TGH Gioan Phaolô II – Bài 116. ĐỐI THOẠI VỚI CÁC CỘNG ĐỒNG CẢI CÁCH

0
596

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

Bài 116. ĐỐI THOẠI VỚI CÁC CỘNG ĐỒNG CẢI CÁCH

Giáo Hội Công giáo và các cộng đồng Giáo Hội bắt nguồn từ phong trào Cải cách có cơ sở vững chắc để đối thoại trong đức tin mà họ chia sẻ.

1. Liên quan đến nỗ lực đại kết hiện nay, chúng ta hãy hướng sự chú ý đến những cộng đoàn Giáo Hội phát sinh ở phương Tây từ thời kỳ Cải cách. Công đồng Vaticanô II nhắc lại rằng các cộng đoàn Giáo Hội đó “công khai tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô là Chúa và là Thiên Chúa, Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, để làm vinh danh một Thiên Chúa duy nhất là Cha, Con và Thánh Thần” (UR, 20). Việc công nhận thiên tính của Đức Kitô và tuyên xưng đức tin về Thiên Chúa Ba Ngôi tạo thành một nền tảng vững chắc cho đối thoại, ngay cả khi kể đến “những khác biệt không nhỏ đối với giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, cả về Đức Kitô Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể, về công trình cứu chuộc, và do đó, về mầu nhiệm và tác vụ của Giáo Hội, cũng như về vai trò của Đức Maria trong công cuộc cứu độ” (UR, 20).

Hơn nữa, những khác biệt đáng kể giữa các cộng đồng Giáo Hội được đề cập ở đây, đến mức “còn khác cả với nhau nữa do những dị biệt về nguồn gốc, giáo lý và đời sống tu đức, nên rất khó trình bày cho đúng về các Giáo Hội ấy”(UR, 19). Thật vậy, trong mối dây hiệp thông duy nhất, không hiếm khi nhận thấy các khuynh hướng giáo lý khác nhau, với những khác biệt liên quan đến cả bản chất của đức tin. Tuy nhiên, những khó khăn này làm cho việc tìm kiếm đối thoại bền bỉ cần thiết hơn nữa.

2. Một yếu tố quan trọng khác giúp thúc đẩy đối thoại đại kết là “Lòng yêu mến, kính trọng và gần như tôn sùng Kinh Thánh đã thúc đẩy những người anh em của chúng ta chuyên cần và hăng say học hỏi các Bản văn thánh” (UR, 21). Quả thật, cơ hội nhận biết và trung thành với Chúa Kitô, “nguồn mạch và trung tâm của sự hiệp thông Giáo Hội” được trao cho mỗi người. “Chính ước vọng kết hiệp với Đức Kitô đã tác động và thúc đẩy họ càng ngày càng tìm về hợp nhất và làm chứng cho niềm tin của mình giữa muôn dân tộc” (UR, 20).

Phép Rửa là mối dây bí tích của sự hiệp nhất

Chúng ta không thể không ngưỡng mộ thái độ tâm linh của họ, trong số những thứ khác, dẫn đến những thành tựu giá trị trong nghiên cứu Kinh Thánh. Tuy nhiên, đồng thời chúng ta nên nhận ra khác biệt nghiêm trọng liên quan đến những hiểu biết của họ về mối quan hệ giữa Kinh Thánh, Truyền thống và Huấn quyền đích thực của Giáo Hội. Cụ thể, họ phủ nhận thẩm quyền quyết định của Huấn quyền trong việc giải thích ý nghĩa của Lời Chúa, cũng như từ đó rút ra những giáo huấn đạo đức cho đời sống Kitô hữu (x. UUS, 69). Tuy nhiên, thái độ khác biệt này đối với mặc khải và chân lý dựa trên đó không ngăn cản mà đúng hơn là phải thúc đẩy một cam kết chung cho việc đối thoại đại kết.

