TGH Gioan Phaolô II – Bài 26: Phép Thánh Tẩy: Lối vào đời sống ân sủng

0
1725

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

Bài 26: Phép Thánh Tẩy: Lối vào đời sống ân sủng

Nhờ bí tích Rửa Tội, các tín hữu trở thành thành viên của Giáo Hội, có thể tham dự vào việc thờ phượng Kitô giáo và được Chúa Thánh Thần đóng vào linh hồn một dấu. Tiếp tục loạt bài giáo lý về Giáo Hội của mình, ngày 25 tháng Ba, Đức Thánh Cha đã quảng diễn đề tài: nhờ bí tích Rửa Tội, Giáo Hội trở thành cộng đoàn tư tế và bí tích.

1. Trong hiến chế Lumen Gentium của Công đồng Vatican II, chúng ta đọc được rằng: “Ðặc tính thánh thiện và có tổ chức của cộng đoàn tư tế được thể hiện trong hành động nhờ các bí tích và các nhân đức” (LG 11). Điều đó có nghĩa, những hành động của chức tư tế phổ quát được nối kết với các bí tích vốn đóng một vai trò căn bản nào đó trong đời sống Kitô hữu. Nhưng Công đồng nối kết “các bí tích” với “các nhân đức”. Một mặt, sự nối kết này cho thấy đời sống bí tích không bị giảm thiểu thành một mớ từ ngữ hay cử chỉ mang tính nghi thức; các bí tích là lối diễn tả của đức tin, đức cậy và đức mến. Mặt khác, sự nối kết ấy nhấn mạnh rằng sự tiến triển của các nhân đức này cũng như các nhân đức khác trong đời sống Kitô hữu phát sinh từ các bí tích. Do đó, chúng ta có thể nói rằng, dưới cái nhìn của Giáo Hội, việc cử hành bí tích có sự nối tiếp tự nhiên trong việc nuôi dưỡng đời sống Kitô hữu. Trước hết, Công đồng Vatican II, trong hiến chế Lumen Gentium, nhắc đến bí tích Rửa Tội là bí tích đưa con người trở thành người Kitô hữu và gia nhập vào cộng đoàn tư tế. Hiến chế viết: “Các tín hữu tháp nhập vào Giáo Hội bởi phép Thánh Tẩy, và nhờ ấn tích, họ được đề cử thi hành việc phụng thờ Kitô giáo và, được tái sinh làm con Thiên Chúa, họ có bổn phận tuyên xưng trước mặt mọi người đức tin mà họ nhận lãnh từ Thiên Chúa qua Giáo Hội” (LG 11). Bản văn chúng ta vừa nhắc đến chứa đựng rất nhiều điểm được rút ra từ Tân Ước và được các thánh giáo phụ và tiến sĩ trong truyền thống Giáo Hội đào sâu. Hôm nay, chúng tôi muốn đi sâu vào những điểm giáo lý thiết yếu này.

2. Công đồng Vatican II bắt đầu hiến chế bằng cách tuyên bố chính nhờ phép Thánh Tẩy chúng ta được gia nhập vào Giáo Hội – thân mình Đức Kitô. Điều này đã được thánh Phaolô nhắc đến trong thư gửi tín hữu Côrintô: “tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể” (1Cr 12,13). Đây là điểm quan trọng để hiểu vai trò và giá trị của bí tích Rửa Tội, là cữa ngõ dẫn đưa chúng ta vào cộng đoàn Giáo Hội. Ngày nay, thậm chí nhiều người từ chối thừa nhận vai trò, né tránh hoặc trì hoãn để chịu phép Rửa, đặc biệt là việc rửa tội nơi những trẻ nhỏ. Hơn nữa, theo những truyền thống đã có từ xa xưa của Giáo Hội, đời sống người tín hữu không đơn giản chỉ bắt đầu với những sự sắp đặt của con người, nhưng với bí tích được ban tặng có những hiệu quả thiêng liêng. Bí tích Rửa tội, một dấu chỉ hữu hình của ân sủng vô hình, là cánh cửa qua đó Thiên Chúa tác động vào trong linh hồn con người, thậm chí ngay cả trong linh hồn của những trẻ sơ sinh, để kết hợp nhân loại với Người trong Đức Kitô và Giáo Hội. Chính Thiên Chúa truyền sự sống mới vào trong con người và làm cho con người được hiệp thông trong cộng đoàn chư thánh. Nhờ bí tích Rửa tội, con người được dẫn vào các bí tích khác để có thể phát triển cách tròn đầy đời sống Kitô hữu. Vì lý do này, bí tích Rửa tội giống như sự tái sinh, nhờ đó con người trở thành con cái Thiên Chúa.

