Tại Sao Thánh Barnaba Được Gọi Là Tông Đồ?

0
844


 

Kính thưa quý vị,

Ngày 11/6, phụng vụ mừng lễ thánh Barnaba tông đồ. Tại sao thánh Barnaba được gọi là tông đồ, trong khi ngài không có tên trong danh sách 12 thánh tông đồ? Linh mục Phan Tấn Thành trả lời.

Quả thật, tên thánh Barnaba không có trong danh sách 12 tông đồ. Như chúng ta đã biết, Chúa Giêsu đã chọn 12 thánh tông đồ. Con số này được bổ sung thêm với thánh Mattia để thế chỗ cho ông Giuđa Iscariot, ngõ hầu làm chứng nhân cho việc Chúa Kitô phục sinh, theo như lời thánh Phêrô trong bài hiểu dụ tuyên bố lý do cuộc bầu cử (ở chương Một sách Tông đồ công vụ). Tuy nhiên, sau khi thánh Giacôbê bị vua Hêrôđê giết (Cv 12,2), thì không thấy nói đến việc bầu người phụ khuyết nữa. Mặt khác, khi đọc Tân ước, ta thấy các tông đồ không chỉ giới hạn vào số 12. Ngoài thánh Barnaba chúng ta phải kể đến thánh Phaolô, vị đại tông đồ, tuy ông không nằm trong danh sách 12 người được Chúa chọn. Từ đó, người ta đã đặt lại vấn đề: tông đồ là gì? Và kết quả thật là thú vị.

Tại sao gọi là thú vị?

Lý do là vì khi truy về nguyên ngữ Hy lạp, “tông đồ” (apostolos) có nghĩa là người được sai đi để thi hành một công tác nào đó. Ý nghĩa này gặp thấy cả trong Tân ước, thí dụ Ga 13,16: “Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi (apostolos) không lớn hơn người sai đi”. Như vậy, phần nào chính Chúa Giêsu cũng là một tông đồ, theo nghĩa là Người được Chúa Cha sai đến trần gian. Dù sao, trong Tân ước, danh từ này mang một nghĩa chuyên môn trong Hội thánh tiên khởi, và có thể được áp dụng vào ba cấp khác nhau:

1) Duy chỉ Luca mới dành riêng từ apostolos cho Nhóm Mười Hai (Lc 6,13: “Đức Giêsu kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là tông đồ”). Vai trò của tông đồ là làm chứng về Đức Kitô phục sinh; vì thế họ phải là một người đã theo Chúa Giêsu từ khi Người bắt đầu sứ vụ (Cv 1,21-22). Nên biết là trong Tân ước, danh từ apostolos xuất hiện 79 lần, nhưng chỉ có 3 lần được đồng hóa với nhóm 12.

2) Thánh Phaolô lại có quan niệm khác về vai trò của tông đồ. Ông tự nhận mình là tông đồ tuy rằng ông không hề đi theo Đức Giêsu khi Người sinh sống tại Galilê. Tuy nhiên, ông là tông đồ (apostolos) của Chúa Kitô (1Cr 1,1; 2Cr 1,1) bởi vì ông được Người kêu gọi, trạch cử và sai đi giảng Tin mừng (Rm 1,1; Gl 1,15). Ông là “tông đồ dân ngoại” (Rm 11,13) bởi vì ông được Chúa Kitô sai đi đến với dân ngoại. Đây là nghĩa thứ hai của danh từ “tông đồ”, nghĩa là được Chúa Kitô chọn để đi giảng Tin mừng cho muôn dân.

3) Mặt khác, trong các tác phẩm của Phaolô, đôi khi từ “apostolos” cũng được dành để ám chỉ những người được sai đi rao giảng, không phải là bởi chính Chúa Kitô nhưng là bởi Hội thánh (thí dụ Barnaba: 1Cr 9,5-6; 2Cr 11,3; xc Cv 14,4.14; Giacôbê người anh em của Chúa: Gl 1,19; Silvano, Timôthê 1Tx 2,67). Dù sao, qua các tác phẩm của ông Phaolô, con số các tông đồ nhiều hơn là 12 người. Vai trò của các tông đồ không những là rao giảng Tin mừng, nhưng còn thành lập các giáo đoàn: các tông đồ trở thành nền tảng của Hội thánh (Ep 2,20).

