TGH Gioan Phaolô II – BÀI 73: PHÓ TẾ PHỤC VỤ VƯƠNG QUỐC CỦA THIÊN CHÚA

0
554

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

BÀI 73: PHÓ TẾ PHỤC VỤ VƯƠNG QUỐC CỦA THIÊN CHÚA

Sự phục hồi của chức phó tế vĩnh viễn cho phép một sự hiện diện trực tiếp hơn của Giáo Hội trong các lĩnh vực của gia đình, nơi làm việc và trường học

Sau khi hoàn thành loạt bài giáo lý về chức tư tế tại buổi tiếp kiến chung ngày 29 tháng 9, Đức Thánh Cha bắt đầu thảo luận về các phó tế tại buổi tiếp kiến Thứ Tư ngày 5 tháng 10. Đức Giáo Hoàng trước tiên đề cập đến các văn bản Tân Ước nói về các phó tế và sau đó xem xét một số tác phẩm của các Giáo phụ thời đầu, trước khi đúc kết với các chỉ thị của Công Đồng Vatican II và Đức Giáo Hoàng Phaolô VI. Bài chia sẻ của Đức Thánh Cha là bài thứ 73 trong loạt bài về mầu nhiệm Giáo Hội và được trình bày bằng tiếng Ý.

1. Ngoài các vị linh mục, trong Giáo Hội còn có một loại thừa tác khác với các nhiệm vụ và đặc sủng riêng biệt, như Công đồng Trentô nhắc lại lại khi bàn về Bí tích Truyền Chức Thánh: “Giáo Hội Công giáo có một hệ thống phẩm trật được thiết lập bởi quy định thiêng liêng, bao gồm giám mục, linh mục và các trợ tá” (DS 1776). Các sách Tân Ước đã chứng thực sự hiện diện của các trợ tá, “phó tế”, những người dần dần hình thành một thể loại riêng biệt từ “presbyteri” và “Episcopi”. Người ta chỉ cần nhớ lại rằng thánh phaolô gửi lời chào đến các giám quản và các trợ tá của  Philiphê (x. Pl 1, 1). Thư thứ nhất gửi Timôthê liệt kê những phẩm chất mà các phó tế nên có, với khuyến nghị rằng họ phải được kiểm tra trước khi họ được giao phó trách nhiệm. Họ phải trang nghiêm và trung thực, chung thủy trong hôn nhân và biết quản lý con cái và gia đình của họ cho tốt, “bảo toàn mầu nhiệm đức tin trong một lương tâm trong sạch” (x. 1 Tm 3, 8-13).

Các phó tế đã có vai trò trong Giáo Hội sơ khai

Sách Công vụ Tông đồ (Cv 6,1-6) nói về bảy “trợ tá” để phục vụ tại bàn. Mặc dù câu hỏi về việc truyền chức cho các phó tế không rõ ràng trong bản văn, một truyền thống lâu đời đã giải thích đoạn văn như là bằng chứng đầu tiên về việc thiết lập các phó tế. Vào cuối thế kỷ thứ nhất hoặc đầu thế kỷ thứ hai, vị trí của phó tế, ít nhất là trong một số Giáo Hội, đã được thiết lập tốt như một cấp bậc trong hệ thống phẩm trật.

2. Đặc biệt, lời chứng của thánh Inhaxiô Antiôkia rất quan trọng, theo đó cộng đoàn Kitô hữu sống dưới quyền của một Giám mục, được bao quanh bởi các vị linh mục và phó tế. “Chỉ có một Bí tích Thánh Thể, một thân thể của Chúa, một chén thánh, một bàn thờ, giống như chỉ có một giám mục với hội đoàn các linh mục và phó tế, các đầy tớ” (Ad Philad., 4, 1). Trong các bức thư của Inhaxiô, các phó tế luôn được nhắc đến như một phẩm trật thấp trong hệ thống phẩm trật. Một phó tế được ca ngợi vì “lệ thuộc vào Giám mục như với ân sủng của Thiên Chúa, và đối với linh mục theo luật của Chúa Giêsu Kitô” (Ad Magnes., 6, 1). Tuy nhiên, thánh Inhaxiô nhấn mạnh đến tầm quan trọng của thừa tác vụ phó tế, bởi vị các phó tế là “thừa tác viên của Chúa Giêsu Kitô, Đấng hiện diện với Chúa Cha từ trước muôn đời và được mặc khải trong thời sau hết” (Ad Magnes. 6, 1). Như là “các thừa tác viên các mầu nhiệm của Đức Giêsu Kitô”, các phó tế phải “bằng mọi cách phải làm hài lòng tất cả mọi người” (Ad Trall., 2, 3). Khi thánh Inhaxiô kêu gọi các Kitô hữu tuân theo Giám mục và các linh mục, ngài nói thêm: “Hãy tôn trọng các phó tế như lệnh truyền của Chúa” (Ad Smyrn., 8, 1).