3. Công đồng Vatican II nói rằng những người lãnh nhận phép rửa được tái sinh làm con cái Thiên Chúa. Tại đây, chúng ta được nghe lại những lời của thánh Phêrô Tông đồ chúc tụng Thiên Chúa là Cha bởi vì “do lượng hải hà, Người cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động (1Pr 1,3). Thánh Gioan đã ghi lại những giáo huấn của Đức Giêsu trong cuộc đối thoại với Nicôđêmô: “Amen, amen, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí” (Ga 3,5). Đức Giêsu dạy chúng ta rằng sự tái sinh đến từ Thánh Thần. Trong thư gửi cho ông Titô, thánh Phaolô nhấn mạnh việc tái sinh bởi Thánh Thần khi ngài nhấn mạnh rằng Thiên Chúa đã cứu chúng ta “nhờ phép rửa ban ơn Thánh Thần, để chúng ta được tái sinh và đổi mới. Thiên Chúa đã tuôn đổ đầy tràn ơn Thánh Thần xuống trên chúng ta, nhờ Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng ta” (Tt 3, 5-6). Thánh Gioan Tẩy giả đã tuyên bố người đến sau ông sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần (xc. Mt 3,11). Đức Giêsu nói với chúng ta rằng Thánh Thần mới “làm cho sống” (Ga 6,63). Khi chúng ta đọc kinh tin kính Nicêa – Constantinôpôli, chúng ta tuyên xưng niềm tin của chúng ta nơi chân lý được mặc khải: “…tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống”. Đây là một điều được nói đến về cuộc sống mới khi chúng ta trở thành con cái của Thiên Chúa theo nghĩa Tin Mừng. Đức Kitô chia sẻ với người tin chức phận làm con thiêng thánh của mình thông qua bí tích Rửa Tội, bí tích mà Người đã thiết lập như Phép rửa trong Thánh Thần. Nơi bí tích Rửa tội, một cuộc hạ sinh thiêng liêng diễn ra là kết quả của biến cố Nhập Thể cứu chuộc của Đức Giêsu. Bí tích rửa tội cho phép con người sống một cuộc sống như Đức Kitô phục sinh. Đây là chiều kích thần học cứu độ nơi bí tích Rửa Tội mà thánh Phaolô đã viết trong thư gửi giáo đoàn Rôma: “Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6,3-4). Bản văn thư Rôma chúng ta vừa nêu cho ta hiểu cách tường tận khía cạnh tư tế nơi bí tích Rửa Tội. Điều đó chứng tỏ rằng, việc con người lãnh nhận bí tích Rửa tội nghĩa là được kết hợp cá nhân với mầu nhiệm vượt qua của Đức Giêsu, một hiến tế thực sự hoàn hảo và đẹp lòng Thiên Chúa. Kết quả của việc kết hợp với Đức Kitô chính là việc con người được biến đổi cách toàn vẹn trở thành của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. (xc. Rm 12,1; 1Pr 2,4-5)

