Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh
BÀI 32: GIÁO HỘI LÀ MỘT CỘNG ĐOÀN NGÔN SỨ
Cộng đoàn Dân Chúa chia sẻ chức vụ ngôn sứ của Đức Kitô bằng cách làm chứng cho Ngài bằng một đời sống đức tin và đức ái.
Tại buổi Tiếp kiến chung vào thứ Tư, ngày 13 tháng Năm, Đức Thánh Cha tiếp tục bài giáo lý hàng tuần về Giáo Hội. Kết thúc đề tài Giáo Hội như một cộng đồng tư tế, Đức Thánh Cha chuyển sang đặc tính ngôn sứ của Giáo Hội. Đây là bài phát biểu của Ngài.
1. Trong những bài giáo lý trước, chúng tôi đã khẳng định rằng Giáo Hội như là “một cộng đoàn tư tế thánh thiện và cơ cấu được thực hiện qua các bí tích và các nhân đức” (Lumen gentium, số 11). Đó là một định nghĩa của Hiến chế Lumen gentium nhằm xác định căn tính của Giáo Hội (Lumen gentium, số 11). Cũng trong Hiến chế này, chúng ta đọc thấy: “Dân thánh của Thiên Chúa cũng tham dự vào chức vụ ngôn sứ của Đức Kitô, bằng cách thể hiện khắp nơi chứng từ sống động về Ngài cách đặc biệt bằng đời sống đức tin và đức ái, và bằng cách dâng lên Thiên Chúa lễ tế ca tụng, dùng miệng lưỡi ngợi khen thánh danh Người (Dt 13,15).” (Lumen gentium, số 12). Vì thế, theo như Công đồng, Giáo Hội có đặc tính ngôn sứ khi chia sẻ cùng một chức vụ ngôn sứ của Đức Kitô. Chúng tôi sẽ thảo luận về đặc tính này trong bài giáo lý hôm nay và những bài kế tiếp. Theo đó, chúng tôi sẽ tiếp nối đường lối mà Hiến chế Tín lý đã vạch ra, trong đó Công đồng giải thích rõ hơn về đạo lý này.
Hôm nay, chúng ta sẽ xem xét những giả định đặt nền cho chứng nhân đức tin của Hội Thánh.
2. Khi giới thiệu Hội Thánh là một “cộng đoàn ngôn sứ”, Công đồng làm nổi bật đặc tính này trong mối liên hệ với việc “làm chứng”. Đó cũng là lý do và mục đích thành lập Giáo Hội của Đức Giêsu. Thật vậy, công đồng khẳng định rằng Hội Thánh “thể hiện khắp nơi chứng từ sống động về Đức Kitô”. Sách Công vụ Tông đồ làm sáng tỏ điều đó khi khẳng định: những lời này được Chúa Phục sinh truyền lại cách riêng cho các Tông đồ: “anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy” (x. Cv 1,8). Qua những lời này, Đức Giêsu hướng đến vấn đề là việc làm chứng, nhiệm vụ cụ thể của các Tông đồ, tùy thuộc vào việc ban Thánh Linh như Ngài đã hứa, Đấng đã đến trong ngày lễ Ngũ Tuần. Với sức mạnh của Thánh Linh, Ngài là Thần khi sự thật, việc làm chứng cho Đức Kitô chịu đóng đinh và phục sinh trở nên trách nhiệm và bổn phận của các môn đệ khác, cụ thể là những phụ nữ đã hiện diện với Mẹ của Chúa trong phòng Tiệc ly ở Giêrusalem. Họ là những thành viên đầu tiên của cộng đoàn Hội Thánh. Thật vậy, đặc ân đó được ban cho các phụ nữ bởi vì họ là những người đầu tiên mang Tin mừng và làm chứng cho Chúa Kitô phục sinh (x. Mt 28,1-10)
Các Tông đồ là những người đầu tiên đáp lại bằng đức tin
3. Khi Đức Giêsu nói với các Tông đồ: “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy” (x. Cv 1,8), Ngài nói về chứng tá của đức tin, sẽ được ban cho các ông bằng một cách thế đặc biệt. Các Tông đồ là những người chứng kiến tận mắt những việc Đức Giêsu làm, và nghe tận tai những gì Ngài nói. Các ông đã trực tiếp nhận được chân lý mạc khải và là những người đầu tiên đáp lại bằng đức tin những gì đã thấy, đã nghe. Đó là lý do tại sao Phêrô đại diện Nhóm Mười Hai tuyên xưng Đức Giêsu là “Đấng Mêsia, Con Thiên Chúa Hằng Sống” (Mt 16,16). Và một lần khác, gần Capacnaum, trong khi một số trong đám đông dân chúng lìa bỏ Đức Giêsu sau khi Ngài công bố mầu nhiệm Thánh thể, Phêrô cũng đã tuyên bố không chút do dự: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chsúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.” (Ga 6,68-69)
4. Việc làm chứng cho đức tin của các Tông đồ là “ơn lành từ trên” (Gc 1,17). Điều này không chỉ đúng với các Tông đồ nhưng còn đối với tất cả những ai kế thừa và chuyển trao lời chứng ấy. Đức Giêsu đã nói với các Tông đồ: “mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã được ban cho anh em” (Mc 4,11). Và hướng tới những khoảnh khắc quyết liệt phía trước, Ngài đảm bảo với Phêrô rằng: “Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh.” (Lc 22,32).
