TGH Gioan Phaolô II – BÀI 55: LINH MỤC CHIA SẺ CHỨC TƯ TẾ CỦA CHÚA KITÔ

0
2104

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

BÀI 55: LINH MỤC CHIA SẺ CHỨC TƯ TẾ CỦA CHÚA KITÔ

Trong Bí tích Truyền Chức, linh mục nhận được một phần trong thẩm quyền mục vụ mà Chúa Kitô xây dựng, thánh hóa và cai trị Giáo Hội.

Tại buổi tiếp kiến chung vào thứ Tư, ngày 31 tháng Ba, Đức Thánh Cha đã công bố một loạt các bài giáo lý về chức tư tế để bổ sung cho việc khảo luận về các bí tích Truyền Chức, bắt đầu bằng một thảo luận về chức Giám mục và đặc biệt là chức Giáo Hoàng. Trong cuộc nói chuyện ngày hôm nay, bài thứ 55 trong loạt bài về mầu nhiệm Giáo Hội, ngài phản ánh về chức vụ tư tế như là một sự tham gia thừa tác trong chức tư tế của Chúa Kitô. Đây là bản dịch bài diễn văn của Đức Giáo Hoàng, được viết bằng tiếng Ý.

1. Hôm nay chúng ta bắt đầu một loạt các bài giáo lý mới dành riêng cho chức tư tế và như chúng ta biết, các linh mục là cộng sự thân cận nhất của các giám mục, trong đó có nhiệm vụ thánh hóa và sứ vụ tư tế mà họ tham dự. Tôi sẽ nói về điều này bằng cách trung thành tuyệt đối với các bản văn Tân Ước và theo cách tiếp cận của Công đồng Vatican II, vốn là phong cách của những bài giáo lý này. Tôi bắt đầu phát triển chủ đề này với sự yêu mến sâu sắc đối với những cộng sự thân thiết của hàng giám mục này, người mà tôi cảm thấy gần gũi và người tôi yêu trong Chúa, như tôi đã nói từ khi bắt đầu chức vị Giáo Hoàng, đặc biệt là trong lá thư đầu tiên của tôi gửi cho các linh mục trên toàn thế giới, được viết cho Thứ Năm Tuần Thánh, 1979.

2. Phải ngay lập tức chỉ ra rằng chức tư tế, ở mọi mức độ, trong cả hàng giám mục và linh mục, là một sự tham gia vào chức tư tế của Chúa Kitô. Theo Thư gửi tín hữu Do Thái, Chúa Kitô là một thượng tế của giao ước mới và vĩnh cửu, người đã “hiến thân một lần cho tất cả” bằng một hiến tế có giá trị vĩnh viễn mà vẫn bất biến và liên tục ngay tâm điểm của nhiệm cục cứu chuộc (x. Hr 7,24-28). Không cần thêm nhu cầu hay khả năng của linh mục nào khác thêm vào hay bên cạnh một Đấng trung gian, Chúa Kitô (xem Dt 9:15; Rm 5: 15-19; 1 Tim 2: 5). Vì Ngài là chỗ hợp nhất và hòa giải giữa loài người và Thiên Chúa (x. 2Cr 5, 14-20), Ngôi Lời trở nên xác phàm, tràn đầy ân sủng (x. Ga 1, 1-18), chân lý và hieréus – tư tế cuối cùng, hay linh mục (Hr 5, 6; 10, 21). Trên trần gian, Người “tiêu diệt tội lỗi bằng việc hiến tế chính mình” (Hr 9, 26) và trên thiên đàng, Người hằng sống để chuyển cầu cho họ (x. Hr 7:25), cho đến khi họ đạt được gia nghiệp Nước Trời mà Thiên Chúa đã hứa ban. Không ai khác trong giao ước mới là hieréus – tư tế theo nghĩa tương tự.