Như vậy, ai được sai đi giảng Tin mừng và thành lập giáo đoàn đều được gọi là “tông đồ” phải không?

Theo một nghĩa nào đó thì đúng là như vậy; nhưng mà trong cách dùng từ ngữ chuyên môn, người ta phân biệt giữa “tông đồ” theo nghĩa chặt và theo nghĩa rộng; hoặc là giữa danh từ và tính từ “tông đồ”. Theo nghĩa chặt, các thánh tông đồ là những người thuộc về thế hệ tiên khởi của Hội thánh, tượng trưng nơi 12 vị tông đồ cộng thêm thánh Phaolô, được ví như thời “lập hiến” của Hội thánh, và kết thúc với sự qua đời của những vị ấy. Tiếp theo đó là thời “hậu tông đồ”, hoặc là “tông truyền”, kéo dài cho đến khi Chúa Kitô quang lâm. Nói cách khác, đó là thời các thánh tông đồ xét như là danh từ (apostolus: các vị tông đồ), còn giai đoạn kế tiếp là tông đồ xét như là tính từ (apostolicus). Tính từ này được ghép với nhiều danh từ khác nhau, chẳng như: “kế vị tông đồ”, “đời sống tông đồ”, “hoạt động tông đồ”, “tinh thần tông đồ”.

Kế vị tông đồ là gì?

Đây là thuật ngữ ám chỉ hàng giám mục, với nhiệm vụ là tiếp tục sứ mạng các thánh tông đồ. Sách Tóm lược Giáo lý Hội thánh công giáo (số 176) đã định nghĩa như thế này: “Kế nhiệm tông truyền là chuyển giao sứ vụ và quyền hạn của các Tông đồ cho những người kế vị các ngài, là các Giám mục, qua Bí tích Truyền chức thánh. Chính nhờ việc chuyển giao này mà Hội thánh vẫn duy trì được sự hiệp thông trong đức tin và đời sống với nguồn gốc của mình, trải qua bao thế kỷ, Hội thánh thực hành việc tông đồ của mình là làm lan toả Vương quốc của Đức Kitô trên trần gian”. Tuy nhiên, theo nghĩa này, tính từ “tông đồ” (mà đôi khi trong tiếng Việt được dịch là “tông truyền”) nhấn mạnh đến khía cạnh cơ cấu nhiều hơn, được tượng trưng qua hàng giám mục hiệp thông với vị kế nhiệm thánh Phêrô. Bên cạnh đó, người ta còn nói đến “đời sống tông đồ” và “hoạt động tông đồ”, chú trọng nhiều hơn đến nội dung và động lực của nó.

Đời sống tông đồ là gì?

Đây là thuật ngữ được thịnh hành trong văn chương đời sống tu trì Kitô giáo. Thực ra, trải qua lịch sử, “đời sống tông đồ” (vita apostolica) đã mang nhiều mầu sắc khác nhau, tùy theo thời đại. Nói chung, “đời sống tông đồ” có nghĩa là đời sống hoạ theo nếp sống của các thánh tông đồ. Như thế nào? Nhiều câu trả lời khác biệt được đưa ra từ phía các đan sĩ, các kinh sĩ, các Dòng hành khất thời trung cổ, và các Dòng cận đại.

