TGH Gioan Phaolô II – BÀI 39: GIÁM MỤC ĐƯỢC THÁNH HIẾN BỞI MỘT BÍ TÍCH

0
812

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

BÀI 39: GIÁM MỤC ĐƯỢC THÁNH HIẾN BỞI MỘT BÍ TÍCH

Giáo huấn của Cồng đồng Vaticanô II về bản chất bí tích của hàng Giám mục

Bản chất bí tích của hàng Giám mục là chủ đề buổi Tiếp kiến chung đầu tiên của Đức Thánh Cha sau khi ngài từ Castel Gandolfo trở về Rôma. Đức Thánh Cha tiếp tục bài giáo lý về Giáo Hội bằng cuộc thảo luận về bản chất thiêng liêng của việc tận hiến các Giám mục. Đây là bài thứ 39 trong loạt bài giáo lý và được Đức Thánh Cha phát biểu bằng tiếng Ý.

1. Chúng ta hãy trở lại đề tài giáo lý về Giáo Hội sau thời gian dài gián đoạn từ đầu tháng Bảy. Khi nói về các Giám mục với tư cách là người kế vị các tông đồ, chúng tôi đã lưu ý rằng sự kế vị này đòi hỏi tham gia vào sứ mạng và năng quyền mà Chúa Giêsu đã trao cho chính các Tông đồ. Đối với chủ đề này, Công đồng Vaticanô II đã nêu bật bản chất bí tích của hàng Giám mục, phản ánh chức vụ linh mục của những người được chính Chúa Giêsu bổ nhiệm làm Tông đồ. Điều này xác định cụ thể bản chất trách nhiệm của hàng Giám mục trong Giáo Hội.

Đức Kitô giảng dạy và thánh hoá thông qua hàng Giám mục

2. Chúng ta đọc thấy trong Hiến chế Lumen gentium rằng, Chúa Giêsu Kitô, “mặc dù ngự bên hữu Chúa Cha, vẫn luôn hiện diện giữa cộng đoàn qua vị giáo trưởng của Ngài”, vì (qua chức vụ cao siêu ấy):

a) Trước hết, Ngài “rao giảng lời Chúa cho muôn dân tộc” (Lumen gentium, n. 21). Do đó, chính Chúa Kitô đã hành động với quyền năng cứu rỗi của Ngài thông qua hàng Giám mục, cho nên sứ mạng loan báo Tin mừng của các Giám mục được cho là “siêu nhiên”. Việc rao giảng của Giám mục không chỉ tiếp nối sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Chúa Kitô, mà còn là lời rao giảng của chính Chúa Kitô trong chức vụ của mình.

b) Hơn nữa, qua các Giám mục (và những cộng sự viên), Đức Kitô “không ngừng cử hành các bí tích đức tin cho các tín hữu, qua sự chăm sóc đầy tình hiền phụ của các ngài (x. 1Cr 4,15), Đức Kitô dùng ơn tái sinh siêu nhiên để nhập hiệp những chi thể mới vào Thân Mình Người” (Lumen gentium 21). Tất cả các bí tích được cử hành nhân danh Chúa Kitô. Với cách thế đặc biệt, tình hiền phụ thiêng liêng được thể hiện và nhận biết qua bí tích Rửa tội, gắn liền với sự tái sinh trong Chúa Kitô.

c) Cuối cùng, “qua sự khôn ngoan thận trọng [của các Giám mục], Đức Kitô dẫn dắt và hướng dẫn Dân của Tân Ước trong cuộc lữ hành tiến về hạnh phúc muôn đời” (Lumen gentium 21). Sự khôn ngoan và thận trọng thuộc về các Giám mục, qua các ngài, Đức Kitô cai quản Dân Chúa.

3. Đến đây, chúng ta cần lưu ý rằng khi hành động qua các Giám mục, Thiên Chúa không loại bỏ những hạn chế và bất toàn của tình trạng con người, vốn là những biểu hiện trong tính cách, hành vi, và những ảnh hưởng của yếu tố lịch sử, văn hóa và đời sống. Về vấn đề này, chúng ta cũng có thể liên tưởng đến những đoạn Tin Mừng kể về việc Chúa Giêsu tuyển chọn các Tông đồ.