3. Việc tham dự vào chức tư tế của Chúa Kitô, được thực hiện ở nhiều mức độ do Chúa Kitô đã đặt ra, Người muốn các chức năng khác biệt trong Giáo Hội như trong một cơ quan xã hội được tổ chức tốt. Đối với chức năng lãnh đạo, Người đã thiếp lập các thừa tác viên của chức tư tế của Người (x. CCC 1554). Người đã ban cho họ các bí tích Truyền Chức để thiết đặt họ chính thức là những linh mục hành động nhân danh Người và với quyền năng của Người bằng việc dâng hiến tế và ban ơn tha tội. Công đồng lưu ý: “Do đó, được Chúa Cha thánh hiến và sai đến thế gian Đức Kitô nhờ các tông đồ, đã làm cho các giám mục, những vị kế nhiệm các tông đồ, có thể tham dự vào việc thánh hiến và vào sứ mạng của mình. Các giám mục lại giao trách nhiệm của tác vụ mình một cách hợp pháp cho nhiều phần tử trong Hội Thánh theo từng cấp bậc. Người lại trao ban cho các linh mục chức vụ thừa hành này ở một cấp độ tuỳ thuộc, để một khi gia nhập hàng linh mục họ là những cộng sự viên của hàng giám mục để chu toàn một cách tốt đẹp sứ mạng tông đồ mà Đức Ki-tô trao phó”. (PO 2; xc. CCC 1562). (Bởi vậy, Đức Kitô đã sai các Tông Đồ như chính Người đã được Chúa Cha sai đến , và qua các Tông Đồ, Người đã cho các đấng kế vị là các Giám mục cũng được thánh hiến và tham dự vào sứ mệnh của Người, sau đó, thừa tác vụ của các Giám mục lại được trao ban cho các linh mục ở cấp độ thuộc quyền , để khi đã gia nhập hàng linh mục, các ngài trở thành những cộng sự viên của hàng Giám mục cùng nhau chu toàn cách tốt đẹp sứ mệnh Tông đồ đã được Đức Kitô ủy thác).Ý định này của Chúa Kitô biểu lộ rõ ràng trong Tin Mừng, từ đó chúng ta biết rằng Chúa Giêsu đã giao cho thánh Phêrô và Mười Hai một quyền hạn tối cao trong Giáo Hội của Người, nhưng Chúa Giêsu cũng cần các cộng sự viên cho sứ mệnh của các Tông đồ. Điều mà thánh sử Luca khẳng định là có ý nghĩa, cụ thể là, sau khi Chúa Giêsu phái nhóm Mười Hai đi truyền giáo (Xc. Lc 9, 1-6), Người đã gửi một số lượng lớn các môn đệ, để chỉ ra rằng sứ mệnh của Nhóm Mười Hai là không đủ cho công cuộc truyền giáo. “Sau đó, Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến” (Lc 10, 1). Không nghi ngờ gì hành động này biểu hiện trước thừa tác vụ mà Chúa Kitô sẽ chính thức lập ra sau này. Tuy nhiên, nó đã cho thấy ý định của Thầy chí thánh khi giới thiệu một số lượng lớn cộng sự viên vào trong “vườn nho”. Chúa Giêsu đã chọn nhóm Mười Hai từ giữa một nhóm các môn đệ lớn hơn (x. Lc 6, 12,13). Những “môn đệ” này, theo nghĩa của thuật ngữ được sử dụng trong các bản văn Tin Mừng, không chỉ những người tin vào Chúa Giêsu mà cả những người theo Người và muốn chấp nhận lời dạy của Người là Thầy dạy và hiến dâng chính họ cho công việc Người. Và Chúa Giêsu cần đến họ trong sứ mệnh của Người. Theo thánh Luca, chính vào dịp này, Chúa Giêsu đã nói: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít” (Lc 10,2). Do đó, thánh nhân chỉ ra rằng, trong suy nghĩ của mình, liên quan đến kinh nghiệm của thừa tác vụ đầu tiên là số lượng thợ gặt quá ít. Điều đó không chỉ đúng khi đó, mà đối với mọi thời đại, kể cả của chúng ta, khi vấn đề đã trở nên đặc biệt nghiêm trọng. Chúng ta phải đối phó với nó, cảm thấy được thúc đẩy và đồng thời được an ủi bởi những lời này và – có thể nói – bởi ánh mắt của Chúa Giêsu trên những cánh đồng nơi người lao động cần để thu hoạch lúa về. Chúa Giêsu đã đưa ra ví dụ bằng sáng kiến của mình, có thể được gọi là “khuyến khích ơn gọi”. Ngoài mười hai Tông đồ, Ngài sai thêm bảy mươi hai môn đệ nữa.

