TGH Gioan Phaolô II – BÀI 67: LINH MỤC KHÔNG CÓ CÁC NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ

0
503

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

BÀI 67: LINH MỤC KHÔNG CÓ CÁC NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ

Bằng cách kêu gọi tình yêu phổ quát, Chúa Kitô đã xác định rõ các nguyên tắc cho trật tự chính trị đúng đắn, nhưng Ngài không tham gia vào các vấn đề chính trị

Tại buổi tiếp chung thứ Tư ngày 28 tháng 7, Đức Thánh Cha tiếp tục thảo luận về mối quan hệ của linh mục với các vấn đề thế tục, lần này bàn về sự cần thiết để tránh vướng vào các hoạt động chính trị vốn là trách nhiệm cụ thể của người giáo dân. Bài nói chuyện của Giáo hoàng là bài thứ 67 trong loạt bài về mầu nhiệm của Giáo hội và được trình bày bằng tiếng Ý.

1. Cuộc thảo luận về việc các linh mục tách mình khỏi của cải trần thế có liên quan đến mối quan hệ của các ngài với các vấn đề chính trị. Ngày nay hơn bao giờ hết, người ta thấy có mối quan hệ qua lại liên tục giữa kinh tế và chính trị. Điều này xảy ra cả trong khuôn khổ rộng lớn của các vấn đề ở cấp quốc gia, cũng như trong các lĩnh vực giới hạn trong cuộc sống cá nhân và gia đình. Điều này xảy ra trong bầu cử nghị viện và các viên chức nhà nước, trong việc hỗ trợ danh sách các ứng cử viên giới thiệu cho công chúng, trong những sự lựa chon của các đảng phái và trong các tuyên bố về các cá nhân, chương trình và ngân sách liên quan đến giải quyết các vấn đề chung. Điều đó có thể là một sai lầm đối với chính trị nếu phụ thuộc hoàn toàn hay chủ yếu vào bối cảnh kinh tế. Tuy nhiên, các dự án cấp cao phục vụ con người và lợi ích chung bị ảnh hưởng bởi yếu tố kinh tế. Chúng không thể không lưu tâm đến các câu hỏi liên quan đến vấn đề sở hữu, sử dụng, sắp xếp và phân bổ của cải thế gian.

2. Tất cả những điểm này có một khía cạnh đạo đức cũng liên quan đến các linh mục, chính xác là vì sự phục vụ của họ đối với con người và xã hội theo sứ vụ mà họ nhận được từ Chúa Kitô. Người đã dạy một học thuyết và trình bày rõ ràng các giáo huấn làm sáng tỏ không chỉ cuộc sống của từng cá nhân mà còn cho cả xã hội. Cụ thể, Đức Giêsu đã thiết lập giới luật của tình yêu, ngụ ý tôn trọng mọi người và quyền của họ. Nó ngụ ý các quy tắc của công bằng xã hội nhằm mục đích nhận ra những gì là quyền của mỗi người và chia sẻ hài hòa của cải thế gian giữa các cá nhân, gia đình và các nhóm. Ngoài ra, Đức Giêsu nhấn mạnh đến phẩm tính phổ quát của tình yêu, vượt xa những khác biệt về chủng tộc và quốc tịch qui định loài người. người ta có thể nói rằng bằng cách trình bày căn tính Thiên Sai khi gọi mình là “Con Người”, Đức Giêsu muốn tuyên bố rằng công việc của Ngài dành cho mỗi con người, không phân biệt giai cấp, ngôn ngữ, văn hóa, hay sắc tộc hay nhóm xã hội. Tuyên bố hòa bình cho các môn đệ và cho tất cả mọi người, Chúa Giêsu đã đặt nền tảng cho giới luật của tình yêu huynh đệ, tình đoàn kết và sự giúp đỡ lẫn nhau trên bình diện phổ quát. Đối với Ngài, điều này rõ ràng đã và đang là mục tiêu và nguyên tắc của chính trị tốt.

