SUY NIỆM VỚI THÁNH TÔMA AQUINÔ – PHẦN THỨ HAI
CHỦ ĐỀ 2: ĐỜI SỐNG THANH LUYỆN
BÀI 23: SỰ NGU XUẨN
I
Sự ngu xuẩn[1] khiến cho con tim trở nên ngây dại và giác quan trở nên trì độn. Sự ngu xuẩn trái ngược với sự sắc bén, vì trí năng được coi là sắc bén khi nó có thể thấu suốt sâu xa cái gì được đề xuất cho nó. Vì vậy, sự ngu xuẩn ám chỉ tâm trí không thể xuyên thấu vào bản chất của các sự vật. Một người bị coi là ngu xuẩn nếu họ phán đoán sai về mục đích tổng quát của cuộc sống, do đó, sự ngu xuẩn trái ngược hoàn toàn với ơn cao minh, vì ơn cao minh giúp chúng ta đánh giá đúng đắn về nguyên nhân phổ quát.
(Summa Theol. II-II, q. 8, a. 6, ad 1m)
II
Hiểu như vậy, sự ngu xuẩn là một tội lỗi, bởi vì nó bao hàm sự đần độn trong phán đoán và nhất là trong điều liên hệ với nguyên nhân tối cao, tức là cứu cánh tối hậu và sự thiện tối thượng. Về mặt này, một người có thể đần độn trong phán đoán bằng hai cách. Thứ nhất, xuất phát từ khuynh hướng tự nhiên, như trường hợp của những kẻ điên khùng, và sự ngu xuẩn như vậy không phải là tội lỗi. Thứ hai, khi giác quan đắm chìm vào những sự vật trần thế, khiến con người không còn khả năng nhận thức những điều thiêng liêng, theo lời thánh Phaolô (1 Cr 2,14), “Con người sống theo tính tự nhiên thì không đón nhận những gì của Thần Khí Thiên Chúa”, cũng như người có vị giác hư hỏng do thể dịch xấu thì mất mùi vị của các thức ăn ngọt ngào, và điều này là một tội lỗi.
III
Sự ngu xuẩn mà chúng ta đang bàn là con gái của dâm dục. Bởi vì, xét như là tội lỗi, sự ngu xuẩn phát sinh bởi cảm thức ra đần độn không có khả năng phán đoán những điều thiêng liêng. Thế nhưng, cảm thức của con người bị đắm chìm trong những thứ trần tục nhất là do dâm dục. Sự dâm dục được những thú vui hấp dẫn nhất, và linh hồn bị thu hút vào đó hơn cả, sự ngu xuẩn là tội lỗi phát sinh chủ yếu từ dâm dục.
Cũng tại vì ngu xuẩn mà người ta chán ghét Thiên Chúa và những ân huệ của Ngài. Bởi vậy, thánh Grêgôriô liệt kê sự ngu xuẩn vào số các cô con gái của dâm dục; ra như lòng thù ghét Thiên Chúa và sự tuyệt vọng về cuộc sống mai sau là hai thành phần của sự ngu xuẩn.
(Summa Theol. II-II, q. 46)
————————————
[1] Ở đây, sự ngu xuẩn (stultitia) hiểu theo nghĩa luân lý, chứ không theo nghĩa tâm lý (hay tâm bệnh).