Đức Cha Giuse Nguyễn Năng
Giám mục Giáo phận Phát Diệm
Chủ tịch Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin / HĐGMVN
Hội nghị Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới Thường kỳ lần thứ XIII đã diễn ra tại Roma từ ngày 7-10 đến 28-10-2012 về chủ đề “Tân Phúc Âm Hóa Để Thông Truyền Đức Tin Kitô Giáo”. Giáo Hội đang ở trong một giai đoạn lịch sử mới với một bối cảnh văn hóa xã hội mới, vì thế cần phải duyệt xét lại toàn bộ sinh hoạt của Giáo Hội để có thể thông truyền đức tin Kitô giáo cho anh chị em mình. Trong khuôn khổ bài này, nội dung được giới hạn trong lãnh vực huấn giáo.
I. BỐI CẢNH VĂN HÓA MỚI
Tân Phúc-Âm-hóa là loan báo Tin Mừng trong một giai đoạn lịch sử mới, cho con người của thế giới hôm nay. Con người trong xã hội hiện đại bị chi phối bởi não trạng thế tục, sống theo óc thực dụng, đề cao vật chất, tìm hưởng thụ. Đã có nhiều bài trình bày thực trạng ấy, ở đây xin bổ túc một khía cạnh khác.
Ngoài não trạng tục hóa, còn phải nói đến một văn hóa mới của thời đại chúng ta, một thời kỳ được nhiều người gọi là “hậu-hiện-đại”.
Thời hậu hiện đại bắt đầu từ khoảng năm 1960 bên phương Tây, với những bước phát triển nhảy vọt về kỹ thuật và vi tính, cùng với sự nở rộ và đa dạng của các phương tiện truyền thông xã hội. Những thay đổi này gây nên một biến chuyển sâu đậm trên bình diện văn hóa, trên não trạng, tâm tư, phán đoán, cảm tính, trên lối sống và hành động của con người.
Thật ra hậu hiện đại là gì, chưa ai có thể xác định, vì nó đang hình thành dần dần trong xã hội của chúng ta, từ cách sống của từng người từng ngày từng nơi. Người ta gọi là hậu hiện đại vì nó nối tiếp thời hiện đại của những thế kỷ trước.
1. Chuyển biến từ hiện đại sang hậu hiện đại
Thời hiện đại bắt đầu từ thời các triết gia của thế kỷ Ánh Sáng. Người ta tin vào lý trí và khoa học, do đó muốn loại bỏ mọi thứ uy quyền. Thiên Chúa, tôn giáo, truyền thống, bị hạ bệ và được thay bằng uy quyền của lý trí và khoa học. Con người là thước đo của vạn vật.
Con người tin vào khả năng của lý trí, do đó tri thức được coi là chắc chắn, khách quan, đúng đắn, và đưa tới tiến bộ. Với khả năng của lý trí, con người có thể biết được chân lý.
Phát triển khoa học và tự do suy tư làm tăng thêm kiến thức, ngày càng nhiều và trong mọi lãnh vực. Đến một lúc nào đó thì người ta nhận ra rằng kiến thức bị xé vụn, mỗi người chỉ biết được một số kiến thức trong phạm vi rất nhỏ bé của mình. Con người không thể biết được “Chân Lý”.
Nhân loại mong phát triển khoa học kỹ thuật, nhưng hậu quả lại là hai cuộc thế chiến và những cuộc chiến tranh quốc gia, sắc tộc, tôn giáo, những cuộc tàn sát tập thể, chủ nghĩa quốc gia quá khích, chiến tranh hạt nhân, hủy hoại môi trường. Xem ra kỹ thuật làm mất đi tính người. Lý trí bóp chết tình cảm, trí tưởng tượng và trực giác của con người.
Dần dần viễn tượng lạc quan của thời hiện đại mờ nhạt đi để nhường chỗ cho thất vọng và chán chường. Thời hậu hiện đại muốn loại bỏ thứ văn hóa hiện đại.
