SUY NIỆM VỚI THÁNH TÔMA AQUINÔ – PHẦN HAI – BÀI 2: CUỘC THĂM VIẾNG CỦA ĐỨC NỮ TRINH DIỄM PHÚC

0
469

SUY NIỆM VỚI THÁNH TÔMA AQUINÔ – PHẦN THỨ HAI

CHỦ ĐỀ I: THIÊN CHÚA

BÀI 2: CUỘC THĂM VIẾNG CỦA ĐỨC NỮ TRINH DIỄM PHÚC

(Chú thích của người dịch. Lễ Đức Mẹ thăm viếng bắt nguồn bên Đông phương từ thế kỷ V vào ngày 2 tháng 7, kỷ niệm lễ cung hiến đền thánh Santa Soros ở Constantinôplis, và được phổ biến sang Tây phương do các tu sĩ dòng Phan-sinh từ năm 1263, và được đức thánh cha Urbanô VI ghi vào lịch phổ quát năm 1389. Sau công đồng Vaticanô II, lễ này được dời vào ngày 31 tháng 5, kết thúc tháng kính Đức Mẹ, và phù hợp hơn với thứ tự các biến cố được thuật trong Tin mừng: Truyền tin – Thăm viếng – Sinh nhật thánh Gioan).

Tin mừng thuật lại rằng sau khi thụ thai Chúa Kitô, Đức Nữ Trinh Diễm Phúc đã thực hiện ba điều: Mẹ vội vã lên đường, đến miền núi, chào thăm bà Elizabeth và ngợi khen Đức Chúa. Theo nghĩa huyền nhiệm, đây cũng là ba điều mà mọi linh hồn đạo đức đều phải làm sau khi thụ thai Lời Chúa cách  thiêng liêng. Vội vã lên đường, đến miền núi, tượng trưng sự tiến bộ trên đường nhân đức; chào thăm bà Elizabeth, tượng trưng lòng bác ái; ngợi khen Đức Chúa, tượng trưng sự chúc tụng và niềm vui dạt dào.

I

Hồi ấy, bà Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa” (Lc 1,39). Sách Chú Giải viết rằng: Sau khi nhận được tiếng “xin vâng” của Đức Nữ Trinh, thiên sứ trở về trời, và Đức Maria bắt chước thên sứ bằng việc lên miền núi. Cũng vậy, linh hồn nào đón nhận Lời Chúa cũng leo lên đỉnh trọn lành nhờ những nấc thang tình yêu để có thể tiến vào thành Giuđa, là thành trì của việc tuyên xưng và ca khen, và ở lại đó cho đến khi hoàn thiện đức tin, đức hy vọng và đức ái. Trong cuộc lên núi này, thánh Bênađô nhắc nhở chúng ta rằng: nhân đức được học biết bằng sự khiêm nhượng, được thủ đăc nhờ nỗ lực, và được chiếm hữu bằng tình yêu”. Không có cách nào học biết, thủ đức và chiếm hữu nhân đức mà bỏ qua ba điều ấy.

II

 “Bà vào nhà ông Dacaria và chào thăm bà Elizabeth” (Lc 1,40). Chào thăm ai có nghĩa là chúc cho họ được mạnh khỏe. Chúc cho tha nhân được mạnh khỏe là một hành vi của lòng bác ái bởi vì là một cách thức yêu mến tha nhân, như thánh Mátthêu đã diễn tả: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22,39). Vì thế, linh hồn đạo đức cần phải thực hành tình yêu ấy sau khi đã thụ thai Lời Chúa, như thánh Gioan đã khuyên nhủ: “Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta mới nên hoàn hảo” (1Ga 4,12). Thật vậy, thánh Augustinô đã nói: “Lạy Chúa, phúc thay kẻ yêu mên Chúa, và kẻ yêu người bạn trong Chúa và yêu kẻ thù vì Chúa… Ở đâu có tình yêu đích thực thì đâu còn thiếu gì nữa? Còn nơi nào thiếu nó thì có gì lợi ích hơn là tìm thấy nó?

III

 Đức Maria cất tiếng: Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa”. Đây là bài ca chúc tụng và niềm vui dạt dào, mà mỗi linh hồn thánh thiện có thể hát lên sau khi đón nhận Lời Chúa. Vì thế thánh Ambrôsiô nói: “Ước chi nơi mỗi người chúng ta, linh hồn Đức Maria ngợi khen Đức Chúa. Ước chi nơi mỗi người chúng ta thần trí Đức Maria hớn hở vui mừng trong Thiên Chúa”. Nhưng thánh nhân tự hỏi: “ Ngợi khen Đức Chúa có nghĩa là gì? Đức Chúa được ngợi khen, không phải bởi vì lời ca ngợi của con người thêm gì cho Ngài; nhưng theo nghĩa là Ngài được ngợi khen nơi chúng ta khi linh hồn chúng ta, đã được tạo dựng theo hình ảnh của Ngài, thực sự trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô là hình ảnh của Chúa Cha. Như thế khi ngợi khen bằng cách bắt chước Dức Kitô, thì linh hồn được thiên hóa do việc sự thông dự cách nào đó vào sự cao cả của Đức Kitô, ra như diễn tả hình ảnh của Đức Kitô ở nơi mình qua những việc tốt lành và các nhân đức.” Ông Origen cũng nói: “Khi linh hồn tôi ngợi khen Dức Chúa qua các công việc, tư tưởng hoặc lời nói, thì hình ảnh của Thiên Chúa vĩ đại được hiện thực, và chính Chúa được tôn vinh trong linh hồn tôi là hình ảnh của Ngài.” Thánh Bêđa Khả kính nói rất hay: “Linh hồn ngợi khen Thiên Chúa khi tất cả mọi tâm tình được hiến dâng vào việc ngợi khen Thiên Chúa giống như sự phục vụ của một người tôi tớ. Thần trí hớn hở trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ, khi không có gì trên trần gian có thể làm cho nó vui thích, khi không có của phù vân nào cám dỗ nó, khi không có nghịch cảnh nào có thể làm cho nó nhụt chí, nhưng chỉ thích thú với việc tưởng nhớ đến Đáng Tạo hóa của mình, Đấng mà mình hy vọng sẽ ban ơn cứu độ đời đời”

(Nhân tính Đức Kitô)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here