TÔI TIN HẰNG SỐNG VẬY. AMEN.
=========
Chúng ta đã đến mục cuối cùng của tín biểu các thánh tông đồ. Xin đưa ra vài ghi chú về bản dịch kinh Tin kính và về bài huấn giáo của thánh Tôma.
1/ Bản dịch kinh Tin kính
– Trong tiếng Việt, lời tuyên xưng được dịch là “tôi tin hằng sống vậy”. Như đã nói lần trước, trong nguyên bản latinh, động từ “tôi tin” chỉ được nói một lần ở đầu phần thứ ba (tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần) chứ không lặp lại nữa, ra như muốn cho thấy rằng tất cả phần thứ ba đều quy về Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống, sự sống thiêng liêng (ơn thánh hóa) cũng như sự sống toàn diện cho con người (sự sống của thân xác và sự sống vĩnh cửu).
– (Tôi tin) “hằng sống vậy”: theo nguyên bản là vita aeterna, và có thể dịch là : “sự sống vĩnh cửu / sự sống bất tận / sự sống đời đời”. Tín biểu Constantinopolis phát biểu là “vita venturi saeculi”: “sự sống của thế giới tương lai”.
2/ Huấn giáo của thánh Tôma
Bài huấn giáo được chia làm hai phần không đều nhau. Trong phần thứ nhất, tác giả giải thích bốn khía cạnh của “đời sống vĩnh cửu”. Phụng vụ Giờ kinh đã trích nhiều đoạn để đọc trong Kinh Sách ngày Thứ Bảy tuần XXXIII mùa Thường niên. Phần thứ hai ngắn hơn, nói đến bốn khía cạnh của “sự chết đời đời”. Ngôn ngữ của thánh Toma dừng lại ở những chân lý căn bản dựa trên Kinh thánh, chứ không đi vào những sự mô tả tượng hình như các tác giả đương thời. Riêng về hình phạt trong hỏa ngục, thần học kinh viện phân biệt hai thứ hình khổ: a) hình phạt đọa đầy (poena damni), nghĩa là phải xa cách Thiên Chúa; b) hình phạt giác quan (poena sensus). Hai hình khổ này tương ứng với hai khía cạnh của tội lỗi: khi phạm tội, con người quay lưng với Thiên Chúa và quay về với thụ tạo; hình phạt “đọa đày” là hệ luận của việc chối bỏ Thiên Chúa, hình phạt “giác quan” là hệ luận của việc bám vào thụ tạo, mà bây giờ chúng trở lại làm khổ ta. Tâm thức bình dân hình dung đủ thứ hình khổ cho hình phạt thứ hai, nhưng theo quan điểm thần học, hình phạt thứ nhất mới thật là cực khổ (x. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo số 1035).
Mục 12. “Sự sống hằng cửu”
Thật thích hợp để kinh tín biểu, gói ghém những chân lý phải tin, kết thúc với lời tuyên xưng “sự sống hằng cửu”, bởi vì sự sống hằng cửu cũng là cùng đích của tất cả những khát vọng của chúng ta. Chống lại niềm tin này là ý kiến của những người cho rằng linh hồn sẽ bị hủy diệt cùng với thân xác. Nếu thực sự đúng như vậy thì tình trạng của con người cũng chỉ giống như loài vật mà thôi. Những ai không tin vào sự tồn tại của linh hồn thì có thể áp dụng lời như thánh vịnh: “Dù sống trong danh vọng, con người cũng không hiểu biết gì; thật nó chẳng khác chi con vật một ngày kia phải chết” (Tv 48,21).
Thực ra, linh hồn con người mang tính bất tử giống như Thiên Chúa, và chỉ những quan năng khả giác mới giống với động vật mà thoi. Vì thế, ai chủ trương rằng linh hồn chết với thân xác thì sẽ khác xa Thiên Chúa và trở nên giống với thú vật. Họ thuộc vào số những người mà Sách Khôn ngoan (2,22-23) đã viết: “Chúng không biết những bí nhiệm của Thiên Chúa, chẳng trông chờ người thánh thiện sẽ được thưởng công, cũng không tin kẻ tinh tuyền sẽ được ân thưởng. Quả thế, Thiên Chúa đã sáng tạo con người cho họ được trường tồn bất diệt. Họ được Người dựng nên làm hình ảnh của bản tính Người”.
I. Sự sống vĩnh cửu
Trước hết chúng ta xét xem sự sống vĩnh cửu là như thế nào
1/ Thứ nhất, sự sống đời đời hệ ở chỗ con người được hiệp nhất với Thiên Chúa. Chính Ngài là phần thưởng và là cùng đích cho mọi lao nhọc của chúng ta, như Ngài đã nói với ông Abraham: “Ta là Thiên Chúa, là kẻ che chở ngươi, và phần thưởng của ngươi sẽ rất lớn” (St 15,1). Sự hiệp nhất của con người hệ tại ở cái nhìn hoàn hảo[1], như thánh Tông đồ đã viết: “Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được nhìn thấy Chúa mặt giáp mặt” (1Cr 13,12). Sự hiệp nhất cũng hệ tại ở lời chúc tụng tuyệt vời nhất mà con người có thể dâng lên Thiên Chúa. Thánh Augustinô viết trong sách “Thành đô Thiên Chúa” (quyển 22) rằng chúng ta sẽ thấy, sẽ mến và sẽ chúc tụng[2]; và điều tiên tri Isaia viết về Sion cũng có thể áp dụng cho cuộc sống trên trời: “Nơi ấy sẽ vang tiếng reo mừng hoan hỷ, vang lời cảm tạ và khúc vịnh ca” (Is 51,3).