2. Những đặc tính của thời hậu hiện đại
Nếu thời hiện đại là thời của duy lý, thì trong thời hậu hiện đại, lý trí không còn được tôn thờ nữa. Không còn chân lý tuyệt đối, khách quan, chắc chắn, có sức thuyết phục mọi người, nhưng từ nay mỗi người có chân lý của mình. Chân lý chỉ là chủ quan, nó chỉ có ý nghĩa với cá nhân từng người. Tất cả chỉ là tương đối.
Trong thời hiện đại, tôn giáo và Thiên Chúa bị loại bỏ, nhưng ít nữa còn có uy quyền của lý trí, nhưng trong thời hậu hiện đại, không còn quyền bính nào có thể áp đặt trên con người.
Nếu trong thời hiện đại, hiện tượng chủ nghĩa cá nhân đã lớn mạnh, thì trong thời hậu hiện đại, trào lưu ấy còn mạnh hơn nữa: lý trí mất địa vị tối thượng, không còn quyền bính, coi mọi sự chỉ là tương đối, ai cũng muốn tự khẳng định mình. Có thể gọi đây là siêu chủ nghĩa cá nhân. Cái được đề cao ngày nay là kinh nghiệm cá nhân, những tâm tình cảm xúc cá nhân. Nguyên lý “Tôi cảm thấy, vậy tôi hiện hữu” thay cho nguyên lý “tôi suy tư, vậy tôi hiện hữu” của Descartes.
Tính cách cá nhân được đề cao tối đa, nên mỗi người có chọn lựa riêng của mình. Hơn nữa, chọn lựa cá nhân cũng không cần lâu dài, mà tùy theo hoàn cảnh, tùy từng lúc từng nơi. Người ta sống cho hiện tại, không cần nghĩ tới tương lai. Sở dĩ như vậy là vì người ta không còn tinh thần lạc quan của thời hiện đại nữa. Con người thời nay thường sống trong bi quan và hoài nghi, thậm chí nhiều lúc thất vọng.
Trong thời hiện đại, tôn giáo bị loại bỏ, Thiên Chúa bị gạt sang một bên. Nhưng trong thời hậu hiện đại, dường như có một sự trở về với tôn giáo. Thật ra tôn giáo ở đây không có nghĩa như thường hiểu, mà chỉ là một niềm tin nào đó, một tâm tình tôn giáo mông lung. Mỗi người có niềm tin của mình, mỗi người đặt hy vọng vào một điều gì đó huyền bí, nhiều khi chỉ là tin vu vơ, không cần hữu lý, không gọi tên được. Sự trở về với tâm tình tôn giáo như vậy cho thấy con người không thể sống mà không có một thứ tín ngưỡng nào đó.
Con người – đối tượng để loan báo Tin Mừng, và con người – chủ thể loan báo, cả hai đều đang sống trong văn hóa hậu hiện đại và ít nhiều đều chịu ảnh hưởng của văn hóa này. Công cuộc loan báo Tin Mừng phải được thực hiện thế nào bởi / cho con người ấy?
II. TÂN PHÚC-ÂM-HÓA
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là người đầu tiên dùng từ “Tân Phúc-Âm-hóa” khi ngài về thăm quê hương Ba Lan vào năm 1979. Trong cuộc nói chuyện với Liên Hội Đồng Giám Mục Châu Mỹ Latinh vào năm 1983, ngài đã xác định ý nghĩa của từ ngữ “mới”: không phải là một Phúc Âm mới, nhưng là “mới về lòng nhiệt thành, mới trong phương pháp và mới trong cách diễn tả”.
Huấn giáo là một lãnh vực đặc biệt quan trọng trong công cuộc “Tân Phúc-Âm-hóa”, nên cũng cần đổi mới về lòng nhiệt thành, về phương pháp và cách diễn tả.
