TGH Gioan Phaolô II – BÀI 36: VAI TRÒ CỦA NHỮNG ĐẶC SỦNG TRONG ĐỜI SỐNG HỘI THÁNH

0
1861

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

BÀI 36: VAI TRÒ CỦA NHỮNG ĐẶC SỦNG TRONG ĐỜI SỐNG HỘI THÁNH

Sự phát triển trong Hội Thánh không chỉ phụ thuộc vào cơ cấu và các bí tích mà còn phụ thuộc vào những đặc sủng được Thiên Chúa thông ban cách nhưng không

Trong buổi Tiếp kiến chung vào thứ Tư ngày 24 tháng Sáu, Đức Thánh Cha trở lại đề tài giáo lý về mầu nhiệm Giáo Hội. Bài thứ 36 trong loạt bài giáo lý với đề tài trên, ngài nói về yếu tố “đặc sủng” trong đời sống Giáo Hội, đó là những ân sủng được Thánh Thần thông ban nhằm xây dựng nhiệm thể Đức Kitô.

1. Giáo huấn của Công đồng Vaticanô II: “Chúa Thánh Thần không chỉ thánh hóa, dẫn dắt Dân Chúa nhờ các bí tích và những tác vụ của Giáo Hội và trang điểm Dân Chúa bằng những nhân đức, nhưng còn phân phát những ân sủng đặc biệt cho các tín hữu thuộc mọi cấp bậc, khi trao ban ân huệ ‘cho mỗi người theo ý Ngài muốn’ (1 Cr 12,11), nhờ đó, Ngài làm cho họ nên thích hợp và sẵn sàng đảm nhận các công việc và chức vụ khác nhau để canh tân và xây dựng Giáo Hội.” (Lumen gentium, số 12)

Vì vậy, Dân Thiên Chúa chia sẻ sứ vụ thiên sai không chỉ qua cơ cấu Giáo Hội và đời sống bí tích, mà còn nhờ vào ân sủng Thánh Linh hay các đặc sủng.

Công đồng nhắc nhớ rằng đạo lý này có nền tảng từ Tân ước và cho thấy sự phát triển của cộng đồng Hội Thánh không chỉ dựa vào cơ cấu và bí tích, mà còn nhờ vào ân huệ nhưng không của Thánh Linh, Đấng hoạt động liên lỉ trong Hội Thánh. Vì ân huệ đặc biệt này, chức tư tế phổ quát của Hội Thánh được Thánh Linh dẫn dắt với sự tự do tuyệt đối (“như Ngài muốn”, theo lời thánh Phaolô trong 1Cr 12,11)

2. Thánh Phaolô diễn tả sự đa dạng của các đặc sủng phải được quy về cho một Thần Khí (1Cr 12,4).

Mỗi chúng ta nhận được từ Thiên Chúa rất nhiều ân sủng phù hợp với từng cá nhân và sứ vụ của mỗi người. Vì sự đa dạng của các đặc sủng, không có sự thánh thiện hay sứ vụ riêng lẻ nào giống nhau. Chúa Thánh Thần luôn tôn trọng mỗi cá nhân và muốn cổ vũ phát triển thiên hướng nơi mỗi người về đời sống tâm linh và con đường trở nên chứng tá.

Ân sủng được ban tặng vì lợi ích của Hội Thánh

3. Nhưng chúng ta phải tâm niệm rằng, ân sủng được ban tặng không chỉ vì lợi ích cá nhân, mà trên hết vì lợi ích của Hội Thánh: “Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy, anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa.” (1Pr 4,10)

Nhờ những đặc sủng này, kho tàng thiêng liêng luôn dư đầy và đa dạng các hình thức phục vụ tha nhân trong đời sống cộng đoàn. Mỗi người đóng góp bằng khả năng riêng của mình làm nên sự đang dạng cần thiết cho kho tàng thiêng liêng này. Đời sống tâm linh trở nên phong phú nhờ sự đóng góp chung của tất cả mọi người.

