TGH Gioan Phaolô II – Bài 25: Giáo Hội là một cộng đoàn tư tế

0
1403

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

Bài 25: Giáo Hội là một cộng đoàn tư tế

Thông qua bí tích Rửa Tội, các tín hữu trong Giáo Hội được thánh hiến nhờ việc xức dầu Thánh Thần và được kêu gọi làm thành dân tư tế thánh thiện. Trong buổi tiếp kiến chung ngày 18 tháng Ba, Đức Thánh Cha tiếp tục nói về Giáo Hội với chủ đề: Giáo Hội như một cộng đoàn tư tế

1. Trong bài giáo lý lần trước, nơi những bức thư của thánh Phêrô, thánh Phaolô và sách Khải huyền của thánh Gioan, chúng ta đọc thấy: Đức Kitô “là thượng tế cao cả được chọn trong số người phàm” (Hr 5,1), lập ra (nơi Giáo Hội) “một vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người” (Kh 1,6, xc. 5,9-10). Theo đó, sự hiệp thông trong sự thánh thiện của Thiên Chúa đã hoàn tất theo những đòi hỏi mà Thiên Chúa muốn nơi dân của giao ước cũ là Israel, và đối với dân của giao ước mới là Giáo Hội thì điều đó càng khẩn thiết hơn: “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh” (Lv 19,2). Sự hiệp thông trong sự thánh thiện của Thiên Chúa được hoàn thành bởi hoa trái từ cuộc hiến tế của Đức Kitô. Nhờ sự hiến tế cao cả của Đức Kitô, chúng ta được tới gần để chia sẻ tình yêu “đã được Thiên Chúa đổ vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Theo thánh Phêrô, ân huệ Thánh Thần thực hiện nơi chúng ta “chức tư tế thánh”, nghĩa là làm cho chúng ta có thể “dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô” (1Pr 2,5). Do đó, đây là một “chức tư tế thánh”. Từ đó, trong Giáo Hội, chúng ta có thể nhận ra một cộng đoàn tư tế theo nghĩa mà chúng ta sẽ trình bày ngay sau đây.

2. Bức thư thứ nhất của thánh Phêrô Tông đồ đã được công đồng Vatican II trích dẫn: “những người đã lãnh phép Thánh Tẩy, nhờ được tái sinh và xức dầu của Thánh Thần, được cung hiến để trở thành chỗ ở thiêng liêng và nhận chức tư tế thánh, hầu qua mọi hoạt động của con người Kitô hữu, dâng của lễ thiêng liêng và rao truyền những kỳ công của Ðấng đã gọi họ từ bóng tối đến ánh sáng kỳ diệu của Ngài (xc. 1Pr 2,4-10)” (LG 10). Trong bản văn này, công đồng Vatican II nối kết lời cầu nguyện mà các Kitô hữu dành để tôn vinh Thiên Chúa với hiến lễ là chính thân mình họ “làm của lễ sống động, thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa” (xc. Rm 12,1) và với những lời chứng về Chúa Kitô trên khắp mặt đất. Nơi đây, chúng ta thấy cách khái quát ơn gọi của những người đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, như một việc tham gia vào sứ vụ thiên sai của Đức Kitô – là tư tế, ngôn sứ và vương đế.

3. Việc tham dự cách phổ quát vào chức tư tế của Đức Kitô, cũng được gọi chức tư tế của các tín hữu (chức tư tế cộng đồng), được Công đồng xem xét trong mối tương quan đặc biệt với chức tư tế thừa tác: “tuy khác nhau không chỉ về cấp bậc mà còn về bản chất, song cả hai chức tư tế thừa tác và chức tư tế cộng đồng của các tín hữu bổ túc cho nhau. Thực vậy, cả hai đều tham dự vào chức linh mục duy nhất của Chúa Kitô theo cách thức riêng của mình” (LG 10). Chức tư tế thừa tác như một “chức vụ” (officium: nghĩa vụ, bổn phận), là một việc phục vụ đặc biệt, bởi vì, nhờ nó mà chức tư tế phổ quát của các tín hữu được nhận biết, và rồi Giáo Hội trở thành “cộng đoàn tư tế” đúng nghĩa, theo cấp độ tùy thuộc ân sủng Đức Kitô. “Những người trong các tín hữu có hân hạnh lãnh nhận chức thánh, được đặt lên nhân danh Chúa Kitô để chăn dắt Giáo Hội bằng ân sủng và Lời Thiên Chúa.” (LG 11).

4. Công đồng Vatican II nhấn mạnh rằng chức tư tế cộng đồng của các tín hữu và chức tư tế thừa tác (hay phẩm trật) bổ túc cho nhau. “Cả hai chức tư tế khác nhau không chỉ về cấp bậc mà còn về bản chất” (LG 10). Chức tư tế thừa tác không phải là “sản phẩm” của chức tư tế cộng đồng nơi các tín hữu. Chức tư tế thừa tác không do ý muốn của con người, nhưng là xuất phát từ một lời mời gọi đặc biệt từ phía Thiên Chúa: “Không ai tự gán cho mình vinh dự ấy, nhưng phải được Thiên Chúa gọi, như ông A-ha-ron đã được gọi” (Hr 5,4). Thông qua bí tích Truyền chức thánh, một Kitô hữu được gia nhập vào hàng tư tế thừa tác.

