Suy niệm với Thánh Tôma Aquinô – Mùa Chay 10

0
289

CHÚA GIÊSU KITÔ SẼ ĐẾN PHÁN XÉT KẺ SỐNG VÀ KẺ CHẾT

=========

1. Hôm nay, chúng ta theo dõi sự giải thích của thánh Tôma về mục thứ bảy của kinh Tin kính: “Ngày sau (Người) bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết”. Mục này kết thúc những chân lý về Đức Giêsu Kitô (phần thứ hai của tín biểu): bắt đầu với việc tuyên xưng rằng Người là “Con Một của Chúa Cha” và là “Chủ tể của chúng ta”, tín biểu lần lượt liệt kê các hoạt động của Người với những động từ: “được xuống thai, được sinh ra, chịu nạn, chịu đóng đinh, chịu chết, chịu mai táng, sống lại, lên trời, ngự trị”, và hướng về cánh chung với việc “sẽ đến để phán xét”.

2. Nên ghi nhận vài từ ngữ.

– Về bản dịch tiếng Việt. Nếu muốn dịch sát thì phải nói rằng: (Người lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng), “từ nơi đó Người sẽ đến phán xét những người sống và những người chết”.

Trong bài này, hai động từ: “phán xét” hoặc “xét xử” đều đồng nghĩa. Tuy nhiên, theo nghĩa thông thường, “xét xử” gợi lên cho ta hình ảnh của một quan tòa (thẩm phán); còn trong Kinh thánh, “xét xử” là một hành vi cai quản. Vì vậy những nhà lãnh đạo của dân Israel sau thời ông Giosuê được gọi là các “pháp quan” (judges), và Nhóm Giờ kinh Phụng vụ dịch là các “thủ lãnh”.

3. Dựa theo khái nhiệm thông thường của “phán xét”, thánh Tôma sẽ suy nghĩ về ba điều liên quan đến sự xét xử: 1) chính sự xét xử; 2) nỗi sợ hãi gây ra trong tâm hồn chúng ta; 3) làm cách nào thắng vượt nỗi sợ hãi ấy.

———

 Mục 7 Ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết

Việc phán xét là vai trò chính của các vua chúa. Chúng ta đọc trong sách Châm ngôn: Đức vua ngự trên ngai xét xử, đưa mắt sàng lọc mọi xấu xa” (Cn 20,8). Như thế, bởi vì Đức Kitô đã lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa như là Chủ tể vạn vật cho nên rõ ràng nhiệm vụ của Người là xét xử. Chính vì vậy mà đức tin Công giáo tuyên xưng rằng “Người sẽ đến xét xử kẻ sống và kẻ chết”. Các thiên sứ cũng đã nói lúc Chúa lên trời: “Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời” (Cv 1,11).

Chúng ta sẽ xem xét ba yếu tố liên quan đến việc phán xét: (1) hình thức phán xét; (2) nỗi sợ gây ra cho chúng ta; (3) chúng ta phải chuẩn bị thế nào.

I. Hình thức phán xét

Liên quan đến hình thức phán xét, ba câu hỏi được đặt lên: ai xét xử? ai chịu xét xử? xét xử về điều gì?

A. Người xét xử là Đức Kitô

Người là Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán, để xét xử kẻ sống và kẻ chết” (Cv 10, 42). Chúng ta có thể giải thích “kẻ chết” ở đây là các tội nhân và “kẻ sống” là những người công chính; hay cũng có thể hiểu “kẻ sống” là những người đang sống vào thời điểm phán xét và “kẻ chết” là những người đã qua đời.

Đức Kitô là Thẩm phán (người xét xử) không chỉ vì Người là Thiên Chúa nhưng còn vì Người là con người. Có ba lý do:

1) Những người bị xét xử cần phải nhìn thấy Vị Thẩm phán. Tuy nhiên thần tính của Thiên Chúa thì quá tuyệt diệu đến nỗi không ai có thể nhìn thấy mà không ngây ngất; vì thế những kẻ bị luận phạt không được phép nhìn thấy Vị Thẩm phán thì cũng không được thưởng thức điều này. Vì lý do ấy  Đức Kitô cần xuất hiện trong hình dáng con người ngõ hầu mọi người có thể nhìn thấy. Thật vậy Đức Giêsu đã nói với người Do thái: “Chúa Cha đã ban cho Con quyền xét xử vì Người là Con Người” (Ga 5,27).

2) Thứ đến,  chức vụ xét xử muôn loài xứng đáng với Đức Ki-tô xét như là con người bởi vì trong tư cách là con người mà Đức Ki-tô đã bị xét xử cách bất công; do đó Thiên Chúa đã đặt Người làm kẻ xét xử toàn thể thế giới, như chúng ta đọc trong sách Gióp: “Vụ án của ông đã bị xét xử như là của một ác nhân; vì vậy ông sẽ nhận được xét xử công minh” (G 36,17).