Vì thế, dựa trên những bản văn nền tảng của Tân Ước, chúng ta có thể nói rằng, nếu Hội Thánh, Đoàn Dân Thiên Chúa, chia sẻ chức vụ ngôn sứ của Đức Kitô bằng cách thể hiện khắp nơi chứng từ sống động về Ngài, như chúng ta đọc thấy trong Công đồng (x. Lumen gentium, số 12), và chứng từ đức tin này đặt nền trên chứng từ của các Tông đồ. Đó cũng là nền tảng cơ bản nhất cho chức vụ ngôn sứ của toàn thể Dân Chúa.
5. Trong Hiến chế tín lý Dei verbum, chúng ta đọc thấy rằng các Tông đồ “thực hiện cách trung thành, hoặc bằng việ̣c các Tông đồ dùng lời giảng dạy, gương lành và các định chế để truyền lại những điều các ngài đã nhận lãnh từ lời dạy dỗ, từ gương sống và các hành động của Chúa Kitô, hay đã biết được nhờ sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần”. Hay ở đoạn khác trong Tin mừng cũng vậy, cùng với nhóm Mười Hai, thi hành lệnh truyền của Đức Kitô về việc làm chứng nhân của đức tin, đó là “các Tông đồ và những người cùng hoạt động tông đồ với các ngài đã viết lại sứ điệp cứu độ dưới sự linh hứng của cùng một Chúa Thánh Thần””(Dei verbum, số 7). “Những điề̀u các Tông đồ truyền lại bao gồm tất cả những gì góp phần giúp Dân Thiên Chúa số́ng thánh thiện và làm tăng trưởng đức tin, và như thế, qua giáo lý, đời sống và việc phượ̣ng tự, Giáo Hội bảo tồn và lưu truyền cho mọi thế hệ tất cả thực chất của mình và tất cả những gì mình tin.” (Dei verbum, số 8)
Thánh Linh kiện toàn đức tin của Hội Thánh
Như chúng ta thấy, Công đồng khẳng định sự liên kết mật thiết giữa Hội Thánh, các Tông đồ, Đức Giêsu Kitô và Thánh Linh. Song song đó là sự liên tục giữa mầu nhiệm Đức Kitô và định chế các Tông đồ và Hội Thánh: mầu nhiệm trong đó bao gồm sự hiện diện và hoạt động liên lỉ của Thánh Linh.
6. Rõ ràng hơn, trong Hiến chế tín lý về Mạc khải Thiên Chúa, Công đồng định tín rằng Thánh truyền chứa đựng chứng từ của các Tông đồ lưu truyền trong Hội Thánh như là chứng ta đức tin của toàn thể Dân Chúa. “Thánh Truyền do các Tông đồ truyền lại được tiếp nối trong Giáo Hội dưới sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Thật vậy, các sự việc và lời nói truyền lại được hiểu biết thấu đáo hơn, hoặc nhờ sự chiêm niệm và học hỏi của những tín hữu đã luôn suy tưởng các điều ấy trong lòng (x. Lc 2,19 và 51), hoặc nhờ sự thông hiểu về những cảm nghiệm thiêng liêng, hoặc nhờ sự giảng dạy của những người đã lãnh nhận cách chắc chắn đoàn sủng về chân lý cùng với việc kế vị các Tông đồ trong chức Giám mục. Như thế, qua bao thế kỷ, Giáo Hội luôn hướng tới sự viên mãn của chân lý thần linh, cho đến khi các lời của Thiên Chúa được hoàn tất nơi chính Giáo Hội.” (Dei Verbum, số 8)
Theo Công đồng, dưới sự che chở của Thần khí sự thật, sự tiến bộ này hướng đến chân lý mạc khải vẹn toàn nhờ hiểu biết, kinh nghiệm và giảng dạy. (Dei Verbum, số 10)
Trong chiều hướng đó, Đức Maria là gương mẫu của Hội Thánh, bởi vì Mẹ là người đầu tiên “ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng”. (Lc 2,9 và 51).
