TGH Gioan Phaolô II – BÀI 101: SỨ MẠNG CỦA NGƯỜI CAO TUỔI TRONG GIÁO HỘI

0
1117

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

BÀI 101: SỨ MẠNG CỦA NGƯỜI CAO TUỔI TRONG GIÁO HỘI

Bài giáo lý ngày 7 tháng 9 đề cập đến sứ mạng của người cao nhiên trong Giáo Hội. Họ được mời gọi hãy tin tưởng nhìn về tương lai, chứ đừng lưu luyến dĩ vãng. Tuy nhiên, “sự khôn ngoan mà họ đã thủ đắc có thể là một lợi thế lớn không chỉ cho người thân của họ, mà còn cho cả cộng đoàn Kitô hữu”. Đức Thánh Cha chỉ ra, và suy tư rằng, tuổi già thường đưa mọi người đến gần với Thiên Chúa hơn.

1. Trong xã hội ngày nay, với việc sùng bái hiệu năng, người cao tuổi có nguy cơ bị xem như hạng vô dụng và thậm chí bị coi là gánh nặng cho người khác. Chính việc kéo dài tuổi thọ đặt ra nhiều vấn đề trầm trọng cho việc trọ giúp người cao tuổi: họ cần được chăm sóc, và nhất là sự hiện diện trìu mến và ân cần để lấp đầy khoảng trống cô đơn. Giáo hội nhận thấy vấn đề và tìm cách giúp giải quyết ngay cả trên bình diện chăm sóc, bất chấp những khó khăn gặp phải ngày nay hơn là trong quá khứ do thiếu thốn nhân sự và phương tiện. Giáo hội không ngừng thúc đẩy sự can thiệp của các dòng tu và các nhóm giáo dân thiện nguyện nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc người cao niên, và Giáo hội nhắc nhở tất cả, những người trẻ và trưởng thành, về nghĩa vụ phải nghĩ đến những người thân yêu đã hy sinh rất nhiều cho mình.

2. Giáo hội hoan hỉ nhấn mạnh rằng những người cao niên cũng có chỗ đứng và giá trị trong cộng đồng Kitô hữu. Họ vẫn là thành phần trọn vẹn của cộng đoàn và được mời gọi đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng bằng việc làm chứng, cầu nguyện và các hoạt động, trong tầm mức có thể được.

Giáo hội biết rõ rằng nhiều người đến gần với Thiên Chúa đặc biệt vào giai đoạn “lão niên”, và chính trong giai đoạn này, họ có thể được trợ giúp để tinh thần được trẻ hóa nhờ việc suy tư và đời sống bí tích . Kinh nghiệm tích lũy được qua nhiều năm tháng khiến người cao tuổi hiểu được giới hạn của những việc trần thế và cảm thấy cần đến một sự hiện hữu sâu xa hơn của Thiên Chúa trong cuộc sống đời này. Những sự thất vọng mà họ đã nếm trải trong một vài hoàn cảnh đã dạy họ hãy đặt tin tưởng vào Thiên Chúa. Sự khôn ngoan thủ đắc được có thể là một mối lợi lớn không chỉ cho người thân của họ, mà cho cả cộng đoàn Kitô hữu.

