25. CON NGƯỜI CÓ THỂ BIẾT ĐƯỢC
MÌNH SỐNG TRONG TÌNH TRẠNG ÂN SỦNG KHÔNG?
I
Đôi khi, không biết đến sự hiện diện của Chúa trong chúng ta bằng ân sủng là điều có lợi.
1/ Trước hết, ngõ hầu nỗi sợ hãi về sự phán xét trong tương lai khiến chúng ta khiêm tốn. Sách Châm ngôn (28,14) nói rằng: “Phúc cho người luôn luôn biết sợ, còn kẻ cứng lòng – nghĩa là chẳng sợ gì hình phạt trong tương lai – sẽ gặp phải tai ương” (Cn 28,14). Nỗi sợ hãi này khiến con người trở nên khiêm tốn; vì lý do đó đôi khi không nhận biết ân sủng của Thiên Chúa nơi chúng ta là điều có lợi. Thánh Grêgôriô nói: “Đôi khi Thiên Chúa mong muốn những điều tốt đẹp của chúng ta trở nên không chắc chắn, để chúng ta luôn có được một ân sủng chắc chắn, đó là sự khiêm nhường”.
2/ Thứ hai, sợ rằng sự an toàn giả tạo có thể khiến chúng ta sa ngã. Thánh Phaolô nói: “Khi người ta nói: ‘Bình an biết bao, yên ổn biết bao!’, thì lúc ấy tai hoạ sẽ thình lình ập xuống” (1 Tx 5,3). Thánh Giêrônimô nói rằng: “Sự sợ hãi là người bảo vệ các nhân đức của chúng ta; còn sự an toàn dễ dẫn đến sự diệt vong.”
3/ Thứ ba, để chúng ta có thể tỉnh thức và khao khát chờ đợi Ân Sủng của Thiên Chúa. Sách Châm ngôn (8,34) còn viết: “Phúc thay người lắng nghe ta dạy, ngày ngày canh thức trước cửa nhà ta, túc trực ở ngay lối ra vào”.
II
Đôi khi, Thiên Chúa mạc khải như một ân huệ đặc biệt đối với một số cá nhân rằng họ có ân sủng và ở trong tình bạn với Ngài; để họ có thể bắt đầu niềm vui an toàn ngay trong đời này, và để họ có thể tiếp tục thực hiện những công việc vĩ đại với lòng tin tưởng và nhiệt huyết hơn, và dũng cảm hơn để chịu đựng những thử thách của cuộc sống hiện tại. Mặt khác, cá nhân có thể phỏng đoán mình có ân sủng , chẳng hạn như lúc họ nhận thấy rằng mình có niềm vui nơi Thiên Chúa và khinh chê những điều trần tục hoặc không ý thức rằng mình đã phạm tội trọng. Theo nghĩa này, người ta có thể hiểu được lời của sách Khải huyền (2,17): “Ai thắng, Ta sẽ ban cho man-na đã được giấu kỹ; Ta cũng sẽ ban cho nó một viên sỏi trắng, trên sỏi đó có khắc một tên mới; chẳng ai biết được tên ấy, ngoài kẻ lãnh nhận” (2,17), bởi vì người nhận được ân sủng của Thiên Chúa, nhận ra vị ngọt của nó từ kinh nghiệm thực tế, sự ngọt ngào mà người không nhận được ân sủng của Thiên Chúa không cảm nhận được.
(ST., I-II, q. 113, a. 5)
Đặc biệt có ba dấu hiệu mà qua đó chúng ta có thể đoán được sự hiện diện của ân sủng trong tâm hồn chúng ta, đó là lời chứng của một lương tâm tốt lành, thứ hai là việc sốt sắng đón nhận và thực hành Lời Chúa, và thứ ba là nếm trải nội tâm sự khôn ngoan Thiên Chúa.
1/ Trước hết là lời chứng lương tâm. Thánh Phaolô viết (2 Cr 1,13) “Điều khiến chúng tôi tự hào là lương tâm chúng tôi làm chứng rằng: chúng tôi lấy sự thánh thiện và chân thành Thiên Chúa ban mà cư xử với người ta ở đời, đặc biệt là với anh em. Chúng tôi không cư xử theo lẽ khôn ngoan người đời, nhưng theo ân sủng của Thiên Chúa”. Do đó, thánh Bêrnardô nói “Không có gì rõ ràng hơn Ánh sáng này, không có gì vinh quang hơn lương tâm này; vì tâm trí thực sự nhìn thấy chính nó; nhưng bằng cách nào? Trong sạch, tôn kính, sợ hãi, thận trọng, không có ý thức khôn ngoan về bản thân, không thẹn thùng khi đối diện với chân lý. Vì đó là điều làm cho Thiên Chúa vui thích hơn tất cả các điều thiện của linh hồn.”
2/ Thứ hai, thích thú nghe Lời Chúa, không chỉ mà thôi nhưng còn phải áp dụng nó vào đời sống hằng ngày. “Ai thuộc về Thiên Chúa, thì nghe lời Thiên Chúa nói; còn các ông, các ông không chịu nghe, vì các ông không thuộc về Thiên Chúa” (Ga 8,47). Do đó, thánh Grêgôriô nói: “Chúng ta được lệnh phải khao khát quê hương của chân lý trên trời, từ bỏ vinh quang trần thế, đừng tham lam của cải của người khác, hãy rộng lượng bố thí với của cải của mình. Vì vậy, mỗi người hãy tự suy nghĩ xem có phải tiếng của Thiên Chúa vang lên mạnh mẽ trong tai mình, và như vậy, biết rằng tiếng đó là của Chúa.”
3/ Thứ ba, cảm nghiệm ngọt ngào nội tâm về sự khôn ngoan của Thiên Chúa, ra như nếm trước về hạnh phúc vĩnh cửu trong tương lai. Như sách Thánh vịnh (33,9) đã chép “Hãy nghiệm xem CHÚA tốt lành biết mấy”, nghĩa là hãy cảm nghiệm ân sủng của Ngài nơi chúng ta. Do đó thánh Augustinô nói: “Bao lâu chúng ta còn ở trong thân xác, là chúng ta đang tiến về với Chúa mà chúng ta còn xa cách; Vì thế chúng ta hãy nghiệm sự ngọt ngào của Ngài, vì Chúa rất ngọt ngào, và vì Ngài đã ban cho chúng ta lời bảo chứng của Chúa Thánh Thần, trong Ngài, chúng ta cảm nghiệm được sự ngọt ngào nơi thiên đàng của Ngài, và trong Ngài chúng ta ao ước nhìn thấy nguồn mạch ân sủng và vinh quang của Ngài, trong đó chúng con sẽ được tràn đầy sự sung túc nơi nhà của Thiên Chúa, và lớn lên như cây trồng bên dòng suối dạt dào”. Thánh nhân nói thêm: “Lạy Chúa, xin cho con nếm trải bằng sự hiểu biết điều mà giờ đây con nếm trải qua trí hiểu; xin cho con cảm nghiệm trái tim điều mà giờ đây con đón nhận được bằng trí tuệ; vì con mắc nợ Ngài nhiều hơn những gì con có nơi bản thân con, nhưng Ngài chẳng được gì thêm nữa, và con không thể dâng cho Chúa quá những con có là bản thân con. Vì vậy, lạy Chúa, trong tình yêu của Ngài, xin hãy lôi kéo toàn thể bản thân con”.
(Về nhân tính của Chúa Kitô)