7. Dưới tác động của Thánh Linh, cộng đoàn tuyên xưng niềm tin của mình và áp dụng chân lý đức tin vào đời sống hằng ngày. Một mặt, toàn thể Hội Thánh luôn nỗ lực đạt tới sự hiểu biết thấu đáo hơn Mạc khải, đối tượng của đức tin: miệt mài nghiên cứu Thánh khoa và không ngừng suy tư về ý nghĩa và giá trị thâm sâu của Lời Chúa. Mặt khác, bằng đời sống chứng tá đức tin, Giáo Hội cho thấy ý nghĩa và hệ quả của đạo lý mạc khải và giá trị cao thượng làm nên quy chuẩn đạo đức của con người. Qua việc giảng dạy những giáo huấn của Đức Kitô, Hội Thánh tiếp nối sứ vụ của Ngài và chỉ ra những giá trị cốt lõi của thông điệp Tin mừng.
Thánh Linh ban cho tín hữu “cảm thức đức tin”
Mỗi Kitô hữu phải hiệp thông với Giáo Hội trong việc “tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ” (x. Mt 10,32) và phải ăn ở ngay lành giữa dân ngoại hầu dẫn đưa họ đến niềm tin vào Thiên Chúa.
8. Những đường hướng Công đồng vạch ra, đó là “cảm thức đức tin”, nhờ đó Dân Chúa chia sẻ chức vụ ngôn sứ của Đức Kitô, được xây dựng và truyền lại qua “cộng đoàn” chứng tá của Hội Thánh. Chúng ta đọc thấy trong Lumen gentium: “nhờ cảm thức đức tin do chính Thánh Thần Chân lý khơi dậy và nâng đỡ, khi tuân phục theo sự hướng dẫn của Huấn Quyền Giáo Hội, Dân Thiên Chúa đón nhận không phải lời của người phàm, nhưng thực sự là Lời của Thiên Chúa (x. 1 Ts 2,13), trung thành gắn bó với đức tin đã được truyền lại cho các thánh chỉ một lần là đủ (x. Gđ 1,3), thấu hiểu cách sâu xa hơn với mộ̣t nhận thức chính xác và thự̣c thi đức tin cách hoàn hảo hơn trong đời sống hằng ngày.” (Lumen gentium, số 12).
Công đồng nhấn mạnh rằng, “cảm thức đức tin do chính Thánh Thần Chân lý khơi dậy và nâng đỡ”. Vì “cảm thức” này, hoa trái của việc “xức dầu” thánh hiến, “khi tuân phục theo sự hướng dẫn của Huấn Quyền Giáo Hội, Dân Thiên Chúa… thấu hiểu cách sâu xa hơn đức tin” (Lumen gentium, số 12). “Toàn thể tín hữu được Đấng Thánh xức dầu (x. 1 Ga 2,20.27) nên không thể sai lầm trong đức tin, họ biểu lộ thuộc tính đặc biệt này qua cảm thức siêu nhiên về đức tin của toàn thể dân Chúa, khi ‘từ các Giám mục đến những người bé mọn nhất trong các tín hữu’ đều đồng thuận về những điều liên quan đến đức tin và phong hoá.” (Lumen gentium, số 12)
Cần lưu ý điều mà Công đồng khẳng định, là sự “đồng thuận về những điều liên quan đến đức tin và phong hoá” không phải có được nhờ cuộc trưng cầu dân ý. Điều này chỉ có thể hiểu được cách thích đáng nhờ không ngừng suy gẫm lời nói của Đức Kitô: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.” (Mt 11,25)