TGH Gioan Phaolô II – Bài 30: Bí tích Xức dầu mang lại sự chữa lành tâm linh

0
967

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

Bài 30: Bí tích Xức dầu mang lại sự chữa lành tâm linh

Nơi bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân, Đức Kitô thể hiện tình yêu của mình đối với những bệnh nhân và giúp họ chịu đựng những đau khổ khi kết hợp với Người. Ngày 29 tháng Tư, tại buổi tiếp kiến chung, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý về Giáo Hội của mình với chủ đề: Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân.

1. Có thể nói thực tiễn của cộng đoàn tư tế được bày tỏ một cách đặc biệt nơi bí tích Xức dầu bệnh nhân, như Thánh Giacôbê viết: “Ai trong anh em đau yếu ư? Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa. Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh; người ấy được Chúa nâng dậy, và nếu người ấy đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha.” (Gc 5,14-15) Như chúng ta thấy, trong bức thư của mình, thánh Giacôbê đã đưa ra lời khuyên cho người bệnh, cá nhân hoặc thông qua người thân là mời các linh mục đến để linh mục xức dầu và cầu nguyện cho người bệnh. Có thể nói rằng, ở đây, chức tư tế cộng đồng được thực hiện bằng cách tham dự vào cộng đoàn của sự sống mà các thánh đã gia nhập, nghĩa là họ là những người được Thánh Thần thánh hiến. Nhưng, qua bức thư, thánh Giacôbê còn chỉ cho chúng ta thấy sự trợ giúp đối với người bệnh qua việc xức dầu chính là sứ vụ của một linh mục được thi hành qua chức tư tế. Khi cử hành cách hài hòa và năng động trong bí tích xức dầu bệnh nhân, cộng đoàn tư tế một lần nữa được nhận thức rõ.

2. Yếu tố nền tảng trước hết nơi bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân có thể được tìm thấy nơi sự lo lắng và quan tâm của Đức Giêsu dành cho các bệnh nhân. Các thánh sử diễn tả rằng, từ khi bắt đầu cuộc sống công khai, Đức Giêsu đã cho thấy tình thương bao la và lòng trắc ẩn chân thành của Người đối với bệnh nhân và tất cả những người nghèo khổ cần đến sự giúp đỡ. Thánh Matthêu nói rằng: Người “chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền” (Mt 9,35). Đối với Đức Giêsu, vô số lần Người thực hiện việc chữa lành trên người bệnh là dấu chỉ cho ơn cứu rỗi mà Người muốn mang đến cho loài người. Đức Giêsu thường xuyên chỉ ra mối liên hệ rõ ràng giữa tội lỗi và bệnh tật. Khi Người tha thứ tội lỗi của họ và sau đó thực hiện một phép lạ để chỉ ra rằng “ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội.” (Mc 2,10) Cái nhìn của Người không chỉ dừng lại ở việc mạnh khỏe về mặt thể lý, mà Người còn hướng về sự chữa lành tâm hồn, sự cứu rỗi tâm linh.

3. Cách thức hành động của Đức Giêsu là một phần trong kế hoạch cứu độ của Người. Tiên tri Isaia đã nói trước về sứ mệnh của Đấng Thiên Sai là chữa lành người bệnh tật và giúp đỡ những ai nghèo hèn túng thiếu (xc. Is 61,1; Lc 4,18-19). Đó là sứ mạng mà thậm chí trong cuộc sống trần gian của mình, Đức Giêsu muốn giao phó cho các môn đệ để họ giúp đỡ những ai cần giúp đỡ và đặc biệt là chữa lành cho những ai đau yếu. Thánh Matthêu nói với chúng ta rằng: “Đức Giêsu gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.” (Mt 10,1) Cùng một ý tưởng đó, thánh Maccô nói rằng: “Các tông đồ trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh.” (Mc 6,13). Đáng nói là, vào thời Giáo Hội sơ khai, khía cạnh sứ mạng thiên sai của Đức Giêsu đã được nêu bật và nhiều trang Tin mừng đã viết về những việc Đức Giêsu thực hiện. Đồng thời, Tin mừng còn nhấn mạnh đến những nhiệm vụ mà Đức Giêsu giao phó cho các môn đệ cũng như các tông đồ liên quan đến sứ mạng của mình.