3. Bí tích Rửa tội mà chúng ta chia sẻ với những anh em này là “mối dây bí tích của sự hợp nhất giữa tất cả những người đã được tái sinh.” (UR, 22). Mỗi người lãnh nhận phép Rửa được kết hợp vào Chúa Kitô chịu đóng đinh và tôn vinh, và được tái sinh để thông phần trong cuộc sống thần linh. Chúng ta biết rằng “bí tích Rửa tội, tự bản tính, mới chỉ là thời điểm khai tâm và là bước khởi hành, vì đích điểm của bí tích này chính là đạt tới sự sống sung mãn trong Đức Kitô. Như thế, phép Rửa hướng đến việc tuyên xưng trọn vẹn đức tin, gắn kết trọn vẹn vào kế hoạch cứu rỗi như chính Đức Kitô mong muốn và sau cùng hoà nhập trọn vẹn vào sự hiệp thông Thánh Thể” (UR, 22).

Thật vậy, bí tích Truyền chức thánh và bí tích Thánh Thể được tìm thấy trong logic của bí tích Rửa tội. Đây là hai bí tích bị thiếu trong số những người, chính xác là do không có chức tư tế, “không còn giữ được bản chất đích thực và nguyên vẹn của mầu nhiệm Thánh Thể” (UR, 22), mà xung quanh đó cộng đồng tín hữu mới được xây dựng. Tuy nhiên, điều cần thiết phải thêm rằng khi các cộng đồng sau Cải cách “tưởng niệm sự chết và sự sống lại của Chúa trong Tiệc Thánh, họ luôn tuyên xưng rằng sự sống chỉ có ý nghĩa nhờ hiệp thông với Đức Kitô và họ vẫn mong đợi ngày trở lại vinh quang của Người” (UR, 22). Những yếu tố này có một số điểm tương đồng với giáo lý Công giáo.

Trên tất cả những điểm quan trọng cơ bản này, điều đặc biệt cần thiết là tiếp tục cuộc đối thoại thần học, được khuyến khích nhờ các bước đi quan trọng đã được thực hiện đúng hướng.

4. Thật vậy, nhiều cuộc họp nghiên cứu đã diễn ra trong những năm gần đây, với các đại diện có trình độ của các cộng đồng Giáo Hội từ thời Cải cách. Các kết quả đã được nêu ra trong các tài liệu quan trọng đã mở ra triển vọng mới, cũng đồng thời đã cho thấy sự cần thiết phải nghiên cứu sâu hơn vào các chủ đề nhất định (x. UUS, 70). Tuy nhiên, sự đa dạng về giáo lý trong các cộng đồng này khiến cho việc tiếp nhận trọn vẹn các kết quả đã đạt được có phần khó khăn.

Do đó, cần phải tiếp tục kiên định và tôn trọng cách thức gặp gỡ huynh đệ, trên hết là dựa vào lời cầu nguyện. “Đúng như vậy, vì việc tìm kiếm sự hiệp nhất trọn vẹn đòi hỏi các tín hữu phải đặt câu hỏi cho nhau liên quan đến đức tin của họ vào một Thiên Chúa, cầu nguyện là nguồn mạch khai sáng liên quan đến chân lý mà phải được chấp nhận toàn bộ” (UUS, 70).

Hy vọng của chúng ta đặt toàn bộ trong lời cầu nguyện của Đức Kitô

5. Chúng ta vẫn còn một chặng đường dài để đi. Chúng ta phải tiến hành với đức tin và can đảm, tránh đi tính hời hợt hay hấp tấp. Kết quả của sự hiểu biết lẫn nhau và việc hội tụ giáo lý đã là một sự tăng trưởng tình cảm và hiệu quả trong mối dây hiệp thông. Nhưng chúng ta không được quên rằng “mục tiêu cuối cùng của phong trào đại kết là thiết lập lại sự hiệp nhất hữu hình giữa tất cả những người đa chịu bí tích Rửa tội” (UUS, 77). Được khích lệ bởi những kết quả đạt được cho đến nay, các Kitô hữu phải nhân đôi nỗ lực của họ.

Bất chấp những vấn đề cũ và mới trên con đường đại kết, chúng ta kiên định đặt niềm hy vọng của mình hoàn toàn vào “lời Đức Kitô nguyện cầu cho Giáo Hội, vào tình thương của Chúa Cha dành cho chúng ta và vào quyền năng của Chúa Thánh Thần” (UR, 24), tin chắc cùng với Thánh Phaolô rằng “trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,5).

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here