4. Qua việc giải thoát và thanh luyện cùng với đời sống của Đức Kitô, bí tích Rửa tội đổ đầy linh hồn người lãnh nhận sự thánh thiện của Đức Kitô như một đòi hỏi mới để thuộc về Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã khuyên nhủ cộng đoàn Côrintô: “anh em đã được tẩy rửa, được thánh hoá, được nên công chính nhờ danh Chúa Giêsu Kitô và nhờ Thần Khí của Thiên Chúa chúng ta” (1Cr 6,11). Thánh Phaolô cũng nói thêm rằng: Đức Kitô thanh tẩy toàn thể Giáo Hội “bằng nước và lời hằng sống”. Giáo Hội trở nên “thánh thiện và tinh tuyền, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào” nơi tất cả mọi tín hữu khi họ được nhận lãnh bí tích Rửa tội. (xc. Ep 5,26) Cùng với đó là việc được giải thoát và những hiệu quả cho toàn thể cộng đồng. Đó là nền tảng của một tiến trình tiệm tiến tâm linh liên tục (xc. Ep 2,21). Rõ ràng rằng, nhờ ơn thánh hoá của Phép Rửa, các Kitô hữu đạt được khả năng và có bổn phận sống thánh thiện. Theo thánh Phaolô, những người được rửa tội là “người đã chết đối với tội lỗi” và phải cự tuyệt với lối sống tội lỗi (Rm 6,2). Thánh Phaolô nói tiếp: “Anh em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Kitô Giêsu” (Rm 6,11). Theo cách này, bí tích Rửa tội làm cho chúng ta dự phần vào cái chết, sự phục sinh của Đức Kitô thông phần cuộc chiến thắng vinh quang đối với thế lực sự dữ. Đây là ý nghĩa của nghi thức Rửa tội, nơi đó người sắp lãnh nhận bí tích sẽ được hỏi: “anh chị em có từ bỏ ma quỷ không?” Thụ nhân được yêu cầu thực hiện một cam kết cá nhân để hoàn toàn không làm nô lệ tội lỗi và từ bỏ ma quỷ là kẻ gây ra và cầm đầu tội lỗi: Lời cam kết để chiến đấu trong suốt hành trình dương thế và để chống lại những quyến rũ do ma quỷ gây ra. Đó sẽ là một “cuộc chiến thánh thiện”. Cuộc chiến này sẽ làm cho Kitô trở nên xứng đáng hơn với lời mời gọi trên thiêng đàng nhưng cũng hoàn hảo hơn xét trong thân phận con người. Vì hai lý do này, đối với trường hợp Rửa tội trẻ sơ sinh, cha mẹ cũng như người đỡ đầu cũng được đề nghị và chấp nhận bổn phận để tuyên xưng thay cho trẻ nhỏ. Trong quyền năng của bí tích Rửa tội, thụ nhân được tẩy rửa và thánh hóa nhờ Thánh Thần, Đấng đổ đầy sự sống mới nhờ sự tham dự vào trong sự sống của Đức Kitô.

5. Ngoài ân sủng ban sự sống và cuộc thánh hóa của Thánh Thần, người tín hữu còn nhận được nơi bí tích Rửa tội ấn tín (ấn tích). Thánh Phaolô Tông đồ nói rằng: “anh em được đóng ấn Thánh Thần, Đấng Thiên Chúa đã hứa” (Ep 1,13; xc. 4,30; 2Cr 1,22). Ấn tích (trong tiếng Hylạp là sphragis) là một dấu hiệu thuộc về. Người được rửa tội thuộc về Đức Kitô, thuộc về Thiên Chúa và trong điều này thuộc về sự thánh thiện nền tảng và dứt khoát của Đức Kitô được đưa vào hiệu quả. Vì lý do này, thánh Phaolô gọi các Kitô hữu là “dân thánh” (Rm 1,7; 1Cr 1,2; 2Cr 1,1 …). Đây là sự thánh thiện của chức tư tế cộng đồng nơi các tín hữu trong Giáo Hội. Trong Giáo Hội, lời hứa xa xưa đã được thực hiện trọn vẹn theo cách mới mẻ: “Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân thánh.” (Xh 19,6). Điều này có nghĩa, sự thánh hóa dứt khoát và vĩnh viễn được thực hiện nơi bí tích Rửa tội và được đảm bảo bởi một ấn tích không thể xóa nhòa.

