TGH Gioan Phaolô II – Bài 16. Giáo Hội có tính bí tích

0
775

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

Bài 16: Giáo Hội có tính bí tích

Tương tự như bảy bí tích, Giáo Hội là một dấu chỉ hữu hình và hữu hiệu về sự hiện diện và ân sủng của Thiên Chúa. Chính điều này mang lại cho con người ơn cứu rỗi. Trong buổi tiếp kiến chung thứ Tư ngày 27 tháng 11, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý về Giáo Hội Công Giáo. Trong bài nói chuyện hôm nay, Đức Thánh Cha chia sẻ về bản chất của Giáo Hội: Giáo Hội là một bí tích.

1. Theo công đồng Vatican II: “Giáo Hội ở trong Chúa Kitô như bí tích hoặc như dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và sự hiệp nhất toàn thể nhân loại” (LG 1). Trong bài giáo lý này, chúng ta sẽ trình bày rõ ràng, mạch lạc điểm giáo lý mà Công đồng Vatican II đã nhắc đến ngay tại phần đầu của Hiến chế Lumen Gentium. Chúng ta hãy bắt đầu bằng cách lưu ý đến đoạn văn vừa được trích dẫn, đề cập đến Giáo Hội là “bí tích” được tìm thấy trong chương đầu tiên của hiến chế tín lý về Giáo Hội “Lumen Gentium” với tựa đề: “Mầu nhiệm Giáo Hội” (De ecclesiae mysterio). Vì vậy, lời giải thích về đặc tính bí tích mà Công đồng áp dụng cho Giáo Hội, phải được hiểu trong bối cảnh mầu nhiệm (mysterium) như đã được sử dụng trong chương đầu của Hiến chế.

2. Giáo Hội là một mầu nhiệm thánh thiêng bởi kế hoạch cứu rỗi nhân loại được hiện thực hóa trong Giáo Hội, cụ thể là “mầu nhiệm vương quốc của Thiên Chúa”, được mặc khải trong lời giảng dạy và cuộc sống của Đức Giêsu. Các Tông đồ là những người đầu tiên đã được Đức Giêsu mặc khải cho mầu nhiệm này: “mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã được ban cho anh em; còn với những người kia là những kẻ ở ngoài, thì cái gì cũng phải dùng dụ ngôn” (Mc 4,11).

Trong bài giáo lý lần trước chúng ta đã nhắc đến, ý nghĩa dụ ngôn nước trời được khơi mào trong cách thức nền tảng xuyên qua việc Nhập Thể và được hoàn trọn trong thời điểm giữa cuộc Vượt Qua (cái chết trên thập giá và sự phục sinh của Đức Giêsu) và lễ Ngũ tuần ở Giêrusalem, nơi các Tông đồ và những tín hữu tiên khởi của những cộng đoàn đầu tiên lãnh nhận Phép rửa của Thần Chân Lý. Đồng thời, mầu nhiệm vĩnh cửu về kế hoạch cứu độ nhân loại được trao ban cách hữu hình cho Giáo Hội – Dân Mới của Thiên Chúa.

3. Thánh Phaolô trong các lá thư của mình diễn tả điều này cách rõ ràng và đặc sắc. Bằng chứng là thánh Phaolô công bố Đức Giêsu “mặc khải mầu nhiệm vốn được giữ kín tự ngàn xưa nhưng nay lại được biểu lộ (Rm 16,25-26). “Mầu nhiệm đã được giữ kín từ bao thời đại và qua bao thế hệ, nhưng nay đã được tỏ ra cho dân thánh của Thiên Chúa. Người đã muốn cho họ được biết mầu nhiệm này phong phú và hiển hách biết bao giữa các dân ngoại: đó là chính Đức Kitô đang ở giữa anh em, Đấng ban cho chúng ta niềm hy vọng đạt tới vinh quang” (Cl 1,16-27). Mầu nhiệm này được mặc khải để họ được phấn khởi trong tâm hồn, được liên kết với nhau trong tình thương, đạt tới sự thông hiểu phong phú và đầy đủ (xc. Cl 2,2). Thánh Phaolô cũng đồng thời yêu cầu những tín hữu Cô-lô-sê “hãy cầu nguyện cho chúng tôi nữa, xin Thiên Chúa mở cửa cho chúng tôi rao giảng lời Người, để chúng tôi loan báo mầu nhiệm Đức Kitô” xin cho tôi biết công bố rõ ràng mầu nhiệm ấy, như bổn phận tôi phải loan báo” (Cl 4,3-4).

4. Nếu mầu nhiệm thánh thiêng này, hay mầu nhiệm Thiên Chúa cứu chuộc nhân loại trong Đức Kitô, là mầu nhiệm về chính Đức Kitô, thì có thể nói, nó đã được chuẩn bị cho con người. Thực vậy, chúng ta có thể đọc thấy ý tưởng đó trong thư gửi tín hữu Ê-phê-sô: “Mầu nhiệm này, Thiên Chúa đã không cho những người thuộc các thế hệ trước được biết, nhưng nay Người đã dùng Thần Khí mà mặc khải cho các thánh Tông Đồ và ngôn sứ của Người. Mầu nhiệm đó là: trong Đức Kitô Giêsu và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do-thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa. Tôi đã trở nên người phục vụ Tin Mừng đó, nhờ ân sủng đặc biệt Thiên Chúa ban cho tôi, khi Người thi thố quyền năng của Người. (Ep 3,5-7).

