TÔI TIN KÍNH ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN
=========
Trong bài hôm nay, chúng ta sẽ theo dõi chú giải của thánh Tôma về mục thứ 8 “Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần”. Chúng tôi muốn giới thiệu sơ qua về bản văn kinh Tin kính và bản chú giải của thánh Tiến sĩ thiên thần.
A. Cấu trúc của kinh Tin kính
Trong Tín biểu các thánh tông đồ, sau phần thứ nhất (Mục 1) dành cho Chúa Cha là phần thứ hai (Mục 2-7) dành cho Chúa Con; các mục còn lại (Mục 8-12) xem ra rời rạc, bàn đến nhiều tín điều khác nhau. Thế nhưng các cuộc nghiên cứu trong thế kỷ XX cho thấy có một cấu trúc khá chặt chẽ trong phần thứ ba, bởi vì tất cả các mục đều quy về Chúa Thánh Thần.
Thật vậy, nhiều tín biểu cổ điển diễn tả đơn sơ như thế này: “Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần ở trong Hội thánh” (Credo in Spiritum Santum qui est in Ecclesia), hoặc kéo dài thêm “Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần ở trong Hội thánh để cho thân xác được sống lại”[1].
Trong cấu trúc hiện hành của tín biểu các thánh tông đồ, chúng ta có thể phân biệt phần thứ ba như thế này:
1) Trước hết là tuyên xưng thiên tính Đức Chúa Thánh Thần: ngài là Thần khí “thánh”, nguồn mạch sự thánh hóa các tín hữu.
2) Kế đến là ba công trình của Thánh Thần: a) Hội thánh; b) ơn tha tội; c) sự phục sinh thân xác.
B. Chú giải của Thánh Tôma
Để giải thích thiên tính của Thánh Thần, thánh Tôma phải quay sang tín biểu của công đồng Constinopolis (381) để tìm thấy những khẳng định về Ngài[2].
Chúng ta có thể phân biệt hai phần:
1) Tuyên xưng thiên tính của Thánh Thần qua 5 lời khẳng định. Dù sao, theo cách giải thích thần học Latinh, Thánh Thần được so sánh như là Tình yêu (tương như như Ngôi Hai được so sánh với lời).
2) Các hoa trái của Chúa Thánh Thần: cũng gồm 5 điểm.
Như vậy có một sự cân đối giữa hai phần.
—————–
“Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần”
I. Thánh Thần là Chúa
Như chúng ta đã nói, Lời của Thiên Chúa là Con Thiên Chúa, cũng tựa như lời của con người là một ý niệm của trí tuệ con người. Nhưng đôi khi lời của con người là một lời chết: điều này xảy ra khi con người nghĩ tới điều mình phải làm nhưng lại không có ý muốn thực hành; một cách tương tự như vậy, khi con người có đức tin nhưng lại không hành động thì người ta nói rằng đức tin người ấy đã chết, như lời thánh Giacôbê (2,17) đã nói: “Cũng như thân xác không có linh hồn thì chết, thì đức tin không có việc làm cũng chết”. Tuy nhiên, lời của Thiên Chúa thì sống động: Lời Thiên Chúa là lời sống động” (Dt 4,12). Do đó, trong Thiên Chúa tất nhiên có ước muốn và tình yêu. Thánh Âu-tinh đã nói: “Lời mà chúng ta định nói là một tri thức kèm theo tình yêu”[3]. Cũng như Lời của Thiên Chúa là Con Thiên Chúa thì Tình yêu của Thiên Chúa là Chúa Thánh Thần. Do đó, chúng ta sẽ có Chúa Thánh Thần khi chúng ta yêu mến Thiên Chúa. Thật vậy thánh Phaolô đã viết: “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào tâm hồn chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,5).
Vài người đã có những quan niệm sai lạc liên quan đến Chúa Thánh Thần. Chẳng hạn họ nói rằng Ngài chỉ là một thụ tạo và ở dưới Chúa Cha và Chúa Con, hoặc Ngài chỉ là tôi tớ của Thiên Chúa mà thôi. Do đó, để bài bác những sai lầm này, các Giáo phụ đã thêm vào (trong kinh Tin kính Constantinopolis) năm xác quyết liên quan đến Chúa Thánh Thần.