Họ là những con người chắc chắn có sai sót. Trong suốt cuộc sống công khai của Đức Giêsu, họ tranh luận về vị trí lãnh đạo, và tất cả họ đã từ bỏ Thầy của mình khi Ngài bị bắt. Sau ngày lễ Ngũ Tuần, với ân sủng của Chúa Thánh Thần, họ sống trong sự hiệp thông của đức tin và đức mến. Nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả những yếu đuối cố hữu trong tình trạng con người đều biến mất. Chúng ta biết rằng Phaolô đã khiển trách Phêrô vì quá dễ dãi đối với những Kitô hữu muốn duy trì tập tục của người Do Thái (x. Gl 2,11-14). Bản thân Phaolô không có khuynh hướng dễ dãi, do đó có một bất đồng nghiêm trọng giữa ngài và Barnaba (x. Cv 15,39), mặc dù sau này Barnaba là “người tốt, đầy ơn Thánh Thần và lòng tin” (Cv 11,24).

Đức Giêsu ý thức sự bất toàn nơi những người mà Ngài tuyển chọn, nhưng Ngài vẫn giữ sự lựa chọn đó ngay cả khi sự bất toàn ấy biểu hiện cách rõ ràng. Đức Giêsu muốn hành động thông qua những con người bất toàn và đôi khi là những người đáng trách, bởi vì sức mạnh của ân sủng được Chúa Thánh Thần trao ban sẽ giúp họ chiến thắng những yếu đuối ấy. Cũng vậy, với những bất toàn và lỗi lầm, hàng Giám mục cũng có thể không hoàn thành sứ mạng được trao phó hay có thể làm tổn hại cộng đoàn. Vì thế, chúng ta phải cầu nguyện cho các Giám mục để các ngài luôn cố gắng bắt chước vị Mục Tử Nhân Lành. Để rồi, diện mạo của Đức Kitô Mục Tử được thể hiện rõ nét nơi hàng Giám mục.

Những Giám mục thánh thiện trong lịch sử Giáo Hội

4. Chúng ta không thể liệt kê hết ở đây các thánh Giám mục đã từng hướng dẫn và định hình Giáo Hội trong thời cổ đại và các thời đại sau này, thậm chí gần đây nhất. Hãy thử nhắc lại cách ngắn gọn sự vĩ đại của một số nhân vật nổi tiếng. Chẳng hạn lòng nhiệt thành tông đồ và tử đạo của thánh Ignatius Antioch; đạo lý sáng suốt và nhiệt thành mục vụ của thánh Ambrosiô và thánh Augustinô; sự nhiệt tâm cải tổ Giáo Hội của thánh Charles Borromeo; giáo huấn tâm linh của thánh Phanxicô de Sales và cuộc đấu tranh của ngài nhằm duy trì đức tin Công giáo; sự dấn thân của thánh Alphonsus Liguori cho việc thánh hóa và hướng dẫn tâm linh cho các dân tộc thiểu số; sự trung thành không tì vết cho Tin Mừng và Giáo Hội của thánh Anthony Mary Gianelli! Bên cạnh đó, còn rất nhiều mục tử khác của Dân Chúa đáng được kính nhớ, họ là những người thuộc về mọi dân tộc và Giáo Hội trên thế giới! Chúng ta hãy bày tỏ lòng tôn kính và lòng biết ơn đối với nhiều Giám mục trong quá khứ và cả hiện tại, các ngài đã trở nên chứng tá Tông đồ của Đức Kitô bằng hành động, lời cầu nguyện và cả hy sinh mạng sống của mình (đôi khi là tình thương và đôi khi là máu thịt).

Chắc chắn, trách nhiệm của các ngài như là “những đầy tớ của Đức Kitô, những người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa.” (x. 1Cr 4,1) tương ứng với sự cao cả của “chức vụ vô cùng cao quý” mà các ngài lãnh nhận từ Chúa Kitô với tư cách là những người kế vị các Tông đồ. Là những người quản lý những mầu nhiệm của Thiên Chúa, chịu trách nhiệm phân phát các mầu nhiệm ấy nhân danh Chúa Kitô, các Giám mục phải kết hiệp chặt chẽ và kiên định trong đức tin với Thầy Chí Thánh, Đấng đã không ngần ngại trao cho họ, như trao cho các Tông đồ, một sứ mệnh quyết định sự tồn tại của Hội Thánh thuộc mọi thời đại: đó là thánh hoá Dân Thiên Chúa.

