TGH Gioan Phaolô II – Bài 27: Bí tích thêm sức kiện toàn ân sủng Bí tích Rửa tội

0
3374

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

Bài 27: Bí tích thêm sức kiện toàn ân sủng Bí tích Rửa tội

Nơi bí tích Thêm Sức, nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần, các Kitô hữu được tăng cường sức mạnh để họ có thể tuyên xưng đức tin của mình vào Đức Kitô với lòng nhiệt thành và sự bền bỉ. Tại buổi tiếp kiến chung ngày 01 tháng Tư, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý về Giáo Hội của mình với chủ đề: vai trò của bí tích Thêm Sức trong đời sống Giáo Hội.

1. Trên nền tảng hiến chế Lumen Gentium của Công đồng Vatican II, ta đọc được rằng: “Ðặc tính thánh thiện và có tổ chức của cộng đoàn tư tế được thể hiện trong hành động nhờ các bí tích và các nhân đức.” Trong bài giáo lý hôm nay, chúng tôi sẽ tiếp tục đào sâu chân lý về Giáo Hội. Và chúng tôi sẽ tập trung sự chú ý vào Bí tích Thêm sức. Chúng ta đọc trong hiến chế Lumen Gentium: “Nhờ ơn bí tích Thêm Sức, họ gắn bó với Giáo Hội cách hoàn hảo hơn và được dư đầy sức mạnh đặc biệt của Chúa Thánh Thần, do đó họ càng có bổn phận khẩn thiết hơn phải loan truyền và bảo vệ đức tin bằng lời nói và việc làm như những chứng nhân đích thực của Chúa Kitô” (LG 11).

2. Bằng chứng sớm nhất về bí tích này xuất hiện trong Công vụ Tông đồ. Ở đó, người ta nói rằng: phó tế Phi-líp-phê (khác với Phi-líp-phê Tông đồ), một trong bảy người “tràn đầy Chúa Thánh Thần và khôn ngoan” được các Tông đồ đặt tay, đã xuống một thành miền Sa-ma-ri để rao giảng Tin mừng. “Với sự hiệp nhất nên một, đám đông một lòng chú ý đến những điều ông Philiphê rao giảng, bởi được nghe đồn và được chứng kiến những dấu lạ ông làm … Nhưng khi họ tin lời ông Phi-líp-phê loan báo Tin Mừng về Nước Thiên Chúa và về danh Đức Giêsu Kitô, thì họ đã chịu phép rửa, có cả đàn ông lẫn đàn bà…Bấy giờ Các Tông Đồ ở Giê-ru-sa-lem nghe biết dân miền Sa-ma-ri đã đón nhận lời Thiên Chúa, thì cử ông Phê-rô và ông Gio-an đến với họ. Khi đến nơi, hai ông cầu nguyện cho họ, để họ nhận được Thánh Thần. Vì Thánh Thần chưa ngự xuống một ai trong nhóm họ: họ mới chỉ chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu. Bấy giờ hai ông đặt tay trên họ, và họ nhận được Thánh Thần”(Cv 8, 6-17). Đoạn trích này cho ta thấy, từ thời Giáo Hội sơ khai, mối liên hệ giữa bí tích Rửa Tội và “nghi thức đặt tay” đã tồn tại, một cử chỉ mới của bí tích để đón nhận và trao ban ân sủng Chúa Thánh Thần. Nghi thức này được xem là sự hoàn thành của Bí tích Rửa tội. Và nghi thức này được xem trọng đến nỗi thánh Phêrô và Gioan được gửi từ Giê-ru-sa-lem đến Sa-ma-ri cho mục đích này.

3. Vai trò của các Tông đồ trong việc trao ban ân sủng của Chúa Thánh Thần là nguồn gốc của việc xác định vai trò các Giám mục trong các nghi thức Giáo Hội Latinh. Nghi thức này bao gồm việc đặt tay trên ứng viên và nó đã được thực hành theo truyền thống các thánh tông đồ từ thời thánh Hippôlitô thành Rô-ma khoảng thế kỷ thứ II (khoảng năm 200), khi đề cập đến một nghi thức kép: việc xức dầu thánh cho ứng viên được thực hiện bởi một linh mục trước khi thụ nhân lãnh Phép Rửa, sau đó vị Giám mục đặt tay trên kẻ đã lãnh nhận. Điều này cho thấy sự khác biệt giữa việc xức dầu nơi bí tích rửa tội và Thêm sức.