Chúa Giêsu mang đến sự giải phóng tâm linh

Tuy nhiên, Đức Giêsu không bao giờ muốn tham gia vào một phong trào chính trị, và tránh khỏi mọi nỗ lực để lôi kéo Ngài vào những câu hỏi và vấn đề chính trị (x. Ga 6,15). Vương quốc mà Đức Giêsu đến để thành lập không thuộc về thế giới này (x. Ga 18,36). Vì lý do này, Người nói với những ai muốn Người dành lấy một địa vị liên quan đến quyền lực dân sự: “Hãy trả cho Caesar những gì thuộc về Caesar và trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa” (Mt 22,21). Đức Giêsu không bao giờ hứa với quốc gia Do Thái, nơi người thuộc về và yêu mến, sự giải phóng mang tính chính trị mà nhiều người mong đợi từ Đấng Mêsia. Đức Giêsu tuyên bố rằng Người đến với tư cách là Con Thiên Chúa để hiến dâng cho nhân loại, đang bị nô lệ bởi tội lỗi, một sự giải phóng tâm linh và lời mời gọi đến vương quốc của Thiên Chúa (x. Ga 8,34-36). Đức Giêsu nói rằng Người đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ (x. Mt 20,28). Đức Giêsu nói rằng những người theo Ngài, đặc biệt là các tông đồ, không nên nghĩ về quyền lực thế gian và quyền thống trị các quốc gia như những thủ lãnh của thế gian này. Thay vào đó, họ nên là những người đầy tớ khiêm nhường của tất cả mọi người (x. Mt 20, 20-28), giống như “Thầy và là Chúa” của họ (Ga 13,13-14).

Chắc chắn, sự giải thoát tâm linh này do Đức Giêsu mang đến có những kết quả mang tính quyết định trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và cá nhân. Nó mở ra một kỷ nguyên của sự trân trọng đối với con người như con người và với các mối quan hệ giữa các cá nhân theo công lý. Tuy nhiên, mối quan tâm trước mắt của Con Người không theo hướng này.

3. Thật dễ hiểu khi tình trạng nghèo đói và tự do này rất phù hợp với các linh mục. Các ngài là người phát ngôn của Chúa Kitô trong việc loan báo ơn cứu độ con người và trong sứ vụ áp dụng thành quả của nó đến mọi khu vực và mọi mức sống. Như Thượng hội đồng năm 1971 nói: “Cùng với toàn thể Giáo Hội, trong khả năng tối đa của mình, các linh mục có nghĩa vụ phải chọn một mô hình hành động nhất định, khi đó là một vấn nạn về bảo vệ các quyền cơ bản của con người, thúc đẩy sự phát triển toàn diện con người, theo đuổi các mục tiêu hòa bình và công lý. Các phương tiện phải thực sự luôn luôn phù hợp với Tin Mừng. Các nguyên tắc này đều có giá trị không chỉ trong phạm vi cá nhân, mà cả trong lĩnh vực xã hội. Về mặt này, các linh mục nên giúp đỡ giáo dân để cống hiến hết mình cho sự rèn luyện lương tâm ngay thẳng của họ” (Enchiridion Vaticanum, IV, 1194).

Các linh mục phải từ bỏ hoạt động đảng phái chính trị

Văn bản của Thượng hội đồng cho thấy các linh mục hiệp nhất với tất cả mọi thành phần trong Hội Thánh trong việc phục vụ công lý và hòa bình, cho phép chúng ta thấy rằng vai trò của các linh mục trong hoạt động chính trị và xã hội không giống như giáo dân. Điều này được nói rõ hơn trong Giáo lý Hội Thánh Công giáo: “Sự can thiệp trực tiếp vào cơ cấu chính trị và vào việc tổ chức đời sống xã hội không thuộc về các mục tử của Hội Thánh. Nhiệm vụ này là một phần ơn gọi của tín hữu giáo dân, là những người hành động bằng sáng kiến riêng cùng với đồng bào của mình”(GLHTCG số 2442).

