TGH Gioan Phaolô II – Bài 22: Giáo Hội: hiệp thông cầu nguyện

0
963

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

Bài 22: Giáo Hội: hiệp thông cầu nguyện

Giống như các môn đệ đầu tiên ở Lầu Trên theo gương sáng Đức Maria cầu nguyện, Giáo Hội cũng phải là một cộng đoàn cầu nguyện liên lỉ. Thứ Tư ngày 29 tháng Giêng, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý về Giáo Hội của mình với chủ đề “hạt giống đầu tiên” của sự hiệp thông Giáo Hội. Đó là cộng đoàn các môn đệ đầu tiên họp nhau cầu nguyện.

1. Trong sách Công vụ tông đồ, chúng ta đọc thấy rằng: sau khi Đức Giêsu trỗi dậy từ cõi chết và lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa, các môn đệ đã quay trở lại Giêrusalem. “Bấy giờ các ông từ núi gọi là núi Ôliu trở về Giêrusalem. Núi này ở gần Giêrusalem, cách đoạn đường được phép đi trong ngày sa-bát. Trở về nhà, các ông lên lầu trên, là nơi các ông trú ngụ. Đó là các ông: Phê-rô, Gio-an, Gia-cô-bê, An-rê, Phi-líp-phê, Tô-ma, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và Giu-đa con ông Gia-cô-bê. Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giêsu, và với anh em của Đức Giêsu” (Cv 1, 12-14). Sách Công vụ tông đồ đã diễn tả cách chi tiết về hình ảnh đầu tiên của cộng đoàn cầu nguyện, một Giáo Hội hiệp thông.

2. Cộng đoàn đầu tiên quy tụ như ý định của chính Đức Giêsu khi Người trở về cùng Chúa Cha và Người đã truyền lệnh cho các môn đệ của mình phải hiệp nhất và cùng nhau chờ đợi biến cố trọng đại như Người đã loan báo: “Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống” (Lc 24,49).

Thánh sử Luca, tác giả sách Tông đồ Công vụ, giới thiệu cho chúng ta cộng đoàn đầu tiên của Giáo Hội tại Giêrusalem, làm cho chúng ta nhớ lại chính những lời Đức Giêsu đã truyền: “Một hôm, đang khi dùng bữa với các Tông Đồ, Đức Giêsu truyền cho các ông không được rời khỏi Giê-ru-sa-lem, nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa, điều mà anh em đã nghe Thầy nói tới đó là: ông Gio-an thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần” (Cv 1,4-5).

3. Những bản văn chúng ta vừa nhắc phía trên cho thấy rằng cộng đoàn Giáo Hội tiên khởi được chính Đức Giêsu thiết lập theo một “hình thái” riêng, được mặc khải vào buổi sáng ngày lễ Ngũ tuần bằng việc Chúa Thánh Thần ngự đến. Cũng chính bản văn trong sách Công vụ tông đồ đó đã diễn tả một chi tiết đáng chú ý: Đức Giêsu đã thực sự thiết lập cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi đang khi “dùng bữa với các tông đồ” (Cv 1,4). Khi Đức Giêsu trở về cùng Chúa Cha, Đức Giêsu vẫn hiện diện với chúng ta nơi bí tích Thánh Thể sẽ trở thành biểu biện cho sự hiệp thông Giáo Hội. Sau khi sống lại từ cõi chết, trong bữa ăn tại Giêrusalem với các môn đệ, Đức Giêsu đã hiện đến giữa các môn đệ và hiện diện cách hữu hình là Đấng Phục Sinh và Người đã cùng dùng bữa với chính các môn đệ của mình.

4. Sau khi Đức Giêsu lên trời, cộng đoàn tiên khởi ít ỏi đó đã tiếp tục tồn tại. Tác giả sách Tông đồ Công vụ đã ghi lại: “Tất cả các tông đồ đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Đức Giêsu, và với anh em của Đức Giêsu” (Cv 1,14). Hình ảnh đầu tiên của Giáo Hội là một cộng đoàn đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện. Tất cả cùng cầu nguyện để cầu xin Chúa Thánh Thần ngự xuống, Đấng mà chính Đức Giêsu đã hứa với các tông đồ trước khi Người bước vào cuộc khổ nạn và trước khi Người rời bỏ thế gian về với Chúa Cha.

