TGH Gioan Phaolô II – Bài 108. MỌI NGUỒN ƠN CỨU ĐỘ ĐỀU ĐẾN TỪ CHÚA KITÔ

0
2506

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

Bài 108. MỌI NGUỒN ƠN CỨU ĐỘ ĐỀU ĐẾN TỪ CHÚA KITÔ

Thiên Chúa mong muốn tất cả nhân loại được cứu độ nhờ Đức Giêsu Kitô, và vì vậy Ngài làm cho mọi người có thể đạt được ơn cứu độ bằng một cách thức nào đó.

1. Những khó khăn đôi khi song song với sự phát triển của việc truyền giáo làm nổi bật một vấn đề tế nhị, mà giải pháp thì không được tìm kiếm trong các điều kiện thuần túy lịch sử hoặc xã hội học. Đó là vấn đề ơn cứu độ của những người không thuộc về Giáo hội cách rõ ràng. Chúng ta không được ban cho khả năng để nhận ra mầu nhiệm hành động của Thiên Chúa trong tâm trí và trái tim, để ước định sức mạnh ân sủng của Chúa Kitô khi Người chiếm hữu tất cả những gì “Chúa Cha ban cho Người” trong sự sống và cái chết, cái mà chính Người cũng không muốn để “mất”. Chúng ta nghe Đức Giêsu nhắc lại điều này nơi bài đọc Tin Mừng trong Thánh lễ cho người chết (x. Ga 6,39-40).

Tuy nhiên, như tôi đã viết trong Thông điệp Redemptoris missio, món quà cứu độ không thể bị giới hạn vào “những ai tuyên xưng tin vào Chúa Kitô và đã gia nhập Giáo Hội. Vì được ban cho tất cả mọi người, ơn cứu độ phải thuận lợi một cách cụ thể đối với mọi người.” Và, khi thừa nhận rằng nhiều người không thể tiếp cận thông điệp Tin Mừng, tôi nói thêm: “Nhiều người không có cơ hội biết đến hay chấp nhận mạc khải Tin Mừng hoặc gia nhập Giáo Hội. Những điều kiện về xã hội và văn hóa họ sống không cho phép họ thực hiện được điều này, và họ thường được dưỡng dục theo các truyền thống tôn giáo khác” (RM, 10).

Con đường cứu độ ngang qua Chúa Kitô

Chúng ta cần thừa nhận rằng, theo chừng mực mà con người có thể biết và thấy trước, sự bất khả thi trong thực tế này dường như đã được định sẵn để tồn tại trong một thời gian dài, có lẽ cho đến khi công việc truyền giáo cuối cùng được hoàn tất. Chính Chúa Giêsu đã cảnh báo rằng chỉ có Chúa Cha mới biết “thời gian chính xác” do Ngài đặt ra để thiết lập vương quốc của Ngài trên thế gian (x. Cv 1,7).

2. Tuy vậy, những gì tôi đã nói ở trên không biện minh cho lập trường tương đối của những người chấp nhận một cách thức cứu độ có thể được tìm thấy trong bất kỳ tôn giáo nào, thậm chí độc lập với niềm tin vào Chúa Kitô Đấng Cứu Độ và cuộc đối thoại liên tôn phải dựa trên ý tưởng mơ hồ này. Giải pháp này cho vấn đề ơn cứu độ của những người không tuyên xưng tín điều Kitô giáo không phù hợp với Tin Mừng. Thay vào đó, chúng ta phải xác nhận rằng con đường cứu độ luôn đi qua Chúa Kitô, và do đó, Giáo Hội và những nhà truyền giáo có nhiệm vụ làm cho Đức Kitô được biết đến và yêu mến trong mọi nơi, mọi lúc và mọi nền văn hóa. Ngoài Chúa Kitô “không có ơn cứu rỗi.” Như thánh Phêrô đã tuyên bố trước Thượng hội đồng Do Thái ngay khi bắt đầu rao giảng: “Không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,12).