Chúng ta tìm thấy các bằng chứng khác nơi thánh Polycarp Smyrna (Ad Phil., 5, 2), thánh Justin (De Bapt., 17, 1), Tertullian (De Bapt., 17, 1), thánh Cyprian (Epist. 15 ,16), và sau đó là thánh Augustin (De cat. rud., I, c.1, 1).

3. Trong những thế kỷ đầu, các phó tế thực hiện các chức năng phụng vụ. Trong nghi thức Thánh Thể, ngài đã đọc hoặc hát Thánh thư và Tin Mừng; các phó tế mang lễ vật của tín hữu đến với vị chủ tế; họ cho rước lễ và mang Thánh Thể cho những người vắng mặt; họ chịu trách nhiệm về trật tự của các nghi lễ và lúc kết lễ họ giải tán cộng đoàn. Ngoài ra, các phó tế chuẩn bị các tân tòng cho Bí tích Rửa Tội, hướng dẫn họ và giúp đỡ linh mục trong việc quản lý bí tích này. Trong một số trường hợp, chính các phó tế thực hiện việc rửa tội và giảng dạy. Họ cũng chia sẻ việc quản lý tài sản Giáo Hội và chăm sóc những người nghèo, góa phụ, trẻ mồ côi và tù nhân.

Theo truyền thống, có những bằng chứng cho sự phân biệt giữa các chức năng của phó tế và của các linh mục. Chẳng hạn, thánh Hippolytus (khoảng thế kỷ thứ hai đến thế kỷ thứ ba)  tuyên bố rằng các phó tế được phong chức “không phải cho chức tư tế, nhưng để phục vụ Giám mục, để làm những gì các ngài truyền” (SCh, 11, p. 39; cf. Constitutiones Aegypt., III, 2: ed. Funk, Didascalia, p. 103, Statuta Ecclesiae Ant., 37-41: Mansi 3, 954). Thật ra, theo quan điểm và thực hành của Giáo Hội, chức phó tế thuộc về bí tích Truyền Chức, nhưng không phải là một phần của chức tư tế và không đòi hỏi các chức năng thích hợp với các linh mục.

4. Với thời gian trôi qua, chức tư tế ở phương Tây đã nhận được tầm quan trọng gần như độc quyền so với chức phó tế. Thực tế, chức phó tế bị giảm xuống chỉ còn là một bước trên con đường đến chức tư tế. Đây không phải là nơi để hồi tưởng lại quá trình lịch sử và giải thích lý do cho những thay đổi này. Đúng hơn, ta nên đặt một câu hỏi để chỉ ra rằng, trên cơ sở giáo huấn cổ xưa, sự nhận thức về tầm quan trọng của chức phó tế đối với Giáo hội ngày càng lớn hơn trong giới thần học và mục vụ, cũng như sự phù hợp của việc tái lập chức phó tế như là một thánh chức và bậc sống vĩnh viễn. Giáo Hoàng Piô XII cũng đã đề cập đến vấn đề này trong bài phát biểu tại Đại hội Tông đồ Giáo Dân Thế giới lần thứ hai (ngày 5 tháng 10 năm l957). Ngài tuyên bố rằng mặc dù ý tưởng giới thiệu lại chức phó tế như một chức năng khác biệt với chức tư tế thì chưa thực sự chín muồi vào lúc này. Tuy vậy nó có thể trở thành điều đó và trong vài trường hợp, chức phó tế sẽ được đặt trong bối cảnh của thừa tác vụ theo phẩm trật được xác định theo truyền thống cổ xưa nhất (Discorsi e radiomessaggi di Sua Santit´ Pio XII, vol. XIX, p. 458).

Công đồng Vatican II tái lập chức phó tế vĩnh viễn

Thời điểm đã chín muồi tại Công đồng Vatican II, nơi xem xét các đề xuất của những năm trước và ra quyết định tái lập (x. LG 29).

Sau đó, Giáo hoàng Phaolô VI đã thi hành quyết định, xác định kỷ luật thuộc giáo luật và phụng vụ hoàn chỉnh cho chức này (x. Sacrum Diaconatus Ordinem: 18 tháng 6 năm 1967; Pontificalis Romani Recognitio: 17 tháng 6 năm 1968; Ad Pascendum: 15 tháng 8 năm 1972).