Cùng nhau cầu nguyện luôn là yếu tố nền tảng của sự hiệp thông nơi cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi và sẽ là như vậy đối với Giáo Hội cho đến tận cùng thời gian. Qua việc cầu nguyện chung, đặc biệt qua các cử hành phụng vụ trong lòng Giáo Hội, Thiên Chúa sẽ ban tặng ân sủng cho cho Giáo Hội cũng như cho từng người chúng ta.

Tác giả sách Tông đồ Công vụ nhấn mạnh việc chuyên cần cầu nguyện của các tông đồ là một điều không bao giờ thay đổi, là một nguyên tắc và luôn luôn được Giáo Hội cử hành. Đó là một yếu tố khác của sự hiệp thông Giáo Hội. Giáo Hội đã nhận gia tài đó và truyền lại cho các thế hệ mai sau.

5. Thánh sử Luca nhấn mạnh tới sự “đồng tâm nhất trí” trong cầu nguyện. Thực tế này làm nổi bật ý nghĩa hiệp thông của lời cầu nguyện. Lời cầu nguyện của cộng đoàn Giáo Hội tiên khởi – cũng như lời cầu nguyện của toàn thể Giáo Hội trong mọi thời vẫn cử hành hằng ngày – diễn tả và phục vụ cho “sự hiệp thông thiêng liêng”, đồng thời lời cầu nguyện cũng củng cố và làm tăng thêm sự hiệp thông. Trong việc hiệp thông cầu nguyện, những khác biệt và chia rẽ đến từ yếu tố vất chất và tinh thần sẽ được san lấp, loại bỏ. Lời cầu nguyện tạo nên sự hiệp nhất thiêng liêng trong cộng đoàn.

6. Thánh sử Luca cũng nhấn mạnh thực tế rằng các Tông đồ đồng tâm nhất trí “cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Đức Giêsu, và với anh em của Đức Giêsu”. Trong trường hợp này, những người có liên quan tới Đức Giêsu được gọi là anh em của Đức Giêsu và được nhắc đến trong Tin Mừng tại những biến cố quan trọng trong cuộc đời Đức Giêsu. Tin Mừng cũng nhắc đến sự có mặt và những hoạt động tích cực của những phụ nữ trong suốt cuộc đời rao giảng của Đấng Mêsia. Trong Tin mừng của mình, chính thánh Luca cũng chứng thực rằng: “Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Ma-ri-a gọi là Ma-ri-a Mác-đa-la, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, bà Gio-an-na, vợ ông Khu-da quản lý của vua Hê-rô-đê, bà Su-san-na và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giêsu và các môn đệ” (Lc 8,2-3). Trong sách Công vụ tông đồ, thánh Luca nối tiếp những sự kiện trong sách Tin mừng thứ ba để miêu tả tình hình của cộng đoàn Giáo Hội tiên khởi. Những người phụ nữ tốt lành và quảng đại này đã tụ họp cùng cầu nguyện chung với các Tông đồ. Vào ngày lễ Ngũ Tuần, tất cả mọi người cùng tụ họp đều lãnh nhận được Chúa Thánh Thần. Tại thời điểm đó, cộng đoàn Giáo Hội tiên khởi đã có một kinh nghiệm thực sự sống động về sự hiệp thông. Điều này đã được thánh Phaolô nhắc tới: “Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô” (Gl 3,28). Lúc đó, Giáo Hội được mặc khải như là hạt giống của nhân loại mới làm nên sự trọn vẹn để hiệp thông với Đức Kitô.