4. Theo Tin Mừng, Chúa Giêsu giao cho bảy mươi hai môn đệ một sứ mạng như của Nhóm Mười Hai; các môn đệ được sai đi để loan báo nước Thiên Chúa đã đến gần. Họ đã thực hiện lời rao giảng này nhân danh Chúa Kitô và với thẩm quyền của Người: “Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy” (Lc 10,16). Giống như nhóm Mười Hai (x. Mc 6,7; Lc 9,1), các môn đệ đã nhận được sức mạnh để trục xuất ma quỷ, quá nhiều đến nỗi sau những trải nghiệm đầu tiên, họ đã nói với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con.” Đức Giêsu bảo các ông : “Thầy đã thấy Xatan như một tia chớp từ trời sa xuống. Đây, Thầy đã ban cho anh em quyền năng để đạp lên rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực Kẻ Thù…” (Lc 10,17-19). Điều này cũng có nghĩa là họ đã tham gia với Nhóm Mười Hai trong công trình cứu chuộc của một vị tư tế của giao ước mới là Chúa Kitô, Người cũng muốn trao cho họ một sứ mệnh và quyền lực như của nhóm Mười Hai. Do đó, việc thành lập chức linh mục, không chỉ trả lời cho một trong những nhu cầu thiết thực của các giám mục, những người cảm thấy cần có các cộng sự, mà còn xuất phát từ ý định rõ ràng của Chúa Kitô.

5. Trong thời kỳ sơ khai của Kitô giáo, các linh mục (presbú teroi) đã có mặt và hoạt động trong Giáo Hội của các tông đồ và các giám mục đầu tiên, những người kế vị của họ. Trong các sách Tân Ước này, không phải lúc nào cũng dễ dàng phân biệt giữa “linh mục” và “giám mục” về các nhiệm vụ được giao. Nhưng từ rất sớm, đã có trong Giáo Hội của các tông đồ, hai phạm trù của những người chia sẻ trong sứ mạng và chức tư tế của Chúa Kitô dường như hình thành. Chúng được tìm thấy một lần nữa sau đó và được mô tả rõ ràng hơn trong các tác phẩm của các tác giả hộ giáo (như Thư của thánh Giáo hoàng gửi cho tín hữu Côrintô, Thư của thánh Inhaxiô Antiôkia, Mục tử của Hermas,…). Theo thuật ngữ chung của Giáo Hội tại Giêrusalem, Rôma và các cộng đoàn khác của Đông và Tây phương, thuật ngữ giám mục cuối cùng đã được dành cho một người đứng đầu và là mục tử của cộng đoàn, trong khi đó, hạn từ linh mục được chỉ định cho một thừa tác viên làm việc phụ thuộc vào một giám mục.

