18. CON NGƯỜI THẦN KHÍ
Con người thần khí xét đoán tất cả, mà chẳng có ai xét đoán được người đó (1 Cr 2,15)
(Chú thích của người dịch: spiritualis có thể dịch là “thần khí, thiêng liêng, tâm linh)
I
Con người nào được gọi là thần khí? Nên nhớ rằng chúng ta gọi thần khí (thiêng liêng) là những vật không có thân thể. Trong linh hồn có một phần không phải là nguyên ủy hiện hữu của một cơ quan nào của thân thể, đó là phần tinh thần, bao gồm trí tuệ và ý chí, phần ấy được gọi là tinh thần (hay tâm linh) của con người. Trí tuệ con người được Thánh Thần soi sáng, ý chí và tâm tình thì được hun nóng.
Như vậy, con người thần khí có thể hiểu theo hai nghĩa. Về phía trí tuệ được Thánh Thần Chúa soi sáng: theo nghĩa này, sách Chú giải nói rằng con người thần khí là con người suy phục Thiên Chúa và biết các việc thiêng liêng cách chắc chắn và trung thành. Về phía ý chí được Thánh Thần Chúa hun nóng, hiểu như là được Ngài điều khiển, nghĩa là chế ngự các quan năng. Thánh Phaolô nói (Gl 6,1): Phần anh em, những người thần khí, hãy lấy tinh thần hiền hòa mà sửa dạy, vv.
II
Tại sao con người thần khí xét đoán tất cả, mà chẳng có ai xét đoán được người đó?
Nên ghi nhận rằng người nào cư xử ngay chính trong hết mọi hoàn cảnh thì cũng xét đoán ngay thẳng trong mỗi hoàn cảnh; còn người nào thiếu ngay chính thì cũng lệch lạc trong các xét đoán của mình. Người nào tỉnh thức thì xét đoán chính xác; và chính họ tỉnh thức đang khi người khác ngủ. Thế nhưng người ngủ không có phán đoán chính xác về chính mình và về người tỉnh thức. Và sự việc diễn ra không phải theo như người ngủ nhìn thấy, nhưng theo như người tỉnh thức nhìn thấy. Điều này cũng xảy ra đối với người lành mạnh và người bệnh tật khi xét đoán về mùi vị; đối với người yếu và người khỏe khi xét đoán về trọng lượng; đối với người đức hạnh và trắc nết khi xét về hành vi luân lý. Vì thế ông Aristote tuyên bố rằng người đức hạnh là quy chuẩn và mực thước để xét đoán mọi chuyện nhân sinh, bởi vì trong lãnh vực nhân sinh, các sự việc được đánh giá đúng đắn theo sự xét đoán của người đức hạnh.
Dưới khía cạnh đó, thánh Phaolô nói: con người thần khí xét đoàn tất cả, bởi vì người mà trí tuệ được soi sáng và tâm hồn được điều khiển bởi Thánh Thần thì có một phán đoán ngay thẳng về những gì liên quan đến sự cứu độ. Còn người không phải là thần khí thì trí tuệ cũng tối tăm và tâm hồn lệch lạc trong những chuyện thiêng liêng. Con người thần khí không thể bị xét đoán bởi con người không thần khí, cũng như người thức không thể bị xét đoán bởi người ngủ. Con người sống theo tính tự nhiên thì không đón nhận những gì của Thần khí Chúa (1 Cr 2,14).
Thánh Thần hun nóng tâm hồn để yêu mến những của cải thiêng liêng, khinh chê tất cả những của cải khả giác; nhưng con người sống theo tính tự nhiên thì không thể trân trọng những của cải thiêng liêng, bởi vì mỗi người nhìn sự vật tùy theo tình trạng mình đang sống.
(Chú giải 1 Cr, 2)