TẠO DỰNG LÀ THIẾT LẬP TRẬT TỰ

0
2381

Những câu đầu của sách Sáng Thế khẳng định “lúc khởi đầu đất còn hỗn mang (תֹּהוּ) (tôhu) và trống rỗng (בֹּהוּ) (bôhu)” (1,2a), và từ trong sự hỗn mang đó, Thiên Chúa đã bắt đầu cuộc tạo dựng của Người (x. St 1,1-31). Theo học giả John Bergma,[1] cuộc tạo dựng được chia thành hai phần: ĐỊNH HÌNH và LÀM ĐẦY.

Trong ba ngày đầu của cuộc tạo dựng, từ hỗn mang, Thiên Chúa đã định hình công trình tạo dựng bằng cách: (1) “Phân rẽ ánh sáng ra khỏi bóng tối. Thiên Chúa gọi ánh sáng là ‘ngày’, bóng tối là ‘đêm’” (1,4a-5); (2) “Phân rẽ nước phía dưới vòm với nước phía trên vòm. Thiên Chúa gọi vòm đó là ‘trời’” (1,7-8); (3) “Nước phía dưới trời phải tụ lại một nơi, để chỗ cạn lộ ra. Thiên Chúa gọi chỗ cạn là ‘đất’, và gọi khối nước tụ lại là ‘biển’” (1,9-10). Như vậy, trong ba ngày đầu của cuộc tạo dựng, từ sự hỗn độn, Thiên Chúa đã định hình thời gian (ngày và đêm), không gian (bầu trời và mặt nước), môi trường sống (đất và biển).

Sau khi đã định hình cuộc tạo dựng, trong ba ngày sau của cuộc tạo dựng, Thiên Chúa đã làm đầy thời gian, không gian và môi trường sống bằng các cư dân của chúng: (1) “Thiên Chúa làm ra hai vầng sáng lớn: vầng sáng lớn hơn để điều khiển ngày, vầng sáng nhỏ hơn để điều khiển đêm; Người cũng làm ra các ngôi sao” (1,16); (2) “Thiên Chúa sáng tạo các thuỷ quái khổng lồ, cùng mọi sinh vật vẫy vùng lúc nhúc dưới nước tuỳ theo loại, và mọi giống chim bay tuỳ theo loại” (1,21); (3) “Thiên Chúa làm ra dã thú tuỳ theo loại, gia súc tuỳ theo loại và loài bò sát dưới đất tuỳ theo loại. Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa” (1,25.27). Như vậy, từ trống rỗng, Thiên Chúa đã làm ra muôn loài muôn vật và đặt chúng trong trật tự mà Người đã thiết lập – trật tự tạo dựng.

Trong trật tự của tạo dựng, mọi loài đều có cơ hội sống và phát triển. Tuy nhiên, trật tự của cuộc tạo dựng trong sáu ngày sẽ là khiếm khuyết nếu thiếu ngày thứ bảy, vì “Thiên Chúa ban phúc lành cho ngày thứ bảy và thánh hoá ngày đó” (2,3). Quả thật, nếu chúng ta nhìn cuộc tạo dựng trong sáu ngày như việc Thiên Chúa thiết lập những căn phòng trong một ngôi nhà thì ngày thứ bảy có thể ví như mái của ngôi nhà và nó làm cho ngôi nhà trở nên hoàn hảo. Nói cách khác, muôn loài chỉ có thể sinh sống, tồn tại và phát triển khi nó qui hướng về Đấng Tạo Hoá và liên kết với Người (x. Tv 78,69; 148). Chính trong Đền Thờ tạo dựng này, muôn loài được sống cùng và sống với Thiên Chúa để kín múc nguồn sống từ chính Thiên Chúa hằng sống.

Công cuộc tạo dựng mà Thiên Chúa đã thiết lập và chúc phúc đang rất tốt đẹp và sản sinh sự sống thì con người lại không thoả mãn và bị Xa-tan xúi giục, những muốn qui hoạch lại một trật tự theo ý riêng mình (x. St 3). Trong bản qui hoạch này, con người muốn gạt Thiên Chúa sang một bên và đặt mình ngang hàng với Thiên Chúa, Đấng Tạo Hoá. Con người lấy mình làm trung tâm và là kẻ thống trị thế giới. Theo qui hoạch của mình, con người đã phá vỡ trật tự sản sinh sự sống mà Thiên Chúa đã thiết lập, khiến vạn vật lại rơi vào hỗn độn. Trong sự hỗn độn, cuộc sống muôn loài bị huỷ hoại, đau khổ và các tai ương đã ập xuống trên đầu chúng sinh. Tuy vậy, tham vọng của con người trong việc thiết lập một trật tự theo kiểu của mình, lấy mình làm trung tâm để mọi sự phải qui hướng vào con người, phải qui phục con người không dừng lại theo thời gian bất chấp thất bại ngay lần đầu tiên nơi vườn Ê-đen. Kinh Thánh đã thuật lại nhiều cuộc nổi loạn của con người chống lại Thiên Chúa hòng thực hiện qui hoạch của riêng mình và các hậu quả của nó như:

– Cuộc nổi loạn của ông A-đam và bà E-và không tin vào sự toàn vẹn của Lời Thiên Chúa nhằm qui hoạch lại vị thế của mình đối với Thiên Chúa (x. St 3,6). Hậu quả là con người bị trục xuất khỏi vườn Ê-đen, phải vất vả nhọc nhằn kiếm ăn và cuối cùng phải chết (x. St 3,17-19)

– Cuộc nổi loạn của Ca-in khi giết chết em mình là A-ben hòng qui hoạch lòng sủng ái của Thiên Chúa (x. St 4,1-8). Hậu quả là Ca-in “bị nguyền rủa… và có canh tác đất đai, nó cũng không còn cho hoa màu, và phải lang thang phiêu bạt trên mặt đất” (x. St 4,11-12)

– Cuộc nổi loạn của con người khi xây tháp Ba-ben hòng qui hoạch tương quan giữa đất và trời (giữa con người với Thiên Chúa) (x. St 11,1-9). Hậu quả là loài người bị phân tán và tiếng nói bị xáo trộn đến độ không ai hiểu ai nữa (x. St 11,7-8).

