Suy niệm với Thánh Tôma Aquinô – Mùa Vọng 25

0
209

Mùa Vọng

Ngày 21 tháng 12

TIẾNG CỦA NGƯỜI HÔ TRONG HOANG ĐỊA

Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi (Ga 1,23)

Gioan Tẩy Giả nói rằng ông là tiếng, bởi vì tiếng thì được hình thành sau lời nội tại, nhưng lại được biết, được nghe trước lời nội tại. Chúng ta chỉ biết được lời nội tại, lời trong tim, nhờ những tiếng được phát ra, là những dấu hiệu của tư tưởng. Thiên Chúa đã phái ông Gioan Tẩy giả như vị tiền hô để loan báo Lời của Ngài, Đấng đã có từ muôn đời. Ông Gioan đã nói đúng: “Tôi là tiếng”.

Tiếng của người hô”. Đó là tiếng hô của Gioan và lời rao giảng của ông trong hoang địa, hay là tiếng của Đức Kitô, Đấng kêu ở trong ông và nhờ ông.

Vì vậy, ông Gioan đã hô lên vì bốn lý do :

1) Tiếng hô là một việc biểu lộ. Để biểu lộ rằng Đức Kitô nói qua ông Gioan và nói trong ông, thì cần đến một người hô lên. Đó cũng là ý nghĩa của câu nói trong Tin mừng: “Trong ngày cuối cùng của ngày lễ, là ngày long trọng nhất, Đức Giêsu đứng lên hô lớn và nói: ‘Ai khát, hãy đến với tôi và hãy uống” (Ga 7,37). Thiên Chúa không hô qua các tiên tri, bởi vì những lời tiên tri được phát biểu bằng ẩn dụ và hình bóng.

2) Tiếng hô cần thiết cho những người ở xa. Thế mà những người Do Thái đã lìa xa Thiên Chúa. Do vậy, cần đến tiếng hô của Gioan. Vịnh gia đã nói: “Ngài đã khiến  bạn bè và hàng xóm lìa xa con” (Tv 87,19)

3) Tiếng hô cần cho những người điếc. Ông Isaia nói: “Ai là người điếc nếu không phải là người tôi tớ của Ta?” (Is 42,19)

4) Ông Gioan hô lớn tiếng khi phẫn nộ; vì những người Do thái đáng chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. “Nổi trận lôi đình, Người quát nạt” (Tv 2,5)

Tiếng hô trong hoang địa” . Ông Gioan ở lại trong hoang địa để khỏi phạm tội, và trở nên xứng đáng để làm chứng cho Đức Kitô. Từ gương sáng của cuộc đời ông trong hoang địa, những lời chứng của ông về Đức Đức Kitô sẽ đáng tin hơn với mọi người.

Nhưng ông Gioan hô lên điều gì? “Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi”. Con đường để đón chờ Chúa là con đường ngay thẳng, được chuẩn bị, tức là con đường công chính, như Isaia nói: “Đường kẻ lành đi là đường ngay thẳng” (Is 26,7)

Con đường của người công chính ngay thẳng khi toàn thân con người phục tùng Chúa: trí khôn phục tùng Chúa bẳng đức tin, ý chí phục tùng Chúa bằng đức mến, và các hành động phục tùng Chúa bằng đức vâng phục.

(Chú giải Tin mừng Gioan, c. 1)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here