2/ Thứ hai, sự sống đời đời hệ tại sự thỏa mãn hoàn toàn mọi khát vọng của con người: ở trên trời, mỗi phúc nhân sẽ sở hữu tràn đầy những gì mà họ hy vọng và khao khát ở dưới thế này. Lý do là vì trong cuộc sống này không một ai có thể thỏa mãn những khát khao của họ; cũng chẳng thụ tạo nào có thể lấp đầy lòng khao khát của con người. Chỉ duy có Thiên Chúa mới làm thỏa mãn và vượt quá những khát vọng vô biên của con người. Do đó, con người chỉ gặp thấy an nghỉ nơi Thiên Chúa mà thôi, như thánh Augustinô đã nói: Ngài đã dựng nên chúng con cho Ngài, lạy Chúa, và lòng chúng con thổn thức cho đến khi yên nghỉ trong Ngài” (Tuyên xưng I,1). Vì các phúc nhân ở quê trời sẽ được sở hữu Thiên Chúa cách hoàn hảo, cho nên những khát khao của họ sẽ được lấp đầy và vinh quang của họ sẽ vượt quá các niềm trông mong. Chúa đã nói: “Hãy bước vào mà hưởng niềm vui của chủ” (Mt 25,21). Thánh Augustinô giải thích lời ấy như sau: “Niềm vui trọn vẹn sẽ không bước vào những người hoan hỉ, nhưng tất cả những ai hoan hỉ sẽ bước vào niềm vui”[3]. Điều này khiến cho vịnh gia thốt lên: “con sẽ thỏa mãn chiêm ngưỡng vinh quang Ngài” (Tv 16,15) và: “Chúa ban cho đời ngươi chứa chan hạnh phúc” (Tv 102,5).
Trong cuộc sống vĩnh cửu, bất cứ điều gì mang lại hoan lạc thì hoàn toàn đem lại hoan lạc và là thứ hoan lạc dư tràn. Do đó, nếu người ta thèm khát hoan lạc, thì sẽ nếm được hoan lạc cao siêu nhất, bởi vì đó là thứ hoan lạc phát xuất từ Sự Thiện Tối cao nhất là chính Thiên Chúa. Sách Gióp viết rằng: Bấy giờ anh sẽ lấy Đấng Toàn Năng làm nguồn hoan lạc” (G 22,26); và lời của thánh vịnh : “Ở bên Ngài hoan lạc chẳng hề vơi” (Tv 15,10). Cũng vậy, nếu người ta khao khát danh dự thì sẽ được hết mọi danh dự. Thực vậy, khi còn là dân thì người ta mong được làm vua, và nếu là giáo sĩ thì mong được làm giám mục. Trong cõi sống vĩnh cửu, người ta sẽ được cả hai danh dự ấy: “Ngài cũng làm cho chúng con trở thành những vua chúa và tư tế cho Thiên Chúa chúng con” (Kh 5,10). Và trong sách Khôn ngoan, có lời viết về những người công chính rằng sau khi chết: “ họ được kể là con cái Thiên Chúa” (Kn 5,5). Nếu điều mong muốn là kiến thức, thì người ta sẽ được kiến thức hoàn hảo nhất, bởi vì trong cuộc sống vĩnh cửu chúng ta sẽ hiểu biết bản chất của mọi vật và hết mọi chân lý, cũng như bất cứ điều gì chúng ta muốn biết thì chúng ta sẽ được biết. Bất cứ điều gì chúng ta muốn sở hữu thì chúng ta sẽ được cùng với sự sống vĩnh cửu: “Bấy giờ, cùng với Đức Khôn Ngoan, mọi sự tốt lành sẽ đến với tôi” (Kn 7,11), và: “Chính nhân mong ước gì, ắt sẽ được ban cho” (Cn 10,24).
3/ Thứ ba, cuộc sống vĩnh cửu hệ tại sự an toàn hoàn hảo nhất. Thật vậy, trên đời này, không có sự an toàn hoàn hảo, xét vì người ta càng có nhiều của cải và càng có nhiều danh dự thì lại càng thêm lo sợ và lại càng thêm nhiều tham vọng.
Nhưng trong cuộc sống vĩnh cửu, thì sẽ không còn lo âu, không còn vất vả, sợ hãi. Điều mà sách Châm ngôn (1,33) nói về kẻ biết lắng nghe đức Khôn ngoan rằng họ sẽ nghỉ ngơi an toàn và hưởng dư dật mọi của cải mà không lo sợ điều dữ thì sẽ được áp dụng cho mỗi phúc nhân.