4. Hành động Đức Giêsu quan tâm tới người bệnh trở thành điều được chú ý đặc biệt nơi Giáo Hội. Một mặt, Giáo Hội xúc tiến nhiều hoạt động có chủ hướng nhằm chăm sóc người bệnh. Mặt khác, với bí tích Xức dầu bệnh nhân, Giáo Hội trao ban cho người bệnh ơn chữa lành nơi lòng thương xót của Đức Kitô. Về vấn đề này, cần phải lưu tâm bệnh tật không bao giờ là một sự dữ tự nhiên đơn thuần, bệnh tật còn là thời gian việc thử luyện luân lý và tâm linh. Người bệnh cần đến sức mạnh nội tâm để lướt thắng những thử thách này. Nhờ bí tích xức dầu bệnh nhân, Đức Kitô mặc khải tình yêu và ban cho người bệnh sức mạnh nội tâm họ đang cần đến. Trong dụ ngôn người Samari nhân hậu, việc đổ dầu vào vết thương trên người đàn ông bất hạnh trên đường từ Giêrusalem xuống Giê-ri-khô là một cử chỉ không khác gì hơn việc chăm sóc thể lý. Trong bí tích xức dầu bệnh nhân, qua sứ vụ của chức linh mục, việc xức dầu trở nên dấu chỉ ân sủng và sự chữa lành tâm linh.

5. Trong thư của thánh Gia-cô-bê, chúng ta đọc được rằng: việc xức dầu và việc linh mục cầu nguyện có ảnh hưởng đến sự cứu rỗi, sự an ủi và tha thứ tội lỗi. Khi chú giải thư thánh Gia-cô-bê, công đồng Trentô nói rằng: bí tích xức dầu bệnh nhân trao ban ân sủng của Thánh Thần cho người thụ lãnh, để một mặt giải thoát linh hồn người ấy khỏi tội lỗi và các hậu quả của tội lỗi, mặt khác trao cho người đó sức mạnh, bằng cách khơi dậy niềm tin tưởng mãnh liệt vào lòng thương xót của Thiên Chúa (xc. DS 1696). Do đó, người bệnh được giúp đỡ để sẵn sàng chịu đựng hơn nữa nỗi khốn khó và đau đớn của bệnh tật, chống lại sức mạnh cám dỗ của ma quỷ. Thêm vào đó, việc thỉnh thoảng xức dầu cũng giúp người bệnh được chữa lành về mặt thể lý, khi đó mang lại ơn ích cứu rỗi linh hồn. Đây là điểm giáo lý của Giáo Hội mà bản văn công đồng Trentô đã khai triển cách chi tiết. Vì vậy, bí tích xức dầu bệnh nhân ban cho người bệnh sức mạnh của ân sủng, làm gia tăng lòng dũng cảm và sức chịu đựng. Bí tích xức dầu bệnh nhân làm nên sự chữa lành tâm linh, ví dụ như sự tha thứ tội lỗi, được chính hoàn thành qua sức mạnh của Đức Kitô, nếu người bệnh đó không mắc những ngăn trở trong tâm hồn. Thỉnh thoảng qua bí tích người bệnh cũng được tăng cường sức khỏe thể lý. Việc chữa lành thể lý không phải là mục đích nền tảng của bí tích xức dầu bệnh nhân, nhưng khi nó diễn ra, nó cho thấy sự cứu rỗi được trao ban bởi Đức Kitô trong tình yêu và lòng thương xót cho tất cả các bệnh nhân mà Đức Giêsu đã mặc khải trong suốt cuộc đời trần thế của mình. Thậm chí ngay cả bây giờ, điều đó còn tiếp tục xảy ra trong cuộc sống mới của Đức Giêsu trên trời và được đổ xuống trên con người qua sức mạnh của Chúa Thánh Thần.

