Suy niệm với Thánh Tôma Aquinô – Mùa Chay 13

0
229

(TÔI TIN) CÁC THÁNH THÔNG CÔNG. TÔI TIN PHÉP THA TỘI

=========

Thánh Tôma ghép lời tuyên xưng “các thánh thông công” với “tôi tin phép tha tội”, còn Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo thì gắn mệnh đề “các thánh thông công” với lời tuyên xưng về Hội thánh “thánh thiện và phổ quát”. Các tín biểu cổ điển không đồng nhất về điểm này: có nơi coi “thông công” và “tha tội” nối dài sự “thánh thiện” của Hội thánh, có nơi thì tách ra làm ba mệnh đề riêng biệt (thánh thiện / thông công / tha tội). Vì thế việc giải thích ý nghĩa của mỗi mệnh đề cũng tùy thuộc vào mạch văn tổng quát ấy.

Communio sanctorum. Bản dịch tiếng Việt “các thánh thông công” không rõ nghĩa cho lắm. Thực ra nguyên bản Latinh có thể giải thích theo ba nghĩa: a) hiệp thông trong những sự thánh, nghĩa là trong các bí tích; b) hiệp thông giữa những người thánh, nghĩa là sự liên kết giữa các tín hữu với các thánh trên trời và các linh hồn đang cần được thanh luyện (theo nghĩa này Giáo hội không chỉ giới hạn vào các tín hữu ở trần thế); c) cộng đoàn họp bởi các thánh nhân (nghĩa này quảng diễn ý tưởng của mục trước: Giáo hội thánh thiện, mặc dù bao gồm nhiều người tội lỗi). Dù sao chúng ta đừng nên quên rằng trong Tân ước, tất cả các Kitô hữu đều được gọi là “thánh” bởi vì họ đã được thanh tẩy nhờ máu Đức Kitô và nhờ ơn Chúa Thánh Thần.

Remissio peccatorum. Trong những tín biểu cổ điển, mệnh đề này (ơn tha thứ tội lỗi) chỉ muốn lên một hiệu quả của việc gia nhập Hội thánh. Về sau, mệnh đề này được tách rời và gắn với hiệu quả của bí tích rửa tội. Bản dịch tiếng Việt “tôi tin phép tha tội” có thể gây hiểu lầm là bí tích thứ bốn (bí tích thống hối); tín biểu Constantinopolis nói rõ hơn “tôi tin có một phép rửa để tha tội”.

Thiết tưởng nên dịch lại là “(Tôi tin) sự hiệp thông trong Hội thánh; ơn tha tội”. Dù sao, trong bài này, thánh Tôma đi theo một hướng rất độc đáo.  Khởi đi từ ý niệm “thông phần” giữa các chi thể trong thân thể, tác giả đi đến sự thông chia các ơn huệ cứu chuộc của Đức Kitô là Đầu cho toàn thân thể nhờ các bí tích. Từ đó, thánh nhân giải thích tất cả bảy bí tích của Hội thánh. Sự cần thiết của các bí tích được nêu bật qua việc đối chiếu với đời sống tự nhiên: con người cần phải sinh ra, bổ sức, ăn uống, chữa lành khi đau ốm bệnh tật. Tất cả các bí tích ấy đều mang lại ơn tha thứ tội lỗi. Sau cùng, sự “thông hiệp” còn được nhìn dưới việc chia sẻ vào những điều tốt lành mà những người yêu nhau để chung với nhau.