4/ Cuối cùng, sự sống đời đời hệ tại hợp đoàn hoan hỉ cũng toàn thể các thánh. Thật vậy, mỗi phúc nhân sẽ cùng với các phúc nhân khác chiếm hữu tất cả mọi điều thiện hảo, bởi vì mỗi người đều yêu mến các phúc nhân như chính mình, vì thế họ sẽ hân hoan về điều thiện của những người khác như là của chính mình. Như thế, niềm vui nỗi mừng của tất cả mọi người đều gia tăng do niềm vui nỗi mừng của mỗi một người. Hỡi Sion, thật vui mừng biết mấy bởi vì tất cả đều cư ngụ trong ngươi (Tv 86,7).
II. Những kẻ ác
Các thánh nhân sẽ tận hưởng tất cả những điều vừa nói trên trong quê hương thiên quốc, và còn sở hữu nhiều điều khác nữa không thể tả được. Ngược lại, kẻ gian ác sẽ phải chìm trong cái chết vĩnh viễn, và họ sẽ chịu hình phạt đau đớn khổ cực, không thua gì niềm vui và vinh quang của người lành.
Có bốn nguyên nhân làm tăng thêm hình khổ của kẻ ác.
1/ Thứ nhất, họ phải xa cách Thiên Chúa và những người lành. Sự xa cách này tạo nên hình phạt “đọa đày”, tương ứng với việc họ từ bỏ Thiên Chúa. Đây là một hình phạt nặng nề hơn là hình phạt “giác quan”. Chúa đã nói về tên đầy tớ vô dụng rằng: Hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài” (Mt 25,30). Trong cuộc sống ấy, những kẻ ác sống trong bóng tối bên trong là tội lỗi, lại còn thêm bóng tối bên ngoài nữa.
2/ Thứ hai, hình khổ của kẻ ác sẽ tăng thêm bởi sự cắn rứt trong lương tâm. Người ta có thể áp dụng cho họ câu thánh vịnh: “Này đây Ta khiển trách, những tội kia, Ta vạch rõ ngươi xem” (Tv 49,21). Sách Khôn ngoan mô tả thân phận những kẻ bị luận phạt như là “những kẻ rên siết đau đớn cả tâm can” (Kn 5,3). Tuy nhiên, những sự thống hối và rên rỉ của họ sẽ chẳng có ích gì, bởi vì nó không xuất phát từ việc ghét bỏ điều xấu mà do sự đau khổ vì hình phạt.
3/ Thứ ba, hình phạt của những kẻ ác còn tăng thêm bởi các cực hình giác quan, đó là ngọn lửa hỏa ngục hành hạ linh hồn và cơ thể, và, theo như các giáo phụ, nó là hình khổ kinh khủng nhất trong các hình khổ thể xác. Họ ở trong tình trạng giống như kẻ hấp hối, nhưng chẳng bao giờ chết được. Vì thế, hình phạt này được gọi là sự chết đời đời, bởi vì cũng như kẻ hấp hối phải chịu khổ cực trăm bề thế nào, thì những kẻ ở trong hỏa ngục cũng như vậy. Vịnh gia đã nói: “Như đoàn vật nhốt trong âm phủ, chính tử thần canh giữ chăn nuôi” (Ps 48,15).
4/ Thứ tư, hình phạt của kẻ ác còn bị gia tăng bởi vì họ không được hy vọng sẽ được giải thoát khỏi cực hình. Thật vậy, giả như họ nuôi dưỡng chút niềm hy vọng thì hình phạt của họ sẽ được giảm đi phần nào; nhưng bởi vì tất cả mọi niềm hy vọng đã bị dập tắt, cho nên những đau khổ trở thành dữ dằn kinh khủng. Như tiên tri Isaia (66,24) đã nói: “Thân sâu bọ sẽ không phải chết, và lửa của họ sẽ không được dập tắt”.
Như vậy đã rõ sự khác biệt giữa những việc làm tốt và những việc làm xấu. Những việc tốt sẽ dẫn đến sự sống, những việc xấu sẽ kéo chúng ta đến cái chết. Vì thế, con người nên thường xuyên nhớ lại những chân lý này, vì chúng sẽ khích lệ người ta làm điều tốt và tránh điều xấu. Chính vì muốn cho chân lý này được khắc sâu trong tâm khảm chúng ta, nên kinh Tin kính đã kết thúc với lời: “Tôi xin sự sống vĩnh cửu”.
Nguyện xin Đức Giêsu Kitô là Chúa chúng ta, là Thiên Chúa đáng chúc tụng muôn đời, dẫn đưa chúng ta đến sự sống vĩnh cửu. Amen.
———————–
[1] “Nhìn ngắm Thiên Chúa” (Deum videre), từ đó có thành ngữ “phúc kiến” (visio beatifica)
[2] “Videbimus, laudabimus, amabimus” De civitate Dei, l.XXII.
[3] “totum gaudium non intrabit in gaudentes, sed toti gaudentes intrabunt in gaudium”