Bài 9. BÍ TÍCH THÁNH THỂ CÓ THA THỨ HÌNH PHẠT DO TỘI LỖI KHÔNG?
Xét trong toàn thể, Thánh Thể vừa là một hy lễ vừa là một Bí tích. Nó là hy lễ bởi vì được hiến dâng; nó là bí tích vì được ăn. Nó mang lại công hiệu Bí tích cho người ăn và công hiệu hy lễ nơi người dâng hoặc nơi những người mà hy lễ được dâng cho..
Vì thế, xét như là Bí tích, Thánh Thể mang lại hai công hiệu: một là cách trực tiếp, do hiệu năng của Bí tích; hai là cách tương liên. Do hiệu năng của Bí tích, nó mang lại công hiệu vì đó mà nó được thiết lập. Thánh Thể không được thiết lập để tha tội nhưng là để nuôi dưỡng thiêng liêng, nhờ sự kết hiệp giữa Chúa Kitô và linh hồn, cũng tựa như sự kết hợp giữa lương thực và người ăn. Thế nhưng bởi vì sự kết hiệp này được thành hình nhờ đức mến, mà lòng nhiệt thành lôi kéo theo sự tha thứ không chỉ tội lỗi mà cả hình phạt nữa. Vì thế, do sự tương liên với công hiệu chính yếu, con người được tha thứ hình phạt, không phải là tất cả, nhưng trong tầm mức của lòng sốt sắng và sùng mộ của người ấy.
Còn nếu xét như là hy lễ, Thánh Thể có năng lực đền tội. Tuy nhiên, trong việc đền tội, người ta xem xét đến tâm tình của người dâng hơn là số lượng của lễ vật. Vì thế Chúa Giêsu nói về bà góa rằng bà đã dâng hai nén bạc nhưng bà đã dâng hơn tất cả những người khác. Do do tuy rằng hy tế Thánh Thể có khả năng đền bù tất cả các tội lỗi, nhưng nó chỉ mang lại công hiệu này, đối với người dâng hoặc đối với những ai mà hy lễ được dâng cho, tùy theo mức độ của lòng sốt sắng, chứ không đền bù tất cả các hình phạt..
Năng lực của Chúa Kitô trong Bí tích này thật là vô cùng, Nhưng nếu Bí tích này chỉ mang lại sự tha thứ một phần hình phạt chứ không phải tất cả hình phạt, thì điều này không phải tại thiếu năng lực nơi Chúa Kitô, nhưng tại vì thiếu lòng sốt sắng nơi con người.
(Summa Theol. III. q. 79, a. 5.)