7. Trong cộng đoàn Giáo Hội tiên khởi này, thánh Luca muốn chúng ta đặc biệt chú ý sự hiện diện của Đức Maria – Mẹ Đức Giêsu (Cv 1,14). Chúng ta có thể biết được rằng Đức Maria không tham gia một cách trực tiếp vào những hoạt động công khai của Đức Giêsu. Tuy nhiên, Tin Mừng theo thánh Gioan diễn tả Đức Maria đã hiện diện tại hai thời khắc quan trọng có tính quyết định trong cuộc đời của Đức Giêsu: thứ nhất trong tiệc cưới Cana miền Galilê, nơi nhờ sự can thiệp của Đức Maria, Đức Giêsu đã thực hiện phép lạ đầu tiên của mình. Và thứ hai tại đỉnh đồi Calvary. Còn trong Tin Mừng thứ ba, thánh Luca đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của Đức Maria, đặc biệt tại thời điểm sứ thần truyền tin, mẹ đi thăm viếng bà Elisabet, sinh hạ Đức Giêsu, dâng Đức Giêsu trong đền thờ và trong suốt thời gian ẩn dật của Đức Giêsu tại làng Nazareth. Trong sách Công vụ tông đồ, thánh Luca dạy chúng ta cách thức Đức Maria đã trao ban sự sống con người cho Con Thiên Chúa như thế nào, và giờ đây, những cách thức đó cũng hiện diện trong ngày sinh của Giáo Hội: hiện diện trong lời cầu nguyện, trong thinh lặng, trong sự hiệp thông và chờ đợi trong hy vọng.

8. Thu gom những cách thức diễn tả suốt 2000 năm từ thời hai thánh Luca và Gioan, trong chương cuối hiến chế tín lý về giáo Hội – Lumen Gentium – Công đồng Vatican II đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng đặc biệt của Mẹ Thiên Chúa trong nhiệm cục cứu độ hình thành trong Giáo Hội. Đức Maria là hình ảnh của Giáo Hội, chủ yếu vì Mẹ luôn kết hiệp với Đức Kitô. Chính sự kết hiệp này là nguồn mạch cho sự sự hiệp thông trong Giáo Hội, như chúng ta đã đề cập trong bài giáo lý trước đó. Vì vậy, Đức Maria kết hiệp với Con của mình tại nguồn gốc của sự hiệp thông Giáo Hội.

Sự hiện diện của Mẹ Thiên Chúa nơi cộng đoàn các thánh Tông đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần đã được chuẩn bị cách đặc biệt dưới chân thập giá nơi đồi Golgotha, nơi đó Đức Giêsu đã hiến dâng mạng sống của mình “để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (Ga 11,52). Trong ngày lễ Ngũ Tuần, việc quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối đã được khởi sự nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần. Đức Maria, người được Đức Giêsu ban cho chức vị làm mẹ các môn đệ mà mình yêu mến đã hiện diện “tại lầu trên nơi các ông trú ngụ”. (Cv 1,13) Và để đạt đến và phục vụ cho sứ mạng củng cố sự hiệp thông theo ý muốn của Đức Kitô, Giáo Hội luôn phải là nơi quy tụ mọi người.

9. Điều này luôn đúng trong mọi thời đại, cho cả thời điểm hiện tại, đặc biệt, khi chúng ta nhận ra sự cần thiết phải trông cậy vào Mẹ Maria, là hình mẫu và là mẹ của sự hiệp nhất Giáo Hội. Công đồng Vatican II đề xuất chúng ta thực hiện điều nay trong một bản văn tóm lược giáo lý và truyền thống Kitô giáo. Chúng ta mượ những lời của Công Đồng để khép lại bài giáo lý hôm nay. Chúng ta đọc được điều công đồng Vatican II đã viết: “Tất cả mọi Kitô hữu hãy thiết tha khẩn nguyện Mẹ Thiên Chúa cũng là Mẹ loài người, để như mẹ đã trợ giúp Giáo Hội sơ khai bằng lời cầu nguyện của mình thế nào, thì ngày nay được tôn vinh vượt trên các Thần Thánh trên trời, Ngài cũng cầu bầu cùng Con Ngài trong sự hiệp thông toàn thể các thánh, cho tới khi mọi gia đình, dân tộc hoặc những người đã mang danh hiệu Kitô hữu, hoặc chưa biết tới Ðấng Cứu Chuộc, đều hân hoan đoàn tụ trong an bình và hòa thuận, hợp thành một dân Thiên Chúa duy nhất, hầu vinh danh Ba Ngôi Thiên Chúa rất thánh và không phân chia” (LG 69).

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here