- Xác quyết thứ nhất: “Thánh Thần là Thiên Chúa”. Mặc dầu còn có những thần khí khác, tức là các thiên thần, nhưng các ngài là những kẻ phụng sự Thiên Chúa, như lời chép trong thư Híp-ri : “Các thiên thần là những thần khí chuyên lo phụng thờ Chúa sao?” (Hr 1,14). Còn Thánh Thần là Thiên Chúa. Chúa Giêsu nói với phụ nữ Samari: “Thiên Chúa là Thần Khí” (Ga 4,24); thánh Tông đồ viết cho các tín hữu Corintô rằng: “Thần khí là Chúa, và ở đâu có Thần Khí của Chúa, thì ở đó có tự do” (2Cr 3,17). Lý do là Thần khí thúc đẩy chúng ta yêu mến Thiên Chúa thay vì yêu mến thế gian. Do đó, kinh Tin kính tuyên xưng rằng: “Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần và Ngài là Thiên Chúa”.
- Xác quyết thứ hai: “và là Đấng ban sự sống”. Linh hồn có sự sống nếu kết hiệp với Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa là sự sống của linh hồn cũng như linh hồn đã sự sống của thân xác. Thánh Thần kết hiệp linh hồn với Thiên Chúa bằng tình yêu, bởi vì Thánh Thần là tình yêu của Thiên Chúa, và do đó Ngài trao ban sự sống. Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ rằng: “Thần khí mới làm cho sống” (Ga 6,63). Do vậy, kinh Tin kính tuyên xưng rằng: “Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống” (làm cho sống).
- Xác quyết thứ ba: “Thánh Thần phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con”. Điều này có nghĩa là Thánh Thần cùng một bản thể với Chúa Cha và Chúa Con; bởi vì cũng như Con là Lời của Chúa Cha, thì Thánh Thần là tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con, do đó Thánh Thần phát xuất từ cả hai; và cũng như Lời có cùng bản thể với Chúa Cha thì Tình yêu (Thánh Thần) cũng cùng bản thể với Chúa Cha và Chúa Con. Do đó, công đồng tuyên bố rằng: “Thánh Thần xuất phát từ Chúa Cha và Chúa Con”. Đó là chứng cớ hiển minh rằng Thánh Thần không phải là một thụ tạo.
- Xác quyết thứ tư: “Thánh Thần … cùng được phụng thờ và tôn vinh”. Điều này có nghĩa là chúng ta phải phụng thờ Thánh Thần cũng giống như Chúa Cha và Chúa Con. Quả vậy Chúa Giêsu nói với thiếu phụ Samari rằng: “Những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong Thần khí và trong Chân lý” (Ga 4,23). Trước khi lên trời, Chúa Giêsu tuyên bố “Hãy giảng dạy cho muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19). Do đó, công đồng tuyên bố trong tín biểu: “Người được phụng thờ cùng với Chúa Cha và Chúa Con”.
- Xác quyết thứ năm: “Người đã phán dạy nhờ các ngôn sứ”. Điều này muốn nói rằng Thánh Thần được ngang bằng với Thiên Chúa, bởi vì các ngôn sứ đã nói do Thiên Chúa thúc đẩy. Vì thế giả như Thánh Thần không phải là Thiên Chúa thì không thể nói rằng các ngôn sứ do Ngài thúc đẩy mà nói. Thánh Phêrô viết như sau: “Chính nhờ Thánh Thần thúc đẩy mà những con người của Chúa đã nói theo lệnh của Thiên Chúa” (2Pr 1,21). Cũng vậy, ngôn sứ Isaia tuyên bố : “Đức Chúa là Chúa Thượng cùng với Thần khí của Người ” (Is 48,16). Vì thế công đồng tuyên bố: “Chúa Thánh Thần đã phán dạy nhờ các ngôn sứ”.
Về điều này, có hai sai lầm bị kết án[4]. Thứ nhất, những người theo Manikê nói rằng Cựu ước không xuất phát bởi Thiên Chúa. Đây là một sai lầm bởi vì Chúa Thánh Thần đã nói qua các ngôn sứ. Thứ hai là sự sai lầm của những người theo Priscillianô và lạc giáo Montanô, bởi vì họ nghĩ rằng các ngôn sứ không nói bởi Chúa Thánh Thần nhưng là nói như những kẻ mất lý trí.
II. Những hoa trái Chúa Thánh Thần
Chúa Thánh Thần mang lại cho chúng ta nhiều hoa trái dồi dào.
