Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh
Bài 21: Giáo Hội là hiệp thông yêu thương
Giáo Hội vừa là một tổ chức trần thế được Đức Giêsu thiết lập, vừa là mầu nhiệm hiệp thông tất cả mọi người trong tình yêu Ba Ngôi. Tại buổi tiếp kiến chung ngày 15 tháng Giêng, Đức Thánh Cha với loạt bài giáo lý về Giáo Hội của mình đã trình bày Giáo Hội là mầu nhiệm hiệp thông dựa trên nền tảng tình yêu.
1. Chúng ta bắt đầu bài giáo lý hôm nay bằng một đoạn văn tuyệt đẹp của thánh Phaolô gửi cho cộng đoàn Êphêsô, ngài viết: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta…Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ…nhờ tình thương lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu….để quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô” (Ep 1,3-10). Với cái nhìn và ý thức sâu sắc về mầu nhiệm Giáo Hội, thánh Phaolô trong việc chiêm ngắm kế hoạch mầu nhiệm của Thiên Chúa đã siêu tôn Đức Giêsu làm đầu tất cả mọi loài. Tất cả mọi người đã được Thiên Chúa Cha chọn lựa trước khi tạo thành vũ trụ trong Con Yêu Dấu là Đức Giêsu. Nhờ Đức Giêsu, mọi người đều tìm thấy con đường để đạt tới mục đích của cuộc đời mình là được Thiên Chúa nhận làm con. Toàn thể nhân loại hợp nhất với Đức Giêsu để trở thành thân thể của Người. Và nhờ Người, nhân loại trở về với Thiên Chúa Cha như một toàn thể (với mọi vật trên trời dưới đất).
Kế hoạch của Thiên Chúa đã được thực hiện trong lịch sử ngay thời điểm Đức Giêsu thiết lập Giáo Hội khi Người xác nhận lời tuyên xưng của thánh Phêrô (xc. Mt 16,18) và liền sau đó, việc thiết lập Giáo Hội còn được cụ thể bằng việc hiến tế chính bản thân mình làm của ăn của uống cho loài người và trao sứ mệnh chăm sóc đoàn chiên cho các thánh Tông đồ. Đây vừa là một sự thật lịch sử vừa là mầu nhiệm hiệp thông trong Đức Kitô mà các thánh Tông đồ không đơn thuần bằng lòng chỉ để chiêm ngắm. Các Tông đồ cảm thấy mình có trách nhiệm phải diễn tả mầu nhiệm hiệp thông này ra bên ngoài, và các ngài đã sử dụng một thánh ca chúc tụng để diễn tả chân lý đó: “Chúc tụng Đức Chúa là Cha của Đức Giêsu Kitô”
2. Để đạt được sự hiệp thông nhân loại trong Đức Kitô mà Thiên Chúa đã sắp sẵn từ đời đời, Đức Giêsu đã tặng ban cho nhân loại một điều răn mới, điều răn phát xuất từ chính Ngài: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12).
Trong Cựu ước, Thiên Chúa đã truyền cho dân qua ông Môsê điều răn yêu Chúa trên tất cả mọi sự và yêu người thân cận như yêu chính mình. Nhưng với Đức Giêsu, Người đã tóm tắt điều răn đó, làm rõ nghĩa của nó và thổi vào đó một ý nghĩa mới như dấu chỉ của những môn đệ đi theo Người. “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13,35). Chính Đức Giêsu là khuôn mẫu sống động và là thước đo của tình yêu, như Người đã nói trong điều răn mới: “Như Thầy đã yêu thương anh em”. Đức Giêsu thậm chí còn giới thiệu mình như là nguồn gốc của tình yêu đó, như “cây nho” mang lại hoa trái cho những cành nho là chính các môn đệ của mình. “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5). Vì vậy, Đức Giêsu khuyên nhủ các môn đệ: “hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15,9). Vì được bắt nguồn từ tình yêu mà chính Đức Kitô ban tặng, cộng đoàn các môn đệ là Giáo Hội, thân mình Người, là thân nho mà tất cả chúng ta là cành. Điều này có nghĩa Giáo Hội là sự hiệp thông, một cộng đoàn của tình yêu, một mầu nhiệm của tình yêu.
