TGH Gioan Phaolô II – BÀI 66: CHÚA KITÔ LÀ MẪU GƯƠNG VỀ TINH THẦN KHÓ NGHÈO CỦA LINH MỤC

0
736

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

BÀI 66: CHÚA KITÔ LÀ MẪU GƯƠNG VỀ TINH THẦN KHÓ NGHÈO CỦA LINH MỤC

Giống như tất cả những người bước theo Chúa Kitô, các linh mục phải tu dưỡng một sự cách ly nội tâm khỏi vật chất, rèn luyện một sự cởi mở hào phóng đối với nhu cầu của người khác

Tại buổi tiếp kiến chung thứ tư ngày 21 tháng 7, Đức Thánh Cha tiếp tục bài giáo lý về cuộc sống và sứ vụ của các linh mục, thảo luận về thái độ của người linh mục đối với của cải vật chất. Bài nói chuyện của Đức Thánh Cha là bài thứ 66 trong loạt bài về mầu nhiệm của Giáo Hội và được trình bày bằng tiếng Ý.

1. Một trong những từ bỏ mà Đức Giêsu yêu cầu đối với các môn đệ là của cải trần thế, đặc biệt là sự giàu có (x. Mt 19,21; Mc 10,21; Lc 12,33; 18,22). Yêu cầu này hướng đến tất cả mọi Kitô hữu liên quan đến tinh thần nghèo khó, đó là sự cách ly nội tâm khỏi của cải trần thế khiến họ quảng đại chia sẻ những của cải này với người khác. Tinh thần nghèo khó là cần thiết cho một cuộc sống được truyền cảm hứng bởi đức tin và tình yêu dành cho Chúa Kitô. Đó là một tinh thần cũng đòi hỏi phải thực hành, với việc mỗi người từ bỏ những của cải tương ứng với tình trạng của họ cả trong đời sống xã hội và bậc sống trong Giáo Hội nhờ vào ơn gọi Kitô hữu, kể cả với tư cách là một cá nhân và một nhóm người nhất định. Tinh thần nghèo khó có giá trị cho tất cả mọi người; việc thực hành vững chắc tinh thần này theo Tin Mừng là cần thiết cho mọi người.

2. Tinh thần nghèo khó mà Đức Giêsu yêu cầu nơi các Tông đồ là một dòng chảy của tinh thần không thể kết thúc với họ hay giảm xuống thành các nhóm cụ thể. Tinh thần nghèo khó cần thiết đối với mọi người, mọi lúc mọi nơi. Thiếu vắng tinh thần này sẽ là sự phản bội lại Tin Mừng. Tuy nhiên, sự trung thành với tinh thần ấy không đòi hỏi các Kitô hữu nói chung hay các linh mục thực hiện một sự nghèo khó triệt để với việc từ bỏ tất cả tài sản hoặc thậm chí xóa bỏ quyền con người. Magisterium của Giáo Hội thường lên án những người cho rằng điều này là cần thiết (x. DS 760; 930f; 1097). Giáo Hội đã tìm cách hướng dẫn suy nghĩ và lối thực hành theo một chiều hướng trung dung. Tuy nhiên, thật an ủi khi chú ý rằng theo dòng thời gian và dưới ảnh hưởng của các vị thánh cổ và hiện đại, các giáo sĩ đã đạt được nhận thức ngày càng tăng về một lời mời gọi đến tinh thần nghèo khó Tin mừng, cả về tinh thần và thực hành tương ứng với các yêu cầu của sự thánh hiến của linh mục. Tình hình kinh tế và xã hội mà các giáo sĩ của hầu hết các quốc gia trên thế giới đang sống đã góp phần cụ thể hóa tình trạng nghèo đói thực sự đối với các cá nhân và tổ chức, ngay cả khi những điều này do bản chất của chúng cần nhiều phương tiện để thực hiện công việc của họ. Trong nhiều trường hợp, đó là một điều kiện khó khăn và gian khổ, mà Giáo Hội cố gắng khắc phục bằng nhiều cách khác nhau. Điều này được thực hiện chủ yếu bằng cách kêu gọi lòng bác ái của các tín hữu để thu nhận những đóng góp cần thiết của họ, chuẩn bị cho việc thờ phượng, các công việc bác ái, hỗ trợ cho các mục tử của linh hồn và cho các dự án truyền giáo. Tuy nhiên, đạt được một tinh thần nghèo khó mới là ân phúc cho đời sống linh mục, cũng như đối với tất cả các Kitô hữu, bởi vì nó cho phép họ tuân thủ tốt hơn những lời khuyên và lời đề nghị của Đức Giêsu.

Các linh mục ở trong thế giới nhưng không thuộc về thế giới

3. Cần phải làm rõ rằng nghèo khó Tin Mừng không nhất thiết phải có thái độ khinh miệt của cải trần thế mà Thiên Chúa đã ban cho con người tùy ý sử dụng cho cuộc sống và hợp tác với Ngài trong kế hoạch sáng tạo. Theo Công Đồng Vatican II, các linh mục, giống như mọi Kitô hữu khác, có sứ mệnh ca khen và tạ ơn, phải thừa nhận và tôn vinh sự hào phóng của Cha trên trời được mặc khải trong của cải vật chất được làm nên (x. Presbyterorum ordinis 17).