3. Mặt khác, Giáo hội nhớ lại rằng, trong Kinh thánh, người cao tuổi được trình bày như những con người khôn khéo, già dặn, chín chắn, kinh nghiệm (x. Hc 25,4-6). Vì thế các tác giả Sách Thánh khuyên chúng ta hãy năng đến với người lớn tuổi, như chúng ta đọc trong sách Huấn ca (6,34): “Hãy có mặt khi các bậc lão thành hội họp, thấy vị nào khôn ngoan, hãy hết lòng gắn bó.” Giáo hội cũng nhắc lại hai lời cảnh báo. “Đừng khinh dể người đã cao niên, vì đến lượt chúng ta rồi cũng già hết cả“ (Hc 8,6). “Đừng bỏ qua chuyện các vị cao niên kể lại, vì chính các ngài đã học hỏi nơi tổ tiên mình” (Hc 8,9). Giáo hội tôn trọng và ngưỡng mộ truyền thống của Ítraen đã ràng buộc những người trẻ lắng nghe bậc cao niên, chẳng hạn như lời thánh vịnh. “Cha ông chúng ta vẫn thường kể lại về công trình Chúa đã làm nên thời các cụ thuở xa xưa ấy” (Tv 44,2). Tin Mừng cũng lặp lại mệnh lệnh của Lề Luật cổ xưa: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ” (Xh 20,12; Đnl 5,16). Chúa Kitô đã mời gọi quan tâm đến nghĩa cử này, chống lại những âm mưu nhằm né tránh bổn phận (x. Mc 7,9-13). Dựa trên truyền thống của Huấn quyền và tác vụ mục vụ, Giáo hội luôn dạy bảo và đòi buộc phải tôn trọng và vinh danh cha mẹ, cũng như giúp đỡ họ về vật chất khi cần thiết. Lời khuyên nhủ hãy tôn trọng cha mẹ và giúp đỡ về vật vẫn còn giá trị đó trong thời đại của chúng ta. Ngày nay, hơn bao giờ hết, bầu khí liên đới cộng đồng bao trùm Giáo hội, có thể dẫn đến việc thực hành nhiệm vụ này qua những hình thức hoặc cũ hoặc mới của lòng bác ái thảo hiếu.

4. Trong khung cảnh của cộng đồng Kitô hữu, Giáo hội tôn vinh người già qua việc nhìn nhận những đức tính và khả năng của học và mời gọi họ thực hiện sứ mệnh của mình. Sứ mệnh này không bị chi phối bởi vài khoảng thời gian hoặc điều kiện sinh sống, nhưng có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau tùy theo hoàn cảnh của mỗi cá nhân. Vì lý do này, họ phải quyết tâm “vượt qua cơn cám dỗ muốn thu mình lại, luyến tiếc một dĩ vãng không còn trở lại nữa, và từ chối dấn thân vào thực tại bởi những khó khăn gặp phải trong một thế giới đổi mới liên tục” (CL 48).

Ngay cả khi họ đang phải chật vật để hiểu được sự tiến bộ của xã hội mà họ đang sống, người cao tuổi không nên thu mình vào tình trạng tự nguyện rút lui, kèm theo nỗi bi quan và e dè trước thực tại đang tiến tới. Điều quan trọng là họ phải cố gắng nhìn tương lai với lòng tin tưởng, được nuôi dưỡng nhờ đức hy vọng Kitô giáo và đức tin vào sự tiến triển của ân sủng Chúa Kitô trong thế giới.

5. Trong ánh sáng của đức tin và sức mạnh của đức hy vọng này, người cao tuổi có thể khám phá ra rằng họ được mời gọi để làm cho Giáo hội được phong phú nhờ những đức tính và hoa trái tâm linh của họ. Thật vậy, họ có thể trở nên một chứng nhân đức tin được làm phong phú nhờ kinh nghiệm sống lâu dài, một sự phán đoán thật khôn ngoan về những công việc và cảnh huống trong thế giới, một viễn tượng rõ ràng hơn về những đòi hỏi của tình yêu hỗ trương giữa con người, một niềm xác tín thanh thản hơn về tình yêu mà Thiên Chúa điều khiển mọi cuộc sống và tất cả lịch sử thế giới. Như Thánh vịnh 92 đã hứa với “người công chính” của nhà Ítraen: “già cỗi rồi, vẫn sinh hoa kết quả, tràn đầy nhựa sống, cành lá xanh rờn, để loan truyền rằng: Chúa thực là ngay thẳng…”(câu 14-15).

6. Hơn nữa, một cái nhìn thanh thoát về xã hội hiện đại có thể giúp nhận ra một sự phát triển mới về sứ vụ của những người cao niên trong Giáo hội (x. CL 48). Ngày nay, không thiếu người cao tuổi vẫn có được sức khỏe tốt, hoặc có thể lấy lại sức khỏe mau chóng hơn so với trước kia. Do đó, họ có thể phục vụ cho giáo xứ hoặc trong các công tác khác.