Đối với những người không biết Chúa Kitô mà không do lỗi của chính họ và không được công nhận là Kitô hữu, kế hoạch của Chúa đã đưa ra một cách thức cứu độ cho họ. Như chúng ta đã đọc trong Sắc lệnh Ad Gentes của Công đồng, chúng ta tin rằng “Thiên Chúa có thể dùng những đường lối chỉ riêng Ngài biết để đưa những kẻ không vì lỗi mình mà chưa nhận được Tin Mừng” đến với đức tin, vốn rất cần thiết cho ơn cứu độ (AG, 7). Chắc chắn, điều kiện “không do lỗi của họ” không thể được xác minh cũng như không được cân nhắc bởi sự đánh giá của con người, mà phải dành cho sự phán xét thiêng liêng. Vì lý do này, Công đồng tuyên bố trong Hiến chế Gaudium et Spes rằng trong thâm tâm của mỗi người có thiện chí, “ân sủng hoạt động cách vô hình …. Chúa Thánh Thần ban cho mọi người khả năng tham dự vào mầu nhiệm Phục Sinh ấy theo cách thế mà chỉ có Chúa biết” (GS, 22).

3. Điều quan trọng cần nhấn mạnh là cách thức cứu độ cho những người không biết Tin Mừng thì không tách biệt với Chúa Kitô và Giáo Hội. Ý muốn cứu độ phổ quát được liên kết với trung gian của Chúa Kitô. Thư thứ nhất gửi ông Timôthê nói rằng: “Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta… muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý. Thật vậy, chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Đức Kitô Giêsu, Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người” (1Tm 2,3-6). Thánh Phêrô tuyên bố điều đó khi ngài nói rằng “không ai đem lại ơn cứu độ” và gọi Chúa Giêsu là “đá tảng góc tường” (Cv 4,11-12), nhấn mạnh vai trò cần thiết của Chúa Kitô trong nền tảng của Giáo Hội.

Sự khẳng định “tính duy nhất” của Đấng Cứu Độ bắt nguồn từ chính lời của Chúa. Đức Giêsu tuyên bố rằng Người đến “hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45), nghĩa là đối với nhân loại, như thánh Phaolô giải thích khi ngài viết: “Một người đã chết thay cho mọi người” (2Cr 5,14, x. Rm 5,18). Chúa Kitô đã giành được ơn cứu độ phổ quát với chính mạng sống của Người: không có trung gian nào khác được Thiên Chúa đặt lên làm Đấng Cứu Độ. Giá trị duy nhất của hy tế Thập giá phải luôn được trân nhận trong số mệnh của mỗi người.

4. Vì Chúa Kitô mang đến ơn cứu độ thông qua thân thể huyền nhiệm của Người, đó là Giáo Hội, nên cách thức cứu rỗi được nối kết chủ yếu với Giáo Hội. Thánh Cyprian tuyên bố nguyên tắc Ecclesiam nulla salus? “Bên ngoài Giáo hội không có ơn cứu độ” (Epist. 73, 21; PL 1123 AB). Điều này thuộc về truyền thống của Giáo Hội và được kể đến trong Công đồng Lateranô IV (DS, 802), Huấn dụ Unam sanctam của Giáo hoàng Boniface VIII (DS, 870) và Công đồng Florence (Decretum pro Jacobitis, DS, 1351).

Nguyên tắc đó có nghĩa là đối với những người không vô tri Giáo Hội đã được Thiên Chúa thiết lập như phương tiện cần thiết ngang qua Chúa Giêsu Kitô, có nghĩa vụ phải gia nhập và ở lại trong Giáo Hội để đạt được sự cứu độ (x. LG, 14). Tuy nhiên, đối với những người chưa được nhận lời loan báo Tin Mừng, như tôi đã viết trong Thông điệp Redemptoris missio, ơn cứu độ có thể đến theo những cách huyền nhiệm, bởi vì ân sủng được ban cho họ nhờ vào hy tế cứu chuộc của Chúa Kitô, mà không phải là thành viên Giáo hội,  nhưng dù sao vẫn luôn luôn trong mối liên hệ với Giáo Hội (RM, 10). Đó là một “mối quan hệ huyền nhiệm”: huyền nhiệm đối với những người nhận được ân sủng, bởi vì họ không biết Giáo Hội và đôi khi thậm chí tỏ ra bên ngoài là từ chối Giáo Hội. Bản thân mối quan hệ cũng huyền nhiệm, bởi vì nó được liên kết với mầu nhiệm cứu độ của ân sủng, bao gồm một quy chiếu thiết yếu đến Giáo Hội do Đấng Cứu Độ sáng lập.