5. Có hai lý do chính cho các đề xuất của các nhà thần học và các quyết định của Công đồng và Đức Giáo Hoàng. Trước hết, nó được xem là phù hợp với một số công việc phục vụ bác ái nhất định, được bảo đảm một cách ổn định bởi các giáo dân có ý thức về lời mời gọi tham gia vào sứ mạng Tin Mừng của Giáo Hội, nên được biểu lộ cụ thể dưới hình thức được công nhận bởi sự thánh hiến chính thức. Nó cũng cần thiết để bù đắp cho sự khan hiếm các linh mục, cũng như để hỗ trợ họ trong nhiều trách nhiệm không liên quan trực tiếp đến tác vụ mục vụ của họ. Một số người coi chức phó tế vĩnh viễn là cầu nối giữa các mục tử và tín hữu.

Rõ ràng, Chúa Thánh Thần, Đấng có vai trò lãnh đạo trong đời sống của Giáo Hội, đã hoạt động một cách mầu nhiệm ngang qua những lý do này liên hệ đến những hoàn cảnh lịch sử và quan điểm mục vụ. Ngài đã mang đến một nhận thức mới về bức tranh hoàn chỉnh về hệ thống phẩm trật, theo truyền thống gồm các Giám mục, linh mục và phó tế. Do đó, một sự phục hưng các cộng đoàn Kitô hữu đã được thúc đẩy, làm cho chúng nên giống như các cộng đoàn được thành lập bởi các Tông đồ và phát triển mạnh mẽ trong những thế kỷ đầu, luôn luôn dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, như sách Công vụ Tông đồ đã chứng nhận.

6. Một điều hết sức cần thiết trong quyết định tái lập chức phó tế vĩnh viễn đã và đang là nhu cầu hiện diện trực tiếp và lớn hơn của các thừa tác viên Giáo Hội trong các phạm vi khác nhau của gia đình, công việc, trường học, v.v., ngoài các cấu trúc mục vụ hiện có. Trong số những thứ khác, sự việc này giải thích lý do tại sao Công Đồng, trong khi không hoàn toàn chối bỏ ý tưởng độc thân cho các phó tế, đã cho phép thánh chức này được trao cho “những người đàn ông trưởng thành đã kết hôn”. Đó là một cách tiếp cận thực tế, khôn ngoan, được chọn vì những lý do có thể dễ dàng hiểu được bởi bất kỳ ai gần gũi với những người thuộc các lứa tuổi và hoàn cảnh cụ thể khác nhau tùy theo mức độ trưởng thành đạt được. Vì lý do tương tự, trong việc áp dụng các điều khoản, Công Đồng đã quyết định rằng chức phó tế sẽ được trao cho những người đàn ông đã kết hôn trong một số điều kiện: họ phải ít nhất ba mươi lăm tuổi và được sự đồng ý của vợ, có nhân cách tốt, có danh tiếng, và nhận được một sự đào tạo giáo lý và mục vụ thích đáng bởi các học viện hoặc các linh mục được lựa chọn đặc biệt cho mục đích này (Paul VI, Sacrum Diaconatus Ordinem, nn . 11-15: Enchiridion Vaticanum, II, 1381-1385)

Những ai khao khát tiến chức phó tế cần sự đào tạo

7. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Công Đồng đã duy trì lý tưởng về chức phó tế dành cho những thanh niên, những người sẽ tận hiến cho Chúa, cũng với cam kết độc thân. Đó là một cuộc sống của “sự trọn hảo Tin Mừng”, có thể được hiểu, được lựa chọn và yêu mến bởi những người quảng đại muốn phục vụ vương quốc của Thiên Chúa trên trần gian, mà không trở thành linh mục điều mà họ không cảm thấy được mời gọi. Tuy nhiên, họ nhận một sự thánh hiến bảo đảm và thể chế hóa việc phục vụ riêng biệt của họ cho Giáo hội thông qua việc ban ân sủng bí tích. Những con người này không thiếu ngày hôm nay. Một số điều khoản đã được đưa ra cho họ: để được truyền chức phó tế, họ phải ít nhất hai mươi lăm tuổi và được đào tạo ít nhất ba năm trong một học viện dành riêng, “nơi họ được thử nghiệm, được đào tạo để sống một cuộc đời Ting Mừng thực sự và chuẩn bị thực hiện hiệu quả các chức năng đặc trưng của riêng họ” (Paul VI, Sacrum Diaconatus Ordinem, nn 5-9: Enchiridion Vaticanum, II, 1375-1379). Những điều khoản này cho thấy tầm quan trọng của chức phó tế đối với Giáo Hội. Giáo Hội mong muốn việc truyền chức này diễn ra sau sự cân nhắc kỹ càng và trên cơ sở hợp lý. Nhưng chúng cũng là một dấu hiệu của lý tưởng sơ khai song luôn mới mẻ về việc hiến thân cho vương quốc của Thiên Chúa, mà Giáo Hội rút ra từ Tin Mừng và giương lên như một biểu ngữ đặc biệt trước những người trẻ trong thời đại chúng ta.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here