6. Theo truyền thống Kitô giáo và hợp với thánh ý Chúa Kitô như được chứng thực trong Tân Ước, Công đồng Vatican II nói các vị linh mục là các thừa tác viên không có “cấp bậc tối cao của chức tư tế” và trong việc thực thi quyền hành của mình còn phụ thuộc vào các giám mục. Mặt khác, họ “hợp nhất với các giám mục trong chức vị tư tế” (LG 28; cf. CCC 1564). Sự liên kết này bắt nguồn từ các bí tích Truyền Chức Thánh: “Vì được liên kết với hàng Giám mục, nên tác vụ linh mục cũng tham dự vào quyền bính mà chính Đức Kitô đã dùng để kiến tạo, thánh hóa và cai quản Thân Thể Người” (PO 2; x. CCC 1563) . Các linh mục cũng mang “hình ảnh của Chúa Kitô, Thượng Tế tối cao và vĩnh cửu” (LG 28); do đó họ tham gia vào thẩm quyền mục vụ của Chúa Kitô. Đây là ghi chú đặc trưng về thừa tác vụ của họ, dựa vào bí tích Truyền Chức Thánh được trao cho họ “Vì vậy, thánh chức linh mục, tuy lãnh nhận sau các bí tích khai tâm Kitô giáo, nhưng lại được trao ban qua một bí tích đặc thù, ghi khắc một ấn tích đặc biệt nơi các linh mục nhờ việc xức dầu của Chúa Thánh Thần, như thế, các ngài nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô linh mục, đến nỗi có quyền hành động với tư cách là hiện thân của Đức Kitô là Đầu” (PO 2; CCC 1563). Đặc tính này, trong những người nhận được qua việc xức dầu bí tích của Chúa Thánh Thần, là một dấu hiệu của: một sự thánh hiến đặc biệt, liên quan đến Bí tích Rửa tội và Thêm sức; một ấn tín sâu sắc hơn đối với Chúa Kitô, Thượng Tế, Đấng biến họ trở thành những thừa tác viên tích cực của mình trong việc thờ phượng chính thức của Thiên Chúa và thánh hóa anh chị em của họ; quyền hạn của chức vụ là thi hành nhân danh Chúa Kitô, là đầu và mục tử của Giáo Hội (CCC 1581-1584).

7. Trong linh hồn linh mục, ấn tín cũng là một dấu hiệu và phương tiện của các ân sủng đặc biệt để thực hiện tác vụ, các ân sủng liên quan đến ân sủng thánh hóa mà bí tích Truyền Chức ban cho như một bí tích cả tại thời điểm nó được trao lẫn trong suốt thời gian thi hành và thăng tiến trong tác vụ. Do đó, bao quanh và bao gồm linh mục trong nhiệm cục thánh hóa mà chính tác vụ hàm ý cả người thực thi và cho những người được hưởng lợi từ các bí tích khác nhau và các hoạt động khác được thực hiện bởi các mục tử của họ. Toàn thể Giáo Hội thu được hoa lợi của kết quả việc thánh hóa từ tác vụ linh mục- mục tử: cả linh mục giáo phận và những người đã nhận được chức thánh dưới bất kỳ danh hiệu nào hoặc dưới bất kỳ hình thức nào đều thực hiện trong sự hiệp thông với các giám mục giáo phận và Người kế vị của thánh Phêrô.

8. Hữu thể học sâu xa của việc tận hiến nhận được trong các Chức Thánh và sự năng động của việc thánh hóa mà nó đòi hỏi trong tác vụ chắc chắn loại trừ bất kỳ sự giải thích thế tục hóa nào của tác vụ linh mục, như thể linh mục chỉ dành để thiết lập công lý hoặc truyền bá tình yêu cho thế giới. Linh mục tham gia một cách bản thể vào chức tư tế của Chúa Kitô. Linh mục thực sự được thánh hiến, một “người được thánh hiến” giống Chúa Kitô được chọn lựa cho việc thờ phượng dâng lên Chúa Cha và cho sứ vụ truyền giáo, nhờ đó linh mục truyền bá và rải rắc các thực tại thiêng liêng – chân lý, ân sủng của Thiên Chúa – cho các anh chị em của mình. Đây là đặc tính thực sự của linh mục; đây cũng là yêu cầu thiết yếu của tác vụ linh mục trong thế giới ngày nay.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here