TGH Gioan Phaolô II – Bài 107. GIÁO HỘI KIÊN VỮNG TRONG SỨ VỤ

0
614

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

Bài 107. GIÁO HỘI KIÊN VỮNG TRONG SỨ VỤ

Chúng ta biết rằng Chúa Thánh Thần sẽ không bao giờ thất bại trong việc làm mới lại lòng nhiệt thành truyền giáo của các tín hữu, Giáo Hội loan báo Chúa Kitô cho mọi dân tộc.

1. Trong một bài giáo lý trước đây về chủ đề truyền giáo, chúng ta đã nói đến công việc truyền giáo bao la mà Giáo Hội được mời gọi hôm nay và những khó khăn mà Giáo Hội gặp phải. Một lần nữa, chúng ta phải đặc biệt nhớ rằng yếu tố nhân khẩu học đã dẫn đến sự mất cân bằng về số lượng đáng kể giữa Kitô hữu và người ngoài Kitô giáo. Khi đối mặt với điều đó, chúng ta cần nhận thức được sự bất cập và yếu kém về con người trong nguồn lực của chúng ta. Hơn nữa, ngay trong cấp độ quốc tế và liên lục địa, tính phức tạp của các mối quan hệ xã hội, sự truyền bá văn hóa của các trường học và toàn bộ phạm vi truyền thông xã hội tạo ra những vấn đề mới cho hoạt động truyền giáo, không còn dựa vào những truyền thống tôn giáo phổ biến đồng nhất và cơ bản.

Không nên để “việc phát triển thêm một số Giáo Hội mới trong những thời gian gần đây” làm phát sinh những ảo tưởng dễ dãi trong tín hữu. Trong thực tế, “có những vùng rộng lớn vẫn còn chưa được truyền bá phúc âm” (RM, 37). Đối với những người đã nhận được đức tin Kitô giáo, công cuộc loan báo Tin Mừng mới, sâu sắc hơn và chú ý hơn đến những nhu cầu mới, là cần thiết. Thật vậy, “những xứ sở này nữa, chẳng những cần đến việc tân truyền bá phúc âm hoá, ở một số trường hợp, còn cần đến việc truyền bá phúc âm hoá ban đầu” (RM¸ 37).

Sứ vụ loan báo Tin Mừng luôn là một thách đố

2. Đây là những gì tôi đã viết trong thông điệp Redemptoris missio, nhấn mạnh rằng “Vấn đề truyền giáo cho muôn dân (ad gentes) đối diện với vấn đề to lớn, một việc không thể nào thiếu được. Thật vậy, cả về quan điểm tăng phát nhân số, cũng như về quan điểm văn hoá xã hội liên quan đến hình thức nơi các mối liên hệ mới, đến những việc giao tiếp mới và những tình trạng thay đổi mới, thì việc truyền giáo dường như được nhắm tới những chân trời rộng mở hơn bao giờ hết” (RM, 35).

 Ở một số quốc gia, việc truyền giáo gặp phải “những trở ngại … về bản chất văn hóa: truyền đi thông điệp Tin Mừng dường như không thích hợp hoặc không thể hiểu được và hoán cải được coi là khước từ dân tộc và văn hóa của chính mình” (RM, 35). Trong những trường hợp này, việc chuyển sang Kitô giáo có thể dẫn đến sự bách hại, điều này cho thấy tính bất khoan dung và trái ngược các quyền cơ bản của con người đối với tự do, suy nghĩ và thờ phượng. Trong thực tế, một kiểu đóng cửa văn hóa xảy ra, gây trở ngại cho việc truyền giáo, nhưng bản thân nó cũng thiếu một cuộc đối thoại và cởi mở với sự phong phú về tinh thần, trí tuệ và đạo đức thực sự.

3. Trong Thông điệp về nhiệm vụ truyền giáo, tôi đã đề cập rằng đôi khi những khó khăn trong hoạt động truyền giáo “dường như không thể vượt qua và có thể dễ dàng dẫn đến chán nản, nếu đó là một vấn đề thuộc công trình đơn thuần của con người” (RM, 35). Tuy nhiên, chúng ta không thể làm ngơ trước các yếu tố con người trong nhiệm vụ này. Có những thiếu sót và khiếm khuyết thực sự và tôi đã không bỏ qua việc chỉ ra chúng (x. RM, 36).

Đây chủ yếu là: việc thiếu lòng sốt mến truyền giáo; kinh nghiệm buồn về sự chia rẽ trong quá khứ và hiện tại giữa các Kitô hữu; sự sụt giảm số lượng ơn gọi; phản chứng của những người không trung thành với những lời hứa và cam kết truyền giáo của họ, tâm lý thờ ơ được biểu lộ qua thuyết tương đối, khiến nhiều người đương thời của chúng ta nghĩ và nói rằng “tôn giáo này tốt như tôn giáo khác.”

Nhưng những khó khăn này làm tăng sự hiểu biết của chúng ta về thách đố mà ngày nay việc dấn thân truyền giáo phải đối mặt hơn bao giờ hết. Chúng ta có thể nhớ lại rằng ngay từ đầu, sứ vụ của Giáo Hội luôn luôn là một thách đố: làm thế nào mà nhóm nhỏ các môn đệ của Chúa Kitô đã dấn thân vào công việc truyền giáo khắp thế giới mà Người đã yêu cầu? Làm thế nào mà nhóm ngư dân nhỏ bé từ Galilê có thể “làm cho muôn dân trở thành môn đệ”? Chúa Giêsu đã nhận thức rõ về những khó khăn mà các Tông đồ sẽ gặp phải, đây là lý do tại sao Người đưa ra cho chúng ta cùng một sự bảo đảm: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế!” (Mt 28,20).

