TGH Gioan Phaolô II – BÀI 43: GIÁM MỤC QUẢN LÝ ÂN SỦNG CỦA THIÊN CHÚA

0
703

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

BÀI 43: GIÁM MỤC QUẢN LÝ ÂN SỦNG CỦA THIÊN CHÚA

Bí tích Thánh Thể là tâm điểm thừa tác vụ bí tích của Giám mục, vì thế các ngài phải cổ võ ơn gọi linh mục cũng như bổ nhiệm hàng giáo sĩ cách hợp lý, khôn ngoan

Tại buổi Tiếp kiến chung vào thứ Tư 11 tháng Mười Một, Đức Thánh Cha tiếp tục nói về vai trò của hàng Giám mục trong Giáo Hội. Buổi nói chuyện hôm nay là bài giáo lý thứ 43 trong chủ đề về Giáo Hội, ngài phát họa vai trò của các Giám mục như là những người quản lý ân sủng. Sau đây là bài phát biểu của ngài.

1. Khi nói về phận vụ của hàng Giám mục, Công đồng Vaticanô II dùng một tước hiệu đẹp đẽ, trích từ lời nguyện thánh hiến tấn phong Giám mục trong nghi thức Byzantine: “Giám mục, bởi nhận lãnh bí tích Truyền chức thánh cách viên mãn, là ‘người quản lý ân sủng của chức linh mục tối cao’” (Lumen gentium 26). Bài giáo lý hôm nay sẽ trình bày chủ đề này. Nó liên quan tới bài giáo lý trước đó, nói về các Giám mục như là “sứ giả của đức tin”. Thật vậy, công cuộc loan báo Tin mừng nhắm tới việc lãnh nhận ân sủng trong các bí tích thánh thiêng của Giáo Hội. Với tư cách là thừa tác viên của ân sủng, bằng cách cử hành các bí tích, Giám mục thi hành chức vụ thánh hóa, munus sanctificandi. Đó là đích điểm của chức vụ giảng dạy, munus docendi, mà các Giám mục đã lãnh nhận và thi hành cho Dân Chúa.

2. Trung tâm của thừa tác vụ bí tích của các Giám mục là Bí tích Thánh Thể “do chính ngài dâng hoặc lo liệu để có người dâng” (Lumen gentium 26). Công đồng dạy: “Mọi việc cử hành Thánh Thể cách hợp pháp đều phải được qui định bởi chính vị Giám mục, người được ủy thác nhiệm vụ dâng lên Thiên Chúa uy linh phụng tự Kitô giáo và điều hành phụng tự đó theo đúng huấn lệnh của Chúa và luật Giáo Hội, với những qui định sau đó được chính ngài xét thấy phải xác lập riêng cho giáo phận mình.” (Lumen gentium 26)

Vì lẽ đó, Giám mục hiện diện giữa đoàn dân của mình như thừa tác viên dâng lên Thiên Chúa phụng tự mới và vĩnh cửu, được Đức Giêsu Kitô thiết lập trong Bữa Tiệc Ly và bằng hy tế thập giá của Người; với tư cách là Thượng Tế Tối Cao, đại diện cho chính Đức Kitô, hiện diện cách chân thật và sống động trong hy tế Thánh Thể, Giám mục cùng với hàng linh mục cử hành bí tích ấy “trong cương vị của Đức Kitô” (cf. St Thomas, S.Th., III, q. 78, a. 1, q. 82, a. 1); với tư cách là Hàng Giáo phẩm,  (cf. Dionysius Pseudo-Areop., De ecclesiastica hierarchia, p. III, 7; PG 3, 513; St Thomas, S. Th., 11-11, q. 184, a. 5).