5. Công đồng thêm rằng: “Tư tế thừa tác, nhờ có quyền do chức thánh, đào tạo và cai quản dân tộc tư tế, đóng vai trò Chúa Kitô cử hành hy tế tạ ơn và dâng của lễ ấy lên Thiên Chúa nhân danh toàn thể dân chúng” (LG 10). Về điểm này, thông qua sắc lệnh Tác vụ và đời sống của các linh mục (Presbyterorum Ordinis), Công đồng đã thảo luận cách kỹ càng hơn. “Tuy nhiên, để liên kết các tín hữu thành một thân thể duy nhất, trong đó “chúng ta có nhiều bộ phận, mà các bộ phận không có cùng một chức năng” (Rm 12,4), chính Chúa đã cắt đặt giữa các tín hữu một số thừa tác viên, nhờ Chức Thánh họ được trao quyền tế lễ và tha tội trong cộng đoàn tín hữu, và nhân danh Chúa Kitô họ chính thức thi hành chức vụ Linh Mục cho loài người … chức Linh Mục của các ngài tuy dựa trên những Bí Tích khai sinh đời sống Kitô giáo, nhưng lại được một Bí Tích riêng in dấu đặc biệt khi các ngài được Chúa Thánh Thần xức dầu: như thế các ngài nên giống Chúa Kitô Linh Mục, đến nỗi có quyền thay mặt Chúa Kitô là Ðầu mà hành động” (PO 2; xc. ST III, q.63, a.3). Bên cạnh tính tự nhiên nơi mình, các linh mục cũng nhận được những ân sủng cần thiết để thi hành sứ vụ theo bổn phận của mình. “Vì được tham dự vào chức vụ của các Tông Ðồ theo phận vụ mình, nên các Linh Mục được Thiên Chúa ban ơn sủng để làm thừa tác viên của Chúa Giêsu Kitô giữa muôn dân, và thi hành chức vụ thánh rao giảng Tin Mừng hầu việc dâng hiến muôn dân làm của lễ được chấp nhận và thánh hóa trong Chúa Thánh Thần” (PO 2).

6. Như chúng ta đã đề cập, chức tư tế thừa tác được thiết lập trong Giáo Hội để làm cho chức tư tế cộng đồng nơi các tín hữu hoạt động hiệu quả. Đặc biệt, Công đồng làm rõ điểm này khi thảo luận việc các Kitô hữu tập họp để cử hành bí tích Thánh Thể. Công đồng viết: “Khi tham dự thánh lễ, nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô giáo, họ dâng lên Thiên Chúa Lễ Vật thần linh và cùng với Lễ Vật ấy họ tự dâng chính mình họ. Khi dâng lễ cũng như khi hiệp lễ, không phải cách lộn xộn, nhưng mỗi người một cách góp phần vào việc cử hành phụng vụ. Hơn nữa, được bổ dưỡng bởi Mình Thánh Chúa Kitô trong thánh lễ, họ biểu lộ cách cụ thể sự hiệp nhất của Dân Thiên Chúa, sự hiệp nhất ấy được diễn tả đầy đủ và thực hiện cách kỳ diệu trong bí tích cực trọng này” (LG 11). Theo điểm giáo lý thuộc về truyền thống cổ thời Kitô giáo, hoạt động của Giáo Hội không bị giới hạn trong chức tư tế thừa tác của người mục tử, như thể người tín hữu tham dự ở tình trạng thụ động. Trái lại, tất cả mọi hoạt động của tín hữu và đặc biệt là các hoạt động tông đồ của họ là một bằng chứng về giáo huấn của Công đồng. Theo đó, chức tư tế cộng đồng của các tín hữu và thừa tác vụ tư tế của phẩm trật Giáo Hội được “liên kết, sắp đặt bổ túc cho nhau.”

7. Công đồng Vatican II viết: “các thừa tác viên sử dụng quyền bính thiêng liêng mà phục vụ anh em mình, để mọi người thuộc Dân Thiên Chúa và đương nhiên hưởng phẩm giá Kitô hữu sẽ đạt đến phần rỗi, nhờ nỗ lực tiến tới cùng một cứu cánh trong tự do và trật tự” (LG 18). Vì lý do này, các tư tế thuộc phẩm trật giáo sĩ có đặc tính thừa tác. Chính vì lý do này, trong Giáo Hội gọi các Giám mục và Linh mục là những mục tử. Nhiệm vụ chính yếu của các mục tử là phục vụ các tín hữu như mục tử Giêsu nhân lành, Đấng là mục tử phổ quát của toàn thể Giáo Hội và nhân loại. Đấng đã nói về chính mình rằng: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28). Trong ánh sáng của giáo huấn và gương mẫu của người mục tử nhân lành, toàn thể Giáo Hội, vốn chia sẻ ân sủng cứu độ tuôn trào từ toàn thể thân mình Đức Kitô nhờ Chúa Thánh Thần, là và có chức năng như một cộng đồng tư tế”.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here