1. Mới về lòng nhiệt thành
Người loan báo Tin Mừng phải là người đầy Thánh Thần. Chính Thánh Thần ban cho ta “tinh thần” truyền giáo, nghĩa là một sự thúc đẩy từ bên trong đem lại nhiệt huyết, vui tươi, quảng đại, can đảm, tràn đầy yêu thương, có sức làm lây lan.[1]
Điều đầu tiên phải làm mới là nhiệt tình loan báo Tin Mừng. Tuy nhiên đây không phải là sự sôi nổi hăng say hoặc hiếu động trên bình diện tâm lý. Nhiệt tình ở đây chính là chia sẻ niềm vui của đời sống Kitô hữu phát xuất từ sự gặp gỡ cá vị với Đức Kitô. Giáo Lý Viên là người cảm nghiệm được niềm vui của Tin Mừng, niềm vui vì được Chúa yêu thương, nên được thôi thúc từ bên trong để thông truyền niềm vui ấy cho người khác. Giáo Lý Viên không phải là người “làm” công tác dạy giáo lý, trái lại, họ “là” Giáo Lý Viên, nghĩa là giáo lý mà họ thông truyền không phải chỉ là kiến thức mà họ đã thuộc, mà là chính Đức Kitô đã thấm nhuần và biến đổi cuộc đời họ. Nói cách khác, Giáo Lý Viên là người đầy tràn Đức Kitô, và niềm vui này tự lan tỏa.
Do đó, Giáo Lý Viên cần làm mới lại đời sống Kitô hữu: “xuất phát lại từ Đức Kitô”, khám phá vẻ đẹp và sự mới mẻ ngàn đời của Đức Kitô, để nhờ đó làm cho tương quan giữa bản thân với Đức Kitô được sống động và chi phối toàn thể cuộc sống hằng ngày. Chỉ khi nào “ở lại” trong Chúa, đời sống Kitô hữu mới trổ sinh hoa trái. Đó là điều kiện sinh tử.
Để thông truyền đức tin Kitô giáo, chính Giáo Lý Viên phải là người đầy xác tín về Phúc Âm mà mình loan báo. Trong bối cảnh của trào lưu đa nguyên và chủ nghĩa tương đối, niềm xác tín Kitô hữu là tối quan trọng. Trong khi vẫn tôn trọng chân lý và giá trị cứu độ của các tôn giáo khác, Giáo Lý Viên không thể không khẳng định Đức Kitô là Đấng Cứu độ duy nhất của trần gian với tất cả xác tín và ý thức. Giáo Lý Viên không thể giống như người rao bán một sản phẩm mà chính mình cũng không tin và không dùng. “Một người không có xác tín, không phấn khởi, không chắc chắn và không yêu, người ấy chẳng thuyết phục được ai”.[2]
Niềm xác tín này không hề mang tính lý thuyết và dừng lại trên bình diện tri thức. Nó phải thấm nhập vào trong tâm tình và cảm xúc, trong lối sống của Giáo Lý Viên. Nói cách khác, đó chính là đời sống của một chứng nhân. Con người trong thế giới hôm nay không tin vào lý thuyết, cũng không muốn bị thuyết phục bởi lý lẽ, nhưng cảm xúc lại dễ bị đánh động. “Con người hôm nay tin tưởng các chứng nhân hơn là thầy dạy, tin vào kinh nghiệm hơn là bài vở, tin vào cuộc sống và hành động hơn là lý thuyết”. Điều này lại càng đúng khi nhớ lại rằng dạy giáo lý không chỉ là thông truyền đầy đủ kiến thức về đức tin một cách hệ thống, mà còn là dẫn đưa người khác vào sự hiệp thông với Đức Kitô và đi theo lối sống mới Ngài.
2. Mới về phương pháp
Như vừa nhắc đến trên đây, huấn giáo không phải là một lớp học trình bày một số kiến thức liên quan đến đức tin Kitô giáo. Huấn giáo nhằm tới một mục tiêu xa hơn. Đành rằng trong việc dạy giáo lý có dạy một số chân lý là nội dung đức tin, nhưng các chân lý ấy không được dừng lại nơi trí khôn, nhưng phải dẫn đến trái tim và hành động, phải đưa con người đến chỗ yêu mến Chúa, gắn bó với Chúa và sống như Chúa dạy. Xem ra việc dạy giáo lý của chúng ta mới chỉ dừng lại trong một “LỚP” giáo lý. Cần ra khỏi khuôn khổ của một lớp học như trong trường phổ thông.