Tuy nhiên, Công Đồng tiếp tục nói rằng các linh mục, mặc dù sống ở giữa thế gian, phải luôn tâm niệm rằng, họ không thuộc về thế gian như lời Chúa đã phán dạy (x. Ga 17,14-16). Họ phải được giải thoát khỏi mọi dính bén vô lối để có được “khả năng phân định thiêng liêng, nhờ đó các ngài tìm ra thái độ đúng đắn đối với thế gian và của cải trần thế” (PO 17;  Pastores dabo vobis 30). Phải công nhận rằng đây là một vấn đề tế nhị. Một mặt, “sứ mệnh Giáo Hội phải được thực thi giữa trần gian và  vì những của cải được tạo dựng rất cần thiết cho sự tiến bộ của bản thân con người” (PO 17). Đức Giêsu không cấm các Tông đồ của mình nhận những của cải cần thiết cho cuộc sống của họ. Thay vào đó, Người khẳng định quyền của họ trong vấn đề này khi Người nói trong một diễn từ về sứ vụ: “người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công” (Lc 10,7; Mt 10,10). Thánh Phaolô nhắc nhở các tín hữu Côrintô: “Chúa truyền cho những ai rao giảng Tin Mừng phải sống nhờ Tin Mừng” (1 Cr 9,14). Chính ngài đã nhấn mạnh quy tắc: “Người được học Lời Chúa, hãy chia sẻ mọi của cải với người dạy dỗ mình” (Gl 6,6). Sau đó, đúng là các vị linh mục có của cải trần thế và “chỉ sử dụng những của cải trần gian vào những mục đích mà giáo huấn của Chúa Kitô và quy luật của Giáo Hội ấn định” (Presbyterorum ordinis 17). Công Đồng đã không thất bại trong việc đưa ra những định hướng mang tính thực tiễn cho vấn đề này.

Trên hết, việc quản lý tài sản Giáo Hội phải được đảm bảo “theo tiêu chuẩn của giáo luật, với sự giúp đỡ của những giáo dân thông thạo khi có thể” (PO 17). Tài sản này luôn luôn được sử dụng để “hướng vào việc thờ phượng Chúa, cung cấp một mức sống xứng đáng cho hàng giáo sĩ, cũng như thực hiện những công tác tông đồ hay những việc bác ái, nhất là đối với những người nghèo túng” (PO 17).

Những tài sản có được khi thi hành một số nhiệm vụ nào đó của Giáo Hội phải được sử dụng chủ yếu “dùng vào việc cấp dưỡng chính đáng và cho việc thực thi bổn phận, phần còn lại, hãy dùng vào những việc đem lại ích lợi cho Giáo Hội hoặc cho những công cuộc bác ái” (PO 17). Điều này phải đặc biệt được nhấn mạnh: linh mục cũng như các Giám Mục, các ngài không được coi chức vụ trong Giáo Hội như một mối lợi, cũng không được dùng những lợi tức để làm giàu cho gia đình mình. Bởi vậy các linh mục “không bao giờ được để tâm hồn dính bén của cải nhưng phải luôn luôn tránh mọi tham lam và xa lánh mọi hình thức thương mại” (PO 17). Trong mọi trường hợp, họ cần luôn tâm niệm rằng tất cả tài sản phải được sử dụng dưới ánh sáng Tin Mừng.

4. Điều tương tự cũng cần được nói đến là sự tham gia của các linh mục vào các hoạt động trần thế hoặc những việc liên quan đến hoạt động quản lý công việc thế tục bên ngoài hoàn cảnh thiêng liêng. Thượng hội đồng Giám mục năm 1971 tuyên bố: “Như là một nguyên tắc chung, thừa tác vụ linh mục sẽ là một việc làm toàn thời gian. Sự tham gia trong các hoạt động thế tục của con người không thể được xem là mục đích chính yếu, cũng như những sự tham gia như thế không đủ diễn tả trách nhiệm đặc trưng của các linh mục” (Enchiridion Vaticanum, IV, 1191). Đây đã là một lập trường được đưa ra để đáp ứng xu hướng xuất hiện ở nhiều nơi, hướng tới việc thế tục hóa hoạt động của linh mục, theo nghĩa là các ngài có thể tham gia, như những giáo dân, trong việc hoạt động thương mại hoặc một nghề nghiệp nào đó.

