Ngày 26 tháng 12
ĐỨC KITÔ SINH RA VỚI THÂN XÁC CÓ THỂ CHỊU ĐAU KHỔ VÀ CHỊU CHẾT
“Thiên Chúa đã sai chính Con mình đến mang thân xác giống như thân xác tội lỗi” (Rm 8,3)
Thật không phù hợp nếu Thiên Chúa mang lấy thân xác bất tử và không biết đau đớn, nhưng Ngài nên mang lấy một thân xác có thể chịu đau khổ và chịu chết.
1/ Bởi vì loài người cần nhận biết ân huệ của việc Nhập Thể và bùng cháy lên lòng yêu mến Thiên Chúa. Ngoài ra, Thiên Chúa cần phải mang lấy xác thịt giống như con người, tức có thể đau khổ và phải chết, để làm sáng tỏ chân lý về việc Nhập Thể, bởi vì giả như Thiên Chúa đã mang lấy xác thịt không biết đau khổ và không bao giờ chết, thì những người không biết thân xác ấy sẽ cho rằng đó chỉ là chuyện tưởng tượng và không có thật.
2/ Thiên Chúa cần mang lấy thân xác con người để chuộc tội cho nhân loại. Thật vậy, một người có thể chuộc tội cho người khác khi tự nguyện gánh lấy hình phạt mà người khác phải chịu. Thế nhưng hậu quả hình phạt do tội lỗi nhân loại gây ra là cái chết cũng như những đau khổ ở đời này. Vì thế, Thánh Tông đồ đã nói: “Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết” (Rm 5,12). Do vậy qua việc kết hợp với một thân xác chịu đau khổ và chết thay chúng ta, Ngài là Đấng vô tội có thể chuộc tội và xóa bỏ tội lỗi.
3/ Khi mặc lấy một thân xác chịu đau khổ và chịu chết, Ngài có thể để lại cho chúng ta những mẫu gương sáng về nhân đức trong việc thắng vượt những đam mê của thân xác và điều khiển chúng theo đường ngay thẳng.
4/ Chúng ta càng được nuôi dưỡng niềm hy vọng về sự bất tử, khi thấy rằng chính Thiên Chúa đã trải qua từ nhân tính chịu đau khổ và hủy diệt sang điều kiện không còn đau khổ và không phải chết nữa. Và vì vậy, chúng ta cũng hy vọng rằng điều đó cũng sẽ xảy ra với chúng ta là những người hiện vẫn đang mang lấy xác phàm, phải chịu đau khổ và phải chết. Ngược lại, nếu Ngài đã mặc lấy thân xác không biết đau khổ và không phải chết ngay từ đầu, thì chúng ta ý thức rằng mình mang thân phận hư mất và phải chết, sẽ không có lý do gì để mà chúng ta hy vọng vào sự bất tử.
Hơn nữa, vai trò của Ngài là Đấng Trung Gian đòi hỏi Ngài phải chung phần với chúng ta trong đau khổ và trong thân xác phải chết, cũng như đối với Thiên Chúa, Ngài cũng chung phần quyền lực và vinh quang ngõ hầu có thể cất khỏi chúng ta những gì Ngài đã chia sẻ với chúng ta đó là đau khổ và cái chết, và dẫn đưa chúng ta đến với những điều mà Ngài đã chung phần với Thiên Chúa; vì Ngài là Đấng Trung Gian để kết hợp chúng ta với Thiên Chúa
(Summa Contra Gentiles IV, 55)