4. Qua nhiều thế kỉ Kitô giáo, ở phương Đông và phương Tây có nhiều cách thực hành khác nhau trong cử hành Bí tích Thêm Sức. Ở Giáo Hội phương Đông, Bí tích Thêm sức được lãnh nhận ngay sau Bí tích Rửa tội (Rửa tội được thực hiện với việc xức dầu thánh), trong khi đó, nơi Giáo Hội phương Tây, trong trường hợp rửa tội trẻ sơ sinh, các em sẽ được lãnh nhận Bí tích Thêm sức sau khi đạt được độ tuổi nhất định, hoặc sau khoảng thời gian được xác định bởi Hội đồng Giám mục. ( xc. CIC, can. 891). Ở phương Đông, thừa tác viên của bí tích Thêm sức là Linh mục. Ở phương Tây, thừa tác viên thông thường là Giám mục, nhưng cũng có thừa tác viên là linh mục, nếu năng quyền đó chiếu theo luật Phổ quát hoặc do nhà chức trách có thẩm quyền ban riêng cho. Hơn thế nữa, ở Phương Đông nghi thức thiết yếu chỉ bao gồm việc xức dầu. Ở phương Tây, việc xức dầu được thực hiện cùng với việc đặt tay (bộ giáo luật số 880). Thêm vào đó, sự khác nhau giữa phương Đông và phương Tây còn là sự sắp xếp trong Giáo Hội phương Tây về độ tuổi thích hợp cho Bí tích Thêm sức, phụ thuộc vào thời gian, địa điểm hoặc điều kiện văn hóa và tinh thần. Điều này dựa trên nền tảng của sự tự do mà Giáo Hội duy trì trong việc xác định các điều kiện đặc biệt để cử hành nghi thức.

5. Hiệu quả thiết yếu của Bí tích Thêm sức là mang lại sự kiện toàn ân sủng của Chúa Thánh Thần được lãnh nhận trong Bí tích Rửa tội, để người lãnh nhận có thể làm chứng cho Chúa Kitô bằng lời nói và cuộc sống của họ. Bí tích Rửa tội tẩy rửa và giải phóng thụ nhân khỏi tội lỗi, và bước vào đời sống mới. Bí tích Rửa tội nhấn mạnh khía cạnh tích cực của sự thánh hóa và sức mạnh mà Chúa Thánh Thần trao ban cho kitô hữu để họ sống một đời sống đích thực và làm chứng cách hiệu quả.

6. Giống như nơi Bí tích Rửa tội, đặc tính của Bí tích Thêm sức cũng là ghi dấu ấn trong tâm hồn. Nó mang đến sự hoàn trọn ân sủng đã được đón nhận nơi Bí tích Rửa tội. Và ân sủng trong bí tích thêm sức được trao ban bởi hai cử chỉ đặt tay và xức dầu. Khả năng thụ nhân tham dự việc thờ phượng Thiên Chúa từ khi lãnh Phép Rửa nay được củng cố hơn nhờ Bí tích Thêm sức. Chức tư tế phổ quát bén rễ sâu hơn trong thụ nhân và làm cho người đó có thể thực thi việc thờ phượng cách hiệu quả hơn. Chức năng riêng biệt nơi ấn tích của bí tích thêm sức là sống và làm chứng về một đời sống Kitô hữu mà thánh Phê-rô đã đề cập khi nói đến chức tư tế phổ quát. (xc.1Pr 2,11) Thánh Tô-ma A-qui-nô giải thích rằng: Bí tích thêm sức trao ban cho các chứng nhân Danh Chúa Kitô và thực hiện những hành động của một Kitô hữu đích thực để bảo vệ và loan truyền đức tin, dựa trên “nguồn sức mạnh đặc biệt” (ST III, q.72, a.5, ad.1). Các Kitô hữu được trao cho một trách nhiệm và mệnh lệnh đặc biệt, được thông phần vào chức tư tế của Chúa Kitô, nghĩa là được mời gọi cử hành phụng vụ Thánh, mà cử hành này trong Kitô giáo bắt nguồn từ chức tư tế của Chúa Kitô (ST III, q.63, a.3). Cộng đoàn chứng nhân Chúa Kitô còn bao gồm cả những Kitô hữu trong chức tư tế phổ quát, những người này được gọi là “thành phần chính thức không thể thiếu.” (ST III, q.72, a.5, ad.2)