3) Sau cùng, loài người sẽ không tuyệt vọng nếu họ được xét xử bởi một con người. Thật vậy loài người sẽ kinh hoàng khiếp vía nếu họ bị Thiên Chúa xét xử. Do đó sách Tin mừng nói: “Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người ngự trong đám mây mà đến” (Lc 21, 27).

B. Ai chịu xét xử?

Đức Kitô sẽ xét xử tất cả mọi người đã, đang và sẽ có, như thánh Tông đồ đã nói: “Tất cả chúng ta đều phải được đưa ra ánh sáng, trước toà Đức Kitô, để mỗi người lãnh nhận những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm, khi còn ở trong thân xác” (2 Cr 5,10).

Về những hạng người bị xét xử, thánh Grêgôriô nêu lên bốn sự khác biệt. Trước hết sự khác biệt giữa những người lành và những người dữ.

Kế đến, trong các người dữ có những người bị luận phạt mà không bị xét xử, đó là trường hợp những người không chịu tin, bởi vì hành vi của họ sẽ không phải xét xử như thánh Gio-an đã nói: Những kẻ không tin thì đã bị xét xử rồi” (Ga 3,18). Những người khác thì vừa bị xét xử vừa bị luận phạt; đó là những người đã tin nhưng lại chết trong tội trọng, theo như lời thánh Tông đồ: “Vì lương bổng mà tội lỗi trả cho người ta, là cái chết” (Rm 6,23). Thật vậy họ sẽ bị xét xử do đức tin mà họ đã lãnh nhận.

Đối với những người tốt cũng vậy, một số sẽ được cứu mà không phải xét xử; đó là những người có tinh thần khó nghèo vì yêu mến Chúa. Thay vì bị xét xử thì họ sẽ xét xử người khác, như Chúa đã dạy: Thầy bảo thật anh em: anh em là những người đã theo Thầy, thì đến thời tái sinh, khi Con Người ngự toà vinh hiển, anh em cũng sẽ được ngự trên mười hai toà mà xét xử mười hai chi tộc Israel” (Mt 19,28). Điều này không chỉ áp dụng cho các tông đồ mà thôi nhưng còn cho tất cả những ai có tinh thần nghèo khó, chẳng hạn như thánh Phaolô, một người đã nỗ lực hoạt động hơn các môn đệ khác mặc dù Người không ở trong số họ. Vì thế những lời này cũng nhắm đến những người đi theo các tông đồ và các môn đệ khác, như thánh Phaolô đã viết cho các tín hữu Corintô: “Nào anh em chẳng biết rằng chúng ta sẽ xét xử các thiên thần sao?” (1Cr 6,3). Và có lời trong sách Isaia rằng “Chúa sẽ đến xét xử xét xử cùng với hàng kỳ mục và những kẻ lãnh đạo dân Người” (Is 3,14).

Những người còn lại thì sẽ bị xét xử và sẽ được cứu. Đó là những người đã chết trong tình trạng công chính. Thật vậy tuy dù họ đã kết thúc cuộc đời này trong công chính, nhưng họ đã phạm vài sai lầm trong các công việc ở trần thế, do đó họ sẽ bị xét xử nhưng sẽ được cứu.

B. Xét xử về điều gì?

Người ta sẽ bị xét xử về tất cả những hành động tốt và xấu của mình. Sách Giảng viên viết: Bạn cứ chiều theo ước muốn của lòng mình đi, nhưng bạn hãy biết rằng: về tất cả những điều đó, Thiên Chúa sẽ gọi bạn ra xét xử” (Gv 11,9), và tác giả thêm rằng: “Vì Thiên Chúa sẽ đưa ra xét xử tất cả mọi hành vi, kể cả những điều tiềm ẩn, tốt cũng như xấu” (Gv 12,14). Thậm chí ngay cả những lời vô bổ cũng sẽ bị xét xử: “Tôi nói cho các người hay: đến Ngày phán xét, người ta sẽ phải trả lời về mọi điều vô ích mình đã nói” (Mt 12,36), cũng vậy các tư tưởng của chúng ta cũng bị xét xử : “Mưu đồ kẻ ác sẽ bị thẩm tra” (Kn 1,9). Như vậy, hình thức xét xử thì đã rõ ràng.

