Suy niệm với Thánh Tôma Aquinô – Mùa Chay 08

0
271

ĐỨC KITÔ PHỤC SINH

=========

Như đã nói trong bài trước, chúng tôi chia mục thứ Năm gồm hai tiết: 1/ Chúa Giêsu xuống ngục tổ tông. 2/ Ngày thứ ba Người sống lại. Bài hôm nay tiếp tục tiết hai, về mầu nhiệm Phục sinh: “ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại”.

Trước hết, thánh Tôma bàn đến ý nghĩa mang tính mạc khải của sự phục sinh. Kế đó, thánh nhân nêu bật bốn khác biệt giữa sự phục sinh của Đức Kitô và những câu chuyện phục sinh được kể trong Tân ước. Sau cùng là những bài học về sự sống lại “thiêng liêng”, thoát khỏi cái chết của tội lỗi.

———-

I. ĐỨC KITÔ ĐÃ SỐNG LẠI TỪ CÕI CHẾT ĐỂ DẠY DỖ CHÚNG TA

Loài người chúng ta cần phải biết hai điều: đó là vinh quang Thiên Chúa và sự trừng phạt trong hỏa ngục. Thật vậy, nhờ được thu hút bởi vinh quang Thiên Chúa và khiếp sợ sự trừng phạt, con người biết cảnh giác và xa lánh. Nhưng con người khó mà biết được những điều ấy. Về vinh quang Thiên Chúa, sách Khôn Ngoan (9,13) có nói : “Những gì thuộc thượng giới, có ai dò thấu nổi hay chăng?”. Dĩ nhiên điều vừa nói thực sự là khó khăn đối với người phàm trần, bởi vì “kẻ từ đất mà ra thì thuộc về đất và nói những chuyện dưới đất” (Ga 3,31), nhưng đối với người thiêng liêng thì việc khám phá những điều trên trời thì không có gì khó, như thánh Gioan viết tiếp ở đoạn mới trưng dẫn: “Đấng từ trên cao mà đến thì ở trên mọi người”. Vì thế, chính vì muốn dạy chúng ta về những điều trên trời mà Thiên Chúa đã từ trời xuống thế và mặc lấy xác phàm.

Việc hiểu biết những hình phạt của hỏa ngục cũng là điều qúa khó đối với con người, bởi vì Sách Khôn ngoan (2,1) đã đặt những lời này trên miệng các ác nhân: “Chẳng ai biết được kẻ nào trở về từ cõi âm ty”. Nhưng hiện nay chúng ta không thể nói như vậy, bởi chưng cũng như Ngài đã từ trời xuống thế để dạy cho chúng ta những sự trên trời, thì cũng vậy, Ngài đã sống lại từ âm ty để dạy cho chúng ta về hỏa ngục. Do đó, chúng ta không chỉ phải tin rằng, Ngài đã trở nên con người và đã chết, nhưng chúng ta cũng còn phải tin rằng Ngài đã sống lại từ cõi chết. Và vì thế, Kinh Tin Kinh nối tiếp bằng những lời: Vào ngày thứ ba, Ngài đã sống lại từ trong kẻ chết.

II. SỰ PHỤC SINH CỦA ĐỨC KITÔ KHÁC VỚI VIỆC SỐNG LẠI CỦA NHỮNG NGƯỜI KHÁC

Trong Kinh thánh, chúng ta thấy những trường hợp người chết sống lại, chẳng hạn như  là Ladarô (Ga 11, 1-44), con trai của bà góa (Lc 7, 11-16), và con gái của ông trưởng hội đường (Mc 5, 35-43). Nhưng sự Phục sinh của Đức Kitô thì khác với sự sống lại của những người ấy và  của những người khác nói chung về bốn khía cạnh.

