SUY NIỆM VỚI THÁNH TÔMA AQUINÔ – TỪ LỄ BA NGÔI ĐẾN LỄ THÁNH TÂM 6

0
98

Bài 6. CÔNG HIỆU CỦA BÍ TÍCH THÁNH THỂ LÀ ĐẠT ĐƯỢC VINH PHÚC

Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời (Ga 6,51)

Trong Bí tích này, ta có thể tìm hiểu điều mà nó mang lại công hiệu, tức là chính Đức Kitô được chứa đựng trong đó, và cuộc Khổ nạn của Đức Kitô, mà Bí tích này biểu thị. Ta cũng có thể tìm hiểu điều mà qua đó nó phát sinh công hiệu, đó là việc sử dụng Bí tích và các hình thể Bí tích. Dưới cả hai phương diện, Bí tích này gây ra việc thủ đắc đời sống vĩnh cửu.

Chính Đức Kitô, nhờ cuộc Khổ nạn của Người, đã mở cho chúng ta lối vào đời sống vĩnh cửu, theo lời của thư gửi Hip-ri (Hr 9,15): Người là trung gian của một giao ước mới, lấy cái chết của mình mà chuộc lại những sai phạm dưới chế độ giao ước cũ, và đem lại cho những ai được Thiên Chúa kêu gọi quyền lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cửu Thiên Chúa đã hứa.

Cũng vậy, sự bồi dưỡng do lương thực thiêng liêng mang lại, và sự hợp nhất được tượng trưng qua các hình thể bánh và rượu, đã được thực hiện cách bất toàn trong hiện tại và sẽ được thể hiện cách trọn hảo trong tình trạng vinh phúc. Thánh Augustinô nói: “Với lương thực và của uống, loài người mong ước không còn đói và khát nữa; nhưng điều đó chỉ thực sự được ban nhờ lương thực và của uống này, làm cho những ai dùng nó sẽ được bất tử và bất hoại, trong cộng đoàn các Thánh, nơi sẽ có bình an và hợp nhất sung mãn và hoàn hảo”.

Và mặc dù Bí tích này được dành cho những kẻ lữ hành, chưa được hưởng vinh quang, nhưng điều này không có nghĩa là công hiệu của Bí tích này không mang lại vinh quang. Bởi vì, cũng như cuộc khổ nạn của Đức Kitô, mà Bí tích này biểu thị quyền năng, là nguyên nhân đầy đủ của vinh quang, nhưng không phải nhờ thế mà chúng ta được dẫn vào vinh quang ngay lập tức; nhưng trước đó, chúng ta cần phải chịu đau khổ với Đức Kitô, ngõ hầu sau này được hiển vinh với Người. Điều ấy cũng xảy ra ở đây: Bí tích này không đưa chúng ta vào vinh quang ngay lập tức, nhưng ban cho chúng ta năng lực có thể đạt đến; chính vì thế mà Bí tích này được gọi là “của ăn đàng”, dựa theo hình ảnh được nói trong sách Các Vua (1 V 19,8): Ông Elia đứng dậy, ăn và uống, và sức mạnh mà lương thực này mang lại, ông đã đi 40 ngày và 40 đêm cho đến núi của Chúa ở Horeb.

(Summa Theol, III, q. 79, a. 2)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here