12. NƯỚC HẰNG SỐNG
Người sẽ ban cho chị nước trường sinh (Ga 4,10)
I
Ở đây, nước được hiểu về ân sủng của Thánh Linh. Có khi ân sủng được gọi là lửa, có khi được gọi là nước, để cho thấy những danh xưng này không ám chỉ một đặc tính theo bản chất nhưng chỉ là một sự so sánh tác dụng mà thôi. Ân sủng được gọi là lửa, bởi vì nâng cao tâm hồn nhờ sự sốt nóng nhiệt thành, như thánh Phaolô đã viết “Hãy có tinh thần sốt sắng mà phụng sự Chúa” (Rm 12,11). Cũng vậy, lửa thiêu đốt tội lỗi, như sách Diễm ca (8,6) đã viết: Lửa tình là ngọn lửa bừng cháy, một ngọn lửa thần thiêng. Ân sủng cũng được gọi là lửa bởi vì nó thanh luyện, như ngôn sứ Edekiel (35,25) viết: Ta sẽ đổ xuống trên các ngươi nước tinh tuyền và các người sẽ được thanh luyện khỏi mọi vết nhơ. Nước dập tắt lửa hăng nồng nhất (Hc 3,33). Ân sủng cũng được gọi là nước, bởi vì nó làm giảm cơn khát những điều thuộc về thế giới tạm bợ. Ngôn sứ Isaia (55,1) nói: Hỡi tất cả những người khát, hãy đến dòng nước.
II
Tuy nhiên có nước hằng sống và nước không sống. Nước không sống là nước không gắn liền với nguồn mạch từ đó chảy ra, nhưng nó được tích lũy từ mưa hay từ hồ hoặc giếng, và được lưu trữ mà không lệ thuộc vào nguồn. Trái lại, nước hằng sống là nước chảy ra từ nguồn.
Hiểu như vậy, ân sủng của Thánh Linh được gọi là nước hằng sống, bởi vi ân sủng Thánh Linh được ban cho con người, và ban từ chính nguồn. Thánh Phaolô viết (Rm 5,5): Tình yêu của Thiên Chúa được đổ vào tâm hồn chúng ta nhờ Thánh Linh được ban cho ta. Bởi vì Thánh Linh là nguồn vô tận, từ đó trào ra mọi thứ ân ban, như thánh Phaolô đã viết (1 Cr 12,11): Cũng từ một Thánh Linh duy nhất, Đấng đã làm tất cả mọi sự.
Từ đó nếu ai được một ân sủng của Thánh Linh, nhưng không phải là Thánh Linh, thì nước không được chứa từ nguồn; vì thế nó là nước chết chứ không phải là nước sống, như thánh Giacôbê (2,20) đã lưu ý: Đức tin mà không có việc làm là đức tin chết.
(Chú giải Tin mừng Gioan, chương 4)