                                                                ————

MỤC 10. “Các thánh thông công, Ơn tha tội”

Trong thân thể tự nhiên, hoạt động của một cơ thể giúp ích cho toàn thân thể thế nào, thì ở trong thân thể thiêng liêng là Giáo hội cũng vậy. Bởi vì tất cả các tín hữu họp thành một thân thể, cho nên  việc tốt của một người này sẽ được thông chia cho người khác. Thánh Phaolô viết cho các tín hữu Rôma (12,5): “Tất cả chúng ta đều là những cơ thể của nhau. Vì thế trong các mục của Tín biểu mà các thánh tông đồ đã truyền lại, có câu “sự hiệp thông các thánh”.  Giữa các cơ thể của Hội thánh, thì cơ thể chính yếu là Đức Kitô bởi vì Người là Đầu: “Thiên Chúa đã đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh, là thân thể Người” (Ep 1,22). Vì vậy những điều tốt lành của Người được chuyển thông cho tất cả mọi tín hữu, giống như sức mạnh và năng lực của đầu được chuyển thông cho tất cả mọi cơ thể.

Sự chuyển thông này được thực hiện nhờ các Bí tích của Hội thánh, trong đó quyền năng cuộc khổ nạn của Đức Kitô được chuyển thông để ban ân sủng tha thứ các tội lỗi. Các Bí tích của Hội thánh thì gồm có bảy.

1. Thứ nhất là bí tích Thánh tẩy, đem lại sự tái sinh thiêng liêng. Cũng như con người không thể có đời sống thể xác nếu không được sinh ra theo thể xác, thì con người cũng không thể có đời sống thiêng liêng, tức là đời sống ân sủng, nếu không được tái sinh về mặt thiêng liêng. Sự tái sinh này là nhờ bí tích thánh tẩy. Thật vậy, Chúa Giêsu đã nói với ông Nicôđêmô : “Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí” (Ga 3,5). Cần phải biết rằng, cũng như con người chỉ có thể được sinh một lần thì cũng chỉ lãnh bí tích Thánh Tẩy một lần mà thôi. Do đó, các Giáo phụ đã nói thêm rằng: “Tôi tin chỉ có một phép rửa”. Công hiệu của phép Rửa ở chỗ là nó tẩy sạch khỏi mọi tội xét về lỗi phạm cũng như xét về hình phạt[1]. Vì thế, những người lãnh bí tích thánh tẩy không buộc phải  làm việc đền tội, dù họ đã phạm tội nặng nề đến đâu đi nữa; và nếu họ chết liền sau khi được rửa tội thì họ được vào đời sống vĩnh cửu ngay lập tức. Cũng vì lý do ấy cho nên mặc dù việc rửa tội là một nhiệm vụ của các linh mục, nhưng trong trường hợp cần thiết, bất cứ ai cũng có thể rửa tội miễn sao tuân giữ mô thức của bí tích là : “Tôi rửa anh nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Công hiệu của Bí tích này bắt nguồn từ cuộc khổ nạn của Đức Ki-tô. Thánh Tông đồ viết: “Khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người” (Rm 6,3). Do đó, cũng như Đức Kitô đã ở trong mồ ba ngày, thì người ta cũng  dìm trong nước ba lần[2].

2. Bí tích thứ hai là Thêm sức. Như trẻ sơ sinh cần sức mạnh để hoạt động thì con người được tái sinh về đời sống thiêng liêng cũng cần t sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Vì vậy để có thể trở nên vững mạnh, các Tông đồ đã nhận được Chúa Thánh Thần sau khi Đức Ki-tô lên trời, như Người đã nói với họ: “Hãy ở lại trong thành Giêrusalem, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống” (Lc 24,49). Sức mạnh này được trao ban trong Bí tích Thêm sức. Do vậy, những ai coi sóc các thiếu nhi phải quan tâm để cho chúng được lãnh bí tích Thêm sức, bởi vì bí tích này mang lại một ân sủng lớn lao. Vì vậy khi chết, kẻ được thêm sức sẽ hưởng vinh quang lớn hơn kẻ chưa được thêm sức, nhờ ân sủng dồi dào mà họ đã  lãnh nhận.