6. Do đó, trong mọi trường hợp đau ốm nghiêm trọng hoặc suy giảm sức khỏe thể lý do tuổi tác, bí tích xức dầu bệnh nhân là sự hiện diện nổi bật của Đức Kitô. Linh mục của Giáo Hội được mời gọi để thực thi việc hiện diện đó. Theo thuật ngữ cổ truyền, bí tích này được gọi là “xức dầu lần cuối” bởi vì bí tích này được coi là bí tích dành cho kẻ chết. Công đồng Vatican II không còn sử dụng cách diễn tả này nữa, để bí tích xức dầu có thể có được cái nhìn thoáng hơn như là một bí tích dành cho bệnh nhân trầm trọng. Do đó, không phải chờ đợi tới giây phút cuối cùng để xin lãnh nhận bí tích này và như thế tước đi sự giúp đỡ của người bệnh – điều mà bí tích xức dầu mang lại cho linh hồn, và thỉnh thoảng cho thể xác nữa. Vào thời điểm thích hợp, người thân và bạn bè phải bày tỏ lòng khao khát lãnh nhận bí tích này của người bệnh phòng khi ốm đau nghiêm trọng. Mong muốn này được đoán chừng, ngay cả khi người bệnh không thể hiện nó một cách chính thức và chỉ trừ trường hợp khi người bệnh từ chối thẳng thừng. Đó là một phần của sự trung tín của Đức Kitô thông qua niềm tin vào Lời Chúa và chấp nhận ý nghĩa của sự cứu rỗi được Người thiết lập và giao phó cho Giáo Hội. Kinh nghiệm còn chỉ ra rằng Bí tích trao ban sức mạnh tinh thần, thay đổi cảm nhận của người bệnh và trao cho người đó sự nhẹ nhõm ngay cả trong tình trạng thể lý. Sức mạnh này đặc biệt hữu ích trong những giây phút gần kề với cái chết, bởi vì nó giúp ích cho sự sống đời sau. Chúng ta hãy cầu nguyện mỗi ngày rằng, vào giây phút cuối đời, chúng ta có thể được trao ban món quà của ân sủng thánh hóa, ít là trong sự tiên đoán, điều đó thật tuyệt vời!

7. Công đồng Vatican II nhấn mạnh đến trách nhiệm của Giáo Hội để trợ giúp cùng với việc xức dầu thánh trong thời gian đau bệnh, tuổi già và cuối cùng là cái chết. Công đồng nói rằng toàn thể Giáo Hội cầu xin Thiên Chúa cất xót bệnh tật cho người bệnh, và bằng cách này, Giáo Hội bày tỏ tình yêu của Đức Kitô đối với tất cả người bệnh. (xc. LG 11) Linh mục, thừa tác viên bí tích, biểu lộ bổn phận này của Giáo Hội. Nơi “Công đoàn linh mục”, người bệnh vẫn là một thành viên tích cực và tham gia làm việc lành. Vì lý do này, Giáo Hội còn thúc giục họ sẵn sàng kết hợp với Đức Kitô chịu đau khổ và chịu chết để đón nhận được ơn cứu độ và một cuộc sống dồi dào hơn cho toàn thể Dân Thiên Chúa. Quả thực, mục đích của bí tích này không chỉ là sức khỏe cá nhân người bệnh, mà còn là sự lớn lên thiêng liêng của cả Giáo Hội. Trong viễn tượng này, thực sự việc có mặt của bí tích xức dầu bệnh nhân như là hình thức tham dự cao trọng nhất vào trong hy lễ của Đức Kitô. Điều này đã được thánh Phaolô nói trong thư gửi tín hữu Cô-lô-xê: Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh (Cl 1,24)

8. Phải chú ý nhiều hơn đến việc góp phần mà người bệnh mang lại cho sự phát triển đời sống thiêng liêng Giáo Hội. Xin cho tất cả mọi người- người bệnh, người thân của họ, bác sĩ của họ và những người chăm sóc khác – luôn nhìn ý nghĩa đau khổ như một cách để thực thi chức tư tế cộng đồng của Giáo Hội, bằng cách dâng những hi sinh, đau khổ của con người trong sự hiệp nhất với những đau khổ của Đức Kitô. Xin cho mọi người thấy hình ảnh đau khổ của Đức Kitô, như tiên tri Isaia nói về người tôi trung đau khổ (xc. Is 53,4), mang trong mình những bệnh tật.

Với đức tin và kinh nghiệm, chúng ta biết rằng hy lễ của người bệnh mang lại rất nhiều hoa trái cho Giáo Hội. Sự đau khổ nơi các tín hữu trong Thân Thể Mầu Nhiệm đóng góp nhiều nhất cho sự kết hợp của toàn thể Giáo Hội với  Đức Kitô – Đấng Cứu Độ. Cộng đoàn nên giúp đỡ người bệnh theo tất cả các cách mà công đồng Vatican II chỉ dạy với lòng biết ơn vì những lợi ích nhận được từ sự hy sinh của người bệnh.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here