Người giáo dân Kitô giáo được kêu gọi tham gia trực tiếp vào hoạt động này góp phần khiến các nguyên tắc Tin Mừng có thể có sự thống trị to lớn trong xã hội. Theo Chúa Kitô, các linh mục quan tâm trực tiếp hơn đến sự phát triển của vương quốc của Thiên Chúa. Giống như Đức Giêsu, các ngài phải từ bỏ sự tham gia vào hoạt động chính trị, đặc biệt là không đứng về phía nào (điều gần như chắc chắn xảy ra). Do đó, các linh mục sẽ vẫn là một người cho tất cả trong tình huynh đệ và, mở rộng đến mức độ của tình phụ tử thiêng liêng mà các ngài được chấp nhận theo cách thông thường.

Đương nhiên những trường hợp đặc biệt liên quan đến các cá nhân, nhóm và hoàn cảnh, mà ở đó dường như thích đáng hay thậm chí cần thiết để giúp đỡ hoặc hỗ trợ cho các tổ chức công cộng đang cần hoặc trong tình cảnh xáo trộn, để ủng hộ các mục đích công lý và hòa bình. Chính các tổ chức Giáo Hội, ngay cả ở cấp cao nhất, đã cung cấp sự phục vụ này trong quá khứ, bằng tất cả các lợi thế, nhưng cũng với tất cả các gánh nặng và khó khăn mà điều này mang đến. Nhờ ơn Chúa, chính trị, hiến pháp và giáo huấn hiện nay có xu hướng phát triển theo một hướng khác. Xã hội dân sự đã dần dần được trao cho các thể chế và nguồn lực để hoàn thành các nhiệm vụ của nó một cách tự chủ (x. Gaudium et spes 40, 76).

Như vậy, Giáo Hội vẫn có nhiệm vụ riêng của mình: loan báo Tin Mừng, giới hạn bản thân để hợp tác theo cách của mình vì lợi ích chung, không nhắm đến hay chấp nhận vai trò chính trị.

4. Dưới ánh sáng này, người ta có thể hiểu rõ hơn những gì đã được quyết định bởi Thượng hội đồng năm 1971 liên quan đến cách hành xử của các linh mục trong đời sống chính trị. các ngài vẫn giữ quyền có quan điểm ​​chính trị cá nhân và thực hiện quyền bỏ phiếu theo lương tâm của mình. Thượng hội đồng đã nói: “Trong những hoàn cảnh tồn tại một cách hợp pháp các quyền lựa chọn chính trị, xã hội và kinh tế khác nhau, các linh mục cũng như mọi công dân có quyền đưa ra lựa chọn cá nhân của riêng họ. Nhưng các lựa chọn chính trị có bản chất bất tất và không bao giờ diễn tả Tin Mừng một cách hoàn toàn đầy đủ và bất biến. Vì là nhân chứng của những điều đang đến, các linh phải giữ một khoảng cách nhất định với bất kỳ cơ quan chính trị hoặc sự tham dự nào” (Enchiridion Vaticanum, IV, 1195). Đặc biệt, các ngài ghi nhớ rằng một đảng phái chính trị không bao giờ có thể được đồng nhất với chân lý của Tin Mừng. Bởi thế, không giống như Tin Mừng, nó không bao giờ có thể trở thành một đối tượng của lòng trung thành tuyệt đối. Do vậy, các linh mục sẽ nhớ đến tính tương đối này, ngay cả khi các tín hữu công dân có thành lập các đảng được truyền cảm hứng rõ ràng từ Tin Mừng. Các ngài cũng phải cố gắng mang ánh sáng của Chúa Kitô đến các đảng phái và các nhóm xã hội khác.