(1) Người tẩy sạch chúng ta khỏi tội lỗi. Lý do là vì kẻ nào đã làm ra cái gì thì cũng lo tái tạo nó. Thế nhưng chính Thánh Thần đã tạo dựng linh hồn. Thật vậy Thiên Chúa đã nhờ Thánh Thần mà làm nên vạn vật, bởi lẽ vì yêu mến sự tốt lành của mình mà Thiên Chúa đã tạo nên mọi vật. Sách Khôn ngoan có viết: “Chúa đã yêu thương hết mọi vật, và Chúa không ghét bỏ những gì Chúa đã làm ra” (Kn 11,25). Do vậy, ông Dionysiô đã nói: “Tình yêu của Thiên Chúa không cho phép Người ở hiếm muộn”[5]. Do đó, thật là thích hợp để cho Thánh Thần tái tạo trái tim con người đã bị tội lỗi phá hủy. Vì thế, vịnh gia khẩn cầu rằng: “Xin hãy sai Thần khí của Ngài đến, và muôn vật sẽ được tạo thành, và Ngài sẽ canh tân bộ mặt trái đất” (Tv 103,30). Và chuyện Thánh Thần tẩy rửa thì chẳng có gì khác thường, bởi vì tất cả các tội lỗi đều bị xóa bỏ do tình yêu, theo như lời Chúa dạy: “Tội của chị rất nhiều nhưng đã được tha bởi vì chị đã yêu mến nhiều” (Lc 7,47). Sách Châm ngôn cũng nói tương tự như vậy: “Tình yêu phủ lấp mọi lỗi lầm” (Cn 10,12). Và thánh Phêrô cũng lặp lại: “Lòng yêu thương che phủ muôn vàn tội lỗi” (1Pr 4,8).
(2) Chúa Thánh Thần khai sáng cho lý trí, bởi vì tất cả những gì chúng ta biết là do Chúa Thánh Thần dạy dỗ, như lời Chúa Giêsu đã nói: Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần mà Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,26). Cũng vậy thánh Gioan cũng viết về Ngài: “Dầu của Người dạy dỗ anh em mọi sự” (1Ga 2,27).
(3) Người trợ giúp chúng ta và thúc đẩy chúng ta một cách nào đó hãy tuân giữ các điều răn. Thật vậy, không ai có thể giữ các điều răn nếu không yêu mến Thiên Chúa, như lời Chúa Giêsu đã nói: Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy” (Ga 14,23). Do đó, Chúa Thánh Thần thôi thúc chúng ta yêu mến Thiên Chúa, vì thế Ngài giúp đỡ chúng ta. Ngôn sứ Edêkiel đã viết: “Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt. Ta sẽ đặt Thần khí của Ta vào lòng các ngươi, Ta sẽ làm cho các ngươi đi theo thánh chỉ, tuân giữ các phán quyết của Ta và đem ra thi hành” (Ed 36,26-27).
(4) Chúa Thánh Thần củng cố nơi chúng ta niềm hy vọng vào sự sống vĩnh cửu, vì Ngài là bảo chứng phần gia nghiệp, theo như lời thánh Phaolô: Anh em được đóng ấn Thánh Thần, Đấng Thiên Chúa đã hứa. Thánh Thần là bảo chứng phần gia nghiệp của chúng ta” (Ep 1, 13-14). Ngài là sự bảo đảm cho sự sống đời đời của chúng ta. Lý do bởi vì sự sống đời đời thì xứng cho với con người xét rằng con người đã trở nên con cái Thiên Chúa; và sở dĩ được như vậy là nhờ trở nên giống Đức Kitô. Thế nhưng con người nên giống Đức Kitô là nhờ chiếm hữu Thần khí của Đức Kitô, tức là Thánh Thần. Thật vậy thánh Phaolô đã viết cho các tín hữu Rôma (8,15-16): “Anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên : “Ábba ! Cha ơi!” Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa”, và trong thư gửi Galát (4,6): “Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên : “Abba, Cha ơi!”” (Gl 4,6).
(5) Thánh Thần chỉ bảo cho chúng ta những gì chúng ta đang nghi ngờ và dạy cho chúng ta biết đâu là thánh ý Thiên Chúa. Chúa Giêsu nói: Ai có tai, thì hãy nghe điều Thần Khí nói với các Hội Thánh” (Kh 2,7). Và sách Isaia cũng đã viết: “Tôi lắng tai nghe Ngài một bậc Thầy” (Is 50,4).
———————
[1] P. NAUTIN, Je crois à l’Esprit Saint dans la Sainte Eglise pour la résurrection de la chair, Cerf, Paris 1947 Unam Sanctam 17).
[2] Xem Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo số 243. Nên lưu ý là bản kinh của công đồng Constantinopolis chỉ viết rằng “Thánh Thần xuất phát bởi Chúa Cha”. Về sau, các Giáo hội bên Tây đã thêm vào “và Chúa Con” (Filioque), gây ra sự chia rẽ với các Giáo hội bên Đông (x. số 246-248).
[4] Thật ra công đồng Constantinopolis phải đương đầu với nhiều lạc thuyết khác, trong đó phải kể đến nhóm Ariô và nhóm Maxêđôniô.
[5] De divinis nominibus IV, 20. Đây là tác phẩm của một tác giả vô danh, đội tên Đionysiô, một người đã trở lại sau khi nghe bài giảng của thánh Phaolô (x. Cv 17,34)