6. Công đồng Trentô (1545-1563) đã diễn tả truyền thống Kitô giáo khi xác định rằng ấn tích là một “dấu ấn thiêng liêng và không thể xóa nhòa” được đóng trên linh hồn con người bởi ba bích tích: rửa tội, thêm sức và truyền chức thánh (xc. DS 1609). Ấn tích này không có nghĩa là một dấu hiệu hữu hình mặc dù trong một vài trường hợp người được rửa tội có một vài tác động hữu hình, chẳng hạn như ý thức thuộc về Đức Kitô và Giáo Hội, được diễn tả qua lời nói và sự trung thành nơi các Kitô hữu gồm cả linh mục lẫn giáo dân. Một trong những cách thức mà ý thức này được trình bày đó là sốt sắng cử hành phụng vụ. Theo truyền thống Kitô giáo tốt lành được nhắc đến và xác nhận bởi công đồng Vatican II, nhờ ấn tích rửa tội, người tín hữu “được tiến cử để thực hiện các công việc phụng tự” nghĩa là tôn thờ Thiên Chúa trong Giáo Hội của Chúa Kitô. Thánh Tôma Aquinô đã bảo vệ cho cái nhìn của truyền thống Giáo Hội. Theo thánh nhân, ấn tích là “năng lực thiêng liêng” (ST III, q.63, a.2), cho phép người được rửa tội tham dự vào việc thờ phượng của Giáo Hội như những thành viên được công nhận và tập họp lại, đặc biệt được thể hiện trong bí tích Thánh Thể cũng như toàn bộ đời sống bí tích. Năng lực thiêng liêng này không thể thay đổi hay bị lấy mất vì nó phát sinh bởi ấn tích không thể xóa nhòa. Có lý do để vui mừng khi khám phá khía cạnh khác này của mầu nhiệm sự sống mới bắt đầu trong Bí tích Rửa tội, nguồn bí tích đầu tiên của chức tư tế phổ quát, có nhiệm vụ cốt yếu là việc thờ phượng Thiên Chúa! Tuy nhiên, tại điểm này, trong những điều liên quan đến ấn tích, chúng ta phải nói thêm rằng năng lực thiêng liêng bao hàm một sứ vụ và do đó cũng là một trách nhiệm. Bất cứ ai đã nhận được sự thánh thiện của Đức Kitô phải diễn tả ra cho thế giới “trong cách ăn nết ở, để nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em” (1Pr 1,15). Vì vậy, người tín hữu phải nuôi dưỡng nó bằng đời sống bí tích, đặc biệt qua việc tham dự vào bàn tiệc Thánh Thể.

7. Ân sủng Chúa Thánh Thần, được thông ban qua bí tích rửa tội, làm sinh động ấn tích. Ân sủng thúc đẩy, làm tẳng trưởng đời sống của chức tư tế Đức Kitô trong chúng ta, chính Người đã dâng lên Thiên Chúa Cha sự tôn thờ trọn hảo trong biến cố Nhập thể, lúc bị treo trên thập giá và lúc ở trên trời, và cho phép các Kitô hữu được thông phần chức tư tế của Người trong Giáo Hội, được thiết lập với mục đích chính yếu là hiện tại hoá hiến lễ của Người trong thế giới. Noi gương Đức Kitô, trong toàn bộ đời sống của mình khi còn ở trần gian, đã chu toàn chức vụ tư tế, thì những ai bước theo Người – với tư cách cá nhân hay cộng đoàn – cũng được kêu gọi để thông truyền khả năng hiến tế mà mình đã nhận cùng với ấn tích, nghĩa là mang trong mình chức tư tế phổ quát, vốn là một phần của bí tích Rửa tội.

8. Công đồng đặc biệt nhấn mạnh đến sự tăng trưởng trong việc làm chứng cho niềm tin: “Được tái sinh làm con Thiên Chúa, họ có bổn phận tuyên xưng trước mặt mọi người đức tin mà họ nhận lãnh từ Thiên Chúa qua Giáo Hội” (LG 11). Theo thánh Phaolô, bí tích rửa tội có tác dụng chiếu sáng: “Đức Kitô sẽ chiếu sáng ngươi” (Ep 5,14; xc. Hr 6,4; 10,32). Người được rửa tội, đã rời khỏi màn đêm tăm tối, phải sống trong ánh sáng này: “Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ, trong Chúa, anh em lại là ánh sáng. Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng” (Ep 5,8)

Đời sống dưới ánh sáng này cũng được thể hiện trong lời tuyên xưng đức tin công khai mà Đức Giêsu đòi hỏi: “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời (Mt 10:32). Đây là một lời tuyên xưng cá nhân mà Kitô hữu, trong quyền năng của ân sủng rửa tội, phải thưa lên. Như công đồng Vaticano II đã nhắc đến trong hiến chế Lumen Gentium: một lời tuyên xưng đức tin “nhận được từ Thiên Chúa thông qua Giáo Hội”. (LG 1) Do đó, nó là một phần trong lời tuyên xưng của Giáo Hội hoàn vũ, mà mỗi ngày được lặp đi lặp lại trong điệp khúc của Giáo Hội, tôi tin “bằng hành động và trong sự thật” (1Ga 3, 18).

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here