II. Nỗi sợ hãi mà sự phán xét gây ra cho ta

Chúng ta phải sợ sự phán xét vì bốn lý do:

1) Sự khôn ngoan của Vị Thẩm phán. Chúa biết tất cả tư tưởng, lời nói và việc làm của chúng ta, “tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Người” (Dt 4,13); “Thiên Chúa thấu suốt mọi đường lối của con người” (Cn 16,2). Ngài biết mọi lời nói của chúng ta: “Tai ghen nghe thấy mọi điều” (Kn 1,10). Tư tưởng của chúng ta Ngài cũng biết rõ: “Không gì nham hiểm và bất trị như lòng người, ai dò thấu được? Ta là Đức Chúa, Ta dò xét lòng người, thử thách mọi tâm can. Ta sẽ thưởng phạt ai nấy tuỳ theo cách nó sống và việc nó làm” (Gr 17,9-10). Lúc ấy sẽ có một kẻ làm chứng không thể sai lầm, đó là lương tâm của chính chúng ta, như thánh Phaolô đã viết cho các tín hữu Rôma: “Họ cho thấy là điều gì Luật đòi hỏi thì đã được ghi khắc trong lòng họ. Lương tâm họ cũng chứng thực điều đó, vì họ tự phán đoán trong lòng, khi thì cho mình là trái, khi thì cho mình là phải. Người ta sẽ thấy điều đó, trong ngày Thiên Chúa cho Đức Ki-tô Giê-su đến xét xử những gì bí ẩn nơi con người” (Rm 2,15-16).

2) Quyền năng của Đấng xét xử. Lý do thứ hai khiến chúng ta sợ hãi là vì Đấng xét xử là vị quyền năng: “Kìa Đức Chúa ngự lên trong quyền năng” (Is 40,10). Sự toàn năng của Ngài còn thể hiện theo cách khác nữa bởi vì vào lúc phán xét, tất cả vũ trụ sẽ đứng về phía Ngài, như sách Khôn ngoan nói: “Cả vũ hoàn cùng Người xuất trận, tấn công phường mê muội ngu si” (Kn 5,21). Do đó, ông Gióp đã nói: “Không ai có thể thoát khỏi cánh tay Ngài” (G 10,7). Tác giả thánh vịnh cũng nói: “ Con có lên trời, Chúa đang ngự đó,  nằm dưới âm ty, vẫn gặp thấy Ngài” (Tv 138,8).

3) Sự chí công vô tư của Vị Thẩm phán. Thật vậy, bây giờ là thời gian của lòng thương xót, nhưng lúc ấy chỉ là thời của công bình mà thôi. Vì vậy, hiện tại là giờ của chúng ta, còn lúc ấy là giờ của Thiên Chúa: “Vào thời Ta ấn định, Ta sẽ xử công minh” (Tv 74,3). Sách Châm ngôn cũng viết: “Vào ngày trả báo, lòng hăng say và cơn thịnh nộ của Người sẽ không mảy may thương xót; Người sẽ không nghe lời van xin của bất cứ ai, Người sẽ không nhận những quà cáp để xin chuộc lỗi những kẻ có tội” (Cn 6, 34-35).

4) Cơn thịnh nộ của Vị Thẩm phán.

Lý do thứ bốn khiến ta sợ hãi sự xét xử là cơn thịnh nộ của vị Thẩm phán. Người sẽ xuất hiện theo những cách thức khác nhau đối với người công chính và người xấu xa. Với người công chính, Người sẽ dịu dàng và nhân từ: “Bạn sẽ chiêm ngưỡng Đức Vua trong vẻ đẹp của Người” (Is 33,17). Những kẻ xấu xa, Người sẽ giận dữ và nghiêm khắc, khiến họ sẽ nói với núi non rằng: “Đổ xuống đè ta đi và che giấu ta cho khỏi cơn thịnh nộ của Con Chiên” (Kh 6,16). Khi Kinh thánh nói đến cơn thịnh nộ của Thiên Chúa thì không phải ám chỉ một cảm xúc của Ngài, nhưng chỉ muốn nói đến hậu quả của nó, tức là hình phạt đời đời giáng xuống trên những người tội lỗi.

III. Chúng ta phải chuẩn bị như thế nào

Chúng ta có bốn cách để vượt qua nỗi sợ hãi này.

  1. Cách thứ nhất là những việc làm tốt lành: “Bạn muốn khỏi phải sợ chính quyền ư? Hãy làm điều thiện, và bạn sẽ được họ khen ngợi” (Rm 13,3).
  2. Cách thứ hai là xưng thú và hoán cải về những tội ta đã phạm. Việc xưng thú và hoán cải đòi hỏi ba điều để xóa bỏ hình phạt đời đời, đó là: đau đớn khi nghĩ về chúng, xấu hổ khi xưng thú và nghiêm khắc khi làm việc đền tội.
  3. Cách thứ ba là thực hành việc bố thí để thanh tẩy mọi sự: “Hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu” (Lc 16,9).
  4. Cách thứ tư là đức ái, nghĩa là mến Chúa yêu người, vì “lòng yêu thương che phủ muôn vàn tội lỗi” (1Pr 4,8 và Cn 10,12).

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here