3. Các Kitô hữu trong Giáo Hội yêu mến Đức Giêsu và trong Người, họ cũng yêu thương lẫn nhau. Các Kitô hữu yêu thương nhau bằng tình yêu mà chính Đức Giêsu đã dành cho con người. Và, tình yêu này được nối kết với nguồn tình yêu Thiên Chúa là sự hiệp thông Ba Ngôi. Toàn bộ đặc tính tự nhiên và siêu nhiên của tình yêu này đều được bắt nguồn bởi sự hiệp thông Ba Ngôi và hướng về Ba Ngôi như sự viên mãn tuyệt đối. Mầu nhiệm Ba Ngôi, mầu nhiệm Kitô học và sự hiệp thông Giáo Hội được mặc khải nơi lời nguyện hiến tế của Đấng Cứu Chuộc tại bữa Tiệc Ly, đã được Thánh Gioan ghi lại. Bữa tối tiệc ly đó, Đức Giêsu đã thân thưa với Chúa Cha: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con (Ga 17,20-21). “Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con” (Ga 17,23).
4. Trong lời cầu nguyện cuối của mình, Đức Giêsu đã vẽ nên bức tranh đầy đủ về những mối tương quan giữa các thành viên với nhau trong Giáo Hội, được bắt nguồn từ trong chính Người và trong Ba Ngôi. Đức Giêsu đã đề nghị với các môn đệ của mình và với tất cả chúng ta một kiểu mẫu tuyệt vời nhất nhằm xây dựng cộng đoàn Giáo Hội. Vì chưng Giáo Hội có nguồn gốc thánh thiêng chứ không chỉ như một tổ chức xã hội thông thường. Trong sự hợp nhất nên một của Ba Ngôi, chính bản thân Đức Giêsu là sự hiệp thông mật thiết với Chúa Cha. Trước khi rời bỏ các môn đệ của mình, trong tình thương mến dành cho các môn đệ, Đức Giêsu đã trình bày sự hiệp thông tựa như giới răn. Hay trong một dịp khác, Đức Giêsu đã nói: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Trong bài giảng trên núi, Đức Giêsu đã truyền cho các môn đệ phải yêu thương ngay cả kẻ thù của mình. Người nói: “Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5,44-45). Và còn nhiều chỗ khác nữa Đức Giêsu cũng đã nói về mối dây hiệp thông đó. Tuy nhiên, trong cuộc khổ nạn của mình, Đức Giêsu đã đặc biệt xác nhận tình yêu trọn hảo nơi Chúa Cha cũng chính là tình yêu của Người và Đức Giêsu đã yêu thương những kẻ thuộc về mình cho đến cùng.
5. Tình yêu mà Đức Giêsu đã giảng dạy cho những người đi theo mình, hoạ ảnh tình yêu mà Đức Giêsu vố có, rõ ràng được liên kết với kiểu mẫu Ba Ngôi trong lời nguyện hiến tế. Đức Giêsu nói: “Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa” (Ga 17,26). Đức Giêsu nhấn mạnh rằng tình yêu này là chính tình yêu của “Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành” (Ga 17,24).
Chính nhờ tình yêu này mà Giáo Hội được thiết lập, xây dựng thành cộng đoàn hiệp thông các tín hữu trong Đức Kitô, vốn là điều kiện cho sứ mạng cứu độ của Người. Đức Giêsu cầu nguyện rằng: “Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con” (Ga 17,23). Đây là yếu tố nền tảng của hoạt động tông đồ trong Giáo Hội: Giáo Hội đã nhìn nhận và thực hành chân lý đó để tỏ bày, chứng nhận và tin tưởng làm chứng về sự thật nơi Đức Kitô và tình yêu của Thiên Chúa. Bí tích Thánh Thể là bí tích diễn tả tình yêu. Theo một nghĩa nào đó, trong bí tích Thánh Thể, Giáo Hội liên tục được tái sinh và đổi mới như là cộng đoàn mà Chúa Kitô đã mang lại cho toàn thể vũ trụ theo đúng kế hoạch viên mãn Thiên Chúa Cha dành cho nhân loại. (xc. Ep 1,3-10). Đặc biệt trong và qua bí tích Thánh Thể, mà thánh Phaolô đã nói ở thư gửi tín hữu Êphêsô: Giáo Hội chứa đựng trong mình hạt giống của sự hiệp thông phổ quát và vĩnh cửu nhằm quy tụ muôn loài trên trời dưới đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô (xc. Ep 1, 10).