Bài 11: VIỆC RƯỚC LỄ THƯỜNG XUYÊN
I
Cần phải thường xuyên rước Mình Thánh Chúa.
Những hiệu quả của Bí tích này cũng giống như các hiệu quả của lương thực nuôi dưỡng thân xác. Thân xác liên lỉ bị mất sức do nhiệt độ bên ngoài và lao động. Vì thế cần phải dùng lương thực thường xuyên, để khôi phục cơ thể, bồi dưỡng những mất mát, nếu không thì sự kiệt lực sẽ dẫn đến cái chết.
Một cách tương tự như vậy, do tham dục và công tác bên ngoài, nên lòng nhiệt thành sốt sắng bị suy giảm. Vì thế cần phải sửa chữa những mất mát ấy, kẻo chúng ta dần dần xa cách Thiên Chúa.
II
Có nên rước lễ mỗi ngày không?
Đối với Bí tích này, có hai điều đòi hỏi nơi người lãnh nhận: lòng ao ước kết hiệp với Kitô do đức mến thúc đẩy, và lòng tôn kính Bí tích gây ra sự sợ hãi. Điều kiện thứ nhất mời gọi hãy rước lễ mỗi ngày; điều kiện thứ hai khiến ta xa lánh việc rước lễ.
Vì thế nếu ai biết rằng, do kinh nghiệm, việc rước lễ thường xuyên làm tăng lòng yêu mến và không giảm bớt sự tôn kính, thì người ấy phải rước lễ mỗi ngày. Còn nếu việc rước lễ mỗi ngày làm suy giảm lòng tôn kính và không thấy tăng gia lòng nhiệt thành, thì họ nên thỉnh thoảng ngưng rước lễ, ngõ hầu sau đó đến gần Bàn Thánh với lòng tôn kính và nhiệt thành hơn.
Ở đây, nên để mỗi người phán đoán theo lương tâm. Thánh Augustinô nói: “Người này chủ trương phải rước lễ mỗi ngày, người kia thì nói ngược lại; xin để cho mỗi người làm theo lương tâm của mình và theo điều mà mình nghĩ là tốt nhất”. Thánh nhân minh chứng bằng mẫu gương của ông Dakêu và ông đại đội trưởng: một người hân hoan đón tiếp Chúa, người kia thì nói: “Lạy Chúa, con không đáng Ngài đến nhà con”. Cả hai đều nhận được lòng thương xót. Cả hai đều tôn kính Chúa, nhưng mỗi người một cách khác nhau.
Dù sao, như Kinh Thánh đã nói, yêu mến và hy vọng thì tốt hơn là sợ hãi. Và khi thánh Phêrô thưa với Chúa: Lạy Chúa, xin hãy xa khỏi con bởi vì con là người tội lỗi, thì Chúa đáp lại: Đừng sợ.
Nhất là chúng ta hãy đến với Chúa bằng đức khiêm nhường. Điều này không có nghĩa là ngưng rước lễ thì đáng khen và có công lao hơn. Chính đức mến kết hợp ta với Chúa, còn đức khiêm nhường chỉ chuẩn bị qua việc tùng phục Chúa. Công lao hệ ở lòng mến hơn là đức khiêm nhường.
(In Sent. IV, Dist. 12, q. 3, a. 2)