Để phát sinh hiệu quả, ân sủng cứu chuộc đòi hỏi phải chấp nhận, hợp tác, mở lòng với món quà thiêng liêng. Sự chấp nhận này, ít nhất là ẩn ý, hướng đến Chúa Kitô và Giáo Hội. Do đó, cũng có thể nói sine Ecclesia nulla salus – “không có Giáo hội thì không có sự cứu rỗi”. Thuộc về Giáo Hội, thân thể huyền nhiệm của Chúa Kitô, dù ẩn ý và thực sự mầu nhiệm, là một điều kiện thiết yếu để được cứu độ.

5. Các tôn giáo có thể thực hiện một ảnh hưởng tích cực đến số phận của những tín đồ và dạy họ thực hành những chỉ dẫn trong một tinh thần chân thành. Tuy nhiên, nếu hành vi quyết định cho ơn cứu độ là của Thánh Thần, chúng ta phải ghi nhớ con người chỉ nhận được ơn cứu độ từ Chúa Kitô nhờ Thánh Thần. Ơn cứu độ đã bắt đầu trong cuộc sống trần gian. Ân sủng này, khi được chấp nhận và đáp lại, mang lại hoa trái trong ý nghĩa Tin Mừng cho trần gian và cho thiên đàng.

Bất cứ ai không biết Chúa Kitô đều bị thiếu thốn về mặt tinh thần

Do đó, vai trò quan trọng không thể thiếu của Giáo Hội: “không phải là một cứu cánh cho chính mình, nhưng đúng hơn là quan tâm sâu sắc đến việc thuộc trọn về Chúa Kitô, trong Chúa Kitô và cho Chúa Kitô, cũng như hoàn toàn thuộc về con người, giữa con người và cho con người.” Vai trò này không phải là “quy Giáo Hội”, như đôi khi được nói. Giáo Hội không tồn tại và cũng không làm việc cho chính mình, nhưng là để phục vụ nhân loại đã được kêu gọi đến mối tử hệ thiêng liêng trong Chúa Kitô (x. RM, 19). Do đó, Giáo Hội thực hiện cuộc môi giới ẩn tàng liên quan đến những người không biết Tin Mừng.

Thế nhưng, những gì đã được nói đến không kết luận hoạt động truyền giáo của Giáo Hội thì không thực sự cần thiết trong những tình huống này mà hoàn toàn ngược lại. Trong thực tế, bất cứ ai không biết Chúa Kitô, thậm chí không do lỗi của mình, đều ở trong tình trạng tối tăm và đói khát tinh thần, thường có những hậu quả tiêu cực ngay ở cấp độ văn hóa và đạo đức. Công việc truyền giáo của Giáo Hội có thể mang đến các nguồn lực để phát triển đầy đủ ân sủng cứu độ của Chúa Kitô, bằng cách cung cấp sự gắn bó đầy đủ và ý thức vào sứ điệp của đức tin và tham gia tích cực vào đời sống Giáo Hội qua các bí tích.

Đây là phương pháp thần học được rút ra từ truyền thống Kitô giáo. Huấn quyền của Giáo Hội đã tuân theo lối tiếp cận đó trong giáo lý và thực hành của mình như cách mà chính Đức Kitô đã chỉ ra cho các Tông đồ và cho các nhà truyền giáo qua mọi thời đại.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here