SUY NIỆM VỚI THÁNH TÔMA AQUINÔ – PHẦN THỨ HAI
CHỦ ĐỀ 2: ĐỜI SỐNG THANH LUYỆN
BÀI 7: TỘI LỖI DẪN ĐẾN HÌNH PHẠT
Thánh Phaolô đã viết “Người sẽ bắt mọi kẻ làm điều ác phải gian nan khốn khổ” (Rm 2,9). Mà làm điều ác có nghĩa là phạm tội. Vì vậy, tội lỗi phải gánh chịu một hình phạt được biểu thị bằng những từ “gian nan khốn khổ”.
Trong những vật tự nhiên sang chuyện của con người, ta nhận thấy khi ta hành động chống lại điều gì, thì sẽ gặp phản ứng từ điều đó. Không lạ gì mà trong tương quan giữa con người, người ta phản ứng chống lại kẻ tấn công mình. Đáng khác, những gì được xếp trong một trật tự thì họp thành một đơn vị trong trật tự đó chiếu theo nguyên tắc của nó. Do đó, bất cứ điều gì chống lại trật tự đều bị dập tắt theo trật tự đó hoặc theo nguyên tắc của trật tự đó. Và vì tội là một hành vi mất trật tự nên hiển nhiên ai phạm tội là vi phạm trật tự. Theo đó, người đó sẽ bị khai trừ, trấn áp đi chính trật tự; và sự khai trừ này là một hình phạt.
Xét vì ý chí con người phải tùng phục ba thứ trật tự, cho nên nó có thể chịu ba thứ hình phạt tương ứng với ba trật tự ấy. 1) Trước hết, bản tính của con người phải tuân theo trật tự lý trí của chính mình; 2) thứ hai, với tư cách là thành viên của quốc gia hoặc của gia đình, con người phải tuân theo trật tự của người trên quyền của mình trong các vấn đề về tinh thần hoặc vật chất; 3) thứ ba, nó tuân theo trật tự phổ quát theo sự cai quản của Thiên Chúa. Mỗi trật tự này đều bị tội lỗi gây xáo trộn, vì tội nhân hành động trái với lý trí của mình, trái với luật lệ của con người và của Thiên Chúa. Vì vậy, con người phải chịu ba thứ hình phạt: hình phạt tự mình đặt ra với sự cắn rứt của lương tâm; hình phạt do người khác đặt ra; hình phạt bởi Thiên Chúa.
(Summa Theol. I-II, q. 87, a. 1)