5. Lời giảng của thánh Phaolô một lần nữa được nhắc lại và đã được Công đồng Vatican II trích dẫn: “Đức Giêsu, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, đã kéo mọi người lên với mình” (xc. Ga 12,32). Khi sống lại từ cõi chết (xc. Rm 6,9), Người đã sai Thánh Thần, Đấng ban sự sống, đến với các môn đệ và nhờ Thánh Thần thiết lập thân thể Người là Giáo Hội như bí tích phổ quát cứu rỗi” (LG 48). Thêm nữa, hiến chế còn ghi nhận thêm: “Thiên Chúa triệu tập tất cả những ai tin kính và mong đợi Chúa Kitô, Ðấng ban ơn cứu độ và hiệp nhất, nguyên lý của sự hòa bình; Người thiết lập họ thành Giáo Hội để Giáo Hội trở nên bí tích hữu hình của sự hiệp nhất cứu độ cho toàn thể và cho mỗi người” (LG 9).

Như thế, có thể khẳng định rằng ý định đời đời của Thiên Chúa Cha (Đấng thiết lập một chương trình cứu độ, được mặc khải cho nhân loại, và được thực hiện nơi Đức Kitô) chính là nền tảng của mầu nhiệm Giáo Hội. Trong Giáo Hội, qua tác động của Chúa Thánh Thần, mầu nhiệm cứu độ này được thông ban cho nhân loại, trước hết là các tông đồ. Nhờ được thông phần vào mầu nhiệm của Đức Kitô, Giáo Hội trở thành thân thể của Người. Thánh Phaolô dùng hình ảnh và ý tưởng “thân mình Đức Kitô” để diễn tả chân lý về mầu nhiệm Giáo Hội, đồng thời cho thấy đặc tính hữu hình của Giáo Hội trong thế giới và lịch sử nhân loại.

6. Từ “Mầu nhiệm” (Mysterion) trong tiếng Hylạp, được dịch thành chữ “Bí Tích” (Sacramentum) trong tiếng Latinh. Giáo lý Công đồng sử dụng từ này theo nghĩa bí tích trong các đoạn trích dẫn phía trên. Trong Giáo Hội theo nghi điển Latinh, từ bí tích mang nghĩa cụ thể hơn khi giáo lý xác định bảy bí tích. Hiển nhiên, việc áp dụng nghĩa bí tích cho Giáo Hội thì chỉ là một cách nói loại suy.

Theo giáo lý của công đồng Trentô, bí tích là “biểu tượng cho một thực thể thánh thiêng và là mô thể hữu hình của ân sủng vô hình” (DS 1639). Và dĩ nhiên, trong lối nói loại suy, lời giải thích đó cũng được dùng cho Giáo Hội.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng lời giải thích này không đủ để diễn tả Giáo Hội là gì. Giáo Hội là dấu chỉ nhưng không đơn thuần là dấu chỉ; Giáo Hội cũng là hoa trái của ơn cứu chuộc. Các bí tích là phương tiện thánh hóa; Giáo Hội là nơi quy tụ những người được thánh hóa. Như vậy, Giáo Hội cấu thành mục đích của hành động cứu chuộc. (xc. Ep 5,25-27).

Với cách giải thích đó, thuật ngữ “bí tích” có thể được áp dụng cho Giáo Hội. Giáo Hội thực sự là dấu chỉ của ơn cứu độ đã được hoàn trọn nơi Đức Kitô và được dành cho tất cả mọi người nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. Giáo Hội là dấu chỉ hữu hình theo nghĩa quy tụ cộng đoàn Dân Thiên Chúa. Dấu chỉ cũng đem lại công hiệu. Bởi vì, khi thuộc về Giáo Hội, mọi người được kết hợp với Đức Kitô và đón hưởng mọi ân sủng cần thiết cho ơn cứu độ.

7. Khi định nghĩa bí tích là dấu chỉ hữu hiệu của ân sủng cứu chuộc do Đức Kitô thiết lập, thì tính loại suy trong cách hiểu “Giáo hội là bí tích” vẫn diễn tả đúng đắn mối liên hệ hữu cơ giữa Giáo Hội và các bí tích. Nhưng ta phải luôn nhớ rằng, ở đây không có ý nói về căn tính Giáo Hội. Người ta không thể đánh đồng việc cử hành và ban phát ơn thánh nơi bảy bí tích với toàn bộ chức năng và sứ vụ của Giáo Hội. Hơn nữa, trong bí tích Thánh Thể, có sự hiện diện bản thể thực sự của Đức Kitô, chắc chắn, điều này không được mở rộng áp dụng cho toàn thể Giáo Hội. Chúng ta sẽ tạm dừng và sẽ trở lại ở một chỗ khác để giải thích sự khác biệt này. Nhưng chúng ta có thể kết thúc bài giáo lý hôm nay với lời nhận định như sau: nơi Thánh Thể, mối liên hệ hữu cơ giữa ‘Giáo hội (xét như bí tích)’ và ‘các bí tích riêng biệt’ trở nên khăng khít và thiết yếu. Thực vậy, Giáo Hội (xét như bí tích) càng cử hành mầu nhiệm Thánh Thể, thì càng bày tỏ sự hiện hữu của mình. Giáo Hội được diễn tả nơi Thánh Thể và Thánh Thể làm nên Giáo Hội. Đặc biệt, trong Thánh Thể, Giáo Hội chính là và ngày càng trở nên đúng là bí tích của sự hiệp thông với Thiên Chúa (xc. LG 1).

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here