1. Khác nhau về nguyên nhân của sự sống lại

Thật vậy, những người khác đã sống lại không phải do bởi chính quyền năng của họ, nhưng do quyền năng của Đức Kitô hoặc nhờ lời cầu nguyện của một vị thánh nào đó; còn Đức Kitô đã sống lại do chính quyền năng của Ngài. Bởi vì Ngài không chỉ là con người mà Ngài còn là Thiên Chúa, và Thiên tính của Ngôi Lời không bao giờ tách rời khỏi linh hồn hoặc thể xác của Người. Vì thế, bất cứ khi nào Ngài muốn, thì thể xác của Ngài lại có thể lấy lại linh hồn, và linh hồn lại có thể lấy lại thể xác, như chính lời Ngài đã nói (Ga 10,18): “Tôi có quyền ban cấp và tôi có quyền lấy lại mạng sống của tôi”. Và mặc dù Ngài đã chết, nhưng đó không phải là do sự yếu đuối hoặc là điều tất yếu phải xảy ra, mà là do quyền năng của mình, bởi vì Ngài tự chọn cái chết. Điều này được chứng tỏ ở sự kiện là vào trước lúc trút hơi thở cuối cùng, Ngài đã kêu lên một tiếng lớn (Mt 27, 50), điều mà những người khác không thể làm vào lúc tắt thở, bởi vì họ chết do kiệt sức. Vì lý do này, viên đại đội trưởng kêu lên: “Quả thật ông này là Con Thiên Chúa” (Mt 27,34). Do đó, cũng như do chính quyền năng của mình mà Ngài đã trao phó mạng sống của mình, thì cũng do quyền năng của mình mà Ngài đã lấy lại mạng sống của mình. Vì lý do này, người ta nói rằng Ngài đã sống lại (sự sống lại như một công cuộc của mình), chứ không nói rằng Ngài đã được sống lại, ra như là một hoạt động của một người khác: “Tôi nằm xuống và tôi thiếp ngủ, rồi thức dậy, vì Chúa đỡ nâng tôi” (Tv 3,6). Điều này không trái ngược với những lời của thánh Phêrô nói với người Do thái (Cv 2,32): “Chính Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã làm cho chỗi dậy”, thật vậy Chúa Cha đã cho Chúa Con trỗi dậy và Chúa Con cũng chỗi dậy, bởi vì lẽ rằng Chúa Cha và Chúa Con cũng có cùng một quyền năng.

2. Khác nhau về cuộc sống mà mỗi người đạt tới sau khi sống lại

Thật vậy Đức Kitô đã sống lại vào trong một cuộc sống vinh quang và bất diệt, như thánh Tông đồ viết cho người Rôma (6,4): “Đức Kitô đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha”, trong khi những người khác chỉ sống lại vào trong một cuộc sống tương tự như họ đã từng sống trước đó, như trong trường hợp của Ladarô và những người khác.

3. Khác nhau về thành qủa và hiệu lực

Bởi vì nhờ cuộc Phục sinh của Đức Kitô, tất cả những người khác được sống lại như thánh Matthêu viết (27,52): “thân xác của nhiều vị thánh đã an nghỉ được trỗi dậy”, và thánh Phaolô tuyên bố với người Corintô (1 Cr 15,20) rằng: “Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu”. Và bạn hãy chú ý điều này: Đức Kitô đạt đến vinh quang bằng cuộc Thương khó của Ngài, như Ngài đã nói với các môn đệ tiến về Emmaus (Lc 24,26): “Nào Đức Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang sao?”, cốt để dạy chúng ta làm thế nào có thể đạt được vinh quang. Thánh Tông đồ dạy (Cv 14,21): “Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa”.

4. Khác nhau về vấn đề thời gian

Đức Kitô đã sống lại vào ngày thứ ba, trong khi việc sống lại của những người khác bị hoãn lại mãi cho đến ngày tận thế, ngoại trừ một vài trường hợp đặc biệt được ban cho đặc ân sống lại sớm hơn, chẳng hạn như trường hợp của Đức Trinh Nữ Maria, hoặc theo truyền thống đạo đức thì có thánh  sử Gioan. Lý do Đức Kitô sống lại vào ngày thứ ba là vì tất cả sự sinh ra, sự chết đi và Phục sinh của Ngài đều vì “ơn cứu độ của chúng ta”; vì thế Ngài đã muốn sống lại khi ơn cứu độ của chúng ta đã được hoàn tất. Nếu Ngài sống lại lập tức, thì chắc người ta đã không tin rằng linh hồn Ngài đã tách lìa khỏi thân xác. Một cách tương tự như vậy,  nếu Ngài trì hoãn cuộc phục sinh của Ngài lại lâu hơn, thì chắc các môn đệ của Ngài đã không còn giữ đức tin, và như vậy cuộc Thương khó của Ngài sẽ chẳng sinh ích được cho ai: “Máu tôi đổ ra làm gì; nào có ích lợi gì nếu tôi sa xuống ho”(Tv 29,10). Vì lý do ấy, Ngài đã sống lại vào ngày thứ ba, để người ta không hồ nghi gì về cái chết của Ngài đã chết và để các môn đệ không đức tin.