Giáo Hội bày tỏ sự hiệp nhất qua cử hành Thánh Thể

3. Với phận vụ cử hành những mầu nhiệm thánh, Giám mục xây dựng Giáo Hội như là cộng đoàn hiệp thông trong Đức Kitô. Thật vậy, bí tích Thánh Thể là tâm điểm đời sống không chỉ đối với cá nhân từng tín hữu nhưng còn đối với cả cộng đoàn trong chính Đức Kitô. Bằng cách rao giảng Tin mừng của Đức Kitô, các tín hữu được quy tụ với nhau thành những cộng đoàn, nơi đó Giáo Hội Đức Kitô thực sự hiện diện nhờ hiệp nhất hoàn toàn qua việc cử hành hy tế Thánh Thể. Chúng ta đọc thấy trong Công đồng: “Nơi mỗi cộng đoàn tụ họp quanh bàn thờ, qua tác vụ thánh của vị Giám mục, bày tỏ rõ ràng biểu tượng của đức ái và của ‘sự hợp nhất nơi nhiệm thể, điều kiện thiết yếu để có ơn cứu độ’. Đức Kitô vẫn hiện diện trong các cộng đoàn ấy, thường là nhỏ bé nghèo hèn hay tản mác khắp nơi, và chính nhờ thần lực của Người mà Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền được qui tụ. Bởi vì ‘việc tham dự vào Mình và Máu Đức Kitô không có công hiệu nào khác hơn là biến đổi chúng ta thành điều mà chúng ta nhận lãnh.’ (St Leo the Great, Serm. 63, 7; PL 54, 357C)” (Lumen gentium 26)

4. Do đó, một trong những trách vụ thiết yếu của Giám mục là cổ võ các hội đoàn trong Giáo phận cử hành Thánh Thể, phù hợp với hoàn cảnh không gian và thời gian, bởi vì Đức Giêsu khẳng định: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người , các ông không có sự sống nơi mình.” (Ga 6,53). Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng, ở nhiều nơi, từ Giáo Hội sơ khai đến nay, việc đáp ứng nhu cầu này gặp rất nhiều khó khăn, do thiếu linh mục hay vì những lý do khác. Nhưng thực tế này làm cho Giám mục, người có bổn phận tổ chức việc thờ phượng trong Giáo phận của mình, ý thức hơn đến vấn đề ơn gọi và bổ nhiệm khôn ngoan các linh mục. Để sao cho có nhiều tín hữu nhất có thể lãnh nhận Mình và Máu Đức Kitô trong bí tích Thánh Thể. Bên cạnh đó, Giám mục còn có trách nhiệm chăm sóc bệnh nhân và những người khuyết tật chỉ có thể nhận Bí tích Thánh Thể ở nhà hoặc bất cứ nơi nào họ được chăm sóc. Trong số các đòi hỏi của sứ vụ mục tử thì tận tâm cử hành Thánh Thể và “hoạt động tông đồ của bí tích Thánh Thể” là hấp dẫn và quan trọng nhất.

5. Những gì chúng ta đã tìm hiểu về bí tích Thánh Thể cũng có thể nói đó là toàn bộ đời sống và việc cử hành bí tích của Giáo phận. Như Hiến chế Lumen gentium viết: các Giám mục “qui định việc ban bí tích Thánh tẩy để các tín hữu được tham dự vào chức vụ tư tế vương giả của Đức Kitô. Các ngài là thừa tác viên đầu tiên của bí tích Thêm Sức, trao ban các chức thánh, ấn định kỷ luật về việc giải tội, và tận tình khuyên bảo, giáo huấn dân Chúa để họ chu toàn các phận vụ trong phụng vụ và nhất là trong hy tế Thánh lễ với lòng tin và thái độ kính cẩn.” (Lumen gentium 26)

Giám mục là thừa tác viên của Bí tích Truyền Chức và Thêm Sức

6. Bản văn Công đồng phân biệt giữa bí tích Rửa tội và bí tích Thêm sức, sự khác biệt giữa hai bí tích này dựa trên đoạn Tông đồ Công vụ. Theo đó, khi còn đang quy tụ ở Giêrusalem, Nhóm Mười Hai nghe biết “dân miền Samari đã đón nhận lời Thiên Chúa”, nên họ cử Phêrô và Gioan đến đó, hai ông đến nơi và “cầu nguyện cho họ, để họ nhận được Thánh Thần. Vì Thánh Thần chưa ngự xuống một ai trong nhóm họ: họ mới chỉ chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu. Bấy giờ hai ông đặt tay trên họ, và họ nhận được Thánh Thần.” (Cv 8,14-17, x. 1:5, 2,38)