Linh mục phải có thái độ như người Mục Tử nhân lành

Trong thực tế, có những hoàn cảnh mà ở đó cách duy nhất hiệu quả để Giáo Hội tái lập mối liên kết với chỗ làm việc, nơi đã phớt lờ Chúa Kitô, có thể là nơi hiện diện của các linh mục, để họ hành nghề trong môi trường đó, ví dụ, bằng cách trở thành công nhân với những người công nhân. Sự quảng đại của những linh mục này xứng đáng được ca ngợi. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng bằng cách đảm nhận các nhiệm vụ và vị trí thế tục, các linh mục có nguy cơ giảm thiểu tác vụ thánh của chính mình xuống vai trò thứ yếu hay thậm chí loại bỏ nó. Vì rủi ro này, được chứng bởi kinh nghiệm, Công Đồng đã nhấn mạnh cần thiết phải có Giáo quyền hữu trách chấp nhận để tham gia lao động chân tay và chia sẻ điều kiện sống của người lao động (Presbyterorum ordinis số 8). Thượng hội đồng năm 1971 đã đưa ra một quy tắc thực tiễn về sự phù hợp hay không của một công việc thế tục với những mục đích của chức tư tế: “Điều này sẽ được Giám mục địa phương đánh giá cùng với linh mục đoàn, và tham khảo Hội đồng Giám mục nếu cần” (Enchiridion Vaticanum, IV, 1192).

Mặt khác, rõ ràng có những trường hợp đặc biệt ngày nay, như trong quá khứ, một số vị linh mục có tài năng đặc biệt và được đào tạo tốt có thể tham gia vào các hoạt động lao động và văn hóa mà không liên quan trực tiếp đến Giáo Hội. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng những trường hợp này là ngoại lệ. Ngay cả khi đó, tiêu chí được xác định bởi Thượng hội đồng phải luôn được áp dụng, để họ trung thành với Tin Mừng và Giáo Hội.

5. Chúng ta sẽ kết thúc bài giáo lý này bằng cách quay lại với hình ảnh Chúa Giêsu Kitô, Vị Thượng Tế, người Mục Tử nhân lành và là hình mẫu lớn nhất cho các linh mục. Người là mẫu gương của linh mục về việc bị tước đoạt tài sản trần thế, nếu các ngài muốn tuân thủ đòi hỏi của tinh thần nghèo khó Tin Mừng. Đức Giêsu đã thực sự được sinh ra trong cảnh bần cùng và đã sống trong hoàn cảnh đó. Thánh Phaolô khuyên nhủ: “Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em” (2 Cr 8,9). Đức Giêsu đã nói về chính mình với những ai muốn theo Ngài: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9,58). Những lời này cho thấy một sự tách rời hoàn toàn khỏi tất cả các tiện nghi trần thế. Tuy nhiên, người ta không nên kết luận rằng Chúa Giêsu đã sống trong cảnh thiếu thốn. Các đoạn Tin Mừng khác cho thấy Ngài đã nhận và chấp nhận lời mời đến nhà của những người giàu có (Mt 9,10-11; Mc 2,15-16; Lc 5,29; 7,36, 19,5-6). Đức Giêsu được những người phụ nữ giúp đỡ Ngài trong những nhu cầu tài chính (Lc 8, 2-3; Mt 27,55; Mc 15,40; Lc 23, 55-56), và Ngài có thể bố thí cho người nghèo (Ga 13,29). Tuy nhiên, không có bất cứ hoài nghi nào về tinh thần và cuộc sống nghèo khó nổi bật nơi Người.

Giám mục và linh mục nên đến với người nghèo

Một tinh thần nghèo khó như vậy sẽ truyền cảm hứng cho hành vi của các linh mục, diễn tả thái độ, cuộc sống và hình ảnh của các ngài như là người và mục tử của Thiên Chúa. Nó được thể hiện ở việc tách khỏi mối quan tâm đối với tiền bạc, từ bỏ lòng tham sở hữu của cải trần thế, chọn một lối sống giản dị, sống trong một ngôi nhà khiêm tốn gần gũi với tất cả mọi người, và từ chối mọi thứ xa xỉ, trong khi phấn đấu để cho bản thân ngày càng tự do hơn để phục vụ Thiên Chúa và các tín hữu.

6. Cuối cùng, chúng ta nói thêm rằng, linh mục và Giám mục đã được Đức Giêsu kêu gọi để “rao giảng Tin Mừng cho người nghèo” và noi gương Người, “các linh mục cũng như Giám mục phải tránh tất cả những gì bằng cách này hay cách khác có thể làm các ngài xa rời người nghèo” (Presbyterorum ordinis 17). Thay vào đó, bằng cách thúc đẩy bản thân trong tinh thần nghèo khó Tin Mừng, họ sẽ có khả năng thể hiện lập trường quyết tâm phục vụ người nghèo, chuyển nó thành việc chia sẻ, hay các công việc hỗ trợ cá nhân và cộng đồng, bao gồm giúp đỡ vật chất cho người nghèo. Đó là bằng chứng cho Đức Kitô nghèo, được mang đến bởi rất nhiều linh mục, chính họ nghèo và bạn bè của người nghèo. Đó là một ngọn lửa lớn của tình yêu bao trùm trong cuộc sống của các giáo sĩ và Giáo hội. Nếu đã từng trong quá khứ, các giáo sĩ ở một số nơi có thể xuất hiện trong hàng ngũ những người giàu có, thì ngày nay họ cảm thấy vinh dự, với toàn thể Giáo hội, được tìm thấy ở hàng đầu tiên trong số “người nghèo mới”. Đây là một bước tiến lớn trong việc theo Chúa Kitô trên con đường Tin Mừng. “

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here