III. SỰ PHỤC SINH CỦA ĐỨC KITÔ DẠY TA ĐIỀU GÌ

Từ những điều vừa trình bày ở trên, chúng ta có thể rút ra bốn hệ luận như sau:

  1. Thứ nhất, chúng ta phải cố gắng sống lại cách thiêng liêng ra khỏi sự chết của linh hồn do tội lỗi gây ra, và cố gắng tiến tới đời sống công chính mà chúng ta có thể đạt được nhờ việc sám hối. Vì thế, thánh Phaolô nói (Ep 5,14): “Tỉnh giấc đi, hỡi người còn đang ngủ ! Từ chốn tử vong, trỗi dậy đi nào ! Đức Kitô sẽ chiếu sáng ngươi !”. Đây là cuộc phục sinh thứ nhất mà sách Khải huyền đã nói (20,6): “Hạnh phúc thay… kẻ được dự phần vào cuộc phục sinh thứ nhất này”.
  2. Thứ hai, chúng ta đừng chờ đến lúc chết mới lo tính việc sống lại khỏi tội lỗi, nhưng phải nhanh chóng trở về với đời sống ân sủng, bởi vì Đức Kitô đã sống lại vào ngày thứ ba. Có lời trong sách Huấn ca rằng (5,8): “Đừng trì hoãn, hãy trở về với Đức Chúa đi, đừng lần lữa hết ngày này quan ngày khác”. Thật vậy, làm thế nào bạn nghĩ đến ơn cứu độ vào lúc bị đè nặng bởi sự yếu đau? Đàng khác, khi bạn trì trệ trong tội lỗi, bạn đánh mất sự chia sẻ những việc tốt lành được thực hiện trong Giáo hội, và có nguy cơ mắc thêm nhiều sự dữ. Hơn nữa, như thánh Bêđa đã nói, ma qủy càng chiếm hữu ai lâu năm thì càng khó buông thả họ ra.
  3. Thứ ba, sự sống lại khỏi tội lỗi phải nhằm sống cuộc đời bất diệt, nghĩa là để không còn mất sự sống ân sủng nữa. Thật vậy, khi sống lại chúng ta phải quyết tâm sẽ không phạm tội nữa. Thánh Phaolô viết (Rm 6,9.11-13): “Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết, thì không bao giờ Người chết nữa, cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người…Anh em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Kitô Giêsu. Vậy tội lỗi đừng có thống trị thân xác phải chết của anh em nữa, khiến anh em phải nghe theo những dục vọng của thân xác. Anh em đừng dùng chi thể của anh em như khí cụ để làm điều bất chính, phục vụ cho tội lỗi nữa. Trái lại anh em là những người sống đã từ cõi chết trở về, anh em hãy hiến toàn thân cho Thiên Chúa, và dùng chi thể của anh em như khí cụ để làm điều công chính, phục vụ Thiên Chúa”.
  4. Thứ bốn, sự sống lại khỏi tội lỗi phải là sự sống lại vào cuộc sống mới và vinh hiển, bằng cách tránh những gì vốn là cơ hội hoặc nguyên nhân dẫn đến tội lỗi và sự chết. Thánh Phaolô nói (Rm 6,4): “Cũng như Đức Kitô đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới”. Đời sống mới này là đời sống công chính, đời sống ấy sẽ tái tạo linh hồn chúng ta và dẫn đưa chúng ta vào đời sống vinh quang. Amen.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here