7. Ân sủng được trao ban bởi Bí tích Thêm sức cụ thể hơn là món quà “sức mạnh”. Chúng ta nhắc lại điều đã được Công đồng Vatican II đề cập ở phần đầu trong bài hôm nay: “nhờ ơn bí tích Thêm Sức, họ gắn bó với Giáo Hội cách hoàn hảo hơn và được dư đầy sức mạnh đặc biệt của Chúa Thánh Thần”. (LG 11) Món quà này cần thiết để giúp thụ nhân nhiệt huyết hơn trong cuộc chiến đấu thiêng liêng của đức tin và đức ái (ST III, q.72, a.5) để chống lại cám dỗ và trao ban cho thế giới những nhân chứng bằng lời nói và hành động dũng cảm, nhiệt huyết và kiên trì. Trong bí tích Thêm sức, Thần Khí Chúa trao ban sự nhiệt huyết này. Đức Giêsu đã lưu ý nguy cơ chối bỏ đức tin: “Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các Thánh thiên thần” (Lc 9,26; xc. Mt 8,38). Xấu hổ vì Chúa thường được diễn tả trong hình thức của lòng tự trọng của con người khi một ai đó che giấu đức tin của chính mình và đồng ý với những thỏa hiệp, điều này là không thể chấp nhận với những ai muốn trở thành người môn đệ chân chính của Chúa Kitô. Ngày nay, có bao nhiêu người, kể cả Kitô hữu, đồng ý thỏa hiệp! Qua Bí tích Thêm sức, Thánh Thần đổ đầy trên mỗi người sự can đảm để tuyên xưng niềm tin vào Đức Kitô. Theo văn bản của công đồng, tuyên xưng đức tin có nghĩa là “loan truyên đức tin bằng lời nói và hành động” như những chứng nhân trung kiên và xác đáng.

8. Từ thời trung cổ, thần học đã không ngần ngại để nhấn mạnh sức mạnh được trao ban bởi Bí tích Thêm sức cho các Kitô hữu – những người được kêu gọi để phục vụ như những chiến sĩ của Chúa. Thần học tiếp tục cho thấy trong bí tích này giá trị của sự hi sinh và tận hiến, bao gồm trong nguồn gốc của nó từ “ân sủng trọn vẹn của Đức Kitô.” (xc. ST III, q.72, a.1, ad 4) Thánh Tôma Aquinô đã giải thích chân lý rằng Bí tích Thêm sức được phân biệt với bí tích rửa tội và nối tiếp bí tích rửa tội: Bí tích Thêm sức hoàn tất Bí tích Rửa tội. Theo thánh Phaolô, nhờ Bí tích Rửa tội, Kitô hữu trở thành ngôi nhà được Thiên Chúa xây lên (xc. 1Cr 3, 9), và được viết như một bức thư do Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống (xc. 2Cr 3,2-3); nhờ Bí tích Thêm sức, như một ngôi nhà đã được xây dựng, người tín hữu được xem là đền thờ của Chúa Thánh Thần, và như một bức thư đã được viết, được ký kết bằng thập giá. (ST III, q.72, a.11)

9. Như đã biết, có những vấn đề mục vụ liên quan đến bí tích Thêm Sức, đặc biệt liên quan đến độ tuổi để lãnh nhận bí tích này. Xu hướng gần đây là trì hoãn thời gian lãnh nhận cho đến độ tuổi 15 – 18, để người nhận có thể trưởng thành hơn và người đó có thể có ý thức hơn về việc thực hiện lời cam kết một cách nghiêm túc và kiên định hơn đối với đời sống chứng nhân Kitô giáo. Xu hướng khác thì lại muốn lãnh nhận trong độ tuổi trẻ hơn. Trong mọi trường hợp, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để được lãnh nhận bí tích, điều này cho phép những người lãnh nhận bí tích thực hiện lại những lời hứa khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội với đầy đủ sự nhận thức về món quà họ đang lãnh nhận và nghĩa vụ mà họ đảm nhận. Nếu không có sự chuẩn bị lâu dài và nghiêm túc, họ sẽ có nguy cơ xem thường và chỉ xem việc lãnh nhận bí tích như hình thức đơn thuần hoặc nghi thức bên ngoài, hoặc thậm chí là đánh mất khía cạnh thiết yếu của Bí tích khi nhấn mạnh vào những cam kết liên quan đến đạo đức.

10. Tôi sẽ kết luận bài giáo lý hôm nay bằng cách nhắc lại rằng bí tích Thêm Sức là bí tích có khả năng truyền cảm hứng và có tầm quan trọng nhất định với những cam kết đức tin – người muốn hiến dâng trọn bản thân làm chứng nhân Kitô giáo trong xã hội. Tôi hi vọng rằng tất cả các bạn trẻ Kitô giáo, đặc biệt với sự giúp đỡ từ ân sủng của Bí tích Thêm sức- sẽ xứng đáng với những lời được thánh Gioan Tông đồ nói: Hỡi các bạn trẻ, tôi đã viết cho anh em: anh em là những người mạnh mẽ; lời Thiên Chúa ở lại trong anh em và anh em đã thắng ác thần” ( 1Ga 2, 14)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here