Họ tin vào Người, vào sự hiện diện và sức mạnh của Người trên sự sống và cái chết. Giáo Hội sơ khai được nuôi dưỡng bởi cùng đức tin đó. Mặc dù Giáo Hội ngày nay nhận thức được những hạn chế của sức mạnh con người, nhưng Giáo Hội phản ứng với những khó khăn của công cuộc loan báo Tin Mừng với lòng khiêm nhường và đức tin của những tín hữu đầu tiên và của những người đi theo. Giáo Hội làm sống lại niềm tin của mình vào sự hiện diện đầy quyền năng của Chúa Kitô.

4. Một phần của đức tin này là sự xác quyết rằng các ân sủng của Chúa Thánh Thần sẽ không bao giờ thất bại trong việc làm mới lòng nhiệt thành truyền giáo của các tín hữu để vượt qua những chia rẽ với sự hiệp nhất của đức ái, để khuyến khích sự gia tăng và nhiệt tâm của ơn gọi truyền giáo, để củng cố chứng nhân khởi đi từ niềm xác tín và tránh khỏi mọi sự nản lòng. Giáo Hội có thể lặp lại mà không cảm thấy kiêu ngạo với những lời của thánh Phaolô: “Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết” (Pl 4,13).

Do đó “được ban sức mạnh” bởi Chúa Kitô, các nhà truyền giáo phải đối mặt với các vấn đề trong hoạt động truyền giáo do các điều kiện văn hóa xã hội của thế giới gây ra. Sự phát triển nhân khẩu học trên toàn thế giới gần đây khiến một bộ phận lớn dân số ngày càng tập trung ở các khu vực đô thị. Hoạt động truyền giáo không còn được thực hiện “ở những vùng biệt lập cách xa trung tâm văn minh”. Giáo Hội không ngần ngại nhận ra rằng “các nỗ lực nên tập trung vào các thành phố lớn, nơi phát sinh các phong tục và lối sống mới, cùng với các hình thức văn hóa và truyền thông mới”, trong khi Giáo Hội không được bỏ qua “những nhóm người bị bỏ rơi và lẻ loi nhất” (RM, 37).

5. Các phương tiện để loan báo Tin Mừng phải được xem xét lại và việc sử dụng các phương tiện truyền thông phải không ngừng được cải thiện. “Công Hội Viện đầu tiên của thời hiện đại là lãnh giới truyền thông, một lãnh giới đang liên kết nhân loại lại và đang biến nhân loại thành cái gọi là ‘ngôi làng hoàn vũ’. Phương tiện truyền thông xã hội đã trở nên quan trọng đến nỗi, đối với nhiều người, là phương tiện chính để trao đổi tin tức và giáo dục, để hướng dẫn và tác động hành vi cử chỉ nơi cá nhân, gia đình và trong xã hội nói chung” (RM, 37). Cho đến nay những phương tiện này vẫn chưa được khai thác hiệu quả, trong khi mọi người đều nhận thức được sức mạnh mà họ sở hữu và có thể phục vụ để mở rộng phạm vi truyền giáo.

Văn hóa cần men Tin Mừng

Người ta cũng biết rằng các phương tiện thông tin đại chúng góp phần phát triển một nền văn hóa mới. Giáo Hội có nhiệm vụ mang tinh thần Tin Mừng đến với nền văn hóa này. “Thế nhưng, việc dấn thân vào môi trường truyền thông không phải chỉ để làm tăng cường thêm cho việc loan báo Tin Mừng thôi. Còn có một thực tại sâu xa hơn chất chứa ở đó nữa: vì chính việc rao giảng Phúc Âm cho văn hóa tân tiến ngày nay một phần lớn tùy thuộc vào ảnh hưởng của truyền thông, nên chỉ sử dụng truyền thông để quảng bá sứ điệp Kitô giáo và giáo huấn chân thực của Giáo Hội mà thôi chưa đủ. Cũng cần phải đưa sứ điệp vào ‘nền văn hóa mới’ do các phương tiện truyền thông tân tiến tạo nên nữa” (RM, 37). Do đó, chúng ta phải đảm bảo rằng trong tay các tông đồ mới, các phương tiện truyền thông xã hội, đặc biệt là đài phát thanh và truyền hình vì ảnh hưởng to lớn của chúng đối với quần chúng, trở thành một công cụ quý giá để truyền giáo. Trong lĩnh vực này, người giáo dân được kêu gọi đóng vai trò quan trọng nhất, điều này giả định một năng lực chuyên môn nghiêm túc và tinh thần đức tin chân chính.

Hôm nay cũng vậy, với sự giúp đỡ của Thiên Chúa, theo bước chân của thánh Phaolô, Giáo Hội phải cam kết mang Tin Mừng đến với các nền văn hóa đang phát triển không ngừng. Chúng cũng là cánh đồng của Chúa, nơi chúng ta phải gieo và trau dồi Tin Mừng như những người nông dân cần mẫn, với niềm tin kiên định vào người ban cho chúng ta sức mạnh.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here