4. Sự đa dạng của các đặc sủng cũng cần thiết cho trật tự tốt hơn trong mầu nhiệm Thân thể Đức Kitô. Thánh Phaolô nhấn mạnh điều này khi giải thích mục đích và sự hữu dụng của ân huệ thiêng liêng: “Anh em là thân thể Đức Ki-tô, và mỗi người là một bộ phận” (1Cr 12,27).

Trong một Thân thể, mỗi người phải hoàn thành vai trò của mình phù hợp với đặc sủng đã lãnh nhận. Không ai dám nói rằng mình đã nhận được tất cả mọi đặc sủng, cũng không ai có thể ganh tỵ với đặc sủng của người khác. Đặc sủng riêng của mỗi người phải được thừa nhận và tôn trọng vì lợi ích của Thân thể.

Cần phải biện phân đúng đắn các đặc sủng

5. Cần lưu ý phân định đối với các đặc sủng, đặc biệt là đặc sủng ngoại thường.

Chúa Thánh Linh là tác giả của phân định, Ngài hướng dẫn lý trí theo đường lối của sự thật và khôn ngoan. Nhưng toàn thể cộng đoàn Hội Thánh được Đức Kitô thiết lập và đặt dưới sự lãnh đạo của thẩm quyền Giáo Hội, chính thẩm quyền này có nhiệm vụ xem xét giá trị và tính xác thực của các đặc sủng. Công đồng khẳng định: “Nhưng đừng khăng khăng cầu mong những ân huệ ngoại thường, và cũng đừng tự mãn kỳ vọng rằng việc tông đồ sẽ nhờ đó mà sinh kết quả; những vị lãnh đạo trong Giáo Hội có trách nhiệm đặc biệt phải phân định về tính cách xác thực và phương thức sử dụng thích đáng những ân huệ này, đó không có nghĩa là dập tắt Thần Khí, nhưng cân nhắc mọi sự để giữ lại những gì là tốt lành (x. 1 Tx 5,12.19-21).” (Lumen gentium, số 12)

6. Một số tiêu chí thường áp dụng trong quá trình biện phân cần được sự chấp thuận của thẩm quyền Hội Thánh, các bậc thầy tâm linh hay các cha linh hướng:

a) Đón nhận đức tin của Hội Thánh trong Đức Giêsu Kitô (x.1Cr 12,3). Ân huệ Thánh Linh không thể đi ngược lại đức tin được thông ban bởi chính Thánh Linh, Đấng dẫn dắt toàn thể Hội Thánh. Thánh Gioan Tông đồ viết: “Căn cứ vào điều này, anh em nhận ra thần khí của Thiên Chúa: thần khí nào tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Đấng đã đến và trở nên người phàm, thì thần khí ấy bởi Thiên Chúa.” (1Ga 4,2)

b) Sự hiện diện của “hoa quả của Thần Khí: bác ái, hoan lạc, bình an” (Gl 5,22). Mỗi ân huệ Thánh Linh thúc đẩy bác ái lớn mạnh trong chính mỗi cá nhân cũng như cộng đoàn, nhờ đó phát sinh hoan lạc và bình an.

Nếu một đặc sủng là nguyên nhân của bối rối, nghi nan, thì đó không phải là đặc sủng đúng nghĩa hoặc đặc sủng đó không được sử dụng đúng cách. Như thánh Phaolô nói: “Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa gây hỗn loạn, nhưng là Thiên Chúa tạo bình an” (1Cr 14,33).

Không có đức ái, những đặc sủng dù cao quý nhất cũng chẳng ích lợi gì (x.1Cr 13,1-3; Mt 7,22-23).

c) Tuân theo thẩm quyền Giáo Hội và chấp thuận các chỉ thị của Giáo Hội. Sau khi thiết lập các quy tắc nghiêm ngặt trong việc sử dụng các đặc sủng trong cộng đoàn Côrintô, thánh Phaolô nói: “Nếu ai tưởng mình là ngôn sứ hoặc được Thần Khí linh hứng, thì hãy nhìn nhận rằng các điều tôi viết đây là mệnh lệnh của Chúa.” (1Cr 14,37). Đặc sủng đích thực được nhận biết bởi sự chân thành của ngài đối với các Mục tử Giáo Hội. Một đặc sủng không thể là nguyên nhân gây rối loạn hay cắt đứt sự hiệp nhất.