Điều thứ hai cần ghi nhận là các văn kiện của Tòa Thánh luôn yêu cầu khi dạy giáo lý phải trình bày đức tin Kitô giáo cách đầy đủ, toàn vẹn, có hệ thống. Như thế nào là đầy đủ và toàn vẹn? Hình như có sự hiểu sai về những từ ngữ này. Đa số thường hiểu theo nghĩa số lượng, nhưng thực ra kiểu nói ở đây nhắm đến phẩm tính hơn là số lượng. Xét về số lượng, một ly nước đầy chắc chắn ít nước hơn một bể nước đầy. Nhưng xét về phẩm tính, cả hai cùng đầy tràn, toàn vẹn, không thiếu. Nhiều khi việc dạy giáo lý của chúng ta đã nhồi nhét quá nhiều kiến thức với những ngôn ngữ thật trừu tượng. Giáo lý cho thiếu nhi nhiều khi chỉ là sự rút ngắn của sách “Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo”, một bản văn được viết cho cả giám mục và thần học gia! Phải thành thật tự hỏi xem các dự tòng có hiểu và cảm nhận được gì từ sách giáo lý dự tòng như hiện có? Dạy thật nhiều lý thuyết nhưng lại không hiệu quả, vì mới dừng lại ở bình diện trí khôn, chưa chuyển sang cái “tâm” và cái “hành”, không khơi dậy được sự cảm nhận từ trong cõi lòng và không dẫn đến hành động. Dĩ nhiên, cái ly phải ngày càng lớn lên, những thể tích nhỏ phải ngày càng phình to, như vậy con người mới phát triển quân bình về mọi chiều kích.
Có rất nhiều phương pháp được áp dụng vào lãnh vực huấn giáo. Mỗi phương pháp đều có những điểm hay riêng của nó, cần được áp dụng cách linh động cho từng đối tượng từng lúc từng nơi, và cần bổ túc cho nhau. Thời đại mới hôm nay cũng cần chú ý đến những phương pháp mới phù hợp với con người hiện đại. Một vài phương pháp cần được quan tâm.
a/. Kể chuyện Đức Giêsu
Con người thời nay không thích suy tư trừu tượng, lý luận dài dòng. Phương pháp diễn dịch hệ thống xem ra khó lôi cuốn được họ. Người ta thích những gì cụ thể, sống động, những gì gây ấn tượng và cảm xúc nơi bản thân. Đặc biệt con người Việt Nam nói riêng cũng như người Á Châu nói chung thích hình thức kể chuyện. Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC: Federation of Asian Bishops” Conferences) đã nhiều lần giới thiệu phương pháp này, và Tông huấn “Giáo Hội tại Á Châu” đã minh nhiên kêu gọi: “Phải giới thiệu Đức Giêsu Kitô như Đấng thỏa mãn những khát vọng sâu xa của con người, được diễn tả qua các thần thoại và văn chương dân gian của các dân tộc Á Châu. Nói chung, nên dành ưu tiên cho phương pháp kể chuyện gần gũi với các hình thức văn hoá của Á Châu. Thật ra, việc loan báo Đức Giêsu Kitô có thể đạt hiệu quả nhất với phương pháp kể lại cuộc đời Ngài, như các sách Tin Mừng đã làm… Thượng Hội Đồng còn nhắc nhở việc giảng dạy giáo lý tiếp theo sau đó nên theo phương pháp sư phạm gợi ý, nghĩa là vận dụng các câu truyện, dụ ngôn và biểu tượng, là những điều hết sức đặc thù trong phương pháp giảng dạy của người Á Châu”.[3]
Cùng với việc kể chuyện cuộc đời Đức Giêsu, giới thiệu đời sống các thánh và những mẫu gương thánh thiện của các Kitô hữu khắp nơi là một cách tác động rất hiệu quả trên đời sống đức tin. Đó là một cách diễn giải cụ thể chân lý đức tin. Những gương sáng có khả năng giáo dục đức tin hiệu quả hơn lời nói rất nhiều. Hơn nữa, hằng ngày con người trong thế giới hôm nay phải chứng kiến quá nhiều sự dữ, bất công và hận thù, dễ đi đến hoài nghi và bi quan, không còn muốn tin vào bất cứ lý thuyết nào. Chính những mẫu gương thánh thiện sẽ có sức thuyết phục mạnh mẽ và giúp họ củng cố lòng tin và niềm hy vọng.