1/ Đối với các đan sĩ, đời sống tông đồ có nghĩa là bắt chước các tông đồ khi họ bán hết các tài sản để theo Chúa. Thực vậy, thánh Athanasiô khi thuật lại hạnh thánh Antôn đã giải thích rằng vị tổ phụ của đời đan tu đã bán hết tài sản để vào sa mạc là vì muốn bắt chước các thánh tông đồ từ bỏ nhà cửa gia đình để đi theo Chúa (Vita Antonii, n.2). Thánh Pacômiô cũng quả quyết tương tự: các đan sĩ là những kẻ bắt chước các thánh tông đồ, bởi vì họ đã từ bỏ hết mọi sự để đi theo Chúa (Mt 19,21.26), cũng như họ bắt chươc cộng đoàn các tông đồ ở Giêrusalem theo như sách Tông đồ công vụ kể lại (2,44-45; 4,32.34-35), trong đó mọi người đặt tất cả tài sản làm của chung (Sancti PachomiiVita I, n.2). Đến khi đời sống cộng đoàn phát triển, thánh Basiliô (Regulae fusius VII,4) và thánh Augustinô (Regula) thêm một chi tiết nữa trong cộng đoàn tiên khởi ở Giêrusalem: ngoài việc từ bỏ tài sản, cần phải lưu ý đến yếu tố đồng tâm nhất trí (koinonia: thông hiệp; một trái tim một linh hồn). Kế đó, thánh Biển đức (Regula c.48,8) và thánh Isiđôrô Sevilla (Regula c.6) còn khuyên các đan sĩ hãy bắt chước các thánh tông đồ trong việc lao động chân tay.

2/ Sang thời Trung cổ, ta thấy nảy thêm hai chi tiết mới trong việc bắt chước các thánh tông đồ. (a) Các kinh sĩ (phần lớn giữ luật thánh Augustinô) đề cao đời sống chung (ăn chung, ngủ chung, kỷ luật chung dưới sự điều khiển của bề trên) và sự khó nghèo. (b) Các Dòng hành khất thì nhấn mạnh tơi sự khó nghèo và rao giảng Tin mừng. Bản văn Kinh thánh mà các Dòng hành khất căn cứ không còn phải là Matthêu 19 nữa, nhưng là Luca 9, 3-5; 10,1-16, tức là trình thuật kể lại việc Chúa Giêsu sai các môn đệ đi giảng Tin mừng trong cung cách khó nghèo, không mang theo túi gậy (xc. Mc 6,8-11; Mt 10,5-16).

3/ Vào thời cận đại, người ta chú trọng tới sứ mạng của các tông đồ hơn là đời sống khó nghèo. Nói cách khác, người ta nhấn mạnh đến “hoạt động” tông đồ hơn là “đời sống” tông đồ. Hoạt động tông đồ bao gồm không những là việc rao giảng Phúc âm mà là tất cả các công tác bác ái nhằm mở mang Nước Chúa. Thực ra, lúc đầu chỉ có các công tác của các giáo sĩ mới được mang danh là “việc tông đồ” (rao giảng, dạy dỗ, ban bí tích); nhưng dần dần, tất cả các công tác bác ái xã hội cũng có thể gọi là công tác tông đồ khi được thi hành vơi tinh thần tông đồ nhằm phục vụ Nước Chúa. Điển hình cho quan niệm này là định nghĩa về tông đồ giáo dân trong sắc lệnh Apostolicam Actuositatem (số 2) của công đồng Vaticanô II. Dù sao, có lẽ chúng ta nên lưu ý là tính từ “tông đồ” không gắn liền với một hình thức hoạt động cho bằng “tinh thần”. Tinh thần tông đồ được hiểu như là lòng nhiệt thành giống như các thánh tông đồ, gắn bó với Chúa Giêsu, yêu mến Người và muốn cho Người được yêu mến. Sách Giáo lý Hội thánh công giáo, ở số 864, sau khi đã nhấn mạnh rằng tất cả các tín hữu đều được mời gọi tham gia vào sứ mạng tông đồ của Giáo hội, đã thêm rằng hậu quả của việc tông đồ, dù là của giáo sĩ hay là của giáo dân, tùy thuộc vào sự kết hiệp khắng khít với Chúa Kitô. Linh hồn của mọi hoạt động tông đồ là đức mến, được múc kín cách riêng từ bí tích Thánh thể.