d) Việc sử dụng các đặc sủng tuân theo một nguyên tắc cơ bản: “Tất cả những điều ấy đều phải nhằm xây dựng Hội Thánh” (x.1Cr 14,26),…, tức là các đặc sủng được chấp nhận ở mức độ các đặc sủng ấy đóng góp mang tính xây dựng cho đời sống cộng đoàn, một đời sống kết hợp với Thiên Chúa và hiệp thông huynh đệ. Thánh Phaolô nhấn mạnh quy tắc này trong 1Cr 14,4-5; 12,18-19,26-32.

Lợi ích của tự do ngôn luận trong Giáo Hội

7. Giữa những ân huệ khác nhau, thánh Phaolô cho rằng ơn nói tiên tri quý trọng hơn, ngài khuyên nhủ: “hãy khao khát những ơn của Thần Khí, nhất là ơn nói tiên tri” (x. 1Cr 14,1). Trong lịch sử Giáo Hội, cụ thể là nơi các thánh nhân, Chúa Thánh Thần linh hứng các ngài nói tiên tri nhằm thúc đẩy sự phát triển hoặc canh tân đời sống cộng đoàn Kitô giáo. Đôi khi những lời này đặc biệt gửi đến những vị có quyền hành trong Giáo Hội, như trường hợp của thánh Catharina Siêna, thánh nhân đã can thiệp để Giáo hoàng từ Avignon trở về Rôma. Nhiều tín hữu, đặc biệt là các thánh đã đem lại ánh sáng cũng như sức mạnh cần thiết cho nhiều Giáo hoàng và các mục tử của Giáo Hội để các ngài hoàn thành sứ vụ của mình, đặc biệt là vào những thời điểm Giáo Hội gặp khó khăn.

8. Thực tế này cho thấy khả năng và sự hữu ích của tự do ngôn luận trong Giáo Hội: tự do cũng có thể xuất hiện dưới hình thức phê bình mang tính xây dựng. Điều quan trọng là những gì nói ra thực sự thể hiện sự linh hứng tiên tri của Thánh Linh. Như thánh Phaolô nói: “Chúa là Thần Khí, và ở đâu có Thần Khí của Chúa, thì ở đó có tự do.” (2Cr 3,17). Chúa Thánh Thần thúc đẩy tín hữu hành động với sự chân thành, tin tưởng lẫn nhau và giúp họ có khả năng “khuyên bảo nhau” (Rm 15,14; x.Cl 1,16).

Phê bình là điều hữu ích trong đời sống cộng đoàn bởi đây là nơi luôn cần sự canh tân và sửa chữa những khuyết điểm. Trong nhiều trường hợp, phê bình giúp cộng đoàn tiến bộ hơn. Nhưng nếu xuất phát từ Chúa Thánh Thần, những lời phê bình phải hướng đến thăng tiến trong bác ái và sự thật. Những lời ấy không thể mang vị đắng hay lăng mạ thể hiện qua hành vi hay phán xét xúc phạm danh dự cá nhân hoặc cộng đoàn. Phê bình phải được nói ra với thái độ tôn trọng, với tình huynh đệ, con thảo, song song đó cần tránh mọi hình thức công khai không phù hợp bằng cách luôn tuân thủ các chỉ dẫn của Đức Chúa về việc sửa lỗi anh em (x. Mt 18,15-16)

9. Nếu đây là mô tả sơ lược về tự do ngôn luận, chúng ta có thể nói, không có sự đối lập giữa các đặc sủng và định chế, bởi vì chỉ duy nhất một Thần Khí hoạt động trong Hội Thánh với nhiều đặc sủng khác nhau. Các ân huệ thiêng liêng cũng trợ giúp trong việc thi hành các sứ vụ. Chính Thánh Linh thông ban những ân huệ ấy nhằm mở mang, thăng tiến Nước Chúa. Theo nghĩa này, chúng ta cũng khẳng định, Hội Thánh là một cộng đoàn của các đặc sủng.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here