b/. Con đường thẩm mỹ
Trong Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới lần thứ XII, một đề tài được đề cập khá nhiều đó là cái đẹp. Trong Tông huấn “Niềm Vui Của Tin Mừng”, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi quan tâm đến con đường thẩm mỹ (via pulchritudinis). “Rao giảng Đức Kitô có nghĩa là cho thấy rằng tin Ngài và theo Ngài không chỉ là điều đúng và chính đáng, mà còn là một cái gì đẹp, có khả năng đổ đầy đời sống bằng sự rực rỡ mới mẻ và niềm vui sâu xa, ngay cả giữa những hoàn cảnh khó khăn. Thế nên mọi cách diễn tả cái đẹp đích thực đều có thể được nhìn nhận là một con đường dẫn ta tới gặp gỡ Chúa Giêsu… Nó là một sự quí chuộng mới đối với cái đẹp như là phương tiện làm rung động trái tim con người và giúp cho sự thật và sự tốt lành của Đức Kitô Phục sinh trở nên rạng rỡ trong đó. Như thánh Augustinô nói, nếu chúng ta chỉ yêu cái gì đẹp, thì Con Thiên Chúa nhập thể, hiện thân của mặc khải về cái đẹp vô biên, là Đấng đáng yêu tột độ và lôi kéo chúng ta đến với Ngài bằng sợi dây tình yêu. Vì vậy một sự đào luyện theo con đường thẩm mỹ phải là một thành phần trong cố gắng của chúng ta để bước vào đức tin”.[4]
Trong lãnh vực huấn giáo, càng ngày người ta càng nhận thức được tầm quan trọng của việc dùng các loại hình nghệ thuật để chuyển tải sứ điệp Phúc Âm. Thi ca, âm nhạc, hình ảnh, hội họa, phim,… là những “ngôn ngữ dụ ngôn mới” để thông truyền đức tin; nhất là với các phương tiện truyền thông hiện đại, các ngôn ngữ này sẽ có sức hấp dẫn đặc biệt. “Chúng ta phải đủ mạnh dạn để khám phá ra những ký hiệu mới và những biểu tượng mới, da thịt mới, để thông truyền lời, cùng với những cách biểu hiện khác nhau của cái đẹp được ưa thích trong các nền văn hoá khác nhau, gồm cả những hình thái phá cách của cái đẹp, tuy có thể ít quan trọng đối với những người rao giảng Tin Mừng, nhưng lại đặc biệt hấp dẫn đối với những người khác”.[5]
c/. Gặp gỡ cá nhân
Để dạy giáo lý, chúng ta đã triển khai các phương pháp cho một “LỚP” giáo lý, nghĩa là cho một tập thể các học viên. Các chân lý được trình bày cho một đám đông mà không lưu tâm tới nét đặc thù của mỗi học viên. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu của huấn giáo, thiết tưởng cần quan tâm tới từng cá thể trong “lớp” giáo lý. Những điều mà Tông huấn “Giáo Hội tại Á Châu” và Tông huấn “Niềm Vui Của Tin Mừng” dạy về truyền giáo nói chung có thể được áp dụng vào huấn giáo: “Chính Đức Giêsu trong khi thi hành sứ vụ cũng đề cao giá trị của việc tiếp xúc cá nhân. Việc này đòi hỏi người rao giảng Tin Mừng phải quan tâm tới tình cảnh của người nghe, để có thể loan báo cho họ phù hợp với trình độ trưởng thành của họ, theo một hình thức và dùng một ngôn ngữ thích hợp”.[6]