5. Sau khi khẳng định sự hiện diện tích cực của Chúa Kitô trong chức vụ Giám mục, Công đồng Vaticanô II đã bàn về tính bí tích của chức Giám mục. Trong một thời gian dài, đây là chủ đề của những tranh cãi về đạo lý. Công đồng Trentô đã khẳng định sự trổi vượt của các Giám mục trên các kỳ mục; sự trổi vượt này có trong quyền hành của chức giám mục (DS 1777). Tuy nhiên, Công đồng đã không khẳng định tính bí tích của việc phong chức giám mục.

Do đó, chúng ta có thể thấy, sự tiến triển về đạo lý của chủ đề này được Công đồng Vaticanôô II nói rõ như sau: “Thánh Công đồng dạy rằng việc thánh hiến Giám mục trao ban sự sung mãn của bí tích Truyền Chức mà cả phụng vụ của Giáo Hội lẫn các thánh Giáo phụ đều gọi là chức linh mục tối cao, là tột đỉnh của thừa tác vụ thánh.” (Lumen gentium, số 21)

6. Để khẳng định như vậy, Công đồng dựa trên Truyền thống Giáo Hội và nêu các căn cứ để khẳng định rằng việc thánh hiến các Giám mục là một bí tích. Trên thực tế, việc thánh hiến các Giám mục hướng tới khả năng “đảm nhận vai trò của chính Đức Kitô là Thầy, là Chủ chăn và là Tư tế, đồng thời hành động trong tư cách là hiện thân của Người” (x. Lumen gentium, số 21). Hơn nữa, nghi thức phong chức là một bí tích: “qua việc đặt tay và qua các lời nguyện thánh hiến, ân sủng Thánh Thần được thông ban và ấn tích thánh được ghi dấu” (x. Lumen gentium, số 21).

Trong các Thư Mục vụ (x. 1Tm 4,14), tất cả những điều này đã được coi là hiệu quả của bí tích mà các Giám mục, linh mục hay phó tế lãnh nhận từ tay các Giám mục khác: cơ cấu phẩm trật của Giáo Hội, Thân Thể Chúa Kitô, được hình thành trên nền tảng bí tích này.

Hàng Giám mục có năng quyền tấn phong

7. Công đồng dành cho các Giám mục năng quyền bí tích hầu “ban bí tích Truyền Chức để nhận vào Giám mục đoàn những thành viên mới được tuyển chọn” (Lumen gentium, số 21). Đây là biểu hiện cao nhất của quyền bính phẩm trật, vì nó liên quan đến các trung điểm quyền bính của Thân thể Chúa Kitô, là Giáo Hội: thiết lập những người lãnh đạo và chủ chăn nhằm tiếp nối và duy trì công việc của các Tông đồ trong sự kết hiệp với Chúa Kitô và dưới tác động của Chúa Thánh Thần.

Tương tự như vậy trong việc truyền chức linh mục. Điều này dành riêng cho các Giám mục trên nền tảng định chế từ xa xưa bắt nguồn từ Tân Ước, với tư cách là người kế vị các Tông đồ qua năng quyền “đặt tay” (x. Cv 6,6; 8,19; 1Tm 4,14; 2Tm 1,6), để thiết lập những thừa tác viên của Giáo Hội Chúa Kitô, hiệp thông phẩm trật với hàng Giám mục, thi hành tác vụ thánh. Điều này có nghĩa là hoạt động của các linh mục chỉ tìm thấy ý nghĩa trong sự hiệp thông đức ái với toàn thể Giáo Hội, cộng đoàn phẩm trật, tư tế và bí tích.

8. Chóp đỉnh của sự hiệp thông này là Giám mục, ngài thực thi năng quyền được trao ban nhờ “sự sung mãn” của bí tích Truyền Chức. Ngài lãnh nhận bí tích ấy như một thừa tác vụ của tình yêu, bằng cách chia sẻ trong tình yêu mà Thánh Thần đổ tràn trong Giáo Hội (x. Rm 5: 5). Được thúc đẩy bởi ý thức về tình yêu này, Giám mục cũng như linh mục không hành động theo cách thức độc tôn, riêng lẻ nhưng “trong sự hiệp thông phẩm trật với vị Thủ lãnh và các thành viên của Giám mục đoàn” (Lumen gentium, số 21). Rõ ràng, sự hiệp thông của hàng Giám mục với nhau và với Đức Giáo hoàng, và tương tự như các linh mục và phó tế, biểu hiện cách cao nhất sự hiệp thông của toàn thể Giáo Hội như một cộng đoàn tình yêu.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here