– Cuộc nổi loạn của dân Ít-ra-en khi tạc bò vàng và thờ lạy nó vì muốn qui hoạch dung mạo của Thiên Chúa (x. Xh 32). Hậu quả là Thiên Chúa đã đánh phạt dân Ít-ra-en (x. Xh 32,35).

– Ông Cô-rắc và đồng bọn muốn tranh giành vai trò tư tế (x. Ds 16,1-35). Hậu quả là “ĐỨC CHÚA cho lửa ngốn trọn hai trăm năm mươi người đã dâng hương” (Ds 16,35).

– Cuộc nổi loạn của vua Sa-un khi không thi hành trọn vẹn luật tru hiến vì muốn qui hoạch lễ phẩm dâng cho Thiên Chúa (x.1 Sm 15,23). Hậu quả là nhà vua bị Thiên Chúa gạt bỏ không cho làm vua nữa (x. 1 Sm 15,23).

Rõ ràng các qui hoạch trên của con người đều đưa đến hậu quả bi thảm, vì đã đi ngược với trật tự mà Thiên Chúa đã thiết lập. Tuy vậy, con người vẫn nuôi tham vọng về một trật tự khác, nên vẫn liên tục nổi loạn, và con người trong thời đại này cũng thế.

Trình thuật tạo dựng của St 2 cho biết “Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Ê-đen để canh tác và trông nom vườn” (St 2,15). Động từ canh tác tiếng Híp-ri là עָבַד (ʿāḇaḏ) hiểu là việc con người có bổn phận ra công ra sức vun xới để khu vườn sinh hoa lợi. Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ công trình tạo dựng là Đền Thờ của Thiên Chúa, thì động từ עָבַד (ʿāḇaḏ) còn có thể hiểu là phụng sự (x. Xh 3,12; 2 V 21,3). Theo đó, Thiên Chúa đặt con người trong Đền Thờ để con người phụng sự Thiên Chúa. Động từ שָׁמַר (šāmar) nghĩa là trông nom cho thấy con người có trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ khu vườn của Thiên Chúa. Tuy nhiên, nếu toàn thể tạo dựng là khu vườn mà Thiên Chúa đã đặt con người trong đó thì quả thật, hiện nay con người đã và đang thiếu hẳn sự canh tác lẫn trông nom, nếu không muốn nói là ngược lại. Không những thế, con người còn chẳng hướng về Thiên Chúa và phụng sự Người. Rõ ràng Đền Thờ của Thiên Chúa đang bị người ta xúc phạm và tàn phá, điều này đồng nghĩa với việc môi trường sống của con người bị hủy hoại nặng nề. Ví dụ, từ năm 1992, các nhà hoạt động bảo vệ môi trường đã cảnh báo rằng:[2]

– Tài nguyên nước ngọt bình quân đầu người đã giảm 25%.

– Số lượng các vùng chết của đại dương đã tăng lên 75 %.

– Gần 300 triệu mẫu (hecta) rừng che phủ toàn cầu đã bị mất.

– Tổng số động vật có xương sống hoang dã trên trái đất đã giảm 30%.

– Việc phát xả khí cácbonic khiến trái đất nóng lên đã tăng từ hơn 20 tỷ tấn mỗi năm lên gần 40 tỷ tấn.

Tất cả là những chỉ dấu về việc con người thay vì thi hành bổn phận canh tác và chu toàn trách vụ trông nom khu vườn lại lạm dụng và tàn phá nó, khiến cho trật tự tự nhiên mà Thiên Chúa thiết lập nhằm sản sinh sự sống ngày càng bị đảo lộn, và hệ quả tất yếu là thiên tai, dịch bệnh, chết chóc lan tràn khắp nơi. Dịch Covid-19 cũng không ngoại lệ. Nó là dấu hiệu cho thấy “trái đất đang bị ốm”, “con người đang quá tự phụ” và “Đền Thờ thiên Chúa bị xúc phạm”. Vì thế, ngay lúc này, người môn đệ Chúa Giêsu cần đi bước trước trong việc sám hối và trở lại với trật tự tạo dựng mà Thiên Chúa đã thiết lập, tức là hướng về Thiên Chúa và phụng sự Người qua bổn phận canh tác và chu toàn trách nhiệm trông nom khu vườn mà Thiên Chúa đã đặt mỗi người ở trong, nhờ đó chúng ta có thể cộng tác với Thiên Chúa trong việc chữa lành thế giới và làm trổ sinh sự sống. Đó cũng chính là lời ca tụng và tôn vinh Thiên Chúa, vì “VINH QUANG THIÊN CHÚA LÀ CON NGƯỜI ĐƯỢC SỐNG” (Irênê).

28/03/2020

Ga. Nguyễn Thiên Minh, O.P.

————————–

[1] John Bergsma, Bible Basics For Catholics, Indiana: Ave Maria Press, 2012.

[2] https://www.wildactchallenge.org/en/blog/2019-03-26/con-nguoi-dang-tan-pha-moi-truong-nhu-nao

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here