Ngày 7 tháng 1
THỨ TỰ TRONG VIỆC ĐỨC KITÔ TỎ HIỆN
1. Đức Kitô Giáng Sinh được cho các mục đồng biết đầu tiên, ngay ngày mà Người sinh hạ. Điều này được viết trong Tin Mừng Luca: “Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. Khi các thiên sứ từ biệt mấy người chăn chiên để về trời, những người này bảo nhau: ‘Nào chúng ta sang Bê-lem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết.’” (Lc 2,8.15)
2. Tiếp theo là các nhà chiêm tinh, những người đã đến thăm Đức Kitô vào ngày thứ 13 sau khi Hài Nhi sinh hạ. Đó là ngày lễ Hiển linh mà chúng ta kỷ niệm. Vì nếu họ đến sau một năm, thậm chí sau hai năm thì họ sẽ không gặp Hài Nhi ở Belem nữa, vì điều này đã được viết trong Tin Mừng Luca (2,29) rằng: “Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Nazarét, miền Galilê.”
3. Sau cùng việc Đức Kitô sinh ra được tỏ hiện trong Đền Thờ cho những người công chính bốn mươi ngày sau khi ra đời, như đã được viết trong Tin Mừng Luca 2,22
Lý do của thứ tự như thế này.
Các mục đồng tượng trưng cho các Tông Đồ và những người Do Thái khác có lòng tin, là những người đầu riên được mặc khải đức tin vào Đức Kitô đầu tiên. Trong số những người ấy không có nhiều người quyền thế và quý tộc, như thánh Phaolô đã viết (1 Cr 1,26).
Kế đến, đức tin vào Đức Kitô đến với đám đông Dân ngoại, được tượng trưng nơi các nhà chiêm tinh.
Sau cùng, đức tin vào Đức Kitô đạt tới đám đông Do thái, được tượng trưng nơi những người công chính. Đó cũng là lý do vì sao Đức Kitô được tỏ lộ trong Đền Thờ của người Do Thái.
Việc tỏ lộ sự sinh hạ của Đức Kitô ra như là một kiểu tiên báo về toàn bộ sự mặc khải hoàn hảo sẽ đến. Thế mà vào lúc tỏ hiện lần thứ hai ân sủng của Đức Kitô được loan báo bởi chính Người và các Tông Đồ, trước tiên dành cho người Do Thái rồi đến cho Dân Ngoại. Bởi thế, những người đầu tiên đến với Đức Kitô là các mục đồng, có thể coi như là hoa quả đầu mùa của người Do Thái vì họ ở gần Người; sau đó là những nhà chiêm tinh từ phương xa, được thánh Augustinô coi là “hoa quả đầu mùa của Dân ngoại.”
Thánh Augustinô nói trong bài giảng lễ Hiển Linh: “Các mục đồng là người Israel, các nhà chiêm tinh là Dân ngoại. Những người đến trước là những người gần Đức Kitô, những người đến sau là những người ở xa. Họ đều là những người cùng nhau mau chóng đến với Đức Kitô như đến với đá tảng” vì “trong Đức Kitô, không còn đàn ông hay đàn bà, Dân ngoại hay Do Thái, nô lệ hay tự do, nhưng Đức Kitô là tất cả và ở trong tất cả.”
(ST III, q. 36, a. 6 và a.3 ad 1m)