3. Bí tích thứ ba là Thánh The. Trong đời sống của thể xác, sau khi con người được sinh ra và có sức mạnh, thì cần thức ăn để duy trì và tăng cường sự sống. Đời sống thiêng liêng cũng thế: sau khi nhận được sức mạnh, con người cần thức ăn tinh thần là Thân Thể Đức Ki-tô, như Người đã nói: “Nếu các ông không ăn thịt của Con Người thì các ông sẽ không có sự sống” (Ga 6,54). Do đó, theo luật buộc của Giáo hội, mỗi Kitô hữu phải rước Mình Thánh Chúa ít là một năm một lần, theo cách thức xứng đáng và với lương tâm trong sạch, như thánh Tông đồ đã dặn: Ai ăn và uống Mình và Máu Chúa cách bất xứng (nghĩa là kẻ rước lễ khi có ý thức mình mắc tội trọng mà không xưng tội hoặc không dốc quyết sẽ chừa) là ăn và uống án phạt mình” (1Cr 11,29).

4. Bí tích thứ bốn là Sám hối. Trong đời sống thể lý, nếu ai bị bệnh mà không dùng thuốc thang thích hợp thì sẽ chết. Trong đời sống thiêng liêng, con người bị bệnh do tội lỗi, vì thế cần thuốc để hồi phục sức khỏe. Thuốc ấy là ân sủng được ban nhờ bí tích Sám hối. Vịnh gia đã nói: “Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi, thương chữa lành các bệnh tật ngươi” (Tv 103,3). Trong Bí tích Thống hối có ba việc mà hối nhân phải làm: a) thành thật sám hối, nghĩa là đau buồn về tội lỗi mình cũng như quyết tâm không tái phạm; b) xưng thú hết các tội lỗi; c) đền tội bằng các việc lành.

5. Bí tích thứ năm là Xức dầu bệnh nhân. Trong cuộc sống trên đời, có nhiều trở ngại khiến cho con người không thể thanh luyện hoàn hảo khỏi các tội lỗi.Thế mà vì không ai có thể bước vào cuộc sống vĩnh cửu nếu không được tẩy sạch khỏi tội lỗi, do vậy cần có một Bí tích khác để thanh luyện con người hoàn toàn khỏi các tội lỗi, giải thoát họ khỏi bệnh tật và chuẩn bị tiến vào nước trời. Đó là Bí tích Xức dầu bệnh nhân. Bí tích này không luôn luôn giúp hồi phục sức khỏe thể lý, bởi vì sức khỏe thể xác không lúc nào cũng có lợi cho ơn cứu độ linh hồn. Đây là giáo huấn của thánh Giacôbê về bí tích này: “Ai trong anh em đau yếu ư ? Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội thánh đến ; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa. Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh ; người ấy được Chúa nâng dậy, và nếu người ấy đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha” (Gc 5,14-15).

6. Như thế đã rõ là chúng ta lãnh nhận được sung mãn đời sống ân sủng nhờ năm bí tích vừa kể. Tuy nhiên, các bí tích ấy cần được trao ban bởi những thừa tác viên, vì thế cần phải thiết lập Bí tích truyền chức thánh, nhờ đó các Bí tích được phân phát. Chẳng cần phải xét đến đời sống riêng của các thừa tác viên nếu đôi khi họ sa ngã phạm tội, nhưng hãy suy xét quyền năng của Đức Kitô là nguồn gốc mang lại công hiệu các bí tích; còn các thừa tác viên này chỉ là những người phân phát mà thôi. Thánh Tông đồ viết rằng: “Chớ gì thiên hạ coi chúng tôi như những thừa tác viên của Đức Ki-tô, những người phân phát các mầu nhiệm của Thiên Chúa” (1Cr 4,1). Đó là Bí tích thứ sáu.

7. Bí tích thứ bảy là Hôn phối, trong đó nếu người ta sống với lòng thanh sạch thì họ sẽ được cứu độ và họ có thể sống mà không phạm tội trọng. Đôi lúc, các cặp vợ chồng rơi vào tội nhẹ khi tình dục của họ không vượt quá những thiện hảo của hôn nhân[3]; nhưng nếu như họ vượt quá thì sẽ mắc tội trọng.