Thực tế điều này xem ra không thể thực hiện được, nếu không muốn nói là ảo tưởng, vì không thể tìm đâu ra cho đủ số Giáo Lý Viên để gặp gỡ từng học viên. Tuy nhiên, ít nữa điều này nhắc nhở các Giáo Lý Viên không được chỉ là những giảng viên dạy hay, dạy xong bài, nhưng còn là những người thông truyền đức tin, và vì thế có trách nhiệm quan tâm đến đức tin của mỗi cá nhân được tăng trưởng thế nào qua các “bài” giáo lý để từ đó bổ túc những gì còn thiếu sót. Tình trạng nhiều Kitô hữu xa rời đức tin có nhiều nguyên do, trong đó có vấn đề dạy giáo lý. Những người xa rời đức tin hôm nay cũng là những người đã theo học các “lớp” giáo lý, đã thuộc “bài” giáo lý, nhưng có lẽ cũng chỉ như theo một lớp học phổ thông.
3. Cách diễn tả mới
Dạy giáo lý trong bối cảnh tân Phúc-Âm-hóa đòi hỏi canh tân cách diễn tả sao cho người nghe có thể hiểu được.
a/. Ngôn ngữ rao giảng
Con người thời nay được tác động trên bình diện cảm xúc nhiều hơn trên bình diện suy tư. Ngôn ngữ hữu thể luận trừu tượng và lôgic chặt chẽ ít tác động trên các tâm hồn bằng những gợi ý, những hình ảnh và kinh nghiệm thực tế của cuộc sống hằng ngày. Những người dạy giáo lý, nhất là các mục tử được đào tạo theo tư duy kinh viện, đã quen với lối suy tư và diễn đạt bằng những khái niệm hữu thể luận, sẽ thấy rằng những hình ảnh và những kinh nghiệm không thể diễn đạt đầy đủ nội dung đức tin. Tuy nhiên nếu cứ dừng lại ở bình diện suy tư trừu tượng, con người thời nay không thể hiểu và cũng không muốn lắng nghe sứ điệp của Tin Mừng. Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh giác: “Đôi khi ta mất dân vì dân không hiểu ta nói gì, vì ta quên khuấy cả ngôn ngữ đơn giản để đưa vào chủ nghĩa duy trí, một chủ nghĩa hoàn toàn xa lạ đối với dân”.[7] Ngay cả trong thần học tín lý khi nói về mầu nhiệm Ba Ngôi, các nhà thần học nhận ra rằng nếu chỉ dừng lại ở những ý niệm hữu thể trừu tượng, sẽ làm cho mầu nhiệm trung tâm của Kitô giáo trở nên khô cằn thiếu sức sống và có nguy cơ ngày càng rời xa Tin Mừng. Do đó, ngày nay khi trình bày mầu nhiệm Ba Ngôi, các tác giả luôn diễn tả dưới khía cạnh lịch sử cứu độ: Ba Ngôi trong tương quan cụ thể với con người. Cần phải giữ cho sứ điệp Tin Mừng luôn đơn giản.
Đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, đức tin bước vào Giáo Hội qua trái tim người nghèo, chứ không qua đầu óc người trí thức. “Có lẽ ta đã giản lược cách nói năng của ta về mầu nhiệm vào các giải thích duy lý, nhưng đối với người tầm thường, mầu nhiệm bước vào họ qua ngả trái tim”. Theo Đức Thánh Cha, vai trò truyền giáo của Giáo Hội không phải để thắng một luận điểm mà là để cung hiến một điều gì đẹp đẽ. Ngài nói: “Chỉ có vẻ đẹp của Thiên Chúa mới lôi cuốn người ta. Phương thức của Thiên Chúa là phương thức lôi kéo, quyến rũ,… Thiên Chúa làm sống lại trong ta ước muốn mời gọi người lân cận, ngõ hầu làm họ nhận ra vẻ đẹp của Ngài. Truyền giáo đã phát sinh từ chính sự quyến rũ thần linh đó, một quyến rũ phát sinh từ gặp gỡ”.[8] Khi truyền đạt chân lý Tin Mừng, “phải có một ý tưởng, một tâm tình, một hình ảnh”.[9]
Lẽ dĩ nhiên, ngôn ngữ hữu thể luận là điều phải có, vì nó diễn tả mầu nhiệm cách chính xác và sâu xa; nhưng để được lắng nghe và được hiểu, “Giáo Hội cần phải cởi mở tiếp nhận các phương pháp vừa mới mẻ vừa bất ngờ có thể được dùng để giới thiệu khuôn mặt Đức Giêsu tại Á Châu”.[10] Thay vì lý luận cao siêu, tốt hơn nên trình bày cái đúng cái tốt của Tin Mừng một cách “thẩm mỹ” để nó tỏa chiếu sức hấp dẫn lôi cuốn người khác.
b/. Sứ điệp cốt yếu
Sứ điệp mà Giáo Hội rao giảng là một sứ điệp đơn giản. Tất cả các chân lý đức tin tuy nhiều nhưng có một sự hài hòa và một thứ tự ưu tiên xoay quanh trọng tâm thiết yếu của Tin Mừng. “Trong cái cốt lõi cơ bản này, cái toả sáng chính là vẻ đẹp của tình thương cứu độ của Thiên Chúa được mặc khải nơi Đức Kitô đã chết và sống lại từ cõi chết”.[11] “Sứ điệp phải tập trung vào những gì cốt yếu, những gì đẹp nhất, lớn nhất, lôi cuốn nhất và đồng thời cần thiết nhất. Chúng ta làm cho sứ điệp trở thành đơn giản, nhưng đồng thời không làm mất sự thâm sâu và chân lý của nó, nhờ đó nó càng trở nên mạnh mẽ và có sức thuyết phục”.[12]
Một trong những nhược điểm của các Giáo Lý Viên là cố nhồi nhét cho các học viên thật nhiều kiến thức, biến Tin Mừng thành một bài giáo khoa với đủ thứ bổn phận, những việc phải làm, phải hy sinh chịu đựng. Phải làm cho Tin Mừng chiếu tỏa vẻ đẹp và niềm vui chứ không là gánh nặng. Đời sống Kitô hữu phải đầy tràn niềm vui vì được Chúa yêu thương và cứu độ, được gặp Chúa là Đấng đã chết và sống lại vì mình. Đó mới là điều thiết yếu.
