SUY NIỆM VỚI THÁNH TÔMA AQUINÔ – CHỦ ĐỀ THANH LUYỆN – BÀI 5: VẾT NHƠ TỘI LỖI

0
342

SUY NIỆM VỚI THÁNH TÔMA AQUINÔ – PHẦN THỨ HAI

CHỦ ĐỀ 2: ĐỜI SỐNG THANH LUYỆN

BÀI 5: VẾT NHƠ TỘI LỖI

I

Đối với những vật hữu hình, một vết nhơ xảy ra khi một vật thể sáng láng mất đi vẻ đẹp của mình khi chạm đến một vật thể khác, chẳng hạn như một bộ quần áo, vàng, bạc hay tương tự. Một cách tương tự như vậy, vết nhơ cũng được gán cho những thực tại tinh thần. Linh hồn con người đón nhận vẻ đẹp theo hai phương diện: một thứ đến từ sự phản chiếu ánh sáng tự nhiên của lý trí, nhờ đó con người được hướng dẫn trong hành động của mình; và một thứ đến từ sự phản chiếu của ánh sáng thần linh, tức là đức khôn ngoan và ân sủng, nhờ đó con người trở nên hoàn hảo trong ý hướng làm điều thiện và hành động. Linh hồn được coi là có đụng chạm khi yêu thích một sự vật. Khi con người phạm tội, họ bám víu vào một số điều chống lại ánh sáng của lý trí và luật Thiên Chúa. Vì vậy, sự mất đi vẻ đẹp do bị vấy bẩn này gây ra được gọi một cách ẩn dụ là “vết nhơ” của linh hồn.

(Summa Theol. I-II, q. 86, a. 1)

II

Bởi vậy, một vật được cho là bị vấy bẩn khi nó mất đi vẻ đẹp vốn có của nó. Nói cho đúng, vết nhơ tự nó không có hiệu quả tích cực; chỉ khi so sánh với sự thiệt hại mà nó gây ra cho vẻ đẹp thì ta mới có thể nói đến hiệu quả của nó, chẳng hạn như khi một vết lọ dính trên mặt thì làm giảm đi vẻ đẹp của nó. Thế mà vẻ đẹp của linh hồn hệ tại ở việc giống với chính Thiên Chúa, và phải chiếu tỏa ánh sáng của ân sủng đã nhận được từ Ngài. Và cũng như ánh sáng mặt trời bị ngăn cản chúng ta đặt ra một vật chướng ngại, thì ánh sáng ân sủng của Thiên Chúa cũng bị hạn chế khỏi linh hồn bởi tội lỗi chúng ta tạo ra sự ngăn cách với Thiên Chúa.

Ánh sáng của ân sủng vừa hướng dẫn trí năng vừa lay động ý chí, nhưng tội lỗi dẫn đến một khiếm khuyết về hai mặt: trong trí năng vì mọi tội lỗi đều phát sinh từ sai lầm, nhưng khiếm khuyết chủ yếu nằm ở ý chí, bởi vì mọi tội lỗi đều ở trong ý muốn. Vì thế vết nhơ tội lỗi ảnh hưởng đến trí năng và ý chí, nhưng chủ yếu là ở ý chí.

(In IV Sent., Dist.18, q.1, a.2)

III

Vết nhơ tội lỗi vẫn tồn tại trong linh hồn ngay cả khi hành vi tội lỗi đã qua. Lý do là bởi vì vết nhơ cho thấy một khuyết điểm trong việc chiếu sáng vào linh hồn, vì nó xa cách ánh sáng của lý trí hay Luật Thiên Chúa. Và do đó, bao lâu con người còn ở xa ánh sáng này thì vết nhơ tội lỗi vẫn còn trong họ; nhưng ngay khi được ân sủng tác động, họ quay trở lại với Ánh sáng thần linh và ánh sáng của lý trí, thì vết nhơ được xóa bỏ. Tuy nhiên, mặc dù chấm dứt hành vi tội lỗi đã khiến con người xa cách ánh sáng của lý trí và luật lệ Thiên Chúa, thì con người cũng không ngay lập tức trở lại tình trạng trước đó; nhưng ý chí của họ cần phải có một chuyển động trái ngược với trước đó. Cũng như một người xa cách một điểm nào đó, thì không lập tức sẽ trở lại với điểm ấy khi chấm dứt sự xa cách, nhưng còn phải xích lại gần bằng một chuyển động trở về.

(Summa Theol., I-II, q. 86, a. 2)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here