của đại đa số những người làm nên Dân Chúa, chúng ta sẽ bàn về hàng ngũ và sứ mạng của các Kitô hữu được thánh hiến[2].
Phẩm giá các giáo dân
3. Tuy ghi nhận rằng các giáo dân không phải là tất cả Giáo hội, nhưng Công đồng muốn nhìn nhận trọn vẹn phẩm giá của họ: dưới phương diện thừa tác và phẩm trật, các Chức thánh đặt những tín hữu nào đã lãnh nhận vào một vị trí quyền thế đặc biệt để thi hành sứ vụ được ủy thác, nhưng các giáo dân cũng có đầy đủ phẩm tính làm thành viên của Giáo hội, giống như như các thừa tác viên thánh hay các tu sĩ. Thực vậy, theo Công đồng, các giáo dân “được tháp nhập vào thân thể của Chúa Kitô” (LG 30) do bí tích Thánh tẩy và đã nhận được dấu ấn không thể xóa nhòa về việc thuộc về Chúa Kitô do “ấn tích” rửa tội. Họ là thành phần của Thân thể Mầu Nhiệm Chúa Kitô.
Mặt khác, việc thánh hiến khởi đầu qua Bí tích Rửa tội cũng đưa họ vào tham gia sứ vụ của toàn thể dân Chúa. “Họ tham dự, theo cách riêng của mình, vào các chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương đế của Chúa Kitô” (LG 30). Do đó, những gì chúng ta đã nói trong các bài huấn giáo trước đây về Giáo hội như là một cộng đoàn tư tế và ngôn sứ thì cũng áp dụng cho các giáo dân: cùng với các chi thể của Giáo hội được trao các chức vụ và tác vụ theo phẩm trật các giáo dân cũng được mời gọi để phát triển tiềm năng của bí tích Thánh tẩy trong sự hiệp thông với Chúa Kitô, Đấng là thủ lãnh duy nhất của Thân Thể Mầu Nhiệm.
Các giáo dân là Giáo hội
4. Việc nhìn nhận các giáo dân là thành phần trọn vẹn của Giáo hội loại trừ việc thu gọn Giáo hội vào hàng giáo phẩm. Thật là một cái nhìn chật hẹp, và thậm chí là một sai lầm trái ngược với Phúc âm và thần học, khi chỉ quan niệm Giáo hội như một tổ chức phẩm trật: một Giáo hội không có dân! Thật vậy, theo truyền thống Tin Mừng và truyền thống Kitô giáo, Giáo hội là một cộng đồng trong đó có phẩm trật, nhưng sở dĩ hàng phẩm trật hiện hữu là bởi vì họ phải phục vụ và hướng dẫn một cộng đồng các “giáo dân” theo đường lối của Thiên Chúa. Ước mong rằng cả giáo sĩ và giáo dân sẽ ngày càng nhận thức được điều này, coi mình thuộc về “thân thể” và “linh hồn” của Giáo hội, thay vì quan sat Giáo hội từ bên ngoài, như là một tổ chức áp đặt lên họ. Cả Giáo sĩ và giáo dân, cả giáo phẩm và người không có chức thánh, tất cả đều họp thành một đoàn dân duy nhất của Thiên Chúa, một Giáo hội duy nhất, một cộng đoàn của những người theo Chúa Kitô. Như thế, Giáo hội là của mọi người và của mỗi người, và tất cả chúng ta đều có trách nhiệm đối với đời sống và sự tăng trưởng của Giáo hội. Hơn thế nữa, trong một bài diễn văn vào năm 1946 ngỏ lời với các vị tân Hồng y, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã nói những lời thời danh như sau: các giáo dân “càng ngày càng phải ý thức rõ ràng hơn rằng họ không chỉ thuộc về Giáo hội, mà còn là Giáo hội” [AAS 38 (1946), tr. 149, được trích dẫn trong CL số 9, và GLCG số 899]. Đây là một khẳng định đáng ghi nhớ, đánh dấu một bước ngoặt trong tâm lý và xã hội học mục vụ, dưới ánh sáng của một thần học tiến bộ.
5. Niềm xác tín tương tự cũng đã được Công đồng Vaticanô II khẳng định, như một nhận thức của các mục tử (x. LG 30).
Phải nói rằng trong những thập kỷ gần đây, một nhận thức rõ ràng và phong phú hơn về vai trò này đã được chín muồi hơn, với sự đóng góp của các mục tử, các nhà thần học và chuyên gia mục vụ xuất chúng. Trước và sau khẳng định của Đức Giáo Hoàng Piô XII và Đại hội Thế giới về Tông đồ Giáo dân lần thứ nhất (1951), họ đã cố gắng làm rõ các vấn đề thần học về hàng ngũ giáo dân trong Giáo hội, và muốn viết lên một chương mới của Giáo hội học. Trong vấn đề này cũng có sự góp phần hữu ích của các cuộc họp và hội nghị, trong đó các học giả và chuyên gia có kinh nghiệm về tổ chức và hoạt động đã đối chiếu kết quả của những nghiên cứu và dữ liệu thu được từ công việc mục vụ và xã hội của họ. Nhờ đó, họ đã chuẩn bị tài liệu quý giá gửi đến Huấn quyền của Giáo hoàng và Công đồng. Tuy nhiên, tất cả những điều này đều đã nằm trong truyền thống khởi đi từ thời Kitô giáo tiên khởi, đặc biệt là lời khuyến khích của thánh Phaolô, đã được Công đồng trích dẫn (x. LG 30), yêu cầu toàn thể cộng đoàn hãy liên đới với nhau, và cùng nhau lãnh trách nhiệm xây dựng thân thể Đức Kitô (x. Ep 4, 15-16).
6. Thực tế, trong quá khứ cũng như trong hiện tại, rất đông các giáo dân đã và đang hoạt động trong Giáo hội và thế giới theo lời khuyến dụ và yêu cầu của các vị mục tử. Họ thật đáng khâm phục! Bên cạnh những giáo dân có vị trí nổi bật, nhiều và rất nhiều người âm thầm sống ơn gọi Rửa tội của họ cách sâu đậm, và lan tỏa khắp Giáo hội những phúc lợi của lòng bác ái. Trong sự thinh lặng, hoạt động tông đồ của họ đã triển nở và được Thánh Linh làm cho nó đem lại hoa trái dồi dào.
[1] Chú ý của người dịch. Trong tiếng Pháp, laicisme được hiểu như chính sách thế tục, chủ trương tách rời chính trị ra khỏi ảnh hưởng của Giáo hội.
[2] Chú thích của người dịch. Loạt bài huấn giáo về đời sống thánh hiến (19 bài) đã được dịch và in trong Bộ sách “Theo Chúa Kitô. Những văn kiện đời tu” Tập II, NXB Tông giáo Hà Nội 2014, trang 9-101.