Các linh mục sẽ giúp giáo dân rèn luyện lương tâm trưởng thành

Cũng cần nói thêm rằng, quyền thể hiện các lựa chọn cá nhân của các linh mục bị giới hạn bởi các yêu cầu của chức vụ tư tế của mình. Giới hạn này cũng có thể là một khía cạnh của tinh thần khó nghèo mà các ngài được kêu gọi thực hành theo gương của Chúa Kitô. Trên thực tế, đôi khi các linh mục có thể buộc phải kiêng thực hiện quyền của mình để các ngài có thể là một dấu chỉ mạnh mẽ của sự hợp nhất, và loan báo Tin Mừng một cách trọn vẹn. Hơn nữa, các linh mục phải tránh đưa ra lựa chọn riêng mình như là một thứ hợp pháp duy nhất. Trong cộng đồng Kitô giáo, các ngài nên tôn trọng sự trưởng thành của người giáo dân (x. sđd., IV, 1196), và thậm chí cần hành động để giúp họ đạt được sự trưởng thành đó qua việc rèn luyện lương tâm (x. sđd., IV, 1194). Các linh mục sẽ làm những gì có thể để tránh gây thù do lập trường chính trị gây mất lòng tin và xua đuổi tín hữu được giao phó cho nhiệm vụ mục vụ của mình.

5. Thượng hội đồng Giám mục năm 1971 đặc biệt nhấn mạnh rằng các linh mục phải tránh tất cả các hoạt động chính trị: “Việc lãnh đạo hay tích cực trong các hoạt động sẵn sàng dùng đến vũ lực thay mặt cho bất kỳ đảng chính trị nào sẽ bị loại bỏ bởi tất cả linh mục. Ngoại trong những trường hợp cụ thể và đặc biệt, điều này thực sự cần thiết cho lợi ích của cộng đoàn, và nhận được sự đồng thuận của Giám mục sau khi tham khảo ý kiến ​​của Linh mục đoàn và nếu hoàn cảnh đòi hỏi, thì bàn bạc với Hội Đồng Giám Mục” (Sđd., IV, 1197). Như vậy, nó có thể gây tổn hại quy tắc chung, nhưng điều này chỉ có thể được biện minh trong những trường hợp thực sự đặc biệt và đòi hỏi sự cho phép đúng mức.

Trong sự phục vụ quảng đại lý tưởng Phúc âm, một số linh mục cảm thấy bị lôi cuốn vào việc tham gia chính trị để giúp cải thiện hiệu quả đời sống chính trị và xóa bỏ bất công, bóc lột và mọi kiểu áp bức. Giáo hội nhắc nhở các linh mục rằng trên con đường này họ rất dễ bị rơi vào xung đột đảng phái, với nguy cơ không mang lại thế giới công bằng mà họ mong ước, nhưng lại là những cách mới và tồi tệ hơn để bóc lột người nghèo. Trong mọi trường hợp, họ phải biết rằng họ không có sứ mệnh cũng như đặc sủng để tham gia chính trị và chủ thuyết hoạt động này.

Sứ vụ của các linh mục tự nó là tốt cho xã hội

Cho nên, tôi cầu nguyện và mời gọi mọi người cầu xin cho các linh mục có niềm tin lớn hơn vào sứ vụ mục tử của chính họ đối với lợi ích của xã hội nơi họ sống. Các ngài có thể nhận ra tầm quan trọng của nó trong thời đại của chúng ta và hiểu được tuyên bố này của Thượng hội đồng năm 1971: “Tính cấp thiết của sứ vụ đặc trưng bao trùm toàn bộ hiện hữu của các linh mục phải luôn luôn được tâm niệm. Để với lòng tin to lớn, và kinh nghiệm được đổi mới về những điều của Chúa, các ngài có thể loan báo những điều này một cách hiệu quả và hoan hỉ cho những người đang chờ đợi họ” (Sđd., IV, 1198).

Vâng, tôi hy vọng và cầu nguyện rằng các anh em linh mục của tôi, hôm nay và ngày mai, nhận được ơn soi sáng trong tâm hồn, cho phép họ hiểu và bước theo cuộc sống khó nghèo mà Chúa Giêsu đã dạy trong khía cạnh chính trị của nó.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here