Ngày 13 tháng 1
SỰ CAN THIỆP CỦA ĐỨC MARIA Ở CANA
Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giêsu nói với Người: “Họ hết rượu rồi.” (Ga 2,3)
Trong sự can thiệp của Đức Maria, có ba điều cần ghi nhớ.
1) Đầu tiên là sự cảm thông và và lòng thương xót của Mẹ. Đặc trưng của lòng thương xót là coi sự thiếu thốn hay nỗi cơ cực của người khác như là của mình. Kẻ có lòng thương xót thì xót xa trước sự khốn cùng của người khác. “Có ai yếu đuối mà tôi lại không cảm thấy mình yếu đuối” (2 Cr 11,29). Bởi vì Đức Trinh Nữ đầy lòng thương xót, Mẹ muốn nâng đỡ nhu cầu của những người khác, cho nên Mẹ đã nói với Đức Giêsu “họ hết rượu rồi.”
2) Kế đến, chúng ta hãy nhìn sự kính trọng của Đức Maria đối với Đức Kitô. Do lòng tôn kính chúng ta dành cho Thiên Chúa, cho nên chúng ta chỉ cần trình bày cho Ngài những nhu cầu của chúng ta, giống như vịnh gia đã thưa: “Lạy Chúa, ước vọng của con, Chúa đều thấu tỏ, tiếng con than thở, làm sao Chúa chẳng tường!” (Tv 37,10). Nhưng Thiên Chúa đến trợ giúp chúng ta như thế nào thì điều này nằm ngoài tầm suy tính của chúng ta, như thánh Phaolô đã viết trong thư Rôma: “Chúng ta không biết phải cầu xin thế nào cho phải” (Rm 8,26). Vì vậy, Đức Maria chỉ đơn giản đề cập đến nhu cầu của những người khác và nói: “Họ hết rượu rồi.”
3) Thứ ba, chúng ta hãy quan sát sự cẩn trọng và tinh tế của Đức Trinh Nữ Maria. Mẹ không đợi đến khi họ rơi vào cảnh bế tắc, nhưng “khi thấy thiếu rượu”, nghĩa là sắp cạn. Lối hành động như vậy cũng giống như Thiên Chúa, theo lời Thánh vịnh: “Chúa là thành che chở người bị áp bức, là thành che chở trong những lúc ngặt nghèo.” (Tv 9,10)
Nhưng tại sao cho đến lúc ấy Đức Maria đã không thúc giục Đức Giêsu làm phép lạ? Bởi vì Mẹ đã được Thiên sứ nói cho biết về quyền năng của Người. Những gì Mẹ thấy thực hiện chung quanh Người, và Mẹ hằng ghi nhớ những điều đó và suy đi nghĩ lại trong lòng, đã củng cố niềm tin ấy. Hơn nữa, cho đến lúc đó, Chúa Giêsu sinh sống như bao nhiêu người khác. Vì thế, dường như chưa có cơ hội thuận tiện cho nên Đức Maria đã rất thận trọng tránh không can thiệp. Nhưng bây giờ, sau chứng tá của ông Gioan Tẩy giả và sự hoán cải của các môn đệ, Mẹ đã tự tin thúc giục Đức Kitô làm phép lạ. Điều này cho thấy Thân Mẫu của Đức Kitô là hình ảnh của hội đường là thân mẫu của Đức Kitô, bởi vì đặc điểm của dân Do Thái là đòi hỏi những phép lạ, như thánh Phaolô viết: “Người Do Thái đòi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan.” (1 Cr 1,22)
(Chú giải Tin Mừng Gioan chương 2)