“Nếu trong năm phụng vụ, một cha xứ giảng về đức tiết độ mười lần nhưng chỉ nói về bác ái hay công bình hai hay ba lần, như thế là mất cân đối, nhất là vì nó cho thấy có sự sao lãng các nhân đức lẽ ra phải được nhắc đến nhiều nhất trong bài giảng và giáo lý. Cũng có sự mất cân đối như thế khi ta nói về lề luật nhiều hơn là về ân sủng, về Giáo Hội nhiều hơn là về Đức Kitô, về Giáo Hoàng nhiều hơn là về Lời Chúa”.[13]
“Luân lý Kitô giáo không phải là một dạng của chủ nghĩa khắc kỷ, hay thái độ từ bỏ mình, cũng không phải một thứ triết học thực hành, hay một danh mục các tội lỗi. Trên hết, Tin Mừng mời gọi chúng ta đáp lại vị Thiên Chúa của tình thương, Đấng cứu độ chúng ta, nhìn thấy Chúa nơi tha nhân và ra khỏi bản thân mình để tìm lợi ích cho tha nhân. Trong mọi hoàn cảnh, ta không được phép làm lu mờ lời mời gọi này! Tất cả các nhân đức là để giúp ta đáp lại tình thương này. Nếu lời mời gọi này không chiếu toả một cách sinh động và hấp dẫn, toà nhà giáo huấn luân lý của Giáo Hội có nguy cơ trở thành một căn nhà bằng giấy, và đây là mối nguy lớn nhất của chúng ta. Trong trường hợp này, điều chúng ta giảng không phải là Tin Mừng, mà là một số điểm về giáo điều hay luân lý dựa trên một số chọn lựa ý thức hệ đặc thù. Sứ điệp sẽ có nguy cơ mất đi sự tươi trẻ và sẽ không còn là “hương thơm của Tin Mừng””.[14]
Nhìn chung, các sách giáo lý hiện có chưa làm tỏa ra “hương thơm của Tin Mừng”. Thay vì loan báo một tin vui phát xuất từ ân sủng và tình thương của Thiên Chúa, Giáo Lý Viên thường tạo nên một tin buồn vì quá nhấn mạnh đến gánh nặng của những bổn phận chi ly. Chúng ta có thể làm một cuộc kiểm tra thực tế: sau khi học giáo lý, các học viên ra về mang tâm trạng vui tươi hạnh phúc, thanh thản phấn khởi, và muốn giữ mãi niềm phấn khích này, hay ngược lại, họ cảm thấy sung sướng vì đã thoát được một giờ tù túng ngột ngạt và muốn quên ngay những gì vừa nghe?
Kết luận
Công cuộc tân Phúc-Âm-hóa đòi chúng ta mạnh dạn và dành nhiều nỗ lực cho việc canh tân mục vụ giáo lý, nếu chúng ta muốn cho Tin Mừng còn được lắng nghe. Tin Mừng nhiều khi bị biến thành một món đồ khảo cổ và Giáo Lý Viên vô tình trở thành người thuyết minh trong bảo tàng viện. Tin Mừng là sự sống, và sự sống thì luôn tươi mới hấp dẫn. Một người đầy niềm vui Phúc Âm trong lòng sẽ tìm ra nhiều cơ hội và phương thế để làm cho niềm vui lan tỏa sang nhiều người. Nếu là niềm vui đích thực, niềm vui sẽ tự lan tỏa.
(Bài thuyết trình tại “Đại Hội Giáo Lý Toàn Quốc” lần thứ IV,
từ ngày 18-21/8/2014, tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo phận Huế)
[1] Xc. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông huấn “Evangelii Gaudium” (Niềm Vui Tin Mừng), ngày 24/11/2013, số 261.
[2] Ibid., số 266.
[3] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn “Ecclesia in Asia” (Giáo Hội Tại Á Châu), ngày 06/11/1999, số 20.
[4] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông huấn “Evangelii Gaudium” (Niềm Vui Tin Mừng), ngày 24/11/2013, số 167.
[5] Ibidem.
[6] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn “Ecclesia in Asia” (Giáo Hội Tại Á Châu), ngày 06/11/1999, số 20; Xc. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông huấn “Evangelii Gaudium” (Niềm Vui Tin Mừng), ngày 24/11/2013, số 169-171.
[7] Xem diễn văn của Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các Giám mục Brazil ngày 28-7-2013, tại http://w2.vatican.va/content/francesco/en/speeches/2013/july/documents/papa-francesco_20130727_gmg-episcopato-brasile.html.
[8] Ibidem.
[9] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông huấn “Evangelii Gaudium” (Niềm Vui Tin Mừng), ngày 24/11/2013, số 157.
[10] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn “Ecclesia in Asia” (Giáo Hội Tại Á Châu), ngày 06/11/1999, số 20.
[11] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông huấn “Evangelii Gaudium” (Niềm Vui Tin Mừng), ngày 24/11/2013, số 36.
[12] Ibid., số 35.
[13] Ibid., số 38.
[14] Ibid., số 39.