Qua bảy Bí tích này chúng ta đón nhận ơn tha thứ tội lỗi. Vì thế trong tín biểu các thánh tông đồ, sau lời tuyên xưng “tôi tin sự hiệp thông trong Hội thánh”, chúng ta đọc tiếp “tôi tin ơn tha thứ tội lỗi”.  Các thánh tông đồ đã được trao quyền  tha tội. Vì vậy chúng ta phải tin rằng các thừa tác viên của Giáo hội có thẩm quyền tháo cởi và cầm buộc, mà họ nhận năng quyền này từ các Tông đồ và các Tông đồ đã nhận từ Đức Kitô. Trong Giáo hội, quyền tha thứ tội lỗi thì sung mãn và toàn diện, nhưng được hành sử tùy theo cấp bậc, nghĩa là lãnh nhận từ Đức thánh cha và trao lại cho các giám mục khác.

Cũng nên biết rằng không những hiệu năng của cuộc Vượt qua của Đức Kitô mà cả công trạn của cuộc sống của Người cũng được chuyển thông cho chúng ta. Ngoài ra, tất cả ai sống trong đức mến thì cũng thông hiệp vào tất cả những điều thiện hảo mà các thánh đã thực hiện, bởi vì tất cả những ai có đức mến thì đều trở nên một, dù họ sống ở đời này hoặc ở đời sau. Vịnh gia có nói:” Con làm bạn với mọi người kính sợ Chúa” (Tv 118,63). Do đó, ai sống trong trong đức mến thì thông phần với những điều thiện được thực hiện trên toàn thế giới, và nếu ai đã làm một điều thiện cho người nào đó thì người này được thông hưởng cách đặc biệt hơn. Thực vậy, một người có thể đền tội thay cho một người khác, như ta thấy sự kiện là nhiều dòng tu đã nhận vài người cho họ được thông dự vào những thiện ích thiêng liêng của mình. Do đó, nhờ sự hiệp thông, chúng ta nhận được hai điều thiện ích. Thứ nhất là tất cả mọi người đều được thông dự những công trạng của Đức Kitô; thứ hai là những điều tốt của người này có thể thông chia cho những người khác. Vì thế, những kẻ bị tuyệt thông, bởi vì họ tách lìa khỏi Giáo hội, cho nên họ không được thông phần vào bất cứ điều tốt nào được thực hiện trong Hội thánh. Đây là một sự mất mát lớn lao hơn bất cứ sự mất mát về của cải thế trần dù rất to tác đến. Ngoài ra họ còn mắc một nguy cơ khác nữa: sự thông hiệp vào những ân huệ thiêng liêng chắc chắn sẽ ngăn cản ma quỷ cám dỗ chúng ta; vì thế ma quỷ sẽ dễ dàng chinh phục những kẻ đã bị mất những lời chuyển cầu của Hội thánh.  Đó cũng là lý do vì sao trong Giáo hội sơ khai, khi một kẻ nào bị tuyệt thông thì lập tức ma quỷ đến hành hạ thân xác người ấy[4].

———————–

[1] Các nhà thần học phân biệt hai hậu quả của tội lỗi: a) lỗi phạm (culpa); b) hình phạt (poena). Lỗi phạm xét vì xúc phạm đến Thiên Chúa; hình phạt xét vì gây ra một sự rối loạn cần được sửa chữa. Xem: Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo số 1472.

[2] Xét theo lịch sử (Sách Traditio apostolica), thì ba lần dìm mình tương ứng với ba lần tuyên xưng đức tin vào Ba ngôi Thiên Chúa.

[3] Có ba điều thiện hảo (bona) của hôn nhán: a) con cái; b) chung thủy (duy nhất); c) bất khả phân lý. Xem Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo số 1643.

[4] Điều này liên tưởng đến 1Cr 5,5.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here