Trên thực tế, có những người cao tuổi vẫn muốn tỏ ra hữu dụng nhờ việc thi hành những công việc thuộc kinh nghiệm hoặc khả năng chuyên môn của mình. Tuổi tác không ngăn cản họ cống hiến hết mình cho nhu cầu của cộng đoàn, chẳng hạn, như trong việc thờ phượng, thăm viếng bệnh nhân, trợ giúp người nghèo. Ngay cả khi tuổi tác làm giảm thiểu hoặc ngăn cản các hoạt động này, người cao niên vẫn duy trì sự dấn thân phục vụ Giáo hội bằng lời cầu nguyện và chấp nhận những thử thách vì lòng yêu mến Chúa.

Cuối cùng, chúng ta nên nhớ, người cao tuổi gặp nhiều vấn đề về sức khỏe và sự suy giảm sức mạnh thể lý, cho nên họ được liên kết một cách đặc biệt với Chúa Kitô trong cuộc Khổ nạn và trên Thập giá. Do đó, họ có thể đi sâu vào mầu nhiệm hy tế cứu chuộc và trở nên chứng tá đức tin về mầu nhiệm này, về lòng can đảm và niềm hy vọng được khởi phát từ những khó khăn và thử thách của tuổi già. Tất cả mọi sự trong đời sống của người già đều có thể giúp hoàn thành sứ mệnh trần thế của họ. Không có gì là vô ích. Trái lại, sự cộng tác của họ, chính vì kín đáo, cho nên càng quý báu đối với Giáo hội (x. CL 48).

7. Chúng ta cần thêm rằng, tuổi thọ cũng là một món quà mà chúng ta được mời gọi để dâng lời cảm tạ: một ân huệ cho chính người người cao niên, cho xã hội và cho Giáo hội. Cuộc sống luôn là một món quà tuyệt vời. Đối với những tín hữu trung thành của Chúa Kitô, chúng ta có thể nói đến một đặc sủng được ban cho những người lớn tuổi để họ có thể sử dụng tài năng và sức mạnh thể chất của họ một cách thích hợp, để mang lại niềm vui cho bản thân và thiện ích của người khác.

Xin Chúa ban cho tất cả các anh chị em cao niên của chúng ta được ơn huệ của Thánh Linh mà Vịnh gia đã tiên báo và gợi lên khi hát: “Xin Ngài thương sai phái ánh sáng và chân lý của Ngài, để soi đường dẫn lối con đi về núi thánh, lên đền Ngài ngự. Con sẽ bước tới bàn thờ Thiên Chúa, tới gặp Thiên Chúa, nguồn vui của lòng con… Hồn tôi hỡi, cớ sao phiền muộn, xót xa phận mình mãi làm chi? Hãy cậy trông Thiên Chúa, tôi còn tán tụng Người, Người là Đấng cứu độ, là Thiên Chúa của tôi” (Tv 43,3-5). Nên biết rằng, trong bản dịch LXX sang tiếng Hy Lạp, rồi sau này bản dịch Vulgata bằng tiếng Latinh đã chuyển ý câu 4 thành một lời cầu khẩn Thiên Chúa “Lạy Thiên Chúa là Đấng mang lại niềm vui cho tuổi xuân của con” (Deus, qui laetificat iuventutem meam). Trải qua bao nhiêu năm, các linh mục lớn tuổi như chúng tôi đã lặp đi lặp lại những lời Thánh vịnh này để khởi đầu cho Thánh lễ. Không có gì ngăn cản chúng ta, trong những lời cầu nguyện và khát vọng cá nhân, tiếp tục, cả khi đã lớn tuổi, cầu khẩn và ca ngợi Thiên Chúa, Đấng mang lại niềm vui cho tuổi xuân của chúng ta! Và người ta nói rằng tuổi thọ là buổi hồi xuân là đúng. Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả mọi người.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here