7. Hành động đặt tay của hai vị Tông đồ, nhằm trao ban “quà tặng Thánh Linh”, hay Công vụ Tông đồ gọi là “ân huệ Thiên Chúa” (Cv 8,20; x. 2,38; 10,45; 11,17; Lc 11,9-13), là cử chỉ truyền thống của Giáo Hội Tây phương trong nghi thức tấn phong Giám mục. Là người kế vị các Tông đồ, Giám mục là thừa tác viên thông thường và cũng là thừa tác viên đầu tiên của bí tích này, bởi vì dầu thánh, yếu tố căn cốt của nghi thức, được thánh hiến bởi duy mình Giám mục. Về bí tích Rửa tội, tuy Giám mục không phải là thừa tác viên duy nhất, nhưng chúng ta nên nhớ rằng bí tích này cũng theo sự hướng dẫn của ngài.

8. Cuối cùng, Công đồng lưu ý hàng Giám mục hãy trở nên gương mẫu cho đời sống Kitô hữu: “các ngài phải nêu gương sáng cho những kẻ thuộc quyền trong cách xử sự, bằng cách xa tránh tất cả những gì không tốt đẹp trong cách sống, và với ơn Chúa giúp, cố gắng hết sức biến đổi tất cả trở nên tốt lành, để cùng với đoàn chiên Chúa đã trao phó đạt tới sự sống vĩnh cửu.” (Lumen gentium 26) Đời sống gương mẫu đó được hướng dẫn bởi ba nhân đức đối thần Tin, Cậy, Mến. Đó là cách sống và hành động dựa trên sức mạnh của ân sủng thần linh. Đó cũng là một mẫu hình lý tưởng tương ứng với những gì thánh Phêrô khuyên dạy trong Thư thứ nhất: “Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tuỵ. Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên.” (1Pr 5,2-3)

Giám mục không thể thi hành sứ vụ nếu thiếu đời sống cầu nguyện

9. Điểm cuối cùng này đặc biệt quan trọng vì nói về tính vị tha, đức khó nghèo, tận tâm dấn thân vì thiện ích của các linh hồn và của Giáo Hội. Theo Sách Công vụ Tông đồ, đó là những gì thánh Phaolô đã nói về chính ngài: “Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lại lời Chúa Giêsu đã dạy: cho thì có phúc hơn là nhận.” (Cv 20,35). Và trong thư gửi giáo đoàn Thêsalônica, thánh Tông đồ viết: “Chúng tôi đã chẳng ăn bám ai, trái lại đêm ngày đã làm lụng khó nhọc vất vả, để khỏi nên gánh nặng cho người nào trong anh em. Không phải là vì chúng tôi không có quyền hưởng sự giúp đỡ, nhưng là để nêu gương cho anh em bắt chước.” (2Tx 3,8-9). Cuối cùng, ngài khuyên nhủ Hội Thánh ở Côrintô: “Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Đức Ki-tô.” (1Cr 11,1)

10. Trách vụ của Giám mục, với tư cách là “người quản lý ân sủng”, thì rất lớn lao và gian khổ. Ngài không thể thi hành trách vụ ấy mà không có đời sống cầu nguyện. Vì thế, chúng ta kết luận bằng cách nói rằng đời sống của Giám mục được nuôi dưỡng bằng những lời cầu nguyện. Ngài không chỉ đơn thuần là “chứng tá của đời sống cầu nguyện”, mà còn là chứng tá của một đời sống nội tâm được tiếp thêm sinh lực nhờ tinh thần cầu nguyện, là nền tảng của mọi thừa tác vụ mục tử. Giám mục là người ý thức hơn ai hết ý nghĩa của những lời Đức Kitô nói với các Tông đồ, và cả những người kế vị: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” (x. Ga 15,5).

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here